Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

Thế nhưng, có một chuyện mà mỗi khi nghĩ tới, Quang Anh lại cảm thấy băn khoăn, đó là chuyện của Lê Trung Linh.

Linh ra tù sau Quang Anh hai năm. Nó mất trong một tai nạn giao thông. Sau ba mươi năm, Quang Anh đã dần lãng quên câu chuyện về Linh thì một hôm vô tình đọc báo thấy nói tới một người anh trai của Linh bị truy nã. Ít bữa sau, nó nghe trên ti vi, thấy anh lớn của Linh bị tuyên án tử hình. Anh thứ hai của Linh cũng dính vào vòng lao lý.

Chả nhẽ cuộc đời có số mệnh?

Tha thứ

Những tháng đầu năm 1975, dù báo chí không đăng, nhưng những đứa trẻ sống trong khu tập thể Nam Đồng vẫn nhận thấy một không khí căng thẳng, khẩn trương qua cách làm việc của bố mẹ chúng. Chúng có thể hình dung các đơn vị bộ đội miền Bắc đang ồ ạt tiến về phía Nam qua câu chuyện của các ông bố, qua những bức thư viết tay, những tin nhắn vội vàng của các anh bộ đội gửi về cho gia đình, báo sắp lên đường hành quân. Tất cả đều mơ hồ cảm thấy một trận đánh lớn sắp sửa bắt đầu.

Sáng thứ Bảy, Hòa vừa đi học về thì Việt khoác ba lô tới. Việt nói ngay: “Đơn vị tao nhận lệnh hành quân vào Nam gấp. Tao xin đại đội trưởng cho ghé qua Hà Nội 4 tiếng có việc riêng quan trọng. Ông ấy không cho. Tao nói thẳng: ‘Nếu anh không cho em đi, em sẽ đào ngũ. Em có việc cần, không thể không về nhà. Khi em trở lại, anh muốn làm gì em thì làm, kể cả xử bắn!’. Ông ấy nhìn tao như muốn tống giam luôn, xong chắc nghĩ đến vụ ông già tao gửi gắm nên bảo: ‘Bốn giờ chiều cậu phải có mặt ở Binh trạm Thường Tín!’. Tao vừa ghé qua nhà, chẳng có ai. Tao viết mấy chữ để lại, trong đó xin ông già cái đài, gọi là tiền trảm hậu tấu. Mày kiếm cái gì để chở tao đến trạm đúng giờ. Quân lệnh như sơn, không đùa được đâu”. Hòa bảo: “Binh trạm Thường Tín cũng xa đấy. Đường xấu, đi xe đạp lâu lắm. Để mượn cái xe máy của bố tao”. Hai thằng lôi xe máy ra, đạp mãi mới nổ. Việt rủ: “Đi kiếm bát phở. Tao thèm phở Hà Nội quá. Sau đó mình lên Bờ Hồ ăn kem. Tao còn mấy đồng phụ cấp”.

Khi hai thằng ngồi ở Nhà hàng Thủy Tạ Bờ Hồ, Hòa mới hiểu vì sao Việt dứt khoát xin ghé qua Hà Nội, nếu không cho sẽ đào ngũ. Hòa có giàu trí tưởng tượng đến mấy cũng không thể hình dung ra câu chuyện Việt kể.

Việt nhận được thư Mai Hương. Một lá thư dài, gửi qua một cán bộ cấp cao từ chiến trường ra, đưa tận tay. Nếu gửi theo đường quân bưu có lẽ bức thư đó chưa đến tay Việt. Mai Hương kể cho Việt những ngày ở mặt trận Trường Sơn. Chiến tranh hoàn toàn không giống Mai Hương hình dung. Mai Hương dần dần vượt qua nỗi sợ trước tiếng bom, tiếng súng, nhưng không vượt qua được khí hậu, thời tiết nghiệt ngã của núi rừng và căn bệnh sốt rét. Đơn vị liên tục di chuyển. Mai Hương dù ốm cũng phải cố theo. Có những lúc các anh chị trong đoàn phải cáng. Trong đoàn có một nhạc sĩ, em họ tác giả bài hát “Chuyện tình nàng trinh nữ tên Thi” mà Mai Hương rất thích. Những lúc Mai Hương buồn, anh hay ngồi đệm đàn cho Mai Hương hát bài này. Anh kể cho Mai Hương nghe nhiều chuyện về nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, dạy Mai Hương một số bài hát của ông như Duyên quê, Rong chơi cuối trời quên lãng... những bài này rất hợp với chất giọng Mai Hương. Những ngày đầu bỡ ngỡ, anh hướng dẫn, giúp đỡ Mai Hương rất nhiều. Một lần Đoàn đi biểu diễn cho một đơn vị pháo thì máy bay địch ném bom xuống trận địa. Trong lúc Mai Hương đang lơ ngơ đứng nhìn, anh đẩy Mai Hương ngã sấp xuống một cái hố, nằm đè lên trên. Cùng tiếng nổ buốt óc, một mảnh bom tiện đứt lìa cái cây Mai Hương vừa đứng cạnh. Ba nghệ sĩ trong đoàn hy sinh. Hai anh em bị vùi trong một đoạn giao thông hào, bùn đất lấm lem lấm thỉu, trán Mai Hương đẫm máu vì đập vào đá. Tối đó, trong một tâm trạng đau buồn, cô đơn và khao khát sự cảm thông, chia sẻ, anh bày tỏ lòng mình. Mai Hương nhẹ nhàng cho anh biết Mai Hương đã có Việt. Một nỗi buồn sâu thẳm hiện trong mắt anh. Từ đó, anh lặng lẽ chăm sóc Mai Hương như chăm một người em gái. Một tối, Mai Hương sốt cao, bỏ ăn. Đêm trong rừng già. Âm u. Hoang vắng. Trăng sáng. Gió lạnh… Sau khi cố gắng dỗ và bón cho Mai Hương nửa bát cháo nấu với rau rừng, anh nắm tay Mai Hương, kéo vào lòng. Mai Hương vùng dậy, hắt đổ bát cháo, đuổi anh đi. Từ đó, Mai Hương từ chối mọi sự chăm sóc của anh, kiên quyết giữ một khoảng cách giữa hai người.

Giữa đại ngàn, nơi chiến tuyến đan xen, thân phận con người thật bé nhỏ. Các nguyên tắc đôi khi không còn chắc chắn, nhất là khi người ta luôn phải liên kết cùng nhau để sống và chống lại cái chết. Một cô gái Thủ đô, tính tình quyết liệt, mạnh mẽ, bỗng thấy mình trở nên mong manh, yếu đuối. Đêm đó mưa rừng xối xả, anh lặng lẽ vào lán của Mai Hương với cây đàn ghi ta… Tiếng đàn buồn, da diết, lẫn trong tiếng gió, tiếng mưa và tiếng sấm ì ầm vọng lại từ bên kia khe núi. Vừa uống mấy viên thuốc kí ninh (quinin), người đang run trong cơn sốt rét, Mai Hương nắm vạt áo anh, ứa nước mắt, nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ Hà Nội, nhớ khu tập thể Kim Liên và nhớ những cảm giác được yêu thương bên Việt da diết. Tất cả đã ở xa, rất xa… trong khi ốm đau, cô đơn, bom đạn và cái chết lại rất gần… Mai Hương khe khẽ ca theo tiếng đàn: “Thuở ấy xa xưa có một nàng, một nàng thiếu nữ. Một đóa hoa hồng tình phơi phới tuổi mới trăng tròn. Cuộc đời hồng nhan cay và đắng thôi thì lắm trái ngang. Bao nhiêu trai làng yêu nàng, đi theo xin nàng tim vàng, nàng vẫn không màng…”. Những giai điệu quen thuộc khàn khàn trong cổ họng, dìu dặt, đứt quãng. Một tiếng sét khô khốc, chói tai, cay nghiệt. Những tia chớp loằng ngoằng ngang dọc bầu trời. Gió lạnh buốt mang theo mưa hắt vào lều. Ánh sáng leo lắt của ngọn đèn dầu vụt tắt. Mai Hương rã rời, buông xuôi trong bóng đêm ma mị… Sự phản kháng trở nên yếu ớt, bất lực, nửa tỉnh nửa mơ giữa những cơn nóng lạnh… Chỉ đến khi mọi việc kết thúc, Mai Hương mới bừng tỉnh, trườn ra khỏi võng, vớ lấy cây súng, nhằm vào những bóng đen chập chờn trước mặt, siết cò. Một tiếng nổ khô khốc vang lên. Mai Hương cũng không biết mình bắn vào đâu? Sáng hôm sau, Mai Hương lạnh người khi thấy một vệt máu loang trên võng… Trong sự sụp đổ, ân hận, đau buốt, Hương viết thư cho Việt, những dòng chữ nhòe trong nước mắt. Mai Hương xin lỗi Việt, hứa sẽ tự trừng phạt mình bằng tất cả những gì Mai Hương nghĩ ra được. Mai Hương nói không xin Việt tha thứ, vì Hương không xứng đáng. Ngay sau đó, Mai Hương xin chuyển đơn vị, không để lại địa chỉ cho Việt.

Hòa nghe câu chuyện, lặng người đi. Mãi nó mới hỏi Việt, có tha thứ cho Mai Hương? Việt mở ba lô, chỉ cho Hòa thấy cái đài nhỏ: “Tuần trước, buổi tối tao với Quân ngồi trên đỉnh núi. Quân dò sóng đài miền Nam, ma xui quỷ khiến thế nào đúng bài hát của Hoàng Thi Thơ mà Mai Hương vẫn hát. Tao nói tắt đi nhưng Quân thích nên nghe cố. Tao chịu không nổi. Mỗi lần nghe bài hát đó, tao thấy nhói trong tim. Tao đá cái đài xuống khe núi, và hứa lúc nào có điều kiện ghé qua nhà, sẽ xin ông già cái đài đang dùng đền nó. Tao nghĩ tao không thể quên những chuyện đã xảy ra với Mai Hương và không tha thứ được. Tại sao Mai Hương lại kể cho tao…? Ước gì tao không biết chuyện đó… Tình yêu cũng như cái gương. Cái gương của tao và Mai Hương đã vỡ. Nếu hôm nay tha thứ, tao sợ sau này mỗi lần soi lại, những vết vỡ trên tấm gương sẽ để lại những vết rạch, cắt đôi mặt mình. Tao đau lắm…”.

Hòa nghĩ mông lung. Quan điểm của nó từ trước tới nay là có thể tha thứ tất cả, trừ sự phản bội. Chính vì thế, đối với Đỗ, một người Hòa coi là kẻ phản bội, nó và bạn bè không bao giờ tha thứ. Chúng không phê phán, không mắng chửi, đơn giản chúng coi như Đỗ đã chết. Trong mắt bạn bè, Đỗ biến thành bóng ma giữa ban ngày. Sự im lặng, thờ ơ của chúng bạn đã đưa tang Đỗ khi Đỗ vẫn đang sống. Hòa nghĩ trong tình yêu cũng vậy. Dù chỉ viết thư hộ Việt, nhưng nó đã viết cho Mai Hương bằng rung động của trái tim, bằng sự trong sáng và thánh thiện. Nó có cảm giác như chính mình bị phản bội. Hòa quyết định sẽ nói thẳng với Việt quan điểm của nó. Thế nhưng đến khi nói, Hòa cảm thấy ngạc nhiên vì cách diễn đạt của mình. Thay vì biểu lộ thái độ một cách đơn giản là “không tha thứ”, Hòa lại nói:

– Tao cũng không biết nếu là mình, tao có thể tha thứ hay không? Nhưng tao nghĩ Mai Hương rất yêu mày. Nếu không vì tình yêu đó, Mai Hương đã không bỏ học, bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ gia đình để bước vào nơi đầy bom đạn, có thể chết bất cứ lúc nào, để mong gặp lại mày ở cuối con đường… Có thể mình chưa nằm dưới những trận bom mà sau khi kết thúc mới biết mình còn sống. Có thể mình chưa trải qua những trận sốt rừng để cảm thấy cần hơi ấm của một cái ôm. Cũng có thể mình chưa cảm nhận được nỗi cô đơn đến tận cùng khi đứng giữa ranh giới của cái đúng và cái sai, cái sống và cái chết, nên mình không cảm thông được sự yếu lòng… Vì vậy, việc tha thứ hay không là tùy ở mày. Theo tao, nếu mày còn yêu, mày có thể tha thứ. Việc Mai Hương bỏ học, gia nhập Đoàn Văn công Quân giải phóng rồi đi chiến trường, mày cũng có phần trách nhiệm.

Mặt Việt đanh lại:

– Dù yêu nhau bao lâu nay, giữa tao với nó cũng chỉ có mấy lần hôn… Tao tôn thờ nó, giữ gìn cho nó. Thế mà có mấy tháng xa nhau, nó đã vứt đi tất cả. Tao quyết định rồi. Tao không tha thứ!.

Hòa thở dài:

—Nếu đã quyết định vậy thì cố gắng quên Mai Hương đi. Bọn mình còn bao nhiêu việc. Mày có nghe tình hình gì không? Hình như đang chuẩn bị một trận đánh lớn đấy. Tao thấy ông già tao nói chuyện với mấy ông bên Bộ Tổng Tham mưu, hình như là sắp “tổng công kích” hay “tổng tiến công” gì đó Việt buồn bã:

Tác giả: