Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

Cả bọn thống nhất. Tất cả vào việc. Cưa sắt xong đã gần một giờ sáng. Có mấy đứa bố mẹ thấy về muộn, cho em ra gọi. Chưa đánh nhau nhưng đứa nào cũng thấy phấn khích và hồi hộp.

4

Sớm hôm sau, hai anh Phan Bắc và Việt Thanh đi cùng cả bọn tới trường. Hơn hai chục thằng quần áo bộ đội xanh lè, giống như hai tiểu đội đang hành quân, trông cũng oai. Đã đông, lại có thanh sắt trong người, đứa nào cũng tự tin. Đúng như Việt dự đoán, vừa qua ngã tư Ô Chợ Dừa được một đoạn đã thấy ba thằng đứng đó, chắc vẫn định chặn đường cướp đồ bọn học sinh như mọi khi. Bình thường, chúng nó đã xông vào lục cặp vài đứa rồi, nhưng hôm nay thấy lũ học sinh khép na khép nép mọi ngày bỗng chốc biến thành hơn hai chục chú bộ đội con, ba đứa lùi vào phía bờ tường, giương mắt nhìn. Việt thấy thằng đội mũ cối, tự nhiên nóng bừng mặt, nhảy ra quát: “Ê, thằng kia, sao hôm nọ mày lột mũ của tao?”. Hoàng rút thanh sắt trong bụng phang thẳng vào cái mũ cối. Quốc Tẩm giật ngay chiếc mũ, đội lên đầu. Hà Tư co chân đạp, Bích xông đến, cứ thế đá lấy đá để. Thằng này nằm co như con tôm, hai tay ôm chặt đầu, mồm liên tục: “Em xin các anh, em xin các anh…”. Quốc Tẩm nhìn quanh, phát hiện một thằng đi đôi dép đúc Trung Quốc, giật áo Hà Tư: “Thằng kia đi dép của tao”. Hà Tư tiến lại, chỉ mặt: “Tháo dép ra trả!”. Thằng này vội vã tháo dép. Quốc Tẩm chỉ thằng mặc áo kẻ còn lại: “Thằng có cái bút này nữa, chắc là hôm nọ nó trấn của thằng Hòa”. Hà Tư tát đốp đốp hai cái vào khuôn mặt xám ngoét: “Lấy bút ra”. Nó ngoan ngoãn tháo cái bút, hai tay đưa cho Hà Tư. Hà Tư chuyển cho Quốc Tẩm. Hòa thấy ba thằng đang chết run chết rét, xông vào đánh nữa cũng chả oai phong gì, nhưng nếu không động chân động tay, sợ bọn nó bảo mình chỉ biết vạch ra cho thằng khác làm, nên cũng tát vào mặt thằng áo kẻ một cái lấy lệ. Việt rút lưỡi lê AK trong bụng ra, dứ dứ: “Lần này bọn tao tha. Từ nay về sau cấm chúng mày lảng vảng đến trường này, nghe chưa!”. Tất cả mọi việc diễn ra trong khoảng mấy phút. Người đi đường chưa biết có chuyện gì thì cái khối hai chục thằng mặc quần áo bộ đội đã đi qua, ba thằng vừa bị đánh cũng nhanh chóng lủi mất. Đàn anh Phan Bắc cười: “Chúng mày chơi cái kiểu này thì từ mai khỏi cần bọn anh đưa nữa”.

Không hẹn nhưng hai giờ chiều cả bọn đã tụ tập đông đảo ở đầu Nhà 1, sôi nổi bàn luận về chiến tích buổi sáng. Lũ con nít cũng vây quanh, háo hức như nghe kể chuyện cảnh giác tối thứ Bảy trên đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Hưng Sứt khua chân múa tay, kể đi kể lại rất hùng hồn và chi tiết, như người trực tiếp tham gia các sự kiện, tuy nó không hề ở đó, mỗi lần kể lại thêm một tình tiết mới, chẳng biết có thật không, nhưng làm câu chuyện li kỳ thêm, hấp dẫn hơn. Việt, Hoàng, Hà Tư, Bích… được nhìn với ánh mắt khâm phục. Dù sao đây cũng là trận đầu ra quân mà kết quả thật vẻ vang. Tất cả đều thấy mình thật oai hùng. Quốc Tẩm thắc mắc, không biết bọn kia ngày mai có kéo đồng bọn đến trả thù không? Đại đa số cho rằng có cho kẹo thì hội đấy cũng chẳng dám. Riêng Hòa tán thành ý kiến của Quốc Tẩm. Nó bảo hôm nay quân mình hơn hai chục thằng, trang bị gậy sắt với lưỡi lê, có hai đại ca đi kèm, đánh ba thằng làm gì chả dễ, ngày mai cẩn thận đề phòng vẫn hơn. Việt tuyên bố: “Ngày mai vẫn trong tình trạng chiến tranh. Nếu chúng nó phục thù, sẽ cho chúng nó biết thế nào là Quân khu Nam Đồng!”. Việt nói bâng quơ, không ngờ về sau cái tên Quân khu Nam Đồng trở nên nổi tiếng và sẽ còn được nhắc đi, nhắc lại mãi.

Kiểm kê lại các chiến lợi phẩm, chỉ có mỗi chiếc bút máy đòi lại là của Hòa. Đôi dép đúc không phải của Quốc Tẩm. Cái mũ cối cũng không phải của Việt, lại bị Hoàng đập bẹp. Việt nói: “Cái mũ của tao mới hơn” và đưa cho Hoàng, để nhớ lần sau đánh ai thì không được đánh vào mũ. Quốc Tẩm thì chẳng rời đôi dép khỏi chân. Nó bảo: “Đôi này giống đôi của tao, nhưng mới hơn”.

Tối hôm đó, Hòa gặp Quốc Tẩm:

– Tao lấy được bút rồi, trả lại mày hai đồng vay hôm nọ. Theo tao, mày nên trả lại mẹ mày tiền. Đằng nào thì mày cũng đã lấy được dép, không cần tiền để mua nữa. Cứ kể sự thật và xin lỗi, chắc mẹ mày sẽ bỏ qua.

– Bây giờ nói lại ngại lắm. Dù sao chuyện này cũng đã qua rồi.

– Nếu mày không trả lại, dù không nói, bố mẹ mày vẫn biết mày là đứa lấy trộm. Trả lại, cả mày và bố mẹ mày sẽ thấy nhẹ người hơn.

Quốc Tẩm cầm hai đồng Hòa đưa, nhưng vẫn có vẻ ngần ngừ. Nó nghĩ hôm trước mẹ nó mới nghi nó lấy trộm một đồng, nay trả lại thì thành ra tội ăn trộm ba đồng. Hòa đi được mấy bước còn ngoái cổ lại bảo Quốc Tẩm: – Mình là con nhà lính, làm chuyện gì cũng phải đàng hoàng… Nếu mày không vượt qua được lần này, thì sau này mày sẽ lại tiếp tục ăn cắp tiền của mẹ mày nữa.

Những trò quậy phá

1

Sau vụ bị phê bình trước toàn trường vào giờ chào cờ, trong mắt các thầy cô, lớp 8D, cầm đầu là hội khu Nam Đồng, đã trở thành lớp cá biệt, cần được dạy dỗ tới nơi tới chốn. Một nhóm cô giáo trường Đống Đa ở trong khu tập thể Nam Đồng, đứng đầu là cô Quý dạy môn Sinh vật, càng thấy mình phải có trách nhiệm hơn. Lũ trẻ này là con cháu của bạn bè và đồng đội của chồng các cô, những người đồng sinh cộng tử suốt hai cuộc kháng chiến, nay mình là người dạy dỗ mà để chúng nó hư hỏng, cô nào cũng thấy mình có trách nhiệm. Thời gian gần đây, theo như thông báo của công an đồn Ô Chợ Dừa, bọn trẻ này bắt đầu lập thành bè đảng, mang dao búa đánh người gây thương tích, trấn lột mũ, dép, bút của thanh niên địa phương.

Cô Quý cho rằng tình hình đã trở nên nghiêm trọng và quyết định ra tay hành động. Đầu tiên, cô gặp riêng cô Vân, giáo viên chủ nhiệm 8D, bàn chuyện phối hợp giáo dục. Trước hết phải đập tan tư tưởng băng đảng. Bố chúng nó là bộ đội chứ chúng nó có phải bộ đội đâu mà lúc nào cũng mặc quân phục, vỗ ngực xưng là “Quân khu Nam Đồng”. Tiếp theo, cô đến từng nhà vận động các gia đình không cho con cái mặc quần áo bộ đội đi học. (Việc này cũng gây khó khăn cho nhiều gia đình. Số vải tiêu chuẩn mua theo phiếu mỗi năm quá ít, nay không cho mấy thằng con trai lớn lộc ngộc mặc quần áo bộ đội thì vải đâu may quần áo mới cho chúng?). Sau đó, các cô tới trường, đề nghị cô Vân cấm những đứa mặc quần áo bộ đội vào lớp. Bọn con trai khu Nam Đồng nhao nhao phản đối. Dân “Quân khu” mà không mặc quần áo bộ đội thì còn gì là Quân khu?

Tối thứ Bảy, cả bọn hẹn nhau ra chỗ tập xà ở sân Nhà 5 bàn cách đối phó. Việt đề nghị thứ Hai này cả bọn mặc áo may ô đi học, tất nhiên là không mặc may ô ba lỗ. Khổ nỗi nhiều đứa không kiếm đâu ra áo may ô cộc tay. Hòa đề xuất: “Đã vậy, bọn mình kiếm một loạt quần áo rách rưới mặc đến trường, làm sao trông càng giống người ăn xin càng tốt”. Khanh bổ sung: “Nếu quần hay áo không rách thì phải xé cho rách ra, rồi vá chằng vá đụp lại. Nếu chưa đủ xấu, thì những chỗ hay rách như mông, khuỷu tay, đầu gối… phải lấy vải cũ vá phủ lên, như quần áo dân ta trong nạn đói năm 1945”. Việt kết luận: “Rồi, thế nhé. Mai cấm thằng nào mặc áo lành đi học. Thứ Hai có giờ chào cờ, phải để toàn trường thấy tác hại của việc cấm mặc quần áo bộ đội. Chúng mày nhớ lúc hát Quốc ca phải hát thật to cho mọi người nhìn về phía lớp mình”.

Bàn nhau thế, nhưng đến lúc đi kiếm quần áo mới thấy việc tìm quần áo cũ, theo tiêu chí giống ăn mày, hóa ra cực khó. Dễ gì mà kiếm được loại trang phục giống quần áo nông dân những năm đói vạ đói vật ấy. Chỉ còn mỗi cách lựa bộ cũ kỹ nhất, xé ra vá lại, hoặc đắp những mảnh vải cũ khác lên. Nhà Khanh bố mẹ đi công tác nên cả bọn tụ tập ở đấy để gia công. Cái Châu và cái Cúc cũng lên vá giúp. Sợ bọn này nhân cơ hội biểu diễn tài nữ công gia chánh, Việt yêu cầu chúng nó phải làm sao cho đường kim mũi chỉ càng ngoằn ngoèo càng tốt. Nhưng màn trình diễn thời trang chỉ thực sự ấn tượng khi Hòa đề xuất cả bọn đổi quần áo cho nhau, thằng cao mặc quần áo ngắn, đứa thấp mặc quần áo dài. Mặc lên, đứa nhìn cũn cỡn, đứa trông lụng thụng, như bù nhìn rơm. Cả bọn cười lăn cười lộn với loại trang phục độc nhất vô nhị này.

Kết quả, sáng thứ Hai, bọn con trai lớp 8D khu Nam Đồng trông như một lũ ăn mày. Tất cả đứng nghiêm, hùng dũng hát Quốc ca vang dội sân trường. Vì đã hợp luyện tối hôm trước nên chúng hát rất to, đều và nét mặt vô cùng nghiêm túc. Không có lý gì để bắt bẻ chúng trong việc hát vang bài Tiến quân ca, nhưng nhìn vào lũ rách rưới ấy, không ai nhịn được cười. Một số thầy cô giáo trẻ ngó chúng, hát không nổi bài Quốc ca. Hòa nói nhỏ: “Cấm chúng mày cười nhé. Cười là chết đấy!”. Mặt thầy hiệu trưởng đỏ như gà chọi, mặt cô Vân chủ nhiệm tái xanh, còn mặt cô Quý thì tím ngắt. Sau giờ chào cờ, mười mấy thằng được bốc lên phòng họp Ban giám hiệu ngay lập tức.

Câu đầu tiên của thầy hiệu trưởng là: “Các cậu có muốn học ở cái trường này nữa hay thôi?”.

Hòa lễ phép:

– Thưa thầy, xin thầy cho biết chúng em làm gì sai ạ?

– Cậu không biết sai gì hả? Nhìn lại bộ dạng các cậu xem? Ai cho phép các cậu ăn mặc như thế này đến trường?

– Thưa thầy, nội quy của trường mình không cấm học sinh mặc quần áo vá đi học.

– Quần áo vá? Cái các cậu đang mặc mà gọi là quần áo à? Gọi là đống giẻ rách thì đúng hơn!

Tác giả: