Hòa tò mò:
– Hương phản ứng thế nào?
– Hương lắc đầu, ôm tao vào lòng, lấy tay đánh đít như đánh trẻ con, miệng bảo: “Hư quá, hư quá!” rồi bịt mồm tao lại, không cho nói nữa. Khi ra về, Hương hứa sẽ suy nghĩ nghiêm túc về những điều tao nói và có ý kiến sau.
– Rồi sao nữa? – Hòa cũng thấy hồi hộp.
– Cách đây một tuần Hương lên thăm tao. Hương cho biết sẽ bỏ học và xin gia nhập “Đoàn Văn công Quân giải phóng”. Như vậy Hương sẽ cùng tao vào chiến trường. Sau này giải phóng, tao về đâu, Hương sẽ tới đó. Hương nói làm thế, ngoài “việc nước” còn được thêm ba “việc nhà”: “Một là, hai đứa luôn cảm thấy gần nhau, có thể cùng chung một cơn mưa rừng, cùng nghe một bài hát, cùng hứng một trận bom. Hai là, sau này thống nhất đất nước, Hương đã trong biên chế của một cơ quan miền Nam, vào với Việt sẽ dễ dàng, gia đình không ngăn cản được. Thứ ba là, chấm dứt được mọi ghen tuông, nghi ngờ của Việt”.
Hòa nói ngay:
– Trong chiến tranh, chỉ có bài thơ “Đợi anh về” chứ đâu có bài “Đợi em về”. Đành rằng Hương không trực tiếp cầm súng, nhưng bom đạn vô tình. Ra chiến trường là việc của đàn ông tụi mình. Mày bảo Hương ở nhà học tập tiếp đi.
– Chính vì thế tao mới nhờ mày. Hôm đó tao nói hết cỡ rồi, nhưng Hương cứ cười và cho rằng Hương quyết định như vậy cũng chỉ vì tình yêu hai đứa. Mày về thuyết phục Hương giùm tao. Nói với Hương tao hoàn toàn tin tưởng ở Hương. Hương cứ ở nhà, tao sẽ trở về. Lúc đó Hương thích ở Hà Nội, Hà Nam, Hà Đông hay Hà Giang gì cũng được, không cần vào Nam nữa. Hương thích nơi nào là tao ở đó.
Hòa ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: “Tính cách Hương rất quyết liệt, đã nói là làm. Mày nhớ vụ Hương cấm Mai Liên chơi với các bạn khu Nam Đồng khi mày và Hương giận nhau không?”.
Việt thở dài:
– Ừ, nhớ! Tại dạo đấy tao hay gặp Mai Liên để hỏi chuyện Hương.
– Tao sẽ cố gắng thuyết phục Hương. Nhưng mày phải chuẩn bị tinh thần có thể mọi việc không thay đổi được. Kể ra mày cũng may mắn khi có một người yêu mình như thế… Nhưng cũng có cái không may.
Việt nhổm người dậy: “Không may cái gì?”.
– Lấy được cô vợ dữ quá, chắc lại suốt đời nhường vợ giống ba mày thôi. Từ bé đến giờ chơi với mày, tao vẫn nghĩ mày mạnh mẽ. Đánh nhau bao giờ mày cũng là thằng đi đầu. Nhưng hôm nay tao nhìn thấy một điều mới mẻ, đó là trong tình cảm mày rất yếu đuối. Hương rõ ràng và mạnh mẽ hơn mày nhiều!
– Thế thì phải nói là may. Sau này mọi chuyện tao cho Hương quyết định tất – Việt thở nhẹ.
Lần đầu tiên Hòa phát hiện ra sợ vợ có gien di truyền. Hai đứa nói hết chuyện nọ sang chuyện kia, quên mất trời đã sáng. Nghe kẻng báo thức của đơn vị, Việt bảo: “Tao phải về doanh trại. Mày nghỉ ở đây, tranh thủ chợp mắt rồi ra bến xe nhé”. Hòa nói sẽ về luôn cho sớm. Hai đứa chia tay.
Tới Hà Nội, Hòa cầm thư Việt sang ngay nhà Hương, chưa kịp đưa thì Hương chìa cho Hòa xem quyết định nhập ngũ, vào “Đoàn Văn công Quân giải phóng”. Hương rất tự hào đã trúng tuyển và được các anh chị trong đoàn đánh giá cao về chất giọng. Đất nước đang còn chiến tranh, bao lớp nam thanh nữ tú nối nhau ra chiến trường. Hương vô cùng háo hức khi được đem giọng hát của mình phục vụ những người chiến sỹ, thanh niên xung phong nơi hỏa tuyến, trong đó có Việt. Hòa thấy không còn cơ hội thực hiện điều Việt nhờ, nên nói sang chuyện khác.
