Sapiens: Lược sử loài người – Yuval Noah Harari

Các thành viên trong một bầy biết nhau rất rõ, và trong suốt cuộc đời, quanh họ là bạn bè và người thân. Sự cô đơn và riêng tư là rất hiếm hoi. Các bầy lân cận có thể cạnh tranh nguồn tài nguyên và thậm chí là đánh nhau, nhưng họ cũng có thể có mối quan hệ thân thiện. Họ trao đổi các thành viên, đi săn cùng nhau, trao đổi những đồ quý hiếm đắt tiền, củng cố liên minh chính trị và tổ chức các ngày lễ tôn giáo. Sự hợp tác này là một trong những đặc trưng quan trọng của Homo sapiens, và đem lại lợi thế cho họ so với những loài người khác. Đôi khi quan hệ với các bầy lân cận chặt chẽ tới mức đủ để họ hợp thành một bộ tộc, chia sẻ một ngôn ngữ chung, những huyền thoại chung, các chuẩn mực và giá trị chung.

Song, chúng ta không nên đánh giá quá cao tầm quan trọng của các mối quan hệ bên ngoài như vậy. Ngay cả nếu xảy ra khủng hoảng, các bộ lạc láng giềng vẫn có thể xích lại gần nhau hơn, và cho dù thỉnh thoảng họ cũng tụ tập để đi săn hoặc ăn mừng với nhau, họ vẫn dành phần lớn thời gian của mình cho sự hoàn toàn riêng tư và độc lập. Giao dịch chủ yếu giới hạn ở những mặt hàng đáng giá như vỏ sò, hổ phách và bột màu. Không có bằng chứng cho thấy những người này đã giao dịch các loại hàng hoá thiết yếu như trái cây và thịt, hoặc sự tồn tại của bầy này phụ thuộc vào việc thu nhận vật phẩm từ những bầy khác. Quan hệ chính trị xã hội cũng chỉ diễn ra lẻ tẻ. Bộ lạc không phải là một khuôn mẫu chính trị thường trực, và dù có những địa điểm gặp mặt theo mùa, nhưng họ cũng không có các thị trấn hoặc thể chế cố định. Một người bình thường có thể sống nhiều tháng mà không nhìn hoặc nghe thấy một người không thuộc bầy mình, và trong suốt cuộc đời anh ta tiếp xúc với không quá vài trăm người. Quần thể Sapiens trải rộng lác đác trên những vùng lãnh thổ rộng lớn. Trước Cách mạng Nông nghiệp, dân số loài người còn nhỏ hơn cả dân số của Cairo ngày nay.

Con chó được chôn trong ngôi mộ cổ ở phía Bắc Israel

Hình 6. Con vật nuôi đầu tiên? Một ngôi mộ 12.000 năm tuổi được tìm thấy ở phía Bắc Israel (bảo tàng Kibbutz Ma’ayan Baruch). Trong đó có bộ xương của một phụ nữ 50 tuổi, cạnh đó là một con chó con (góc trên bên phải). Con chó được chôn gần đầu của người này. Bàn tay trái của cô đặt cạnh con chó như để biểu thị một kết nối cảm xúc. Tất nhiên, cũng có những cách giải thích khác. Ví dụ, có lẽ con chó là món quà cho người gác cổng ở thế giới bên kia.

Hầu hết các bầy Sapiens sống lang bạt, di chuyển từ nơi này đến nơi khác để tìm kiếm thức ăn. Sự di chuyển của họ bị ảnh hưởng bởi sự đổi mùa, sự di cư hằng năm của động vật và các chu kỳ sinh trưởng của thực vật. Họ thường qua lại trên vùng lãnh thổ của mình với diện tích từ vài chục tới hàng trăm cây số vuông.

Thỉnh thoảng, các bầy lang thang ra bên ngoài và khám phá những vùng đất mới, đôi khi do thiên tai, xung đột bạo lực, áp lực dân số hay bởi sáng kiến của một thủ lĩnh uy tín. Những chuyến lang thang này chính là động cơ khiến con người lan rộng ra toàn thế giới. Nếu một bộ lạc hái lượm cứ mỗi 40 năm lại chia nhóm, và nhóm tách ra di cư đến một lãnh thổ mới cách 100 km về phía đông, thì chỉ trong khoảng 10.000 năm, con người sẽ định cư khắp từ Đông Phi tới Trung Hoa.

Trong một số trường hợp đặc biệt, khi nguồn thức ăn thực sự phong phú, các bộ lạc định cứ trong suốt mùa và thậm chí là vĩnh viễn. Kĩ thuật phơi khô, hun khói và ướp đông thực phẩm cũng khiến quá trình định cư lâu dài hơn. Quan trọng nhất, dọc các vùng sông biển giàu thủy sản và chim nước, con người lập những làng chài vĩnh viễn – các khu định cư lâu dài đầu tiên trong lịch sử, rất lâu trước Cách mạng Nông nghiệp. Làng chài có thể đã xuất hiện trên những bờ biển của một số hòn đảo Indonesia rất sớm, vào khoảng 45.000 năm trước đây. Đây có thể là bàn đạp để từ đó Homo sapiens thực hiện cuộc vượt đại dương đầu tiên của mình: xâm chiếm lục địa châu Úc.

Trong hầu hết các mồi trường sống, các bầy Sapiens tự kiếm ăn bằng những cách linh hoạt và cơ hội. Họ đào tổ bắt mối, hái quả, đào rễ cây, bẫy thỏ, săn bò rừng và voi ma-mút. Trái với hình ảnh phổ biến về “những thợ săn”, hái lượm là hoạt động chính của Sapiens, nó cung cấp hầu hết lượng calo cho họ, cũng như các nguyên liệu như đá, gỗ và tre.

Sapiens đã không chỉ tìm kiếm thực phẩm và nguyên vật liệu. Họ còn tìm kiếm kiến thức. Để tồn tại, họ cần một bản đồ chi tiết về lãnh thổ của mình. Để tối đa hoá hiệu quả công việc tìm kiếm thực phẩm hằng ngày, họ cần thông tin về các quy trình phát triển của từng loại cây và các thói quen của mỗi loài vật. Họ cần biết những loại thực phẩm nào ăn được, loại nào độc hại và loại nào dùng để chữa bệnh. Họ cần biết sự tiến triển của các mùa và những dấu hiệu cảnh báo trước của một cơn bão hoặc một đợt khô hạn. Họ đã nghiên cứu mọi dòng suối, cây óc chó, hang gấu và mọi mỏ đá lửa ở xung quanh. Mỗi cá nhân phải biết làm thế nào để tạo ra một con dao bằng đá, làm thế nào để vá một chiếc áo choàng bị rách, làm thế nào để đặt một cái bẫy thỏ, và làm thế nào để đối mặt với tuyết lở, rắn cắn hoặc sư tử đói. Để thuần thục nhiều kĩ năng như vậy bắt buộc phải có nhiều năm học nghề và thực hành. Một người hái lượm cổ đại bình thường có thể biến một cục đá lửa thành một mũi giáo trong vòng vài phút. Khi cố gắng bắt chước thành tựu này, chúng ta thường thất bại thảm hại. Hầu hết chúng ta thiếu kiến thức chuyên sâu về độ sắc cạnh của đá lửa, đá bazan và các kĩ năng chuyển động cần thiết để thực hiện được công việc đó một cách chính xác. Nói cách khác, một người cổ đại trung bình có nền tảng kiến thức rộng hơn, sâu hơn và hiểu biết đa dạng về môi trường xung quanh hơn hầu hết các hậu duệ hiện đại của mình. Ngày nay, đa phần mọi người trong xã hội công nghiệp không cần phải biết nhiều về giới tự nhiên để tồn tại. Bạn có thật sự biết những gì cần cho cuộc sống no đủ khi là một kĩ sư máy tính, một đại lý bảo hiểm, một giáo viên lịch sử hay một công nhân nhà máy? Bạn cần biết rất nhiều về lĩnh vực chuyên môn hẹp của mình, còn với phần lớn các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, bạn dựa vào sự giúp đỡ của các chuyên gia khác, những người mà kiến thức cũng lại chỉ giới hạn trong chuyên môn hẹp của mình. Vốn kiến thức hôm nay của con người lớn hơn rất nhiều so với các bầy người cổ đại. Nhưng ở cấp độ cá nhân, người hái lượm cổ đại có nhiều kiến thức và khéo léo nhất trong lịch sử.

Có một số bằng chứng cho thấy kích thước trung bình của bộ não Sapiens đã thực sự bị giảm sút so với thời kỳ hái lượm. Sống sót trong thời đại đó đòi hỏi mỗi cá nhân phải có năng lực trí tuệ siêu phàm. Khi nông nghiệp và công nghiệp xuất hiện, con người ngày càng có thể dựa vào kĩ năng của những người khác để tồn tại, và “những chỗ ẩn náu của những kẻ khờ dại” được mở ra. Bạn có thể sống sót và truyền lại các gen chẳng có gì đặc sắc của mình cho thế hệ sau bằng cách làm người vận chuyển nước hoặc công nhân dây chuyển lắp ráp.

Người cổ đại làm chủ không chỉ thế giới xung quanh của các loài động thực vật và những vật dụng, mà còn cả thế giới bên trong cơ thể và các giác quan của chính mình. Họ lắng nghe những chuyển động nhỏ nhất trong đám cỏ để xem liệu có một con rắn đang ẩn náu ở đó hay không. Họ cẩn thận quan sát những tán lá cây rừng nhằm phát hiện các loại trái cây, tổ ong và tổ chim. Họ di chuyển tốn ít sức lực nhất và gây ít tiếng ổn nhất, và biết làm thế nào để ngồi, đi lại và chạy nhảy một cách nhanh nhẹn và hiệu quả nhất. Việc sử dụng đa dạng và liên tục các cơ quan trong cơ thể khiến cho họ cân đối như vận động viên chạy marathon. Họ có nền tảng thể chất mà con người ngày nay không thể đạt được, kể cả sau nhiều năm luyện tập yoga hay khí công.

Cuộc sống săn bắt hái lượm khác biệt đáng kể giữa các vùng và các mùa, nhưng về tổng thể, người cổ đại dường như đã tận hưởng một cuộc sống thoải mái hơn và thú vị hơn hầu hết các nông dân, người chân nuôi gia súc, người lao động và nhân viên văn phòng, tất cả đều là hậu duệ của họ.

Trong khi con người trong xã hội giàu có ngày nay làm việc trung bình 40-45 giờ một tuần, và người dân ở các nước đang phát triển phải làm việc 60 và thậm chí 80 giờ một tuần, thì cư dân săn bắt hái lượm còn tồn tại đến hôm nay trong môi trường sống khắc nghiệt nhất, chẳng hạn như sa mạc Kalahari làm việc trung bình chỉ 35-45 giờ một tuần. Họ đi săn chỉ ba ngày một lần và hái lượm chỉ từ ba đến sáu giờ mỗi ngày. Trong điều kiện bình thường, việc đó đủ để nuôi sống cả bầy. Có lẽ người săn bắt hái lượm cổ đại sống trong những khu vực màu mỡ như Kalahari thậm chí còn mất ít thời gian hơn để thu thập thực phẩm và nguyên liệu thô. Trên hết, người cổ đại còn vui vẻ với lượng công việc nội trợ nhẹ nhàng hơn. Họ không có bát đũa để rửa, không có thảm để hút bụi, không có sàn nhà để đánh bóng, không có tã lót để thay và không có hoá đơn để thanh toán.

Nền kinh tế hái lượm mang lại cho hầu hết thành viên cuộc sống thú vị hơn những gì nền nông nghiệp hay công nghiệp làm được. Ngày nay, một công nhân làm việc trong nhà máy ở Trung Hoa rời khỏi nhà khoảng 7 giờ sáng, len lỏi qua các đường phố bị ô nhiễm để đến một xưởng lao động tồi tàn, và làm việc liên tục ở đó trên cùng một chiếc máy, với cùng một kiểu từ ngày này qua ngày khác, trong suốt 10 tiếng dài và căng thẳng, rồi trở về nhà khoảng 7 giờ tối để rửa chén bát và giặt ủi. 30.000 năm trước, một cư dân Trung Hoa cổ đại có thể rời khỏi lều với người bạn mình vào khoảng 8 giờ sáng. Họ có thể đi lang thang trong các khu rừng và đồng cỏ lân cận, hái nấm, đào rễ cây ăn được, bắt ếch và thỉnh thoảng trốn chạy khỏi những con hổ. Đầu giờ chiều, họ quay về lều để làm bữa trưa. Điều này khiến cho họ có rất nhiều thời gian để tán gẫu, kể chuyện, chơi với bọn trẻ và giải trí. Tất nhiên, đôi khi những con hổ vồ được họ, hay một con rắn cắn họ, nhưng mặt khác họ không phải đối phó với tai nạn xe cộ và ô nhiễm công nghiệp.