Gần đây, ngôn ngữ toán học đã có thêm một hệ thống chữ viết mang tính cách mạng hơn, hệ thống chữ viết nhị phân vi tính chỉ gồm hai ký tự: 0 và 1. Những chữ mà tôi đang gõ trên bàn phím máy vi tính của mình được viết bởi những sự kết hợp khác nhau của 0 và 1.
Chữ viết được sinh ra để làm kẻ hầu cho ý thức con người, nhưng dần dần nó lại đóng vai trò ông chủ. Những chiếc máy vi tính của chúng ta khó có thể hiểu được cách Homo sapiens nói, cảm nhận và mơ ước. Vì vậy, chúng ta đang dạy Homo sapiens cách nói, cảm nhận và mơ ước bằng ngôn ngữ của những con số mà máy vi tính có thể hiểu được.
Và đây không phải là điểm kết thúc của câu chuyện. Lĩnh vực trí thông minh nhân tạo đang nghiên cứu để tạo ra một dạng trí thông minh mới chỉ dựa trên hệ chữ viết nhị phân của máy vi tính. Những bộ phim khoa học viễn tưởng như Ma trận và Kẻ hủy diệt kể về cái ngày hệ nhị phân phá bỏ gông xiềng của loài người. Khi con người cố gắng giành lại quyền kiểm soát hệ nhị phân nổi loạn này, nó đáp trả bằng cách quét sạch loài người.
8. Không có công lý trong lịch sử
Để hiểu lịch sử loài người trong thiên niên kỷ sau Cách mạng Nông nghiệp, cần tập trung vào một câu hỏi duy nhất: làm thế nào con người có thể tổ chức mình trong những mạng lưới hợp tác đại chúng, khi họ thiếu những bản năng sinh học cần thiết để duy trì những mạng lưới như vậy? Câu trả lời ngắn gọn là con người đã sáng tạo ra các trật tự tưởng tượng và các kiểu chữ viết. Hai phát minh này đã lấp đầy những khoảng trống mà sự kế thừa sinh học của chúng ta để lại.
Tuy nhiên, đối với nhiều người, sự xuất hiện của những mạng lưới này là một sự may mắn đáng ngờ. Những trật tự tưởng tượng duy trì những mạng lưới này không trung lập và cũng không công bằng. Chúng phân chia con người thành những nhóm không có thật, sắp xếp họ vào một hệ thống phân tầng. Những tầng lớp trên được hưởng đặc quyền đặc lợi và quyền lực, trong khi những tầng lớp dưới phải chịu sự phân biệt đối xử và áp bức. Bộ luật Hammurabi là một ví dụ, nó đã thiết lập một tôn ti trật tự xã hội gồm có giới ưu tú, thường dân và nô lệ. Giới ưu tú nhận được mọi thứ tốt đẹp trong cuộc sống. Thường dân nhận được những gì còn lại. Nô lệ nhận được sự đánh đập nếu họ phàn nàn.
Bất chấp tuyên bố của mình về sự công bằng cho tất cả mọi người, trật tự xã hội do người Mỹ thiết lập năm 1776 cũng đã tạo ra một sự phân tầng. Nó sinh ra sự phân tầng giữa đàn ông được hưởng lợi từ nó với phụ nữ bị nó tước mất quyền lợi. Nó sinh ra sự phân tầng giữa người da trắng được hưởng tự do với người da đen và da đỏ bị xem là loại người thấp kém hơn, vì vậy không được chia sẻ quyền bình đẳng của con người. Nhiều người từng ký vào bản Tuyên ngôn Độc lập là những chủ nô. Họ đã không giải phóng nô lệ của mình dù đã ký vào bản Tuyên ngôn, và cũng không thấy mình là đạo đức giả. Theo quan điểm của họ, hầu như không có nhân quyền dành cho người da đen.
