– Thưa thầy, chúng em là con bộ đội, nhà nghèo, không có tiền mua quần áo đẹp. Thưa thầy, tuy nó hơi cũ, nhưng đều được vá cẩn thận, không có chỗ nào hở da hở thịt.
– “Vá cẩn thận…!” – thầy đay lại và tiến lên tóm lấy áo Khanh – Cậu thử nhìn xem, cái thứ vá chằng vá đụp thế này mà gọi là áo à? Các cậu cố ý diễn trò phải không?
Khanh giữ tay thầy:
– Ấy chết, em xin thầy nhẹ tay! Thầy mà giữ chặt là nó toạc ra đấy. Áo của em mục lắm, em cố gắng hết sức mới vá được như thế này. Thưa thầy, mẹ em đang đi công tác dài ngày. Em nhờ bố em vá nhưng bố em đầu hàng. Mẹ em bảo ngoài bắn súng, bố em chẳng làm cái gì nên hồn. Nếu bố em vá thì còn xấu hơn thế này nhiều…
Cô Vân chủ nhiệm bỏ giờ dạy, theo cả bọn lên phòng họp Ban giám hiệu, nghe Hòa và Khanh nói, tức quá hét lên:
– Cậu Hòa, cậu Khanh, không được hỗn. Im ngay!
– Thưa cô, tại thầy hỏi nên chúng em mới trả lời ạ.
– Dạ, cô bảo im thì em im ạ.
– Lếu láo. Sao tôi nói một câu, các cậu cãi hai câu là thế nào? Còn cậu Ngọc, ai cho phép cậu mặc áo may ô đến trường.
Ngọc vốn phản ứng chậm chạp. Lúc này cô chủ nhiệm lại đang cáu nên nó chẳng biết nói sao. Hòa đỡ lời:
– Thưa cô, em thấy nhiều bạn đi học cũng mặc áo dệt kim Đông Xuân ngắn tay. Thầy Nghĩa giáo viên Thể dục cũng mặc áo kiểu này đi dạy. Áo bạn Ngọc chỉ hơi cũ một chút thôi.
– Tôi không hỏi cậu. Cậu Ngọc, ngẩng mặt lên! Cậu có nghe rõ tôi hỏi không?
– Dạ, có – Ngọc lí nhí – thưa cô, nhà em nghèo, chỉ có áo bộ đội mặc đi học. Tại nhà trường cấm mặc áo bộ đội nên em không biết mặc cái gì. Em đi mượn, chỉ mượn được cái này thôi ạ.
– Thưa cô, nhà bạn Ngọc là gia đình liệt sĩ, có ba anh em còn đi học, má bạn ấy đã về hưu, suốt ngày đau ốm, nên nghèo lắm. Bạn ấy chỉ có hai cái áo bố để lại mặc. Vì nhà trường cấm mặc áo bộ đội nên phải đi mượn cái áo này – Hòa lại xen vào.
– Cái gì? – thầy hiệu trưởng trợn mắt – nhà trường nào cấm các cậu mặc áo bộ đội đi học?
– Báo cáo anh – cô Vân đỏ mặt – là em thống nhất với mấy chị không cho các cậu này kết thành hội “Quân khu”, mặc quần áo bộ đội đi đánh nhau.
– Thế để các cậu ấy mặc đống giẻ rách này thì các cậu ấy không kết thành hội, không đánh nhau à? Khu Nam Đồng toàn tướng tá cả, các ông ấy thừa quần áo cho con thì để chúng nó mặc. Nội quy nhà trường, luật pháp Nhà nước đâu có cấm các cậu ấy mặc áo bộ đội đi học. Nước mình ở đâu chẳng đầy áo bộ đội. Trường mình cũng có mấy thầy mặc áo bộ đội đấy thôi. Cái chính là lành cho sạch, rách cho thơm… chứ không được ăn mặc nhếch nhác như thế này. Người ngoài nhìn vào, họ coi trường chúng ta ra cái thể thống gì. Các cậu đến trường thì cũng phải giữ thể diện cho nhà trường chứ. Thôi, hôm nay nghỉ, về nhà thay cái đống gớm ghiếc này đi.
Cả bọn nhìn nhau, khoái chí vì đấu tranh thắng lợi, lại còn được nghỉ học. Hòa nghĩ nhân dịp này phải cho thầy hiệu trưởng thấy bọn Quân khu Nam Đồng là những đứa hiếu học. Nó nói:
– Thưa thầy, xin thầy cho chúng em được học ngày hôm nay. Nếu nghỉ học sẽ bị…“lỗ hổng kiến thức”. Chúng em hứa từ mai sẽ không mặc… cái đống này nữa.
