Thế nhưng, làm cách nào để bạn tìm và khôi phục thông tin được lưu giữ trên những sợi dây quipu và các phiến đất sét? Nếu bạn chỉ có 10 hay 100 phiến đất sét, điều này không thành vấn đề. Nhưng sẽ thế nào nếu bạn đã tích trữ hàng ngàn phiến, giống như một người cùng thời với Hammurabi, Vua Zimrilim xứ Mari?
Thử tưởng tượng vào thời điểm năm 1776 TCN. Hai người Mari đang tranh chấp quyền sở hữu một ruộng lúa mì. Jacob khăng khăng rằng anh ta đã mua cánh đồng này từ Esau cách đó 30 năm. Esau vặn lại rằng trong thực tế anh ta cho Jacob thuê ruộng lúa mì trong thời hạn 30 năm, và đến nay đã hết hạn, anh ta có ý định đòi lại nó. Họ la hét, cãi nhau và bắt đầu xô đẩy nhau trước khi nhận ra rằng họ có thể giải quyết cuộc tranh cãi này bằng việc đến thư khố hoàng gia, nơi lưu giữ các văn bản và hoá đơn mua bán được áp dụng cho mọi bất động sản của vương quốc. Sau khi đến thư khố, họ đã đi lại như con thoi để gặp hết viên chức này đến viên chức khác. Họ chờ đợi qua vài lần nghỉ uống trà thảo mộc, được thông báo là hãy quay lại vào ngày mai, và cuối cùng được đón tiếp bởi một nhân viên đang rất bực bội tìm kiếm phiến đất sét liên quan. Nhấn viên này mở cửa và dẫn họ vào trong một căn phòng lớn, từ sàn lên đến trần nhà chứa hàng ngàn phiến đất sét xếp thành hàng. Không cần phải thắc mắc về gương mặt cáu kỉnh của nhân viên này nữa. Làm thế nào anh ta có thể xác định được vị trí của văn bản liên quan đến ruộng lúa mì đang bị tranh chấp đã được viết cách đấy 30 năm? Thậm chí nếu anh ta tìm thấy nó, anh ta sẽ làm thế nào để kiểm tra chéo nhằm chắc chắn rằng văn bản từ 30 năm trước là tài liệu mới nhất liên quan đến ruộng lúa mì đang bị tranh chấp? Nếu anh ta không tìm thấy nó, điều đó có chứng minh được rằng Esau chưa bao giờ bán hoặc cho thuê ruộng này? Hoặc do tài liệu bị thất lạc, hoặc hoá bùn do nước mưa lọt vào thư khố?
Rõ ràng là, chỉ in dấu một tài liệu vào phiến đất sét thôi chưa đủ để đảm bảo cho việc xử lý dữ liệu hiệu quả, chính xác và thuận tiện. Nó đòi hỏi những phương pháp tổ chức như các danh mục liệt kê, các phương pháp sao chép giống như máy photocopy, các phương pháp khôi phục dữ liệu nhanh và chính xác giống như các thuật toán máy vi tính, cùng những người quản lý thư viện nghiêm túc (nhưng hy vọng là vui vẻ) biết cách sử dụng những công cụ này.
Việc phát minh ra những phương pháp trên còn khó khăn hơn rất nhiều so với việc phát minh ra chữ viết. Nhiều kiểu chữ viết được phát triển độc lập ở những nền văn hoá cách xa nhau cả về không gian lẫn thời gian. Mỗi thập kỷ, các nhà khảo cổ học lại phát hiện ra một số kiểu chữ viết khác đã bị lãng quên. Trong số đó, có một vài kiểu thậm chí còn lâu đời hơn cả chữ Sumer in trên đất sét. Nhưng hầu hết chúng đều là những sự kỳ lạ, vì những người sáng tạo ra chúng đều thất bại trong việc tạo ra các cách hiệu quả để phân mục và khôi phục dữ liệu. Điều đã khiến Sumer trở nên khác biệt, cũng như Ai Cập thời những Pharaoh, Trung Hoa cổ đại và Đế chế Inca, đó chính là các nền văn hoá này đã phát triển những kĩ thuật tốt trong việc lưu trữ, ghi mục lục và tra cứu sổ sách ghi chép. Họ cũng lập ra trường học dành cho những người chép thuê, thư ký, quản lý thư viện và kế toán.
Một bài tập viết ở trường thuộc vùng Lưỡng Hà cổ đại, được các nhà khảo cổ học hiện đại phát hiện, đã cho chúng ta một cái nhìn lướt qua cuộc sống của những người đi học cách đây 4.000 năm.
Tôi đi vào và ngồi xuống, thầy giáo đã đọc bảng của tôi. Ông ấy nói: “Có gì đó thiếu!”
Và ông ấy đánh đòn tôi.
Một trong những người phụ trách nói, “Tại sao anh lại mở mồm nói mà chưa xin phép tôi?”
Và ông ấy đánh đòn tôi.
Người phụ trách việc thực hiện các quy tắc nói, “Tại sao anh đứng lên mà chưa xin phép tôi?”
Và ông ấy đánh đòn tôi.
Người gác cổng nói, “Tại sao anh ra ngoài mà chưa xin phép tôi?”
Và ông ấy đánh đòn tôi.
Người giữ chiếc bình đựng bia nói, “Tại sao anh lấy bia mà chưa xin phép tôi?” Và ông ấy đánh đòn tôi.
Thầy giáo người Sumer nói, “Tại sao anh lại nói tiếng Akkad?”[12]
Và ông ấy đánh đòn tôi.
Thầy giáo của tôi nói, “Chữ viết của anh không đẹp”.
Và ông ấy đánh đòn tôi.
