Vậy lúa mì đã mang lại gì cho những người làm nông, gồm cả bé gái Trung Hoa suy sinh dưỡng kia? Nó chẳng mang lại lợi lộc gì cho con người với tư cách cá nhân. Song, nó đã dành tặng một thứ gì đó cho Homo sapiens với tư cách một loài. Việc trồng lúa mì cung cấp thức ăn nhiều hơn trên mỗi đơn vị đất đai, vì vậy làm cho số lượng Homo sapiens tăng lên theo cấp số nhân. Khoảng năm 13000 TCN, khi con người nuôi sống mình bằng cách hái lượm những loài thực vật mọc hoang và săn bắt thú hoang, khu vực xung quanh ốc đảo Jericho thuộc Palestine có thể nuôi dưỡng tối đa một bộ lạc du cư gồm 100 thành viên tương đối khỏe mạnh và đầy đủ dinh dưỡng. Khoảng năm 8300 TCN, khi các loài thực vật mọc hoang nhường chỗ cho những cánh đồng lúa mì, ốc đảo này đã nuôi dưỡng một ngôi làng lớn nhưng chật chội gồm 1.000 thành viên, họ phải chịu đựng bệnh tật và suy sinh dưỡng thường xuyên hơn.
Diễn trình tiến hoá không nằm ở đói khát hay đau đớn, mà ở số bản sao của những vòng xoắn ADN. Giống như thành công kinh tế của một công ty được đo bằng số tiền có trong tài khoản ngân hàng chứ không phải là hạnh phúc của người làm thuê, sự tiến hoá thành công của một loài cũng được đo bằng số bản sao chuỗi ADN của nó. Nếu không còn bản sao ADN nào, loài đó sẽ bị tuyệt chủng, giống như một công ty không có tiền sẽ phá sản. Nếu một loài khoe mình có nhiều bản sao ADN, thì đó chính là một thành công và loài sẽ hưng thịnh. Tư góc nhìn này, 1.000 bản sao sẽ luôn luôn tốt hơn 100 bản sao. Đây chính là điểm cốt lõi trong Cách mạng Nông nghiệp: nâng lực giữ cho nhiều người sống sót hơn trong những điều kiện tồi tệ.
Song, tại sao các cá nhân lại phải quan tâm đến bài toán tiến hoá này? Tại sao bất cứ ai có đầu óc bình thường lại đi hạ thấp tiêu chuẩn sống của mình chỉ cốt để những bản sao trong bộ gen Homo sapiens được nhân lên? Không ai lại đồng ý với thỏa thuận này: Cách mạng Nông nghiệp là một cái bẫy.
Cái bẫy xa xỉ
Sự xuất hiện của nghề nông là một việc xảy ra từ từ qua các thế kỷ và thiên niên kỷ. Một bầy Homo sapiens đang hái nấm và quả hạch, đang săn hươu nai và thỏ, sẽ không đột nhiên định cư lâu dài ở một ngôi làng, cày ruộng, gieo hạt lúa mì và vác nước từ sông về. Sự thay đổi này tiếp diễn theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn đều liên quan đến một sự thay đổi nhỏ trong cuộc sống thường ngày.
Homo sapiens đã đến Trung Đông khoảng 70.000 năm về trước. Trong 50.000 năm tiếp theo, tổ tiên của chúng ta đã phát triển thịnh vượng mà không cần có nông nghiệp. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên đủ để nuôi dưỡng cư dân của vùng đất này. Trong những lúc sung túc mọi người đã có thêm con, và trong thời kỳ khó khăn đã giảm đi một ít. Con người, cũng giống như nhiều loài động vật có vú khác, có những cơ chế hoóc-môn và gen có thể giúp kiểm soát sinh sản. Trong những thời điểm thuận lợi, phụ nữ sẽ đến tuổi dậy thì sớm hơn, và cơ hội mang thai của họ sẽ cao hơn. Ở các thời điểm khó khăn, dậy thì muộn và cơ hội mang thai sẽ giảm.
Việc kiểm soát dân số tự nhiên còn được hỗ trợ thêm bởi các cơ chế văn hoá. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vốn di chuyển chậm chạp và đòi hỏi nhiều sự quan tâm, sẽ trở thành gánh nặng cho những kẻ hái lượm du cư. Con người cố gắng sinh con cách nhau từ ba đến bốn năm. Phụ nữ làm được vậy nhờ chăm sóc con cái suốt ngày đêm cho đến khi lớn (cho con bú suốt ngày đêm đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm khả năng mang thai). Những phương pháp khác bao gồm sự kiêng khem tình dục một phần hoặc hoàn toàn (có thể được hỗ trợ bởi những kiêng kị văn hoá), nạo phá thai, và đôi khi là tục giết trẻ sơ sinh.
Trong suốt những thiên niên kỷ dài này, con người thi thoảng ăn hạt lúa mì, nhưng đây chỉ là phần nhỏ trong chế độ ăn uống của họ. Khoảng 18.000 năm trước, thời kỳ băng hà cuối cùng đã chuyển sang thời kỳ ấm lên toàn cầu. Nhiệt độ tăng nên lượng mưa cũng tăng theo. Kiểu khí hậu mới này lý tưởng cho lúa mì và các cây ngũ cốc khác ở Trung Đông, vốn đã sinh sôi nảy nở mạnh mẽ và lan rộng. Con người bắt đầu ăn nhiều lúa mì hơn và tình cờ thúc đẩy sự tăng trưởng của nó hơn nữa. Vì không thể ăn được ngũ cốc hoang dại nếu không chọn lọc, nghiền sàng và nấu chúng, nên con người sau khi hái lượm những loại ngũ cốc này đã mang chúng về khu lều trại tạm để chế biến. Hạt lúa mì nhỏ và nhiều, nên một số chắc chắn sẽ bị rơi vãi trên đường tới khu lều trại. Theo thời gian, ngày càng nhiều lúa mì sinh sôi dọc theo những tuyến đường yêu thích của con người và gần những khu lều trại.
Khi con người đốt rừng và bụi rậm, điều này cũng giúp ích cho lúa mì. Lửa sẽ xóa sạch cây cối và bụi rậm, cho phép lúa mì và những loài cỏ khác độc quyền hưởng ánh nắng, nước và chất dinh dưỡng. Ở đó, lúa mì phát triển cực thịnh, các con thú săn được và nguồn thức ăn cũng trở nên dồi dào, các bầy người có thể dần dần từ bỏ cuộc sống du cư để định cư theo mùa hoặc thậm chí vĩnh viễn ở khu lều trại.
Đầu tiên, họ có thể cắm trại bốn tuần trong mùa thu hoạch. Một thế hệ sau đó, khi những cây lúa mì nhân lên và lan rộng, thời gian cắm trại trong mùa thu hoạch có thể kéo dài năm tuần, sau đó là sáu tuần và cuối cùng nơi đó trở thành một ngôi làng định cư. Bằng chứng về những khu định cư như vậy đã được phát hiện trên khắp Trung Đông, đặc biệt ở Cận Đông, nơi mà nền văn minh Natuhan phát triển rực rỡ giai đoạn 12500-9.500 TCN.[8] Người Natuhan chuyên săn bắt hái lượm, sống dựa vào nhiều loài hoang dã, nhưng lại ở trong những ngôi làng cố định, và dành nhiều thời gian để hái lượm và chế biến tập trung các loại ngũ cốc hoang. Họ xây những ngôi nhà và kho chứa ngũ cốc bằng đá. Họ trữ ngũ cốc cho những lúc khó khăn. Họ phát minh ra những công cụ mới như lưỡi hái bằng đá để hái lượm lúa mì hoang, những cái chày và cối giã bằng đá để nghiền chúng.
Những năm tiếp theo sau năm 9500 TCN, hậu duệ của người Natuhan tiếp tục hái lượm và chế biến ngũ cốc, nhưng họ cũng đã bắt đầu trồng lúa mì nhiều hơn bằng những cách tinh vi hơn. Khi thu hoạch lúa mì hoang, họ dành ra một phần để gieo hạt trên cánh đồng cho mùa sau. Họ phát hiện ra rằng mình có thể đạt được những kết quả tốt hơn bằng cách gieo hạt vào sâu trong đất, thay vì rải chúng lung tung trên bề mặt. Vì vậy, họ bắt đầu cày và cuốc đất. Dần dần, họ cũng bắt đầu nhổ cỏ dại trên những cánh đồng, bảo vệ chúng khỏi những loài ký sinh, tưới nước và bón phân cho chúng. Khi ngày càng tập trung vào việc trồng trọt ngũ cốc, họ sẽ có ít thời gian hơn cho việc săn bắt và hái lượm những loài động thực vật hoang dã. Những kẻ hái lượm đã trở thành nông dân.
Không có một bước duy nhất nào có thể tách biệt người phụ nữ chuyên hái lượm lúa mì hoang với người phụ nữ làm nông chuyên trồng lúa mì, vì vậy thật khó để xác định được chính xác khi nào đã diễn ra thời kỷ chuyển tiếp có tính quyết định sang nông nghiệp. Tuy nhiên, vào khoảng năm 8500 TCN, những ngôi làng định cư đã xuất hiện khắp Trung Đông, ví dụ như Jericho, dân cư ở đó đã dành phần lớn thời gian để trồng trọt một vài loài cây đã thuần hoá.
Cùng với việc chuyển thành những ngồi làng định cư và nguồn cung thực phẩm tăng lên, dân số cũng bắt đầu gia tăng. Từ bỏ cuộc sống du cư khiến phụ nữ có thể sinh con mỗi năm. Những đứa trẻ được cai sữa từ rất sớm, được cho ăn cháo và bột nấu lỏng. Rất cần thêm những bàn tay phụ giúp trên ruộng đồng. Nhưng những miệng ăn thêm nhanh chóng ngốn hết lượng thực phẩm dư, nên phải mở rộng thêm đồng ruộng để trồng trọt. Vì con người bắt đầu sinh sống ở những khu định cư đầy mầm bệnh, vì trẻ con được cho ăn nhiều ngũ cốc hơn và ít sữa mẹ hơn, và vì mỗi đứa trẻ phải giành giật cháo với anh chị em ruột của mình, nên tỉ lệ tử vong ở trẻ em cũng tăng vọt. Ở hầu hết các xã hội nông nghiệp, ít nhất là có một trong ba đứa trẻ sẽ tử vong trước tuổi 20. Song, sự gia tăng tỉ lệ sinh vẫn cao hơn sự gia tăng tỉ lệ tử vong; con người tiếp tục đẻ nhiều con hơn.
Theo thời gian, “món hời lúa mì” đã trở nên ngày càng phiền toái. Trẻ em chết lũ lượt, còn người lớn thì ăn thứ bánh mì phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được. Một người bình thường ở Jericho vào năm 8500 TCN sống cực khổ hơn tổ tiên của mình vào năm 9500 TCN hay năm 13000 TCN. Nhưng không một ai nhận ra điều gì đang xảy ra. Mỗi thế hệ đều tiếp tục sống cuộc đời giống như các thế hệ trước, chỉ có một số cải tiến nhỏ trong cách làm việc. Điều nghịch lý là một loạt “cải tiến” nhằm làm cho cuộc sống dễ chịu hơn, lại càng khiến cuộc sống của nông dân vất vả hơn.
Tại sao con người lại có những tính toán sai lầm định mệnh như vậy? Vì cùng một lý do mà loài người trong toàn bộ lịch sử đã tính toán sai lầm. Họ không thể lường trước đầy đủ các hậu quả từ những quyết định của mình. Bất cứ khi nào họ quyết định làm thêm một chút công việc – Ví dụ, cuốc xới ruộng đồng thay vì chỉ rải hạt giống khắp nơi trên bề mặt – con người đều nghĩ: “Đúng, chúng ta sẽ phải làm việc vất vả hơn, nhưng mùa gặt sẽ bội thu! Chúng ta sẽ không phải lo lắng nữa về những năm mất mùa. Con cái chúng ta sẽ không bao giờ phải nhịn đói đi ngủ”. Điều này hợp lý đấy chứ. Nếu bạn làm việc chăm chỉ hơn, bạn sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó là kế hoạch.
Phần đầu tiên của kế hoạch này diễn ra suôn sẻ. Quả thật con người đã làm việc chăm chỉ hơn. Nhưng con người không đoán trước được số trẻ con sẽ tăng lên, nghĩa là cần thêm nhiều lúa mì để chia cho lũ trẻ đông hơn. Những nông dân đầu tiên cũng không hiểu rằng, việc nuôi trẻ con bằng cháo nhiều hơn và dùng ít sữa mẹ hơn sẽ làm hệ miễn dịch của chúng yếu đi, cùng với định cư sẽ là những ổ bệnh truyền nhiễm. Họ không thấy trước được việc gia tăng sự phụ thuộc vào một nguồn thực phẩm đơn lẻ sẽ thực sự làm họ dễ bị những đợt hạn hán làm tổn hại. Những nông dân cũng không thấy trước được rằng trong những tháng năm tươi đẹp, khi các kho lương thực của họ phình to lên sẽ cám dỗ những kẻ trộm cắp và kẻ thù, khiến họ bắt buộc phải xây tường bảo vệ và canh gác chúng.