Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

– Lúc mày “èn en”, không ai nhịn được cười – Đính nói.

– Tao trình bày: “Vì bài Trường ca có chỗ em không thuộc, nên mới èn en. Mà cũng do lúc đó mọi người cười nên em cuống… Cùng với phê bình em, xin thầy chấn chỉnh lại hoạt động chào cờ và hát Quốc ca của trường ta, yêu cầu các thầy, cô giáo, các bạn lớp trưởng, lớp phó, bí thư chi đoàn và quản ca phải gương mẫu hát trước”. Thầy bảo: “Ơ… tôi gọi cậu lên đây để phê bình cậu, hóa ra lại thành cậu phê bình tôi à?”.

Lúc đó tao chợt nhớ thằng Đính có bác làm ở bộ phận tổ chức của Sở Giáo dục, nên nói phét thêm: “Bác em làm ở Sở Giáo dục nói là các nơi, ngoài Quốc ca người ta chỉ hát Quốc tế ca trong lễ chào cờ. Không hiểu sao trường Đống Đa lại hát thêm cả Trường ca?”. Thầy nhìn tao rồi hỏi: “Bác cậu làm ở… Sở Giáo dục Hà Nội à?”. Tao trả lời: “Bác em làm ở Phòng Tổ chức…”. May sau đó thầy không hỏi nữa, chứ hỏi thêm bác cậu tên gì là tao tắc tị. Rồi thầy cho tao về. Khi được thả, tao hỏi: “Thưa thầy, giờ chào cờ thứ Hai tuần tới, thầy bảo em nên hát to, hát nhỏ hay không hát?”. Thầy cáu: “Thôi, ông đi về cho tôi nhờ!”.

2

Nhưng buổi sáng thứ Hai tuần này, ngoài chuyện hát to trong Lễ chào cờ của Việt, ở lớp 8D còn xảy ra một vụ nghiêm trọng hơn nhiều.

Câu chuyện bắt nguồn từ hai tuần trước. Giờ Văn, thầy ra đề cho cả lớp làm rồi xuống phòng giáo vụ ngồi. Việt nhờ Khanh làm bài hộ. Nó còn hứa sẽ đãi Khanh một que kem ở nhà hàng Hồng Vân – Long Vân. Khanh vốn văn hay chữ tốt, cứ viết cho mình một câu lại đọc cho Việt một câu, có lúc còn làm cho Việt chép không kịp. Khi trả bài, Khanh được 7 điểm, Việt được 6. Thầy phê vào bài của Việt: “Bố cục rõ ràng, hành văn trôi chảy, nhưng tiếc rằng em mượn văn người hơi nhiều. Nếu làm ở nhà chắc không thể cho điểm cao hơn!”. Chắc là do Khanh khoa môi múa mép theo giọng văn mùi mẫn của Tự Lực Văn Đoàn mà nó đang đọc. Việt vốn không quan tâm việc thầy nhận xét thế nào. Với nó 6 điểm là quá tốt. Nhưng Khanh đọc lời phê của thầy giáo thì khó chịu. Người ta nói “văn mình, vợ người”, dù gì thì Khanh cũng là tác giả, và nó cảm thấy bị xúc phạm. Chẳng biết nó bàn với Việt thế nào, giờ giải lao hai đứa xin gặp thầy. Việt lễ phép hỏi:

– Thưa thầy, khi muốn chứng minh một vấn đề mà chỉ đưa ra lý lẽ, không có dẫn chứng thì có chấp nhận được không ạ?

Trước thái độ nghiêm túc của hai đứa, thầy vui vẻ trả lời không được, và giải thích khá cặn kẽ. Nhưng cả hai đứa đâu có quan tâm thầy nói gì. Thừa lúc thầy nói chậm lại, Việt chìa bài kiểm tra ra:

– Thưa thầy, bài của em thầy nói là “mượn văn người”, nhưng thực tế em làm trên lớp, không mượn của ai. Thầy có thể dẫn chứng em mượn của ai không ạ?

