Đàn bà thường được cho là kiểu người thao túng và xoa dịu tốt hơn đàn ông, họ nổi tiếng với khả năng nhìn nhận tài tình mọi thứ từ quan điểm của kẻ khác. Nếu như có bất kỳ sự thật nào trong những khuôn mẫu này, thì đàn bà phải là những chính trị gia xuất sắc và kiến tạo nên đế chế, nhường lại công việc bẩn thỉu trên chiến trường cho các đấng nam nhi đầy hoóc-môn nam tính nhưng tâm hồn lại đơn giản. Tuy có một vài huyền thoại nổi tiếng, nhưng điều này hiếm khi xảy ra trong thế giới thực. Cũng chẳng rõ tại sao lại hiếm.
Những gen gia trưởng
Cách lý giải sinh học thứ ba xem nhẹ vai trò của sự cục súc và bạo lực, nó cho rằng trải qua hàng triệu năm tiến hoá, đàn bà và đàn ông đã tiến hoá theo nhiều chiến lược sinh tồn và sinh sản khác nhau. Vì đàn ông phải cạnh tranh với những kẻ khác để giành cơ hội thụ thai cho những đàn bà tốt giống, nên những cơ hội sinh sản của một cá nhân phụ thuộc trước hết vào khả năng vượt lên trên và đánh bại những đàn ông khác. Thời gian trôi đi, những gen nam tính được truyền cho thế hệ sau sẽ là gen của những người đàn ông tham vọng nhất, hung hăng nhất, và cạnh tranh nhất.
Mặt khác, một người đàn bà sẽ không gặp vấn đề gì khi tìm một người đàn ông sẵn sàng làm cho mình thụ thai. Tuy nhiên, nếu cô ta muốn con cái mình sẽ cho cô ta những đứa cháu, thì cô ta phải mang những đứa con trong tử cung của mình suốt chín tháng đầy gian khổ, sau đó nuôi dưỡng chúng trong nhiều năm. Trong suốt thời gian này, cô ta sẽ ít có cơ hội kiếm thức ăn hơn và cần nhiều sự giúp đỡ hơn. Cô ta cần một người đàn ông. Để có thể đảm bảo cho sự sống sót của mình và của những đứa con, đàn bà có rất ít lựa chọn ngoài việc phải đồng ý với bất cứ điều kiện nào mà đàn ông đưa ra, có như vậy người này mới quanh quẩn xung quanh và chia sẻ một số gánh nặng. Thời gian trôi đi, gen nữ giới được truyền cho thế hệ sau sẽ là gen của những đàn bà chăm sóc phục tùng. Những đàn bà dành quá nhiều thời gian để tranh giành quyền lực sẽ không để lại bất cứ gì trong bộ gen quyền lực đó cho những thế hệ tương lai.
Theo lý thuyết trên, kết quả của những chiến lược sinh tồn khác nhau này là đàn ông đã được lên chương trình để trở nên tham vọng, cạnh tranh và trội hơn trong lĩnh vực chính trị và kinh doanh, trong khi đàn bà có xu hướng bỏ qua những bận tâm đó và dành đời mình để nuôi dạy con cái.
Nhưng cách tiếp cận này cũng có vẻ như đi ngược lại với bằng chứng thực nghiệm. Vấn đề ở đây là giả thiết cho rằng sự phụ thuộc của đàn bà vào sự giúp đỡ bên ngoài đã làm cho họ phụ thuộc vào đàn ông hơn là vào đàn bà khác, và tính cạnh tranh của đàn ông đã làm cho họ trở nên vượt trội về mặt xã hội. Có nhiều loài động vật như voi, tinh tinh lùn, mà trong đó động lực giữa những con cái phụ thuộc và những con đực cạnh tranh đã dẫn đến một xã hội mẫu quyền. Vì con cái cần sự giúp đỡ bên ngoài, nên chúng bắt buộc phải phát triển kĩ năng xã hội của mình và học cách làm thế nào để hợp tác và xoa dịu. Chúng xây dựng nên những mạng lưới xã hội toàn con cái để giúp đỡ mỗi thành viên trong việc nuôi dưỡng con mình. Trong khi đó, những con đực sử dụng thời gian của mình để đánh nhau và cạnh tranh. Những kĩ năng xã hội và ràng buộc xã hội của chúng vẫn còn kém phát triển. Các xã hội loài voi và tinh tinh lùn được điều hành bởi những mạng lưới vững chắc của những con cái luôn sẵn sàng hợp tác, trong khi những con đực luôn coi mình là trung tâm vũ trụ và không sẵn sàng hợp tác nên đã bị đẩy ra ngoài đường biên. Mặc dù con cái nói chung yếu ớt hơn con đực, nhưng chúng thường kéo bè cánh để đánh những con đực vượt quá giới hạn của mình.
Nếu điều này có thể xảy ra với loài voi và tinh tinh lùn, thì tại sao lại không thể với Homo sapiens! Sapiens là một loài động vật tương đối yếu ớt mà lợi thế của họ dựa trên khả năng hợp tác với số lượng lớn. Nếu vậy, chúng ta mong rằng những đàn bà phụ thuộc, kể cả phụ thuộc vào đàn ông, sẽ sử dụng những kĩ năng xã hội giỏi hơn của mình để hợp tác tốt hơn, vượt lên và thao túng đàn ông hung hăng, độc lập, tự coi mình là trung tâm.
Làm thế nào mà trong một loài có sự thành công phụ thuộc trước hết vào sự hợp tác, những cá nhân bị coi là kém hợp tác hơn (đàn ông) lại kiểm soát những cá nhân được cho là sẵn sàng hợp tác hơn (đàn bà)? Hiện nay, chúng ta không có câu trả lời thỏa đáng. Có thể những giả định phổ biến này là sai lầm. Có thể những con đực của loài Homo sapiens không chỉ đặc trưng bởi sức mạnh thể lực, tính hung hăng và tính cạnh tranh, mà hơn thế còn là những kĩ năng xã hội giỏi hơn và xu hướng hợp tác tốt hơn. Chúng ta không thể biết được.
Tuy nhiên, những gì chúng ta đã biết đó là trong suốt thế kỷ trước, vai trò của giới đã trải qua một cuộc cách mạng dữ dội. Hiện nay, ngày càng có nhiều xã hội trao cho đàn ông và đàn bà địa vị pháp lý, các quyền về chính trị và các cơ hội kinh tế bình đẳng với nhau. Mặc dù khoảng cách về giới vẫn là đáng kể, nhưng những sự kiện này vẫn đang xảy ra với một tốc độ nghẹt thở. Năm 1913, ý tưởng trao quyền bỏ phiếu cho nữ giới nhìn chung được coi là điên rồ ở Mỹ; nữ giới đã từng mơ rằng vào năm 2013, năm thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, trong đó có ba nữ, sẽ quyết định ủng hộ việc hợp thức hoá hôn nhân đồng tính (bác bỏ sự phản đối của bốn thẩm phán nam).
Những sự thay đổi đáng kinh ngạc này chính xác là những gì đã làm cho lịch sử về giới gây bối rối. Như đã được chứng minh rất rõ ràng ngày nay, nếu hệ thống gia trưởng dựa trên những huyền thoại không có cơ sở thay vì những thực tế sinh học, thì điều gì giải thích cho tính phổ quát và ổn định của hệ thống này?
Phần 3
SỰ THỐNG NHẤT CỦA LOÀI NGƯỜI
9. Mũi tên lịch sử
Sau Cách mạng Nông nghiệp, xã hội loài người phát triển rộng lớn hơn và phức tạp hơn, trong khi những cấu trúc tưởng tượng để duy trì trật tự xã hội cũng trở nên tinh vi hơn. Các huyền thoại và những chuyện hư cấu đã làm cho con người, gần như từ thời điểm được sinh ra, quen với việc nghĩ theo những cách nhất định, cư xử dựa trên những tiêu chuẩn nhất định, mong muốn một số thứ nhất định, và tuân theo những quy tắc nhất định. Vì vậy, họ đã tạo ra những bản năng nhân tạo, làm cho hàng triệu người xa lạ có thể hợp tác hiệu quả. Mạng lưới những bản năng nhân tạo này được gọi là “văn hoá”.
Trong suốt nửa đầu thế kỷ 20, các học giả đã dạy rằng mỗi nền văn hoá đều hoàn chỉnh và hài hòa, sở hữu một bản chất cốt lõi không thể thay đổi, xác định rõ đặc điểm của nó mọi lúc. Mỗi nhóm người đều có thế giới quan, hệ thống sắp đặt về xã hội, luật pháp và chính trị của riêng mình, được vận hành một cách trơn tru như các hành tinh xoay quanh Mặt trời. Theo quan điểm này, những nền văn hoá nếu để mặc chúng hoạt động sẽ không thay đổi. Chúng tiếp tục vận hành với cùng một tốc độ và cùng một hướng. Chỉ khi có sự tác động từ bên ngoài mới làm cho chúng thay đổi. Chính vì vậy, các nhà nhân loại học, sử gia và chính trị gia đã xem “Nền văn hoá Samoa” hoặc “Nền văn hoá Tasmania” như là những niềm tin, tiêu chuẩn và giá trị đã hình thành nên các đặc điểm của người Samoa và người Tasmania từ thời xa xưa.
Ngày nay, hầu hết các nhà nghiên cứu văn hoá đều kết luận rằng ngược lại mới đúng. Mỗi nền văn hoá đều có những niềm tin, tiêu chuẩn và giá trị đặc thù, nhưng chúng thay đổi liên tục. Nền văn hoá có thể biến đổi mình để đối phó lại với những thay đổi trong môi trường của nó hoặc qua sự tương tác với các nền văn hoá láng giềng. Nhưng các nền văn hoá cũng trải qua sự thay đổi do những động lực bên trong chúng. Thậm chí một nền văn hoá bị cô lập hoàn toàn, tồn tại trong một môi trường ổn định về mặt sinh thái cũng không thể tránh khỏi sự thay đổi. Không giống như các định luật vật lý vốn tránh được các mâu thuẫn, mỗi trật tự nhân tạo đều hàm chứa những mâu thuẫn nội bộ. Các nền văn hoá đã liên tục cố gắng để hòa giải những mâu thuẫn này, và quá trình đó đã cung cấp nhiên liệu cho sự thay đổi.
Ví dụ, ở châu Âu trung cổ, giới quý tộc tin vào cả Ki-tô giáo lẫn tinh thần hiệp sĩ. Một nam quý tộc điển hình sẽ đến nhà thờ vào buổi sáng, lắng nghe linh mục diễn thuyết về cuộc sống của các vị thánh. “Sự phù phiếm của những sự phù phiếm”, linh mục nói, “tất cả đều là phù phiếm. Sự giàu có, thèm khát và danh vọng là những cám dỗ nguy hiểm. Con phải vượt lên trên chúng, và đi theo bước chân của Thiên Chúa. Hãy nhu mì giống như Thiên Chúa, tránh xa bạo lực và sự tiêu xài phung phí, và nếu bị tấn công – hãy giơ bên má còn lại ra”. Trở về nhà với một tâm trạng nhu mì và trầm ngâm, người đàn ông quý tộc sẽ thay bộ quần áo bằng lụa đẹp nhất và tới một bữa tiệc lớn trong lâu đài lãnh chúa của mình. Ở đó rượu chảy như nước, những người hát rong ca ngợi Lancelot và Guinevere, còn các vị khách thì trao đổi những lời đùa cợt bẩn thỉu và những câu chuyện về các cuộc chiến đẫm máu. Các vị nam tước tuyên bố, “Chết đi còn hơn là sống trong sự hổ thẹn. Nếu một kẻ nào đó nghi ngờ về danh dự của bạn, chỉ có máu mới xóa sạch được sự lăng mạ này. Trong cuộc sống có gì vui hơn ngoài việc nhìn thấy kẻ thù chạy trốn bạn, và những đứa con gái xinh đẹp của chúng run sợ dưới chân bạn?”