Trong vòng hơn 300 năm tiếp theo, người khổng lồ Á-Phi đã nuốt chửng toàn bộ các thế giới khác. Nó đã nuốt chửng thế giới Mesoamerica vào năm 1521, khi người châu Âu xâm lược Đế chế Aztec. Nó đã dành miếng cắn đầu tiên của mình cho thế giới Đại dương cùng lúc, trong hành trình vòng quanh thế giới bằng đường biển của Ferdinand Magellan và ngay sau khi hoàn thành sự xâm lược của nó. Thế giới Andes bị sụp đổ vào năm 1532, khi những kẻ xâm lược Tây Ban Nha nghiền nát Đế chế Inca. Người châu Âu đầu tiên đặt chân lên lục địa châu Úc năm 1606, và thế giới nguyên thủy đó đã đi đến chỗ kết thúc khi người Anh sốt sắng thuộc địa hoá nó năm 1788. 15 năm sau khi những người Anh thành lập khu định cư đầu tiên của mình ở Tasmania, đã mang thế giới tự trị cuối cùng của con người vào phạm vi ảnh hưởng Á-Phi.
Người khổng lồ Á-Phi phải mất vài thế kỷ để tiêu hoá hết những gì mà nó đã nuốt gọn, nhưng quá trình này là không thể đảo ngược. Ngày nay, hầu hết loài người chia sẻ cùng một hệ thống địa chính trị (toàn thể hành tinh được chia thành những quốc gia được công nhận quốc tế), cùng một hệ thống kinh tế (ảnh hưởng của thị trường tư bản đã hình thành ở cả những góc xa xôi nhất của thế giới), cùng một hệ thống pháp luật (nhân quyền và luật pháp quốc tế có hiệu lực khắp nơi, ít nhất là theo lý thuyết), và cùng một hệ thống khoa học (các chuyên gia ở Iran, Israel, Úc và Argentina đều có cùng quan điểm về cấu trúc nguyên tử hoặc việc điều trị bệnh lao).
Nền văn hoá toàn cầu đơn lẻ này không đồng nhất. Giống như một cơ thể hữu cơ đơn lẻ chứa rất nhiều loại cơ quan và tế bào khác nhau, nền văn hoá toàn cầu đơn lẻ của chúng ta gồm có rất nhiều loại người với các lối sống khác nhau, từ những người buôn chứng khoán ở New York cho đến những người chăn cừu ở Afghanistan. Tuy thế, tất cả họ đều có mối liên kết gần gũi và gây ảnh hưởng đến nhau theo nhiều cách. Họ vẫn tranh luận và đánh nhau, nhưng họ tranh luận với cùng những khái niệm, và đánh nhau với cùng loại vũ khí. Một “sự va chạm giữa các nền văn minh” thực sự giống như đoạn hội thoại của người điếc mà ai cũng biết. Không ai có thể hiểu người kia đang nói gì. Ngày nay, khi Iran và Mỹ so gươm với nhau, họ đều nói ngôn ngữ của những quốc gia-dân tộc, của nền kinh tế tư bản, của các quyền quốc tế và vật lý lượng tử.
Chúng ta vẫn thường nói nhiều đến những nền văn hoá “đích thực”, nhưng nếu “đích thực” mà chúng ta hàm ý về cái gì đó phát triển một cách hoàn toàn độc lập, và bao gồm những truyền thống địa phương cổ đại không bị tác động bởi yếu tố bên ngoài, thì theo đó không có những nền văn hoá đích thực còn lại trên Trái đất này. Trong vài thế kỷ gần đây, hầu hết các nền văn hoá đều thay đổi đến mức không thể nhận ra bởi dòng chảy cuồn cuộn của các ảnh hưởng toàn cầu.
Một trong những ví dụ thú vị nhất của sự toàn cầu hoá này là ẩm thực “dân tộc”. Trong một nhà hàng Ý, chúng ta muốn món mì Spaghetti với sốt cà chua; ở một nhà hàng Ba Lan và Ireland thì có nhiều khoai tây; ở một nhà hàng Argentina chúng ta có thể lựa chọn nhiều loại thịt bò; ở một nhà hàng Ấn Độ, ớt cay nóng được kết hợp với mọi thứ; và điểm nổi bật của bất cứ quán cà phê Thụy Sĩ nào là sô-cô-la nóng và đặc nằm dưới một lớp kem được đánh lên thành hình ngọn núi. Nhưng không có đồ ăn nào kể trên là đặc sản của những đất nước đó. Cà chua, ớt cay và ca cao, tất cả đều có nguồn gốc từ Mexico; chúng tới châu Âu và châu Á chỉ sau khi người Tây Ban Nha xâm lược Mexico. Julius Caesar và Dante Alighieri không bao giờ dùng nĩa cuốn những sợi mì spaghetti đẫm sốt cà chua (thậm chí những chiếc nĩa cũng chưa được phát minh ra), William Tell chưa bao giờ được nếm sô-cô-la, và Đức Phật chưa bao giờ dùng ớt làm gia vị cho thức ăn của mình. Khoai tây tới Ba Lan và Ireland mới cách đây 400 năm. Và miếng bít-tết duy nhất mà bạn có thể có được ở Argentina vào năm 1492 là thịt của một con lạc đà không bướu.
Những bộ phim Hollywood đã duy trì hình ảnh người thổ dân da đỏ ở Đại Bình nguyên là những người chăn ngựa can đảm, dũng cảm tấn công những chiếc xe ngựa của thực dân châu Âu để bảo vệ truyền thống của tổ tiên họ. Tuy nhiên, những người chăn ngựa Mỹ bản xứ này không phải là những người bảo vệ cho nền văn hoá cổ xưa và đích thực. Thay vào đó, họ là sản phẩm của cuộc cách mạng chính trị và quân sự trọng đại đã quét qua vùng đồng bằng lớn ở phía tây của Bắc Mỹ vào thế kỷ 17 và 18, kết quả của việc những con ngựa châu Âu tới lục địa này. Cho đến năm 1492, không có con ngựa nào ở Mỹ. Nền văn hoá Sioux và Apache thế kỷ 19 có nhiều đặc điểm hấp dẫn, nhưng nó là một nền văn hoá hiện đại – kết quả của những sức mạnh toàn cầu – nhiều hơn là văn hoá “đích thực”.
Viễn cảnh toàn cầu
Từ một viễn cảnh thực tế, giai đoạn quan trọng nhất của quá trình thống nhất toàn cầu xuất hiện trong một vài thế kỷ gần đây, khi những đế chế phát triển và thương mại gia tăng. Những mối liên kết ngày càng được thắt chặt giữa những người thuộc Á-Phi, châu Mỹ, châu Úc và châu Đại Dương. Vì vậy, ớt cay Mexico có thể được dùng trong đồ ăn Ấn Độ, và gia súc Tây Ban Nha bắt đầu gặm cỏ ở Argentina. Song, từ quan điểm ý thức hệ, một sự phát triển quan trọng hơn xuất hiện trong thiên niên kỷ 1 TCN, khi ý tưởng về một trật tự chung bén rễ. Trong hàng ngàn năm trước đây, lịch sử cũng đã chuyển động rất chậm theo hướng thống nhất toàn cầu, nhưng ý tưởng về một trật tự phổ quát chi phối toàn thế giới vẫn rất xa lạ đối với hầu hết mọi người.
Homo sapiens tiến hoá để nghĩ rằng con người được phân chia thành chúng ta và chúng nó. “Chúng ta” là nhóm trực tiếp ở quanh bạn dù bạn là ai, còn “chúng nó” là những người còn lại. Trong thực tế, chưa bao giờ có loài động vật xã hội nào bị dẫn dắt bởi những lợi ích của toàn thể loài mà nó thuộc về. Không có con tinh tinh nào quan tâm đến lợi ích của loài tinh tinh, không có con ốc sên nào giương cao một cái xúc tu cho cộng đồng ốc sên toàn cầu, không có con sư tử alpha nào nỗ lực để trở thành vua của mọi sư tử, và ở lối vào của tổ ong, không thể tìm thấy khẩu hiệu “Những ong thợ của thế giới – đoàn kết lại!”
Nhưng bắt đầu với Cách mạng Nhận thức, Homo sapiens đã trở nên ngày càng khác thường ở khía cạnh này. Con người bắt đầu hợp tác thường xuyên với những người hoàn toàn xa lạ, những người mà họ tưởng tượng như là “anh em” hoặc “bạn bè”. Song, tình anh em này không mang tính phổ quát. Ở nơi nào đó trong thung lũng bên cạnh, hoặc vượt qua rặng núi, người ta vẫn có thể cảm nhận thấy “chúng nó”. Khi Pharaoh đầu tiên Menes thống nhất Ai Cập khoảng năm 3000 TCN, người Ai Cập hiểu rõ rằng Ai Cập có một đường biên giới, và bên ngoài đường biên giới này lần quất “những kẻ man rợ”. Những kẻ man rợ này xa lạ, đầy đe dọa, và chỉ đáng bận tâm vì chúng có đất đai hoặc tài nguyên thiên nhiên mà người Ai Cập thèm khát. Tất cả những trật tự tưởng tượng do con người tạo ra đều có khuynh hướng phớt lờ một phần trọng yếu của nhân loại.
Thiên niên kỷ 1 TCN chứng kiến sự xuất hiện của ba trật tự phổ quát tiềm ẩn mà những người hâm mộ chúng có thể lần đầu tiên tưởng tượng ra toàn thể thế giới và toàn thể loài người như một đơn vị độc lập được điều hành bởi một bộ luật duy nhất. Mỗi người chính là “chúng ta”, ít nhất là về mặt tiềm năng. Không còn “chúng nó” nữa. Trật tự phổ quát đầu tiên xuất hiện là kinh tế: trật tự tiền tệ. Trật tự thứ hai là chính trị: trật tự đế chế. Trật tự thứ ba là tôn giáo: trật tự của những tôn giáo phổ quát như Phật giáo, Ki-tô giáo và Hồi giáo.
Các nhà buôn, kẻ đi xâm chiếm và nhà tiên tri là những người đầu tiên có thể xoay xở để vượt qua được sự phân chia tiến hoá nhị phân, “chúng ta và chúng nó”, đoán trước được khả năng thống nhất của nhân loại. Đối với nhà buôn, toàn thế giới là một thị trường đơn lẻ và mọi người đều là những khách hàng tiềm năng. Họ cố gắng tạo ra một trật tự kinh tế có thể áp dụng được cho mọi người và mọi nơi. Đối với kẻ đi xâm chiếm, toàn thế giới là một đế chế duy nhất, và mọi người đều là những kẻ bị trị tiềm năng; đối với nhà tiên tri, toàn thế giới nắm giữ một sự thật duy nhất, mọi người đều là những tín đồ tiềm năng. Họ cũng cố gắng tạo ra một trật tự có thể áp dụng cho mọi người ở mọi nơi.
Trong ba thiên niên kỷ gần đây, con người càng ngày càng có nhiều nỗ lực đầy tham vọng để hiện thực hoá tầm nhìn toàn cầu. Ba chương tiếp theo sẽ thảo luận về việc làm thế nào tiền bạc, các đế chế và các tôn giáo phổ quát lại có thể lan rộng, và cách chúng đặt nền móng cho một thế giới thống nhất ngày nay. Chúng ta bắt đầu câu chuyện về kẻ xâm chiếm vĩ đại nhất trong lịch sử, một kẻ chinh phục có sức chịu đựng và khả năng thích nghi tột bậc, vì vậy đã biến con người trở thành những môn đồ hăng hái. Kẻ chinh phục này chính là tiền bạc. Những con người không tin vào cùng một Đấng tối cao, không tuân lệnh cùng một vua, nhưng lại sẵn sàng sử dụng cùng một loại tiền. Osama Bin Laden, cho dù có lòng căm thù đối với văn hoá Mỹ, tôn giáo Mỹ và chính trị Mỹ, nhưng lại rất thích những đồng đô-la Mỹ. Vậy làm cách nào mà tiền lại có thể thành công ở những nơi mà các vị thần và vua đã thất bại?