Thầy nhìn Việt, cầm lấy bài văn của nó, đọc được mấy dòng thì mặt đỏ ửng, rồi chuyển sang tím đen, rút bút phê vào đấy hai chữ “hỗn xược” to đùng. Thầy đưa trả cho nó, nhưng tới nửa chừng lại rụt về, đút vào cặp và nói: “Tôi không chấp nhận thái độ láo lếu của cậu. Tôi sẽ nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm và bố mẹ cậu”. Việt trả lời: “Thưa thầy, bố mẹ em đều đang bận đánh Mỹ ở chiến trường”. Thầy càng cáu. Vào lớp, thấy thằng Ngọc đang nhe răng cười, thầy gọi nó lên bảng kiểm tra bài. Nó không trả lời được, thầy cho luôn điểm 0. Thằng Ngọc càu nhàu từ lúc tan trường đến tận khi về tới khu tập thể: “Đời chả có cái mẹ gì là công bằng cả. Ông ấy tức thằng Việt, ông ấy lại đè tao ra cho điểm 0.”

Nói chung, kể từ hôm thầy cho cả lớp điểm kém, quan hệ thầy trò căng thẳng ra mặt. Càng căng, thầy càng cho nhiều điểm kém. Mọi người bảo nhau thầy định dùng điểm số khuất phục cả lớp, vì cứ cái đà này, điểm Văn năm nay trừ Khanh với mấy đứa con gái, còn lại sẽ dưới trung bình. Việt nói: “Bom đạn của đế quốc Mỹ chúng tớ còn chả sợ, sợ gì mấy điểm 0”. Đính bảo: “Cả lớp điểm kém, điều đó chỉ chứng tỏ thầy dạy dở”. Khanh phụ họa: “Macarenco nói: không có học trò dốt, chỉ có thầy giáo tồi!”. Với tư cách lớp phó phụ trách học tập, Giang Cận lên bục giảng lấy ý kiến mọi người: “Thầy Toàn dạy Văn quá kém, ảnh hưởng tới chất lượng học tập của lớp. Bạn nào đồng ý xin đổi thầy thì giơ tay?”. Trừ Mai Phương và mấy đứa con gái, cả lớp hưởng ứng rầm rầm.

Thứ Hai tuần này, sau lễ chào cờ, mọi người lên lớp đã thấy thầy Toàn ngồi đó, vẻ mặt thẫn thờ, nước mắt rơm rớm. Trên bảng một dòng chữ in hoa, viết vội, cố tình làm người ta không nhận ra nét chữ: “Toàn dạy dốt. Cút đi!”. Lớp trưởng Mai Phương lặng lẽ cầm giẻ lên bảng xóa mấy chữ đó. Không khí căng thẳng, nặng nề. Cả lớp nhìn nhau, cố đoán xem đứa nào viết? Tất cả những thằng đầu gấu và những thằng ghét thầy nhất đều tham gia chào cờ, không ở lớp để viết dòng chữ này. Đành rằng thầy dậy không hay và đang đàn áp mọi người bằng điểm số, nhưng cái vụ viết khẩu hiệu đuổi thầy kiểu này có vẻ đi quá giới hạn.

Hòa cân nhắc và quyết định phá tan sự yên lặng:

– Thưa thầy, mặc dù thầy cho chúng em nhiều điểm kém, không thích lớp chúng em, và chúng em cũng có điều không phải với thầy, nhưng chúng em không viết những chữ đó.

– Cậu có chắc người khác vào đây viết không? – Thầy hỏi.

Hòa ngắc ngứ:

– Thưa thầy… tất cả chúng em hôm nay chào cờ dưới sân trường và đều lên lớp sau thầy.

Cái Thư đứng lên:

– Em là người trực nhật. Khi em làm vệ sinh xong và xuống sân chào cờ, trên bảng chưa có dòng chữ này.

– Thôi, chúng ta đừng bàn ai là người viết nữa. Dù sao, đã xảy ra chuyện này, tôi cũng không thể tiếp tục dạy các em được. Tôi xin gửi lớp trả nhà trường – thầy nói và buồn bã xách cặp ra cửa, vừa đi vừa lau nước mắt.

Thầy đi được mười phút thì cô Vân xồng xộc vào lớp. Cô bắt lớp trưởng báo cáo tình hình, ra lệnh truy bằng được thủ phạm. Tất nhiên chẳng ai nhận mình viết. Cô bắt Giang Cận đứng dậy: “Hôm trước, cậu lên trước lớp, hô hào đổi thầy? Có phải cậu viết không?”. (Chẳng hiểu sao cô biết chuyện này? Từ trước tới nay, mọi sinh hoạt ở lớp đều được giữ kín như bưng. Ngay cả đứa gần cô giáo nhất là Mai Phương, lớp trưởng, dù biết khối trò nghịch ngợm của bọn con trai nhưng cũng không bao giờ mách lẻo). Giang Cận trình bày, sáng nay nó tới trường và ở luôn dưới sân để chào cờ. Khi lên lớp, nó đã thấy dòng chữ đó rồi. Hòa nói: “Thưa cô, ngoài bạn Thư đến sớm trực nhật, hôm nay không ai lên lớp trước giờ chào cờ. Bạn Thư đã khẳng định khi rời lớp xuống chào cờ, trên bảng chưa có dòng chữ đó. Có thể là bạn nào lớp khác không thích thầy, nhân lúc lớp không có ai, vào viết lên bảng.”. Khanh đứng lên: “Thưa cô, dòng chữ đấy ở trong lớp mình, dù cho người lớp khác viết, lớp mình vẫn bị mang tiếng, vì vậy chúng em sẽ đến xin lỗi thầy…”. Nó ngập ngừng rồi nói thêm: “…dù chúng em không viết”. Cô Vân vẫn đang cơn giận dữ: “Các cậu chẳng cần phải xin lỗi cái việc mà các cậu không làm. Nếu muốn chứng tỏ mình không có lỗi, hãy tìm kẻ nào viết mấy chữ đó ra đây… Tại sao trường chúng ta lại có cái loại học sinh đốn mạt như thế này cơ chứ?”, giọng cô nghẹn lại vì tức.

Giờ giải lao, bọn con trai khu Nam Đồng túm tụm hỏi nhau thằng nào viết? Ai cũng nghĩ ngoài chúng nó, làm gì có đứa nào dám to gan viết mấy chữ đó. Nhưng tất cả đều khẳng định không viết. Khanh nói: “Tuy bọn mình không ai thích thầy, nhưng nhất tự vi sư, bán tự vi sư, đâu có thèm làm cái trò bỉ ổi, ném đá giấu tay đó”. Hòa cũng thắc mắc không biết đứa nào viết. Khanh bảo: “Nhưng dù đứa nào viết thì cô chủ nhiệm cũng nghĩ là mấy thằng mình”.

Phải đến hai năm sau, Hòa mới biết ai viết dòng chữ đó. Nó thực sự bất ngờ. Một người mà có nằm mơ nó cũng chả hình dung được.

Trận đánh đầu tiên

1

Hòa bị mất bút. Xin tiền mẹ mua cái mới thì ngại. Buổi chiều Hòa hỏi vay Quốc Tẩm hai đồng. Chẳng biết ai đặt ra cái tên Quốc “Tẩm”? Nó đô con, đẹp trai, mắt “bồ câu trâu” to và lông mày rậm, chẳng tẩm (quê mùa) chút nào. Hòa vừa ăn cơm tối xong thì Quốc Tẩm đến, giọng bức xúc:

– Ban nãy mẹ tao kiểm ví tiền, thấy mất một đồng, thế là đổ cho tao lấy… lát nữa mày sang, nói là mày mới cho tao vay một đồng nhé.

– Mày ăn cắp tiền của mẹ mày à?

– Tao có ít tiền riêng, tiết kiệm từ lâu rồi, nhưng không nói để thỉnh thoảng còn xin. Mẹ tao thấy tao có tiền nên nghi ngờ.

Hòa nhận lời. Khoảng mười lăm phút sau, sang nhà Quốc Tẩm, thấy bố nó, chú Quân, đang lúi húi ngoài bếp. Dãy nhà lẻ khu tập thể Nam Đồng, bếp nhà nào cũng ở gần cửa ra vào, dùng chung cho hai hộ gia đình. Hòa thừa biết Quốc Tẩm đang đợi, nhưng vẫn lễ phép:

– Cháu chào chú, Quốc có nhà không ạ?

– Có đấy. Cháu vào chơi!

Quốc Tẩm đang ngồi cãi nhau với mẹ, giọng vẫn còn thổn thức. Hòa làm vẻ ngỡ ngàng, khẽ hỏi:

– Có chuyện gì thế hả Quốc?

– À, đấy… nào, nào… mẹ thử hỏi thằng Hòa xem nào?

Cô Thủy, mẹ Quốc Tẩm ngồi thừ một lát rồi hỏi:

– Thế mày bảo tao hỏi Hòa cái gì mới được chứ?

– Nào, hực…hực… mẹ thử hỏi có đúng nó cho con vay một đồng để mua dép không nào?

– Thế Hòa cho Quốc vay loại tiền gì, tiền cũ hay mới?

Hòa nhớ chiều nay khi vay Quốc Tẩm hai đồng, thấy nó rút ra ba tờ tiền mới, liền nói:

– Dạ, tiền mới ạ.

– Mới như thế nào hả cháu?

Tác giả: