Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

– Thằng kia có cái áo bộ đội mới quá, mày xuống lột ngay cho tao kẻo máu dây hết vào.

Linh nhanh chóng lột tuột cái áo đưa cho Quang Anh. Ngước nhìn thằng thanh niên to lớn cởi trần, đang cúm ra cúm rúm, Quang Anh giật mình:

– Ê, thằng kia, lại đây tao hỏi? Nhà mày ở đâu?

– Ở… Ô Chợ Dừa.

– Lại gần đây tao xem… sao cái lưng gù của mày quen thế?

– Ôi, anh Quang Anh phải không?

– Mày có phải Quang Gù?

– Em Quang Gù đây!

Quang Anh ném trả nó cái áo bộ đội, bảo Linh: “Kiếm cái gì cho nó ăn”, và hỏi:

– Sao vào đây không nói ở khu Nam Đồng, mà nói Ô Chợ Dừa để chúng nó đánh cho?

Quang Gù thì thào:

– Em nghe bọn khu mình dặn, vào đây đừng nói là dân khu Nam Đồng. Bọn trong này ghét khu Nam Đồng lắm.

Quang Anh ngạc nhiên:

– Ai bảo mày vậy?

Quang Anh dành cả buổi tối hôm đó nói chuyện với Quang Gù. Từ lần được tha đầu tiên, Quang Anh rất ít liên hệ với đám thanh niên trong khu. Nó lang thang khắp nơi, từ ga Hàng Cỏ, Hà Nội tới Hải Phòng, Sài Gòn… Tuy sống trong giang hồ, nhưng với Quang Anh, khu Nam Đồng luôn là ngôi nhà ấm áp, mảnh đất thấm đậm tình người. Vì vậy, nó vẫn dặn bọn đàn em và bè bạn của nó không được đến khu Nam Đồng làm bậy. Chuyện bọn thanh niên trong khu lâu nay ra sao, Quang Anh không để ý. Nó hoàn toàn bất ngờ khi thấy Quang Gù vào đây mà không dám xưng là dân “Quân khu Nam Đồng”.

Quang Gù tâm sự:

– Bọn anh với bọn em, tuổi tác chênh nhau cũng chẳng là bao, nhưng lại có một sự khác biệt rõ rệt. Thế hệ các anh ngày đó, đến tuổi là cầm súng lên đường đánh Mỹ, định hướng rõ ràng. Cả nước, ai mà chẳng yêu bộ đội. Bọn em trưởng thành đã hòa bình, không còn giặc mà đánh. Có vẻ như thống nhất rồi, những gia đình quân nhân không giá trị như xưa. Cuộc sống ngày càng khó khăn. Những kẻ buôn bán, trước đây mình vẫn gọi là đồ gian thương, nhà có đủ tủ lạnh, xe máy, cát set… Bố mẹ mình cả đời đánh giặc, nhìn lại chẳng có gì. Lắm lúc bọn em cũng bế tắc… Nhiều khi đánh nhau, cảm thấy như một sự giải tỏa. Đánh nhau nhiều nên gây thù chuốc oán khắp nơi anh ạ. Trong Hỏa Lò này, không hiếm thằng từng bị chúng em cho ăn đòn.

Quang Anh bảo:

– Cái tội nặng nhất của dân khu mình, chung quy cũng chỉ là đánh nhau. Nhưng dù ở đâu, làm gì, mình vẫn phải giữ thể diện “Quân khu”. Mình dám chơi dám chịu. Tội của mày chưa xứng ở phòng này, vì phòng bên kia chật nên chúng nó nhét tạm vào đây thôi, một hai hôm nữa chắc sẽ chuyển sang phòng khác. Nhớ lời tao dặn: Nếu ai hỏi mày ở đâu, cứ nói là “Quân khu Nam Đồng”. Thằng nào đánh mày, bảo nó: “Tao là em Quang Anh”.

– Em nói thế, ngộ nhỡ nó vẫn đánh em thì sao?

Quang Anh cười nhạt:

– Mày yên tâm đi. Ở tù có luật của tù. Cứ nói là em tao, không thằng nào động tới mày đâu.