Được một lúc, Hương nói: “Để Hương cho Hòa xem cái này”. Hương vào lấy ra một bó thư, có mấy cái của Hảo Bẹt, một cái của Cường Con, còn lại là một lô một lốc những cái tên Hòa không biết, hoặc không đề tên, chưa cái nào bóc. “Nhiều người tán Hương lắm, nhưng Hương không quan tâm. Từ trước tới nay, Hương chỉ đọc thư của một người duy nhất… Không hiểu kiếp trước, Hương nợ gì Quân khu Nam Đồng nhà các bạn?”. Hương nhìn Hòa đang tần ngần cầm bó thư, cười và nói: “Gửi hết cho Việt để Việt yên tâm nhỉ?”. Hòa lắc đầu: “Gửi làm gì. Hương cứ giữ làm kỷ niệm. Suy cho cùng, những người gửi thư cho Hương đâu có lỗi. Người như Hương ai chả muốn yêu. Tôi nghĩ Việt sẽ tự hào về điều đó”. Hương với cái chậu đựng rác, ném bó thư vào và châm lửa: “Nếu Hòa nói vậy thì để tôi đốt đi. Tôi đã nói rồi, tôi chỉ đọc thư của Việt!”. Khói um nhà. Chắc Hương cố tình đốt trước mặt Hòa.
Trong lúc chờ những bức thư cháy hết, Hương lẩm nhẩm hát mấy câu mà tới tận bây giờ Hòa vẫn còn nhớ. Tiếng hát nhí nhảnh, trong vắt: “Bao nhiêu trai làng yêu nàng, đi theo xin nàng tim vàng, nàng vẫn không màng. Nàng đã trót yêu, yêu một chàng, một chàng nghệ sỹ… là lá la là…”
Xử án
Sau ba tháng tạm giam, Bích, Quang Anh và Tuấn Mím được đưa ra tòa xét xử. Tòa án lưu động mở tại hội trường tầng hai khu tập thể Nam Đồng, gọi là xử “án điểm”, để làm gương cho thanh thiếu niên, nhưng thực chất, như mọi người hiểu, là để “dằn mặt” bọn bất trị trong Quân khu Nam Đồng.
Rất may tới ngày xử án, sức khỏe của Dương bình phục. Nếu nó bị thương nặng hoặc chết thì án của Bích và Quang Anh, những đứa trực tiếp đâm sẽ nặng hơn nhiều. Dương được đám học sinh trường Xã Đàn, khoảng hai chục đứa đưa tới làm nhân chứng. Trước giờ xử án, chúng đứng chật một góc sân hội trường khu tập thể, cùng phía với các anh công an. Bọn khu Nam Đồng cũng kéo ra, đứng dồn về phía bàn bóng bàn, cạnh nhà bán thực phẩm phía trước Ao Ông Thử. Chúng nó muốn nhìn thấy bọn Bích, Tuấn Mím, Quang Anh. Từ ngày bị bắt, chưa ai được gặp ba đứa.
Sắp đến giờ xử án, nhìn Dương và mấy thằng trường Xã Đàn mặt vênh vang, cười nói hỉ hả, Hà Tư lặng lẽ tách khỏi nhóm, tiến tới bảo: “Vào tới đất Quân khu Nam Đồng thì phải cúi mặt xuống, ngậm miệng lại! Hiểu chưa?”. Dứt lời nó tát trái, tát phải hai cái đốp đốp vào mặt Dương rồi lững thững quay về. Mấy thằng trường Xã Đàn nhảy ra, nhưng thấy mặt bọn con trai khu Nam Đồng đằng đằng sát khí, không thằng nào dám tiến lên, chỉ đứng hét: “Bọn Nam Đồng đánh người, bọn Nam Đồng đánh người!”.
Mấy anh công an chạy lại. Cả bọn tràn ra cản đường, để Hà Tư đi qua bàn bóng bàn, lách ra phía Ao Ông Thử và biến mất. Mấy anh công an lắc đầu: “Đến giờ này mà các anh còn đánh nhau được!”. Hòa cười nhạt: “Anh thử nhìn mấy thằng đang đứng vênh mặt đằng kia xem có ngứa mắt không? Chúng nó mà không cúi mặt xuống, có khi lại thêm một vụ án nữa”. Anh công an nhìn Hòa rồi đi về phía bọn học sinh trường Xã Đàn, nói nhỏ: “Cúi bớt cái mặt xuống”. Tuy nhiên, sau khi hội ý với nhau, công an dẫn tất cả vào trong hội trường, để chúng nó lơ ngơ ở đây, khéo ăn đòn thật. Hội Quân khu Nam Đồng này thật khó lường, nhất là khi chúng nổi cơn bảo vệ danh dự “Quân khu”.
Gọi là xử án, nhưng mọi người đều biết trước mức án tòa sẽ tuyên. Những loại án lưu động, án điểm thế này, bao giờ bản án chẳng có sẵn trong túi quan tòa. Nữ luật sư do tòa chỉ định đọc một bài dài cho cả ba đứa, lúc trầm lúc bổng, đủ xót xa, chia sẻ, phê phán và hối tiếc. Một số người có mặt tại phiên tòa và nghe qua loa phóng thanh lén chùi nước mắt. Ngược lại, bọn con trai khu Nam Đồng đứa nào cũng cảm thấy ngứa tai. Hòa hậm hực: “Không biết mặt cái con mụ luật sư này tròn méo thế nào…? Nó bào chữa cho anh em quân khu chứ có phải bố nó chết đâu mà giở cái giọng nhão nhoẹt. Dân Quân khu Nam Đồng nhà tao dám làm, dám chịu, đâu có khiến cái loại nó khóc mướn”. Hòa không hiểu sao lúc đó mình hằn học thế. Và cảm thấy buồn, mệt mỏi và trống rỗng.
Quang Anh và Bích bị xử lần lượt 10 và 18 tháng tù giam.
Bích cũng sốc khi tòa tuyên án. Nó là đại diện cho số đông các chàng trai Quân khu Nam Đồng trả giá trước pháp luật vì những việc làm sai trái của mình. Tuổi trẻ là vậy, nhiều khi không nghĩ tới hậu quả của việc làm trước khi hành động. Đặc biệt, trong giai đoạn trưởng thành, khi khao khát thể hiện bản thân ngày càng lớn, thì các chàng trai khu Nam Đồng lại thiếu sự định hướng đúng đắn. Và khi các nguồn năng lượng lệch lạch, dư thừa kết hợp với nhau, hậu quả nhiều lúc vô cùng tai hại. Ở một giác độ nào đó, mọi người chia sẻ, cảm thông với Bích.
Nhưng việc Bích phải đi tù là sự cảnh tỉnh cho cả thế hệ thanh niên khu Nam Đồng. Những ngày trong tù, Bích nghiền ngẫm và nhận thức ra nhiều điều bổ ích. Nó nói: “Trước đây mình cứ nghĩ mình có thể làm được tất cả, nhưng càng lớn lên, càng thấy mọi việc không phải thế. Con người giống như trái đất, độc lập quay xung quanh mình, nhưng không thể thoát ra khỏi quỹ đạo mặt trời, cũng như mình không thể tách khỏi quỹ đạo của xã hội và luật pháp”.
Năm 1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhà nước ban hành lệnh đặc xá. Nhờ chú của Bích, đại tá công an, công tác ở Cục Tài vụ của Bộ, tìm mọi cách trình bày, vận dụng, can thiệp, nhờ vả, Bích được tha vào ngày 15 tháng Mười. Dù hòa bình, các ông bố nhà binh vẫn nghĩ không có nơi nào rèn giũa con người tốt hơn trong quân đội. Bố Bích xin cho nó đi bộ đội. Hóa ra những ngày trong tù cũng có mặt tích cực của nó. Bích đã thấm thía sự tụt hậu so với bạn bè, sự vô nghĩa của những hành động nông nổi. Nó nỗ lực phấn đấu và hơn một năm sau được kết nạp vào Đảng. Trong một đợt Quân chủng Phòng không Không quân về khám phi công, Bích trúng tuyển và được gửi ra học dự khóa ở Bạch Mai. Tuy nhiên, không phải tất cả số dự khoá đều được sang Liên Xô học. Bích bị gạt lại, không phải do năng lực hay sức khỏe, mà là hồ sơ. Có ai ngờ cái trò đánh nhau thời đi học lại làm ảnh hưởng tới con đường tương lai như thế? Tháng Chín năm 1981, Bích xuất ngũ, xin đi xuất khẩu lao động tại Tiệp Khắc. Bốn năm sau về nước, Bích làm cho một công ty may của nước ngoài. Nó tu chí làm ăn và trở thành một cán bộ quản lý giỏi, rất được lòng ông chủ. Từ ngày bị bắt, không bao giờ Bích mang cái gì dính tới sắt thép trong người, dù chỉ là cái cắt móng tay. Nó bảo: “Ông Ngọc kỵ Lịch sử, ông Hòa kỵ Âm nhạc, ông Việt kỵ Ngoại ngữ, còn tôi kỵ Kim loại”.