– Thôi, được rồi. Các cậu về lớp. Cô Vân ở lại tôi trao đổi một chút.
Ra khỏi phòng, Việt bảo:
– Thầy vẫn còn nhớ lần trước cãi nhau với tao về vụ hát to nên lờ đi không bắt bẻ bọn mình vụ hát Quốc ca ban nãy. Từ nay về sau, giờ chào cờ chúng mày nhớ hát Quốc ca to nhé, coi như ủng hộ thầy.
Về tới lớp, cả bọn đang hớn hở vì thắng lợi ngoài sức tưởng tượng thì cô Vân hầm hầm bước vào, yêu cầu tất cả học sinh nam mở cặp cho cô và lớp trưởng kiểm tra. Hoàng bị phát hiện trong cặp có một chiếc búa. Nó cãi đấy là búa nó làm trong giờ học Kỹ thuật công nghiệp ở xưởng, nhưng bị lỏng cán nên mang đi, định giờ ra chơi xuống xưởng sửa lại. Dù mọi người xác nhận giờ học dưới xưởng cả lớp đều phải làm búa, cô Vân vẫn tịch thu và bắt Hoàng làm kiểm điểm về tội mang vũ khí đi học. Ngọc cũng bị phát hiện trong cặp có một chiếc kìm nhỏ. Đấy là cái kìm chuyên dụng, dùng để bóp vỡ thân cây cảnh, nó tranh thủ làm trong giờ học Kỹ thuật công nghiệp, định bụng khi nào về thăm nơi sơ tán sẽ tặng cho bác chủ nhà. Cái kìm quá bé, không thể coi là “hung khí”, nhưng cô Vân vẫn tịch thu và Ngọc phải kiểm điểm vì tội “làm việc riêng trong giờ Kỹ thuật công nghiệp”. Trong lúc Hoàng đang thanh minh với cô giáo, mấy thằng nhanh tay mở cặp, lấy búa giấu vào cặp bọn con gái. Lớp trưởng Mai Phương trong lúc đang cùng cô giáo đi khám cặp người khác thì cặp nó bị Khanh giấu búa vào. Từ đấy trở đi, bọn con gái trong lớp hay được nhờ giữ hộ vũ khí cho bọn con trai khu Nam Đồng. Trừ Mai Phương với cái Diệp, không đứa nào từ chối. Hình như ít nhiều chúng nó cũng có một tí hãnh diện vì học chung với một lũ “Quân khu” nổi tiếng. Chúng phát hiện bọn này ngoài đường đánh nhau ghê gớm thế nhưng với các bạn gái trong lớp lại rất nhút nhát và tử tế. Và từ ngày bị bọn này đánh lại, chẳng đứa nào dám đến lớp trấn lột như trước nữa.
2
Khu tập thể Nam Đồng có tổng cộng trên 500 hộ gia đình bộ đội, mỗi gia đình trung bình có ba đứa con, nhưng chỗ để chơi thì quá ít. Ngoài đá bóng, đá cầu, câu cá trộm ở Ao Ông Thử…, có một trò nữa mà bọn con trai say mê là chơi “bắn bùm”. Có bao nhiêu đứa cũng chơi, chia đều hai phe. Bên này hô “chiến tranh!”, bên kia hô “bùng nổ!”, và cuộc chơi bắt đầu. Dãy chuồng gà bẩn thỉu, đầy con mạt, con dĩn bỗng chốc biến thành những chiến lũy tin cậy. Ngày đó, hầu như nhà nào cũng nuôi gà. Có những nhà nuôi tới hơn chục con và làm chuồng khá vững chãi. Những thằng không chịu luồn lách vào các chuồng gà để ẩn nấp đều dễ dàng bị bắn chết. Có thằng chui vào nóc chuồng gà nằm cuộn tròn cả tối, chấp nhận cho mạt với dĩn đốt để tiêu diệt đối phương. Có thằng nằm phục trong gầm chuồng gà để chiến đấu và phát hiện ra một quy luật thú vị là gà buổi tối không ỉa. Cứ tối đến chúng lại làm bạn với gà nên hai bên thành thân. Nằm buồn, thò tay vào sờ gà, thấy âm ấm, thinh thích. Lũ gà cũng để yên, không kêu toáng lên như lúc đầu.
Sau hôm cấm bọn trẻ mặc quần áo bộ đội đến trường thất bại, các cô giáo ở khu Nam Đồng bắt đầu kiểm soát chúng nó kỹ hơn. Các cô muốn thay mặt bố mẹ giúp đỡ bọn trẻ, mong chúng nó trở thành con ngoan trò giỏi. Thời buổi chiến tranh, các ông bố bà mẹ bận trăm công nghìn việc, mấy khi có thời gian ngó ngàng tới con cái. Đấy là chưa kể nhiều gia đình có bố, và đôi khi cả mẹ, đi chiến trường biền biệt, vài năm mới về, hay thậm chí không bao giờ trở về, dù muốn cũng chẳng có cơ hội dạy con. Thành thử bọn trẻ lớn lên theo bản năng, học tất cả cái tốt từ nhà trường, bè bạn và không ít những thứ xấu từ đủ các nơi. Rồi những năm sơ tán, theo trường, theo trại, việc giám sát của gia đình, nhà trường lỏng lẻo nên nhiều đứa quen thói tự do, tự mình đưa ra các quyết định cho mình. Một sớm một chiều gò chúng nó vào kỷ luật là việc vô cùng khó. Do đó, mỗi sự kiểm tra, giám sát của các cô giáo đều vấp phải sự phản ứng, từ ngấm ngầm đến công khai. Sự kiên nhẫn và lòng tốt nào cũng có giới hạn. Nói mãi chúng không nghe, các cô tức lên, xử lý bằng điểm. Về nguyên tắc đâu có gì sai. Không học bài thì điểm phải kém. Điểm kém, thầy cô ghét, chán chẳng muốn học. Chán học lại càng nhiều điểm kém hơn. Dù chúng nó ức cô giáo đến mấy cũng không làm gì được cô. Nhưng với gà của nhà cô lại là chuyện khác…
Trong lúc chơi bắn bùm, Khanh và Ngọc bò vào chuồng gà nhà cô Quý, được coi là người vạch ra chiến dịch cải tạo lũ học sinh nghịch ngợm. Khanh đề xuất bẻ chân gà trả thù. Nó tính mỗi điểm 1 của cô là một cái chân gà. Ba điểm 1 là ba chân gà. Ngọc không bị điểm 1 nào nhưng lại có hai điểm 0, nó tính bằng bốn chân gà. Khanh không đồng ý, bảo điểm 0 với 1 cũng như nhau. Hai thằng dùng dao nạy nan chuồng, lặng lẽ bế từng con gà ra, vuốt ve cho nó im lặng rồi bóp miệng, quấn chun vào mỏ để nó không kêu, khóa hai cánh vào nhau để nó hết đường giãy, sau đó bẻ gẫy chân. Bẻ đủ năm chân của ba con gà to nhất, tương ứng với năm điểm kém, hai thằng nhét gà trả lại chuồng. Bọn gà không đứng được, nằm ngửa tênh hênh, bắt đầu giãy giụa loạn xạ. Khanh và Ngọc lộ chỗ, bị “bắn bùm” chết ngay. Mặc dù sớm bị loại khỏi cuộc chơi, nhưng hai thằng rất hỉ hả. Cả đám không ai hiểu vì sao hôm nay bị bắn chết mà hai thằng tỏ ra khoái chí thế?
Nhưng cùng lũ trẻ con với nhau, những trò nghịch kiểu đó chả bao giờ bí mật được lâu. Một lát sau, cả bọn đã biết nguyên do. Thế là chúng nhao nhao đếm số điểm kém thời gian qua để tính sổ với các cô giáo trong khu bằng chân gà. Vịt với ngan cũng được coi như gà. Hôm đó chơi bắn bùm ở Nhà 3 nên chỉ xử lý chuồng gà của cô Quý và cô Phượng. Riêng cô Hoa, chúng nó vẫn xếp cùng phe, gà nhà cô được an toàn. Hòa bảo: “Mỗi điểm kém tính một cái chân. Mình bẻ cả hai chân thì người ta chỉ còn nước làm thịt. Mỗi con bẻ một chân thôi, để nó còn nhảy lò cò đi kiếm ăn”. Hoàng đề nghị: “Bắt thêm con sống thiến của ông Hồi “Tai gỗ” tầng bốn. Lão này cậy làm tổ trưởng, suốt ngày nói cạnh khóe tao, phải bẻ chân gà nhà lão ấy cho bõ ghét”.