3

Ngày Quang Anh ra tù, khu Nam Đồng đã có nhiều thay đổi. Chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất, cuộc sống mới ùa về, nền kinh tế thị trường bắt đầu len lỏi vào từng gia đình, từng ngóc ngách đời sống. Thay bằng việc lao sắt và gỗ ra cơi nới vài mét vuông không gian phía sau nhà như trước đây, các hộ tầng hai thỏa thuận trả tiền để sử dụng mái bằng phần nhà xây trên đất lấn chiếm của các hộ tầng một. Nhiều hộ táo tợn hơn, dựng lều lấn chiếm lề đường để buôn bán kinh doanh. Quang Anh ngỡ ngàng nhìn sự xô bồ, lộn xộn khắp nơi, cảm thấy đau lòng. Một khu tập thể trật tự, oai nghiêm ngày xưa đã không còn nữa. Những cái không phải của mình mà sao nó thấy gắn bó như máu thịt.

Một buổi sáng, Quang Anh ra đầu Nhà 5 tập thể dục thì gặp “Mặt Dày” đi làm. Gần nhà, sống với nhau lâu mà Quang Anh vẫn không nhớ “Mặt Dày” tên thật là gì.

Quang Anh niềm nở:

– Chào đại ca!

Mặt Dày vuốt đôi quân hàm mới tinh trên ve áo, hất hàm bảo Quang Anh:

– Tao là đại úy chứ không phải “đại ca”. Chào lại đi.

Nghe giọng khệnh khạng của Mặt Dày, Quang Anh rất khó chịu. Nó cười lạnh lùng:

– Chào đại úy. Còn tao là “Đại Bàng”. Chào Đại Bàng đi!

Mặt Dày liếc nhìn Quang Anh, thấy khuôn mặt nó lạnh lẽo, miệng cười nhưng mắt không cười. Mặt Dày đổi giọng, nói bằng cái giọng giả lả, lấy lòng: “Chào Đại Bàng” và cắm đầu đạp xe đi. Quang Anh nhớ ngày xưa, do nghe không lọt tai câu đùa của Mặt Dày, Việt tát nó một cái cực mạnh mà nó không khóc. Việt khen: “Da mặt thằng này dày nhỉ?”. Từ đó nó có tên là “Mặt Dày”. Tự nhiên Quang Anh thèm được tát vào mặt nó một cái, xem da mặt đại úy dày tới cỡ nào.

Đang thơ thẩn trong khu, Quang Anh thấy ba chiếc xe máy đuổi theo một chiếc xe ô tô Lada Liên Xô bốn chỗ. Vướng mấy bà bán rau gồng gánh đi qua, chiếc xe con dừng lại. Hậu Còi, một thằng học cùng Quang Anh ngày sơ tán, từ trong xe nhảy ra. Năm thằng đi xe máy túm được Hậu Còi, đánh túi bụi. Quang Anh lập tức xông vào, đấm đá loạn xạ, giải thoát cho Hậu Còi. Lạ thật, ngày nay lại có chuyện thanh niên ngoài phố dám xông vào tận trong khu đánh người? Hậu Còi chạy mất. Còn lại một mình, Quang Anh bị đánh khá đau. Nó vồ con dao của bà bán cá bên đường, vung loạn lên. Mấy thằng đuổi theo Hậu Còi giãn ra, hậm hực nhìn Quang Anh, trước khi bỏ đi còn ném lại một câu: “Thằng điên này, nhớ mặt chúng tao nhé. Rồi các bố sẽ quay lại, cho mày một trận”. Quang Anh chỉ dãy nhà tập thể trước mặt: “Tên tao là Quang Anh, ở tầng hai nhà này nhé!”.

Một lát sau, Hậu Còi quay lại lấy xe, thấy mắt Quang Anh tím bầm, nó thanh minh: “Mấy thằng này dữ lắm. Mình đánh không lại chúng nó đâu ông ạ… May có ông, nếu không chúng nó đã đập nát xe của tôi”.

– Không đánh được cũng phải đánh – Quang Anh cười nhạt, vứt con dao trả bà bán cá – Không thể chấp nhận để chúng nó vào giữa khu tập thể của mình đánh người. Nếu mày không bỏ chạy, hôm nay chúng nó đã no đòn.

Hậu Còi giải thích:

– Hôm nay tao ở lại với mày đánh chúng nó, mai tao ra ngoài, chúng nó sẽ đập nát xe tao.

Quang Anh vẫn khăng khăng:

– Nó đập nát một chứ đập nát mười xe, mình cũng phải đánh. Không được để cho chúng nó xúc phạm “Quân khu Nam Đồng”.

Hậu Còi cười nhạt:

– Mày không có gì để mất nên nói thế được. Khi nào mày có một cái xe Lada, thử xem mày còn nói thế không?

Quang Anh ngạc nhiên nhìn Hậu Còi. Nó không hiểu sao một thằng bạn ngang tàng, ngổ ngáo ngày xưa bây giờ lại như vậy? Chẳng nhẽ cuộc sống mới cùng với những điều kiện vật chất đi kèm đã lấy đi của Hậu Còi khí phách và tinh thần nghĩa hiệp? Tự dưng, Quang Anh cảm thấy trống trải và lạc lõng, dù nó đang đứng trên mảnh đất của mình.

Trên con đường dài dằng dặc của cuộc đời, xuất phát điểm vô cùng quan trọng. Trượt ngã từ những bước ban đầu, không có bố mẹ, người thân nâng đỡ, các cơ quan, xí nghiệp lại định kiến với những kẻ ở tù ra, Quang Anh vô cùng khốn khó. Trong những năm sau giải phóng, có quá ít vật chất để chia sẻ, có quá nhiều khuôn khổ phải tuân theo, còn biết bao bức bối cần giải quyết, xã hội đâu có thời gian chú ý tới một Quang Anh. Nó rơi vào cái vòng luẩn quẩn: Mẹ ốm, em chưa trưởng thành, tiền không có, xin làm chẳng nơi nào nhận. Nó đói. Khi người ta đói tới mức nếu không có cái gì đút ngay vào mồm thì chết, người ta có thể làm những điều người no không bao giờ làm. Quang Anh lại tiếp tục sa chân vào chốn giang hồ. Nhưng cho dù phải lang bạt kiếm sống, dù khó khăn đến mấy, nó không bao giờ hé nửa lời nhờ vả, không tơ hào tới cái kim sợi chỉ của người dân khu Nam Đồng. Về chuyện này, cả khu tập thể đều biết.

Nhưng mọi con đường đều có điểm dừng. Cái làm cho Quang Anh dừng bước, chính là tình yêu. Trời đã không lấy đi tất cả của nó. Trời đã cho nó một người để yêu thương, chia sẻ. Ở đời có những kẻ thành đạt, sang giàu, phải vào vai nghèo hèn để kiếm vợ, vì không dám chắc người phụ nữ yêu mình hay yêu tiền bạc, địa vị của mình? Còn với Quang Anh, người con gái yêu nó chỉ vì chính bản thân nó. Nó làm gì có tiền bạc, học vấn, gia thế và địa vị… Công bằng mà nói, trong tình yêu, đàn bà mãnh liệt và vị tha hơn đàn ông. Khi đã yêu, họ bất chấp. Đàn ông khi yêu tỉnh táo hơn.

Quang Anh lấy vợ. Nó mở một cái quán nhỏ, bám mặt đường phía trước Nhà 5, dưới gốc cây xà cừ. Hai vợ chồng Quang Anh có một bé trai, xinh xắn và nhanh nhẹn. Quang Anh quyết tâm dù thế nào cũng cho con học hành tới nơi tới chốn và dạy dỗ con rất cẩn thận, kiểu gì cũng không được đánh nhau… như bố. Nó đã quá hiểu khi nào thì người ta bị kích động, lôi kéo, khi nào thì người ta muốn bảo vệ bạn bè, danh dự… dẫn tới đánh nhau, nên việc ngăn chặn cu con cũng dễ dàng. Tính cách thằng bé này là một bản sao của Quang Anh, nên Quang Anh biết phải giáo dục thế nào để nó không… như bố.

Bệnh tình mẹ Quang Anh đỡ nhiều. Cô Quyên đã thành một bà già tóc bạc, đẹp lão, hiền lành, hay cười và nói năng nhỏ nhẹ. Gặp lại mấy đứa bạn cũ của Quang Anh ngày xưa, cô nhớ tên từng đứa, và mách chúng nó: “Thằng Quang Anh ngày nào cũng bưng cơm lên đủ ba bữa ép cô ăn, nên cô mới béo thế này”.

Như phần lớn những đứa con nhà lính của khu Nam Đồng, Quang Anh vẫn không tin vào số mệnh. Từ nhỏ, nó không tin bói toán và các trò mê tín dị đoan. Và để có ngày hôm nay, nó đã phải nỗ lực rất nhiều. Kiêu bạc, không thù hận, không xin xỏ và sống tốt với những người mình yêu quý, đó chính là con người Quang Anh. Ít ai cho Quang Anh cái gì. Mà để cho được một thằng khái tính như nó cũng không dễ. Còn Quang Anh thì hầu như chẳng có gì, nhưng khi ai cần, nó luôn sẵn lòng giúp đỡ.

Tác giả: