Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

Hòa cảm giác có chuyện gì đó không ổn. Nó nghĩ bụng: “Không khéo lại thành đồng lõa với đứa ăn cắp thì bỏ mẹ”.

– Dạ, gọi là mới nhưng cũng có nếp nhăn rồi ạ. Cháu vo lại nên cũng bị nhàu…

Lúc đấy chú Quân từ ngoài vào. Chú đi về phía tủ, cầm ra một tập tiền mới loại một đồng, kéo Hòa ngồi xuống giường:

– Đây, cháu xem nhé, cô lĩnh hai tập tiền mới ở ngân hàng, mỗi tệp có mười đồng. Tiền đánh số theo seri của nó. Đây, từ TU 649491, TU 649492… đến 649500, có đúng không nào?

– Vâng ạ. Nhưng cháu vẫn chưa hiểu chú muốn nói gì?

– Thế này nhé, cháu xem đồng tiền của Quốc: TU 649493. Vậy thì dĩ nhiên đồng tiền này phải ở đây rồi.

Cô Thủy xen vào:

– Đáng lẽ tôi cũng không để ý, nhưng tôi thấy cả tệp tiền đều bị quăn ở mép, mà đồng này cũng bị quăn hệt như vậy, lắp vào vừa khít nên tôi mới nghi.

Hòa nghĩ bụng: “Thế này thì còn cãi cái mẹ gì nữa!”. Chú Quân vẫn ôn tồn:

– Ở nhà, thỉnh thoảng cô chú vẫn cho Quốc tiền. Tính nó giống mẹ, tiền cứ hay vứt lung tung, nhiều khi tiền nọ lẫn vào tiền kia. Thôi, bỏ chuyện này đi.

Hòa nóng hết cả mặt, tự nhủ chả cái dại nào giống cái dại nào, bỗng dưng lại đi dính vào chuyện ăn cắp tiền, mà lại còn ăn cắp hết sức ngu ngốc. Nó chào bố mẹ Quốc Tẩm rồi hai đứa ra khu tập xà kép giữa Nhà 3 và Nhà 5. Việt, Khanh, Ngọc, Tường đang tập xà ở đó.

Hòa bảo Quốc Tẩm:

– Lần sau đừng lôi tao vào các loại việc kiểu này nữa. Mà mày lấy tiền của mẹ mày làm gì hả?

Quốc Tẩm thú nhận:

– Tao bị bọn đầu gấu ngoài cổng trường lột mất đôi dép. Tao còn mấy đồng, thấy mẹ tao vừa lĩnh tiền, rút lõi ba đồng, định để mua dép. May mà chiều đưa mày hai đồng, chứ còn cả ba đồng thì không còn đường cãi.

– Tao nghĩ bố mày nói thế để mày đỡ ngượng thôi, chứ ông ấy biết thừa mày ăn cắp. Nhớ từ giờ đừng lôi tao vào cái loại chuyện này.

2

Đã hơn nửa tháng, kể từ ngày bị trấn lột mất chiếc mũ cối Trung Quốc mới tinh bố vừa cho, không đêm nào Việt ngủ ngon giấc. Cảm giác ức và nhục luôn làm nó tức nghẹn cổ. Hôm đó, vừa ra khỏi cổng trường, nó bị hai thằng chặn lại. Một thằng nhấc chiếc mũ trên đầu, thằng còn lại giật cặp, lục lọi và lấy chiếc bút máy. Việt run lẩy bẩy. Nó đứng yên, mặc cho hai thằng kia muốn lấy gì thì lấy. Bản năng tự vệ của nó hoàn toàn tê liệt. Giờ nghĩ lại, nó thấy xấu hổ, chẳng hiểu sao lúc đó mình hèn đến thế. Nó đã hình dung ra đủ việc phải làm để cướp lại chiếc mũ. Trong giấc mơ, nó thấy mình là người hùng, hiên ngang chặn đường, túm cổ hai thằng ăn cướp, đánh lấy đánh để và giật lại chiếc mũ. Nhưng cứ đến khi đội mũ lên đầu, thì nó giật mình tỉnh dậy, mồ hôi toát ra đầm đìa, chân tay vẫn đang run lên, không biết vì tức hay vì sợ nữa.

Mà không chỉ có Việt, hầu như cả lớp đều bị mấy thằng đầu trọc trấn lột. Bọn con trai thì im như thóc. Bọn con gái thì vừa khóc vừa đi báo với bảo vệ. Nhưng hai ông bảo vệ già làm gì nổi một lũ ăn cướp? Cô chủ nhiệm còn thấp bé hơn cả học sinh, đẩy khẽ một cái đã ngã, bảo vệ nổi ai? Phản ánh cho Ban giám hiệu thì thầy hiệu trưởng nói đã báo công an rồi.

