Để giải quyết cuộc tranh cãi này và hiểu về đời sống tình dục, xã hội và chính trị của con người, chúng ta cần phải tìm hiểu về điều kiện sống của tổ tiên mình nhằm khám phá xem họ sống như thế nào vào thời điểm từ Cách mạng Nhận thức cách đây 70.000 năm tới sự khởi đầu Cách mạng Nông nghiệp cách đây khoảng 12.000 năm.
Thật không may, chúng ta không biết nhiều về cuộc sống phiêu bạt kiếm ăn của tổ tiên mình. Cuộc tranh luận giữa hai trường phái “cộng đồng cổ đại” và “một vợ một chồng chung thủy” dựa trên bằng chứng mong manh. Chúng ta rõ ràng là không có tài liệu thành văn nào về thời đại hái lượm, còn các bằng chứng khảo cổ thì chỉ bao gồm chủ yếu các xương hoá thạch và các công cụ bằng đá. Các đồ chế tác bằng vật liệu dễ hỏng hơn – như gỗ, tre hoặc da – chỉ còn sót lại trong những điều kiện vô cùng hiếm hoi. Ấn tượng phổ biến rằng con người thời kỳ tiền nông nghiệp sống trong thời đại chuyên dùng đồ đá là một quan niệm sai lầm dựa trên thiên kiến khảo cổ này. Thời kỳ Đồ đá nên được gọi chính xác hơn là Thời kỳ Đồ gỗ, vì hầu hết các công cụ được sử dụng bởi người săn bắt hái lượm cổ xưa được làm bằng gỗ.
Bất kỳ sự tái tạo nào về đời sống của người săn bắt hái lượm cổ đại từ những di vật còn sót lại đều rất có vấn để. Một trong những sự khác biệt rõ ràng nhất giữa các cư dân cổ đại với hậu duệ của nền văn minh nông nghiệp và công nghiệp, là người cổ đại có rất ít đồ tạo tác và chúng đóng một vai trò nhỏ trong cuộc sống của họ. Trong suốt đời mình, một thành viên điển hình của một xã hội hiện đại giàu sang có thể sở hữu hàng triệu đồ dùng – từ xe hơi, nhà ở cho tới tã dùng một lần, thậm chí là hộp sữa. Hầu như không có hoạt động, niềm tin, hoặc thậm chí là cảm xúc nào lại không được kết nối thông qua những đồ vật do chúng ta tự chế tạo ra. Thói quen ăn uống của chúng ta được hình thành bởi vô số đồ vật, từ thìa, ly đến các phòng thí nghiệm kĩ thuật di truyền và các con tàu đi biển khổng lồ. Trong giải trí, chúng ta sử dụng rất nhiều đồ chơi, từ thẻ nhựa tới sân vận động 100.000 chỗ ngồi. Các mối quan hệ lãng mạn và tình dục của chúng ta được trang bị đầy đủ bằng nhẫn, giường, quần áo đẹp, đồ lót quyến rũ, bao cao su, nhà hàng thời trang, nhà nghỉ giá rẻ, phòng chờ sân bay, hội trường đám cưới và các công ty tiệc cưới. Tôn giáo mang sự linh thiêng vào đời sống chúng ta bằng các nhà thờ Gothic, thánh đường Hồi giáo, đạo tràng Hindu, kinh Torah, bánh xe cầu nguyện Tây Tạng, áo lễ linh mục, nến, hương, cây Giáng sinh, thịt viên, bia mộ và các biểu tượng.
Chúng ta hầu như không nhận thấy sự tràn ngập của những vật dụng này cho đến khi phải chuyển chúng đến một ngôi nhà mới. Người hái lượm chuyển nhà mỗi tháng, mỗi tuần, và đôi khi thậm chí mỗi ngày, mang theo bất cứ thứ gì họ có trên lưng. Không có công ty chuyển nhà, xe tải, hoặc kể cả động vật thồ để chia sẻ gánh nặng. Do đó, họ phải xoay xở với những đồ dùng thiết yếu nhất. Điều này cũng hợp lý, bởi phần lớn đời sống tinh thần, tôn giáo và tình cảm của họ diễn ra mà không cần sự trợ giúp của các đồ chế tác. Sau 100.000 năm nữa, một nhà khảo cổ học có thể ghép nối những mảnh vụn với nhau thành một bức tranh hợp lý về niềm tin và nghi lễ Hồi giáo từ vô số các đồ dùng được khai quật tại tàn tích thánh đường. Nhưng chúng ta gần như vô vọng khi cố gắng tìm hiểu niềm tin và nghi lễ của những người săn bắt hái lượm cổ đại. Và còn rất nhiều tình huống khó xử tương tự mà một sử gia tương lai sẽ phải đối mặt khi miêu tả đời sống xã hội của những thiếu niên sống ở thế kỷ 21 chỉ dựa hoàn toàn trên thư từ viết tay còn sót lại – vì không có hồ sơ lưu giữ những cuộc trò chuyện điện thoại, email, blog hay tin nhắn.
Do đó, việc phụ thuộc vào những đồ chế tác sẽ không phản ánh đúng cuộc sống săn bắt hái lượm cổ đại. Một cách để khắc phục điều này là nhìn vào những xã hội săn bắt hái lượm hiện đại. Việc này có thể được nghiên cứu trực tiếp bằng quan sát nhân học. Nhưng có nhiều lý do hợp lý để phải rất cẩn thận trong việc ngoại suy từ các xã hội hái lượm hiện đại tới xã hội cổ đại.
Thứ nhất, tất cả các xã hội săn bắt hái lượm còn sót lại đến ngày nay đều bị ảnh hưởng bởi các xã hội nông nghiệp và công nghiệp lân cận. Do đó, giả định rằng những gì đúng với họ thì cũng đúng với hàng chục ngàn năm về trước là khá mạo hiểm.
Thứ hai, xã hội hái lượm hiện đại chỉ tồn tại chủ yếu ở những khu vực có điều kiện khí hậu và địa hình khó khăn, khắc nghiệt, không thích hợp cho nông nghiệp. Các xã hội, đã thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của những nơi như sa mạc Kalahari ở Nam Phi, cũng có thể cung cấp một mô hình dễ gây hiểu nhầm cho sự hiểu biết về các xã hội cổ đại ở những khu vực màu mỡ, như thung lũng sông Dương Tử. Đặc biệt, mật độ dân số ở những nơi như sa mạc Kalahari thấp hơn nhiều so với thung lũng sông Dương Tử thời cổ đại, điều này rất có ý nghĩa với các câu hỏi quan trọng về quy mô và cấu trúc của các bầy người và mối quan hệ giữa họ.
Thứ ba, đặc điểm đáng chú ý nhất của các xã hội sân bắt hái lượm là sự khác biệt giữa xã hội này với xã hội kia. Chúng khác nhau không chỉ giữa vùng này với vùng kia trên địa cầu, mà ngay cả trong cùng khu vực. Một ví dụ điển hình là sự đa dạng rất lớn mà dân định cư châu Âu đầu tiên đã tìm thấy trong các thổ dân châu Úc. Ngay trước cuộc chinh phục của Anh, khoảng 300.000-700.000 cư dân săn bắt hái lượm trên lục địa chia thành 200-600 bộ lạc, mỗi bộ lạc lại được chia thành nhiều nhóm nhỏ hơn. Mỗi bộ lạc có ngôn ngữ, tín ngưỡng, chuẩn mực và tập quán riêng. Họ sống quanh khu vực bây giờ là Adelaide ở Nam Úc, với nhiều gia tộc phụ hệ, tính dòng dõi theo phía người cha. Những gia tộc này liên kết với nhau thành các bộ lạc dựa trên cơ sở lãnh thổ một cách chặt chẽ. Ngược lại, một số bộ lạc ở Bắc Úc để cao tầm quan trọng của dòng dõi bên mẹ, và bản sắc của một bộ lạc phụ thuộc vào vật tổ chứ không phải là lãnh thổ nơi họ sinh sống.
Có lý khi cho rằng sự đa dạng sắc tộc và văn hoá giữa các bộ lạc săn bắt hái lượm cổ đại khác cũng ấn tượng không kém, và rằng từ 5 tới 8 triệu người hái lượm, sống trên thế giới vào đêm trước của Cách mạng Nông nghiệp, được chia thành hàng ngàn bộ lạc riêng biệt với hàng ngàn ngôn ngữ và văn hoá khác nhau. Sau tất cả, điều này là một trong những di sản chính của Cách mạng Nhận thức. Do biết hư cấu, nên kể cả những người có cùng gen sống trong các điều kiện sinh thái giống nhau cũng có thể tạo ra những thực tế tưởng tượng rất khác nhau, trong đó thể hiện rõ nét các chuẩn mực và giá trị khác nhau.
Ví dụ, có đủ mọi lý do để tin rằng một bầy người hái lượm, sống cách đấy 30.000 năm tại nơi nay là Đại học Oxford, có thể nói một ngôn ngữ khác với cư dân sống ở nơi nay là Đại học Cambridge. Bầy này có thể hiếu chiến trong khi bầy kia lại thích hòa bình. Có lẽ bấy ở Cambridge mang tính chất cộng đồng nhiều hơn, trong khi bầy ở Oxford lại dựa trên gia đình hạt nhân. Dân Cambridge có thể đã dành nhiều giờ để khắc tượng gỗ linh thần giám hộ của họ, trong khi dân Oxford có thể đã tôn thờ bằng những điệu nhảy múa. Dân Cambridge có lẽ tin vào thuyết luân hồi, trong khi dân Oxford lại coi là nhảm nhí. Trong xã hội này các mối quan hệ tình dục đồng tính có thể được chấp nhận, trong khi ở xã hội kia thì điều này lại là cấm kị.
Nói cách khác, mặc dù các quan sát nhân học về những người hái lượm hiện đại có thể giúp chúng ta hiểu phần nào về các khả năng có thể có ở những người hái lượm cổ xưa, bên cạnh chân trời của các khả năng khác mà chúng ta hầu như không quan sát được.[5] Các cuộc tranh luận sôi nổi về “lối sống tự nhiên” của Homo sapiens lại bỏ lỡ điểm chính yếu. Kể từ Cách mạng Nhận thức, chưa từng có lối sống tự nhiên nào là duy nhất với Sapiens. Chỉ có những lựa chọn văn hoá từ một bảng màu rối rắm của những khả năng có thể xảy ra.
Nguồn gốc xã hội giàu có
Tuy nhiên, chúng ta có thể khái quát được những gì về thế giới thời kỳ tiền nông nghiệp? Dường như có thể tự tin nói rằng đại đa số người dân sống trong các bầy nhỏ với số lượng vài chục hoặc tối đa vài trăm cá nhân, và tất cả họ đều là con người. Điểm này rất đáng lưu ý vì nó không hẳn là hiển nhiên. Hầu hết các thành viên của xã hội nông nghiệp và công nghiệp là các động vật thuần hoá. Tất nhiên là chúng không thể bình đẳng với ông chủ của mình, nhưng chúng cũng là những thành viên như nhau. Ngày nay, xã hội New Zealand có 4,5 triệu Sapiens và 50 triệu con cừu.
Chỉ có một ngoại lệ với quy luật chung này: loài chó. Chó là con vật đầu tiên được Homo sapiens thuần hoá, và điều này xảy ra trước Cách mạng Nông nghiệp. Các chuyên gia không nhất trí về thời điểm chính xác, nhưng chúng ta có bằng chứng không thể chối cãi về loài chó đã được thuần hoá cách đây khoảng 15.000 năm. Chúng có thể đã sống cùng con người sớm hơn cả mốc này hàng ngàn năm.
Loài chó được dùng để đi săn và chiến đấu, để báo động thú dữ và những kẻ đột nhập. Qua nhiều thế hệ, hai loài đã đồng tiến hoá để có thể giao tiếp tốt với nhau. Con chó nào chú ý nhất đến những nhu cầu và cảm giác của con người sẽ được quan tâm hơn, được ăn tốt hơn, và có nhiều khả năng sống sót hơn. Đồng thời, những con chó cũng học được cách lôi kéo con người vì nhu cầu của riêng chúng. Một mối liên kết kéo dài 15.000 năm đã mang lại sự thấu hiểu và cảm tình sâu sắc hơn giữa người và chó hơn bất cứ loài động vật khác. Trong một số trường hợp, những con chó chết đi còn được chôn cất một cách trang trọng, giống như người.