Trật tự Mỹ cũng đã tạo ra sự phân tầng giữa người giàu và người nghèo. Hầu hết người Mỹ ở thời điểm đó đều không coi đấy là bất bình đẳng, khi cha mẹ giàu có để lại tiền và sự nghiệp kinh doanh của mình cho con cái. Theo quan điểm của họ, sự công bằng đơn giản có nghĩa là những luật lệ giống nhau được áp dụng cho cả người giàu và người nghèo. Nó chẳng liên quan gì đến trợ cấp thất nghiệp, giáo dục hòa nhập hoặc bảo hiểm y tế. Tự do cũng vậy, nó mang rất nhiều ý nghĩa khác so với ngày nay. Vào năm 1776, nó không có nghĩa là những người bị tước quyền (chắc chắn không phải là người da đen, da đỏ hay phụ nữ) có thể giành được và sử dụng quyền lực. Nó đơn giản có nghĩa là, trừ những trường hợp bất thường, nhà nước không thể tịch thu tài sản cá nhân của người dân hoặc bảo anh ta phải làm gì với chúng. Vì vậy, trật tự Mỹ duy trì sự phân tầng tài sản, mà một số người nghĩ rằng do Chúa ủy thác và số khác thì nhìn nhận nó là đại diện cho những luật lệ tự nhiên bất biến. Họ khẳng định tự nhiên đã ban tặng sự giàu có cho công lao xứng đáng, và trừng phạt những kẻ lười biếng.
Tất cả những sự khác biệt được để cập ở trên – giữa người tự do và nô lệ, giữa người da trắng và người da đen, giữa người giàu và người nghèo, đều bắt nguồn từ những điều hư cấu. (Sự phân tầng giữa nam và nữ sẽ được thảo luận sau). Song, một quy luật sắt của lịch sử là mỗi sự phân tầng tưởng tượng đều từ chối những nguồn gốc hư cấu của nó, khẳng định tính tự nhiên và tất yếu của mình. Ví dụ, nhiều người có quan điểm rằng sự phân tầng thành người tự do và nô lệ là tự nhiên và đúng đắn, rằng chế độ nô lệ không phải là phát minh của con người. Hammurabi đã coi nó là do những vị thần quy định. Aristotle lập luận rằng nô lệ mang “bản tính nô lệ” trong khi người tự do có “bản tính tự do”. Thân phận của họ trong xã hội đơn giản chỉ phản ánh bản tính tự nhiên bẩm sinh của họ.
Hãy hỏi một người theo thuyết người da trắng ưu việt về sự phân tầng chủng tộc, bạn sẽ được nghe một bài thuyết giảng ngụy khoa học liên quan đến sự khác nhau về mặt sinh học giữa các chủng tộc. Khả năng là bạn sẽ được bảo rằng có một thứ gì đó trong dòng máu hay bộ gen chủng tộc da trắng làm cho người da trắng về bản chất là thông minh hơn, đạo đức hơn và làm việc chăm chỉ hơn. Hãy hỏi một nhà tư bản bảo thủ đến cùng về sự phân tầng giàu nghèo, có vẻ như bạn cũng sẽ được nghe rằng nó là kết quả không thể tránh khỏi của sự khác nhau khách quan trong năng lực. Người giàu có nhiều tiền hơn là do họ có khả năng hơn và siêng năng hơn. Vì vậy, đừng có ai phàn nàn gì nếu như người giàu nhận được sự chăm sóc sức khỏe tốt hơn, giáo dục tốt hơn và dinh dưỡng tốt hơn. Người giàu xứng đáng với những đặc quyền mà họ được hưởng.
Những người Hindu trung thành với chế độ đẳng cấp tin rằng sức mạnh vũ trụ đã làm cho người ở tầng lớp này ưu việt hơn tầng lớp khác. Theo một thần thoại sáng thế nổi tiếng của người Hindu, những vị thần tạo ra thế giới từ cơ thể của một sinh vật nguyên thủy gọi là Purusa. Mặt trời được tạo ra từ mắt của Purusa, Mặt trăng từ bộ óc, Brahmin (các thầy tu) từ miệng, Kshatriya (các chiến binh) từ cánh tay, Vaishya (những nông dân và các nhà buôn) từ hai đùi và Shudra (những đầy tớ) từ đôi chân. Việc chấp nhận sự giải thích này và sự khác nhau về mặt chính trị xã hội giữa Brahmin và Shudras là chuyện tự nhiên và vĩnh cửu như sự khác nhau giữa Mặt trăng và Mặt trời. Người Trung Hoa cổ đại tin rằng thần Nữ Oa đã tạo ra con người từ đất, bà nhào trộn ra giới quý tộc từ đất vàng nhỏ mịn, trong khi thường dân được tạo thành từ bùn nâu.
Song, với hiểu biết tốt nhất của chúng ta, những sự phân tầng này đều là sản phẩm của trí tưởng tượng của con người. Brahmin và Shudra đều không thực sự được các vị thần tạo ra từ những phần khác nhau của một sinh vật nguyên thủy. Thay vào đó, sự khác nhau giữa hai đẳng cấp này được sinh ra bởi luật pháp và các quy tắc do con người tạo ra ở phía bắc Ấn Độ cách đây khoảng 3.000 năm. Trái với Aristotle, không có sự khác biệt nào về mặt sinh học được biết đến giữa nô lệ và người tự do. Chính luật pháp và các quy tắc của con người đã biến một số người trở thành nô lệ và một số khác trở thành ông chủ. Giữa người da trắng và người da đen có một vài điểm khác nhau khách quan về mặt sinh học, như màu da, kiểu tóc, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy có sự khác nhau liên quan đến trí thông minh và đạo đức.
Hầu hết mọi người đều khẳng định rằng sự phân tầng xã hội của họ là theo tự nhiên, còn của các xã hội khác là dựa vào những tiêu chí sai lầm và vô lý. Người phương Tây hiện đại được dạy dỗ để chế giễu quan niệm về sự phân biệt chủng tộc. Họ bị sốc bởi những bộ luật cấm người da đen sống trong khu vực gần người da trắng, hoặc học tập trong trường dành cho người da trắng, hoặc được chữa trị ở bệnh viện của người da trắng. Nhưng sự phân tầng giàu nghèo đã đặt người giàu có sống trong những khu vực riêng biệt và sang trọng hơn, học tập trong những trường học riêng biệt và có uy tín hơn, nhận được điều trị y tế riêng biệt với cơ sở hạ tầng được trang bị tốt hơn, thì lại có vẻ hoàn toàn hợp lý với nhiều người Mỹ và châu Âu. Song, thực tế đã chứng minh rằng hầu hết người giàu thì đều giàu có bởi những lý do hết sức đơn giản, vì họ sinh ra trong gia đình giàu có, trong khi hầu hết người nghèo cũng sẽ tiếp tục nghèo cả đời, đơn giản vì họ sinh ra trong gia đình nghèo.
Thật không may, các xã hội loài người phức tạp có vẻ lại đòi hỏi những sự phân tầng tưởng tượng và sự phân biệt đối xử bất công. Tất nhiên, không phải mọi sự phân tầng đều giống nhau về phương diện đạo đức, và một số xã hội còn phải chịu đựng những dạng phân biệt đối xử cực đoan hơn, song các nhà nghiên cứu biết rằng không có xã hội lớn nào có thể bỏ qua hoàn toàn sự phân biệt đối xử. Con người đã thường xuyên tạo ra trật tự xã hội bằng việc phân loại cư dân thành những phạm trù tưởng tượng như tầng lớp ưu tú, thường dân và nô lệ; người da trắng và người da đen; quý tộc và bình dân; Brahmin và Shudra; hoặc người giàu và người nghèo. Các phạm trù này đã quy định những mối quan hệ giữa hàng triệu người bằng việc làm cho một số người trở nên ưu việt hơn về mặt pháp luật, chính trị hay xã hội so với những người khác.