Những người chép thuê cổ đại đi học không chỉ để đọc và viết, mà còn để sử dụng các bản thống kê, từ điển, lịch, mẫu đơn và bảng biểu. Họ nghiên cứu và tiếp thu các kĩ thuật thống kê, khôi phục và xử lý thông tin rất khác so với cách mà bộ não đã làm. Trong bộ não, mọi dữ liệu đều liên kết tự do. Khi tôi cùng với vợ mình ký vào văn tự thế chấp ngôi nhà mới của chúng tôi, tôi nhớ lại nơi đầu tiên chúng tôi sống cùng nhau, nó làm tôi nhớ đến tuần trăng mật ở New Orleans, nó nhắc tôi nhớ đến những con cá sấu, nó làm tôi nhớ lại những con rồng, nó khiến tôi nhớ về bộ phim The Ring of the Nibelungen, và đột nhiên, trước khi tôi nhận thức được, ở đó tôi thấy mình đang ngân nga một giai điệu chủ đạo của vở opera Siegfried khiến nhân viên ngân hàng bối rối. Trong công việc hành chính, mọi thứ đều phải được sắp xếp riêng biệt. Có một ngăn kéo cho các văn tự cầm cố nhà, một cái khác cho các giấy chứng nhận kết hôn, cái khác nữa cho các bản đăng ký thuế, và cái thứ tư cho các tài liệu tố tụng. Nếu không thì làm sao bạn có thể tìm thấy bất cứ thứ gì? Những thứ liên quan đến nhiều ngăn kéo, như vở nhạc kịch của Wagner (tôi có nên sắp xếp chúng dưới dạng “âm nhạc”, “rạp hát”, hoặc thậm chí nghĩ ra một phân mục hoàn toàn mới?) là bài toán cực kỳ đau đầu. Vì vậy, người ta có thể không ngừng thêm vào, bỏ đi và sắp xếp lại các ngăn kéo.
Để có thể hoạt động, người vận hành một hệ thống ngăn kéo như vậy phải lên lại chương trình để dừng việc suy nghĩ như người thường, và bắt đầu suy nghĩ như những nhân viên sổ sách hoặc kế toán. Giống như mọi người từ thời cổ đại cho đến ngày nay, họ đều biết rằng những nhân viên sổ sách hoặc kế toán suy nghĩ theo cách không phải của con người. Họ suy nghĩ như những cái tủ có ngăn kéo đựng tài liệu. Đó không phải là lỗi của họ. Nếu họ không suy nghĩ theo cách đó, các ngăn kéo của họ sẽ bị lẫn lộn hết và họ không thể cung cấp các dịch vụ mà chính phủ, công ty và các tổ chức yêu cầu. Tác động quan trọng nhất của hệ thống chữ viết lên lịch sử loài người là nó thay đổi dần cái cách mà con người suy nghĩ và nhìn nhận về thế giới. Sự liên kết tự do và lối suy nghĩ tổng thể đã nhường chỗ cho sự chuyên môn hoá và hành chính.
Ngôn ngữ của những con số
Nhiều thế kỷ trôi qua, việc xử lý dữ liệu bằng các phương pháp hành chính phát triển ngày càng khác nhiều so với cách suy nghĩ tự nhiên của con người và ngày càng quan trọng hơn. Một bước quyết định đã được tiến hành ở một thời điểm nào đó trước thế kỷ 9, khi một kiểu chữ viết phần nào đó mới mẻ được phát minh, nó có thể lưu trữ và xử lý các dữ liệu toán học với hiệu quả chưa từng thấy. Kiểu chữ viết chưa đầy đủ này được cấu tạo bởi 10 ký tự, đại diện cho các số từ 0 đến 9. Rắc rối ở chỗ, các ký tự này được biết đến như là các số Ả-rập mặc dù chúng do người Hindu phát minh ra đầu tiên (còn rắc rối hơn nữa, người Ả-rập hiện đại sử dụng một bộ số nhìn hoàn toàn khác so với các con số của phương Tây). Nhưng người Ả-rập được công nhận là tác giả bởi vì khi xâm lược Ấn Độ, họ đã bắt gặp hệ thống này, hiểu được sự hữu dụng của nó, cải tiến nó, và truyền bá nó khắp Trung Đông và sau đó tới cả châu Âu. Sau đó, một vài kỷ tự khác được thêm vào các số Ả-rập (như là các ký hiệu cộng, trừ, nhân), và cơ sở của các ký hiệu toán học hiện đại ra đời.
Mặc dù hệ thống chữ viết này còn chưa đầy đủ, nhưng nó đã trở thành ngôn ngữ thống trị thế giới. Hầu hết các quốc gia, công ty, tổ chức và cơ quan – bất kể nói tiếng Ả-rập, tiếng Hindi, tiếng Anh hoặc tiếng Na Uy – đều sử dụng ngôn ngữ toán học để lưu trữ và xử lý dữ liệu. Mỗi lượng thông tin có thể chuyển sang ngôn ngữ toán học đều được lưu trữ, truyền bá và xử lý với tốc độ và hiệu quả khó tin.
Vì vậy, ai đó muốn gây ảnh hưởng đến những quyết định của chính phủ, tổ chức hoặc công ty thì phải học cách nói chuyện bằng các con số. Các chuyên gia đã làm hết sức mình để thể hiện các quan điểm về “sự nghèo nàn”, “hạnh phúc” và “sự trung thực” bằng các con số (“mức thu nhập tối thiểu”, “mức độ hài lòng chủ quan về đời sống”, “xếp hạng tín dụng”). Toàn bộ các lĩnh vực tri thức, như vật lý và kĩ thuật, hầu như đã mất liên lạc với ngôn ngữ nói của con người và được duy trì chỉ bằng ngôn ngữ toán học.