Việt gặp Hòa, kể về việc bị trấn lột. Hòa cũng bị cướp chiếc bút máy mới, được bố tặng khi vào cấp ba. Chiếc bút là tài sản giá trị nhất của nó từ trước tới nay. Hơn nữa, là kỷ niệm của bố. Hòa vừa tiếc, vừa nhục. Mỗi khi nó nghĩ lại cảnh bị lục cặp lấy mất bút, nỗi uất ức lại trào lên. Hòa rất muốn trả thù và đòi lại bút, nhưng chưa biết phải làm thế nào. Cả tuần nay nó cứ suy nghĩ mãi về chuyện này.

Việt bàn:

– Tao định nói với bố tao báo công an. Nếu không, mình có cái gì mới, chúng nó lại cướp mất.

Hòa lắc đầu:

– Lấy đâu công an đi theo bảo vệ mình cả ngày? Công an về, nó lại đánh mình, cướp của mình. Tao nghĩ mãi rồi, chỉ còn mỗi cách đánh nhau với chúng nó.

– Bọn nó có dao, dân đầu trộm đuôi cướp. Tao sợ mình không đánh nổi.

– Nếu tất cả bọn lớp mình cùng đánh, làm gì không đánh được. Nó dùng dao thì mình dùng gậy. Năm thằng cầm gậy vụt một thằng cầm dao, chắc gì nó đã đâm được mình?

– Nhưng anh em mình toàn thằng nhát, thấy nó rút dao ra là chạy hết.

– Nếu còn sợ thì không dám đánh. Tao nghĩ, nếu muốn đánh, đầu tiên phải làm cho anh em mình không sợ chúng nó, sau đó mới bàn tới chuyện đánh như thế nào?

– Cứ cho là bọn mình không sợ và quyết tâm đánh. Rồi sao nữa?

– Kiểu gì cũng phải có vài thằng cảm tử, liều mạng đánh trước để khuấy động bọn còn lại. Đã đánh nhau, phải có thằng đi đầu.

Việt hăng hái:

– Vậy mình rủ chúng nó cùng bàn nhé.

– Ừ, gọi tất cả bọn con trai khu Nam Đồng lớp mình, rủ thêm bọn Bích Bọp, Hà Tư, Thái Đen nữa.

3

Theo hẹn của Việt, tám giờ tối, khoảng hai chục thằng có mặt ở bể nước Nhà 2. Quốc Tẩm cho biết thằng cầm đầu ở khu tập thể Văn Chương. Hội này có khoảng bảy, tám đứa. Nó nói:

– Bọn này ghê lắm, dân đi tù về, đầu trộm đuôi cướp, cầm dao đâm người không ghê tay, bọn mình không đánh được đâu.

Hòa hỏi:

– Ai bảo mày bọn nó là dân đi tù về?

Quốc Tẩm bảo:

– Trông cái đầu trọc lốc, mắt gườm gườm như thế, chắc chắn vừa đi tù về.

– Mày có biết nó đi tù về tội gì không, hay chỉ đoán bừa?

Quốc Tẩm không nói gì. Việt hiểu ý Hòa nên hùa theo:

– Mày bảo chúng nó đâm người không ghê tay? Mày có nhìn thấy nó đâm ai không?

Quốc Tẩm nói:

– Phải nhìn xa chứ, đợi cho đến lúc nó đâm cho một nhát vào bụng thì còn nói làm gì. Tao thấy nó dắt dao ở lưng.

Việt nhìn Quốc Tẩm:

– Mày nghĩ cứ thằng nào mang dao là dám đâm người à? – Nó vén áo, rút từ sau lưng ra một lưỡi lê AK lấp loáng – Giờ tao đang cầm dao trong tay, mày có nghĩ là tao dám đâm không?

Quốc Tẩm nhìn Việt:

– Mày mà dám…?

Việt xỉa luôn lưỡi lê vào bụng Quốc Tẩm, nhưng nó cũng cẩn thận để mũi lê không chạm vào người. Quốc Tẩm theo phản xạ, lùi lại, nhưng hai chân vấp vào nhau, ngã bổ chửng. Việt nói:

– Đúng, lúc này thì tao chưa dám. Nhưng nếu bọn kia có dao mà chưa từng đâm ai, thì chúng nó hơn gì tao?

Tất cả ồn ào. Hòa lên tiếng:

– Chúng mày yên, để thằng Việt nói tiếp.

– Ý tao thế này: Tụi nó chỉ có bốn thằng trấn lột với mấy đứa đi theo, vậy thì việc gì mình phải sợ? Tao nghĩ chẳng qua bọn mình hèn nên chúng nó bắt nạt. Bọn mình có hai chục thằng, to cũng bằng chúng nó, tại sao không đánh lại?

Bích nói:

– Có mẹ gì mà phải bàn nhiều. Nó cướp nữa thì đánh bỏ mẹ nó đi. Một thằng không đánh được thì tất cả cùng đánh.

Khanh phụ họa:

– Đến đế quốc Mỹ bố mẹ mình còn đánh được, chẳng nhẽ mình lại không đánh được mấy thằng đầu đường xó chợ này?

Việt gật đầu: “Vậy thống nhất từ mai, nếu bọn nó cướp là mình xúm vào đánh nhé”.

Hòa đề nghị:

– Từ sáng mai, tất cả bọn mình đi học cùng nhau, và chỉ mặc quần áo bộ đội, hay ít nhất cũng mặc áo bộ đội. Chúng mày nghĩ xem, thấy hai chục thằng trông như bộ đội, muốn xông vào cướp cũng thấy ngán.

Ngọc rụt rè:

– Ông già tao là liệt sỹ, nhà tao lấy đâu ra quần áo bộ đội?

Việt nói ngay:

– Tao cho mày một cái áo.

Hòa thấy cần khẳng định lại một lần nữa:

– Nếu từ mai nó chặn đường cướp, tất cả anh em sẽ cùng xông vào đánh nhé.

Khanh ngần ngừ rồi hỏi:

– Mày nói “tất cả anh em”, nhưng lúc đó ai xông vào trước? Hay lại thằng nọ đưa mắt ra hiệu cho thằng kia: “Mày xông vào trước đi!”

Việt thấy hôm qua Hòa tính trước chuyện này không thừa. Nó nói:

– Tao! Còn thằng nào tình nguyện không?

Hoàng, Bích, Hà Tư xung phong. Bích hỏi:

– Vừa rồi thằng Việt giả định nó không đánh bằng dao. Nếu nó rút dao ra thì làm thế nào?

Việt rút lưỡi lê ra:

– Tao cũng rút dao.

Bích nói:

– Mày có lưỡi lê, nhưng bọn tao lấy đâu lưỡi lê? Hơn nữa, đã rút lê ra chả nhẽ không đâm? Đâm nó chết thì mình bị đi tù, nó không chết mình cũng bị đuổi học.

Việt vẫn khăng khăng:

– Theo tao, bọn mình vẫn phải đánh bằng vũ khí. Mình là học sinh, chúng nó là dân trộm cướp chuyên nghiệp, lại có dao. Phải dùng vũ khí mới đánh lại được. Chúng mày bàn xem nên chọn vũ khí gì cho phù hợp?

Khanh gợi ý:

– Chúng mày học rồi mà quên à, “Buổi đầu không một tấc sắt trong tay, tre là tất cả, tre là vũ khí…” Cứ theo truyền thống dân tộc thôi. Kiếm một ít tre đực già, loại làm cán cuốc, dài năm mươi phân. Có cái đó, dao cũng chẳng sợ.

Hòa lắc đầu:

– Loại tre mày nói ở Hà Nội kiếm đâu ra… Tốt nhất mình ra chỗ công trường, kiếm lấy mấy thanh sắt tròn phi 10, cưa làm từng đoạn ngắn, khoảng mấy chục phân. Cứ nhằm tay cầm dao của nó vụt, nó sẽ không đâm được mình.

Khanh bổ sung:

– Ngoài gậy sắt, bọn mình mỗi thằng thủ thêm hai cục đá. Nếu thằng nào nhát, không dám xông vào đánh thì có thể đứng ngoài, rình lúc thuận tiện, ném vào đầu chúng nó. Cái này gọi là “ném đá giấu tay”, vừa hiệu quả, lại vừa không sợ bị đi tù hay đuổi học.

Cả bọn nhao nhao, mỗi thằng một ý. Việt thấy tinh thần mọi người lên cao, nó phân công luôn:

– Nếu chúng mày nhất trí thì bây giờ Quốc Tẩm với Ngọc ra chỗ công trường, lấy mấy thanh sắt tròn phi 10. Thằng nào nhà có cưa sắt về lấy ra đây để cưa, chia cho mỗi đứa một đoạn. Mai ngày đầu tuần, chúng nó thường hay chặn đường trấn lột. Tao sẽ nhờ ông Phan Bắc và ông Việt Thanh đi cùng bọn mình đến trường một vài buổi. Chiều nay tao đã ướm thử và các ông ấy nhận lời rồi. Lứa trường Trỗi khu mình, tao thấy hai ông này phong độ và dễ gần. Những ngày đầu, có một hai đại ca chống lưng cũng yên tâm hơn.

Tác giả: