Thầy cau mặt:
– Cậu đọc trong tài liệu nào?
– Em đọc trong bản tin Thông tấn xã Việt Nam. MẬT – không phổ biến.
– Ai cho phép cậu đọc tài liệu mật? Cậu lại đem tài liệu mật của bố cậu ra phổ biến trước lớp, như thế là tiết lộ bí mật quân sự.
Bình thường thì Khanh sẽ cãi thầy đến cùng, nhưng lần này nó hớ. Nó định đem chuyện tài liệu mật của bố ra lòe thầy, không ngờ bị thầy dồn cho. Sợ cãi tiếp sẽ dẫn tới chuyện hai bố con làm lộ bí mật quân sự, nó cắm mặt nhìn xuống. Chẳng mấy khi Khanh rơi vào cảnh này. Hòa giơ tay xin phát biểu:
– Thưa thầy, bạn Khanh nói thế là sai ạ.
Thầy nhìn Hòa, gật đầu, nét mặt giãn ra. Hòa nói tiếp:
– Chuyện bạn Khanh nói, không phải bạn ấy đọc trong bản tin “Thông tấn xã Việt Nam”. Hôm Chủ nhật bạn Khanh sang nhà em chơi, nghe lỏm chuyện bố em với mấy chú trong cơ quan. Bố em nói, hiện nay đang có quan điểm “gió Đông thổi bạt gió Tây”, đề cao sức mạnh của phe xã hội chủ nghĩa. Nhưng nếu hiểu không đúng, coi đế quốc Mỹ là con hổ giấy mà chủ quan khinh địch thì sẽ nguy hiểm. Em cũng nghĩ đế quốc Mỹ không phải là hổ giấy…
Thầy sầm mặt:
– Cậu lên bảng kiểm tra bài.
Hòa cầm quyển vở mới viết nguệch ngoạc được vài cái gạch đầu dòng lên bảng, nhưng đế của đôi dép cao su không bám vào chân nó. Trong lúc cùng với Việt chỉ đạo thu thập quai dép của bọn khác, Hòa không ngờ dép nó cũng bị đứa nào rút hết quai. Nó đành đi đất lên bảng. Cả lớp cười ầm. Thầy giáo nhìn xuống chân nó:
– Sao cậu đi đất đến trường?
– Em đi dép, nhưng bạn nào ăn cắp mất quai rồi ạ – Hòa nói và quay về bàn, lấy hai cái đế dép giơ lên cho thầy xem.
Cả lớp đang cười Hòa, thấy vậy ai cũng ngó xuống chân mình và khắp nơi “thưa thầy, em bị mất dép”, “thưa thầy, dép em bị đứa nào ăn cắp hết quai…”, như một cái chợ. Quốc Tẩm đề nghị:
– Thưa thầy, xin cho khám cặp để tìm quai dép, không thì hôm nay cả lớp phải đi đất về nhà.
Quốc Tẩm chưa nói dứt lời thì nghe có tiếng vù vù, hai mớ quai dép được ném lên phía trước, bắn tung tóe. Cả lớp bò ra cười. Thầy giáo tức tối, yêu cầu lớp trưởng thu bài, rồi bỏ đi, tìm cô chủ nhiệm để phán ánh tình hình.
Hôm sau trả bài, bọn Khanh, Hòa, Việt, Ngọc… đều được 1 điểm vì mới làm xong mở bài. Cả lớp có hai điểm 5, còn lại hầu hết là điểm 2 và 3. Cuộc tàn sát điểm số của môn Văn bắt đầu.
Buổi sáng thứ Hai
1
Cô chủ nhiệm đã thông báo, giờ chào cờ sáng thứ Hai tuần này, một số học sinh lớp 8D sẽ bị phê bình trước toàn trường. Trong một thời gian ngắn, lớp 8D nổi lên như một hiện tượng cá biệt: Kỷ luật lỏng lẻo, học sinh hay bỏ tiết, coi thường thầy cô, có biểu hiện đứng trên tầng ba ném dép cao su vào thầy Nghĩa dạy môn Thể dục (nói là “có biểu hiện” vì chỉ phát hiện được chiếc dép ném đi từ phía lớp 8D), và kết quả học tập của lớp này rất thấp… Tối qua, cô Vân gặp cô Hoa, giãy nảy lên: “Chị nói con cháu chị ngoan, em nhận về, thế mà chúng nó kết bè, kết đảng phá lớp”. Cô hầm hầm: “Cái bọn tướng cướp ấy dám đóng đinh ngược từ dưới chiếc ghế băng, nhô lên trên, chọc thủng đít cô giáo Minh dạy toán. Em mà biết được đứa nào thì chết với em!”. Cô Minh có thói quen vào giờ kiểm tra mười lăm phút hay ngồi ghé xuống chiếc ghế băng bàn đầu. Bàn này có ba người, cái Cúc ngồi ngoài cùng, nhưng nó thường dịch vào trong. Cô Hoa gọi Khanh, Hòa, Ngọc, Việt tra hỏi. Cả bốn đứa đều thề sống, thề chết không làm, và không biết ai làm. Cô càu nhàu: “Không biết đứa nào chơi ác thế. May mà cái Cúc không ngồi phải, chứ nó con gái con đứa, chẳng may bị đinh đâm vào thì còn ra thể thống gì”. Thằng Ngọc kể công: “Trước tiết toán, em lên hỏi bài cái Cúc, nên nó ngồi dịch vào. Nếu không, có khi nó cũng bị đinh đâm rồi”. Việt làu bàu: “Nó bị đâm có khi lại may, vì như thế bọn mình không bị nghi oan”. Cô Hoa véo tai Việt: “Cái thằng này, sao mày lại mong cho con cô bị như thế?”
Nhưng hôm đó, khi thầy hiệu trưởng chưa kịp phê bình lớp 8D thì bọn chúng lại mắc thêm một tội tày trời khác ngay trong lúc chào cờ.
Thông thường, trong lễ chào cờ, sau khi anh Trường, bí thư Đoàn trường hô: “Chào cờ, chào!”, nhạc bài Tiến quân ca nổi lên và mọi người hát theo nhạc. Thế nhưng lần nào cũng vậy, ngoài thầy hiệu trưởng và vài thầy giáo đứng cạnh lẩm nhẩm hát, hầu như tất cả các thầy, cô giáo và học sinh, chẳng ai hát theo. Nếu không bắt mọi người phải hát khi chào cờ, không khí sẽ nghiêm trang hơn. Nhưng vì đây là quy định nên chẳng ai dám bỏ.
Trước lúc chào cờ, Hòa hích Ngọc:
– Hôm nay bọn mình hát Quốc ca thật to nhé.
Việt đứng cạnh nghe thấy, phụ họa:
– Đúng rồi, tao cũng sẽ hát thật to. Phải cho cả trường thấy lớp mình chấp hành nghiêm chỉnh các quy định thế nào.
Sau khẩu lệnh “Chào cờ, chào!”, như đã thỏa thuận, Ngọc cất tiếng hát, nhưng nó vào nhịp sớm hơn nhạc nên ngượng quá, im tịt luôn. Còn Hòa, vốn không biết hát. Lúc nãy nó tự nhiên nổi hứng, xúi mọi người hát to, chứ đâu có nói nó sẽ hát. Giọng nó mà cất lên thì đến trâu, bò cũng phải chạy. Dạo trước, Đính và Minh rủ Hòa đi học lớp ký xướng âm buổi tối. Mỗi lần nghe nó cất giọng, thầy giáo lại lắc đầu: “Nốt không thuộc, cao độ, trường độ hỏng cả!”. Từ đấy, Hòa không bao giờ thèm hát nữa. Nó quyết định “chổng mông” vào âm nhạc, giống như Việt “chổng mông” vào ngoại ngữ. Còn Việt vốn hát khá hay, lại là đứa có bản lĩnh, nên bình tĩnh chờ nhịp, bắt đúng nhạc và hát rất to. Tiếng hát nó nổi bật lên giữa những âm thanh rì rào, lý nhí. Hơn một nghìn giáo viên và học sinh ngơ ngác, nhìn đổ dồn về phía giọng ca. Thầy hiệu trưởng trợn ngược hai mắt, nhưng không dám dịch chuyển khi đang chào cờ. Nhạc vẫn nổi lên trầm hùng. Giờ thì ngoài Việt, cả trường không còn ai hát nữa. Tất cả đều mím chặt miệng để không cười thành tiếng. Việt bắt đầu thấy vấn đề trở nên nghiêm trọng, nhưng dừng hát lúc này cũng chết, nên nó vẫn phải tiếp tục.
Đáng lẽ hát tới đoạn kết: “Nước non Việt Nam ta vững bền” là xong, thì nhạc lại chuyển sang bài “Trường ca”. Bài hát này của một thầy giáo trong trường sáng tác, là niềm tự hào của trường, vẫn được hát sau bài Quốc ca. Lúc này, cả trường chỉ mỗi mình Việt đơn ca, nên nó đành phải tiếp tục, chỗ nào không thuộc thì nó “èn en”, mà lại “èn en” to nên càng buồn cười: “Nối nghiệp người xưa, nay nơi đây dựng xây mái trường, rực sáng trong nắng ấm, muôn sắc áo với muôn… èn en. Cuộc đời lầm than, Bắc – Trung – Nam… èn en đứng dậy…”. Thầy hiệu trưởng tức nổ đom đóm mắt, nhưng vẫn phải đứng yên trong tiếng nhạc. Mọi người cười khùng khục trong cổ họng, Việt càng toát mồ hôi, nhưng vẫn không dám dừng. Khi Việt vừa hát xong câu kết: “Sướng vui thay ngày hội trường, chúng ta ca tình thầy trò, không bao giờ mờ phai trường Đống Đa!” thì thầy hiệu trưởng lao thẳng xuống, túm ngực nó lôi lên phòng họp Ban giám hiệu. Thầy bắt Việt ngồi viết kiểm điểm, rồi ra micro kể tội lớp 8D. Thầy kể tất cả các loại tội thầy đã ghi sổ, cộng thêm cái tội toàn trường vừa chứng kiến trong giờ chào cờ.
Cuối buổi học Việt mới được thả về. Nó kể:
– Thầy hiệu trưởng chửi tao một trận, bảo tao là thằng phản động, gây rối, bắt tao viết bản kiểm điểm. Ban đầu tao cũng nghĩ mình có tội, định kiểm điểm thành khẩn, nhưng đến khi ngồi viết lại thấy không ổn. Chẳng nhẽ trên giấy trắng mực đen, nhận mình là thằng phản động, cố ý phá hoại giờ chào cờ? Tội này có khi bị xếp vào loại phản quốc. Lớp mình, tao là chuyên gia về viết kiểm điểm nên kinh nghiệm ngấm vào máu, gặp lúc hiểm nghèo tự nhiên nó bùng phát, làm mình sáng suốt hẳn lên. Thế là tao quyết định phải kiểm điểm sao cho nghe thì thành khẩn, nhưng càng đọc lại càng thấy cái khuyết điểm đó cũng có nguyên do của nó, thậm chí ngẫm nghĩ một tí, lại thấy giống như ưu điểm.
Hoàng cười hinh hích:
– Mày viết thế nào mà đang khuyết lại biến thành ưu hả?
– Tao viết: Theo quy định của nhà trường, khi chào cờ và hát Quốc ca, tất cả giáo viên và học sinh phải hát theo nhạc. Vì chỉ có thầy hiệu trưởng và vài thầy cô hát nho nhỏ, còn lại không ai chịu hát nên em quyết định hát to, đúng theo lời thầy hiệu trưởng vẫn thường xuyên nhắc nhở. Sau khi em hát, nhà trường yêu cầu phải làm kiểm điểm, vì vậy em xin nhận khuyết điểm.
Đính lắc đầu:
– Mày nói ngang phè.
– Còn mày thì nói đúng giọng Thầy hiệu trưởng. Đọc xong, thầy hỏi tao: “Cậu viết thế này thì hóa ra nhà trường là phản động, kỷ luật cậu vì cậu hát Quốc ca đúng quy định à? Cậu nói cậu xin nhận khuyết điểm, thế cậu có biết khuyết điểm của cậu là gì không?”. Tao trả lời: “Em biết. Vì mọi người hát nhỏ, mà em… hát to. Theo em, dù là làm theo đúng quy định, nhưng khi mọi người không ai làm mà em làm một mình, để mọi người cười là không tốt”. Thầy vặn lại: “Cậu nói như thế thì hóa ra là cả trường sai, còn cậu đúng à?”. Tao vẫn lễ phép: “Em có cái sai của em. Nhưng những người không hát cũng có cái sai của họ. Chính thầy đã nhiều lần nhắc nhở trước toàn trường khi chào cờ phải hát theo nhạc, mà phải hát to. Hôm nay em cũng chỉ làm theo lời thầy dặn thôi”. Thế là thầy cáu: “Nhưng cậu hát kiểu phá đám, nghe nghêu ngao như đứa trẻ con”.
– Trong bọn mình, mày là đứa hát hay nhất, sao lại bảo nghêu ngao? – Hòa xen vào.
– Tao cũng nghĩ tao hát hay. Tự nhiên lúc đó, nhớ vụ mày với thằng Đính đi học ký xướng âm, tao nói: “Nhà trường có dạy nhạc và hát Quốc ca đâu, em phải xin bố mẹ tiền đi học ký xướng âm buổi tối ở số 2 Phố Điện Biên Phủ, sau đó tự luyện hát bài Quốc ca. Em hát được như thế là tốt rồi, mà em còn hát hay hơn rất nhiều bạn khác. Xin thầy tha cho em lần này, lần sau em sẽ không hát to nữa”. Thầy xuống giọng: “Ai bảo cậu không được hát to? Hát Quốc ca to là tốt. Nhưng vừa rồi cậu hát thiếu nghiêm túc, vừa hát vừa èn en”.