Ngọc gật liền:
– Thế thì quá dễ. Để mai tao nói luôn.
Khanh lắc đầu:
– Nhưng mày với nó hôn nhau rồi, tỏ tình như thế không hay, vì khi nó cho hôn, tức là nó đã cho mày hy vọng. Theo tao, mày nên tỏ tình theo kiểu lấy thoái làm tiến, lấy thủ làm công.
Ngọc nhìn Khanh:
– Tỏ tình kiểu gì mà lằng nhằng thế?
– Không lằng nhằng đã chẳng phải là tình yêu. Mày hãy nói với nó: “Chiến tranh chưa biết bao giờ kết thúc. Chuyến đi của anh có thể kéo dài năm năm, mười năm hoặc lâu hơn nữa. Anh không muốn em mất cả tuổi xuân chờ đợi. Mình chia tay nhé. Anh rất buồn. Nhưng anh nghĩ đó là điều tốt nhất cho em”. Tao đã thử rồi. Kiểu cao thượng giả vờ này rất hiệu quả.
Ngọc ngẫm nghĩ rồi lắc đầu quầy quậy:
– Kiểu này phức tạp quá. Tao thích kiểu đơn giản như lúc nãy hơn.
– Vậy thì nói câu đó, nhưng sửa thành: “Anh yêu em. Đợi anh về em nhé”, cho nó hợp hoàn cảnh.
Ngọc ưng câu này rồi, nhưng vẫn hỏi:
– Còn kiểu nào nữa không?
Khanh cười hì hì:
– Thiếu gì kiểu. Ông Minh dạy tao 36 kiểu tỏ tình. Thích học thì lấy giấy ra mà chép – Rồi nó thao thao bất tuyệt – Nếu mình ở thế thượng phong thì bắt đầu bằng câu: Nếu anh nói anh yêu em là anh nói dối em. Nhưng nếu anh nói anh không yêu em là anh nói dối lòng anh. Nếu mình ở thế yếu hơn thì bắt đầu bằng câu…
Ngọc phì cười:
– Lắm kiểu thế. Nghe ù cả tai. Nếu tao chỉ ôm hôn nó và nói: “Đợi anh về em nhé”, thì có được coi là đã tỏ tình không?
Khanh lắc đầu:
– Không được. Bọn con gái dù thừa biết mình yêu rồi, nhưng vẫn thích nghe nhắc đi nhắc lại câu anh yêu em hàng trăm lần. Trong mọi trường hợp, bắt đầu bằng anh yêu em là tốt nhất.
Ngọc gật đầu:
– Hiểu rồi. Tao sẽ chọn câu tỏ tình này. Tao thấy rất hay. “Liên ơi, anh yêu em! Đợi anh về em nhé!”.
Những năm sau
Ngọc đã không nói được với Liên lời tỏ tình. Sau khi nhập ngũ, nó phải tập trung huấn luyện gấp rút rồi vào thẳng chiến trường miền Nam, không kịp rẽ qua gặp Liên tạm biệt. Ngọc hy sinh ở mặt trận Xuân Lộc, cửa ngõ Sài Gòn, một vài tuần trước ngày 30 tháng Tư năm 1975. Nó vật vã hai ngày rồi ra đi với nhiều vết thương trên người cùng đôi chân dập nát. Ngọc không có thời gian thực hiện ước mơ trở thành một kỹ sư chế tạo máy, để làm tặng Liên máy giặt, máy rửa bát, máy lau nhà và rô-bốt xách nước như lời hứa. Nó mãi mãi sống với tuổi mười chín, đôi mươi, ở đâu đó trên bầu trời cao xanh thắm, vui vẻ ngắm nhìn bạn bè và trái đất này. Biết Ngọc không về, nhưng Liên vẫn đợi Ngọc. Đợi mãi. Nỗi đau của mối tình đầu, nỗi đau chiến tranh, nỗi đau li biệt khi tình yêu vừa đến, đâu có dễ quên. Nhiều năm sau khi tốt nghiệp đại học, Liên vẫn không thể nào quen với ý nghĩ anh Ngọc sẽ không bao giờ trở về.
Mai Hương đã mãi mãi không trở về. Mai Hương gia nhập Thanh niên Xung phong và trúng mìn lúc mở đường. Mai Hương mất trong lúc Việt tìm kiếm Mai Hương khắp chiến trường. Di vật cuối cùng Mai Hương để lại, được đơn vị chuyển cho gia đình là cuốn nhật ký dưới đáy ba lô. Mai Hương đã tìm lại được sự bình yên trong tâm hồn qua những ngày gian khổ nhất. Mai Hương lại cất tiếng hát trong trẻo, mang lại niềm vui, sự hứng khởi cho những người thanh niên xung phong, những người chiến sỹ, và cho chính bản thân mình. Trong những ngày cuộc chiến gần kết thúc, khi các đoàn quân ào ạt tiến về giải phóng Sài Gòn, không khí rạo rực đã cuốn đi những phiền muộn, ưu tư. Tuy nhiên, trong cuốn nhật ký của Mai Hương để lại, với rất nhiều kỷ niệm chiến trường, vẫn có những trang viết nhòa nước mắt, là những khi Mai Hương nhớ Việt. Mai Hương luôn mong muốn Việt bình an và hạnh phúc. Chỉ duy nhất một lần Mai Hương ao ước: Có một ngày, Việt sẽ tha thứ cho Mai Hương.
Mai Hương không biết Việt đã tha thứ cho Mai Hương từ rất lâu rồi… Suốt một thời gian dài, trên bàn thờ nhà Việt, cùng ảnh ông bà là di ảnh của Mai Hương, với nụ cười hồn nhiên, đôi mắt ngời sáng, bức ảnh duy nhất Mai Hương tặng Việt. Bên dưới bức ảnh là một sợi dây chuyền bằng bạc đã chuyển thành màu xám. Trong lòng Việt và bè bạn, Mai Hương đã trở thành một người con của Quân khu Nam Đồng.
Chiến tranh là vậy. Ngày về rợp bóng cờ hoa, cũng là ngày vắng bóng những người đã ngã xuống. Cùng với Mai Hương và Ngọc, nhiều người con khác của khu tập thể Nam Đồng đã không trở về. Có người tới giờ vẫn nằm cùng đồng đội ở Nghĩa trang Trường Sơn hoặc biên giới Tây Nam. Có người, như Mai Hương, máu và xương đã hòa vào lòng đất mẹ. Ngay sau ngày ra quân, trở về từ chiến trường Campuchia, Việt đã lặn lội, dò hỏi, tìm đến địa điểm Mai Hương hy sinh. Chỉ thấy một con đường nhỏ, chằng chịt dây leo giữa đại ngàn xanh ngắt. Việt ở lại đó cả tuần, xây cho Mai Hương một ngôi mộ gió.
Hoàng tạm biệt Vân, vào chiến trường, mang theo một mối tình sét đánh, nồng nàn và lệ đẫm vai áo. Hoàng theo đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn và sau đó tiếp tục tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Khoảng thời gian đợi chờ nhiều năm quá dài với một người con gái tuổi xuân thì, trong khi cuộc chiến tranh lại ở ngoài biên giới. Vân đi xuất khẩu lao động ở Đức và sau đó định cư tại nước bạn. Hoàng luôn đầy kỷ niệm mỗi khi nói về mối tình xưa và không bao giờ trách Vân, chỉ coi việc hai đứa chia tay là duyên phận.
Hà Tư và Hoàng Yến cũng không cùng nhau đi nốt chặng đường như hai đứa thề trăng hẹn gió. Hà Tư được đơn vị biệt phái sang Trường Đại học Hàng hải, học lớp kỹ thuật máy, để phục vụ lâu dài trong quân đội. Hai đứa như cá nước, chim trời… Và không phải lúc nào, sự xa cách cũng như cơn gió mạnh, thổi bùng thêm đống lửa tình yêu. Những người con gái đến rồi đi, nhưng Hà Tư luôn dành cho mối tình đầu những tình cảm trân trọng nhất. Bạn bè khi nói đến Hà Tư, đều cảm thấy tiếc cho nó với Hoàng Yến, một đôi trai tài gái sắc. Còn với Hà Tư, nó vẫn nhớ mãi nụ hôn đầu của hai đứa bên bờ biển. Vì lúc đó vội, ăn xong không uống nước súc miệng, nên khi hôn Hoàng Yến, nó ngửi thấy có mùi hành thơm thơm.
Khanh đã quên tịt mong muốn trở thành nhà kinh tế giỏi để xây dựng đất nước sau chiến tranh. Cuộc đời quân ngũ và những công việc đang làm đã giữ chân nó ở lại quân đội. Còn chuyện tình duyên của Khanh thì đúng là tránh trời không khỏi nắng. Nó yêu nhiều nên trời bắt nó cưới nhiều. Dù làm đám cưới bốn lần, Khanh chỉ tính mình có ba vợ. Theo nó, gọi một người mình chung sống nhưng chưa đăng ký kết hôn là vợ vừa thiếu nghiêm túc, vừa không đúng luật. Sau lần yêu liền một lúc bốn cô thuở ban đầu, Khanh chuyển sang yêu theo kiểu dứt điểm từng cô một. Trong chừng mực nào đó, như thế cũng là chung thủy. Sướng hay khổ không biết. Âu là số trời. Mong “cô Ba” của nó sẽ là cô cuối.
Giang Cận được quân đội biệt phái sang học trường Đại học Tài chính. Là bộ đội, lại thông minh, học giỏi, Giang Cận được cử làm lớp trưởng kiêm Bí thư Chi đoàn.
Nó yêu một cô gái kém ba tuổi cùng lớp, nhà ở khu tập thể Nam Đồng. Nhà trường phê phán nó là cán bộ mà thiếu gương mẫu, sa đà vào chuyện yêu đương. Với tính cách không chấp nhận bị xúc phạm, Giang Cận trả chức lớp trưởng, trả luôn chức bí thư cho trường. Bù lại, tình yêu của nó đơm hoa kết trái. Giang Cận tốt nghiệp loại giỏi, chính xác là đứng thứ nhất trong những đứa giỏi, nhưng lại không nằm trong danh sách được quân đội cử đi nước ngoài học tiếp như bọn biệt phái khác. Nó viết luôn đơn xung phong sang chiến trường Campuchia chiến đấu. Sau khi giải phóng thủ đô Phnom penh, Giang Cận được điều về Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng. Với đầu óc thông minh trời phú và tính cách quyết liệt, dù ở bất cứ đâu, một khi đã tu chí, Giang Cận tiến bộ rất nhanh. Ông nội người bạn thân cùng đơn vị lập cho Giang một lá tử vi. Ông xem rất kỹ và nói: “Con đường quan lộ của cậu rất sáng, nhưng cậu có tính cực đoan. Nếu khắc phục được điểm này, cậu sẽ còn lên rất cao. Ngược lại, cậu sẽ gặp đại họa”. Giang Cận phẩy tay. Như tất cả những thằng con nhà bộ đội Quân khu Nam Đồng, nó chỉ tin vào bản thân mình. Bói toán là chuyện mê tín dị đoan.