Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

Một trong những điểm khác biệt giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam và quân đội các nước khác trên thế giới là họ có riêng một đội quân nghệ thuật của mình. Họa sỹ có Quang Thọ, Nguyễn Nghiêm. Nhạc sỹ có Thuận Yến, Văn An, Nguyễn Đức Toàn. Nhà văn có Hữu Mai, Đỗ Chu, Hồ Phương, Hải Hồ… Tiếc thay, con cái họ, chẳng mấy đứa chịu theo nghiệp bố.

Khi bố Hòa, một nhà văn cầm súng, khuyên con cố gắng học giỏi môn Văn để sau này theo văn nghiệp thì cậu quý tử của ông tuyên bố nó không muốn theo con đường văn chương khi chưa biết năng khiếu bố di truyền cho tới đâu. Tuy không bằng lòng, song ông cũng thấy phân vân. Đúng là làm nghệ thuật phải có năng khiếu. Nếu không có mà theo đuổi nghề thì chỉ hại nó.

Cuối năm 1974, hai bố con trao đổi về chuyện chọn ngành nghề. Ông muốn nó thi vào khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp. Văn chương là thứ duy nhất ông có thể giúp đỡ nó. Trong thâm tâm, ông vẫn muốn sự nghiệp của mình có người tiếp bước. Ông mê viết lách từ thuở nhỏ. Và ông có cơ may được trải qua, được làm nhân chứng trong hai cuộc kháng chiến, được tiếp xúc với một khối lượng tư liệu vô cùng đồ sộ và phong phú. Ông mê mải viết. Hơn sáu chục đầu sách về quân đội, về cải cách ruộng đất, về chiến tranh, về đại tướng Võ Nguyên Giáp lần lượt ra đời và được đánh giá cao… Nhưng ông vẫn cho rằng mình chỉ là người chép sử. Ông muốn lưu lại thật nhanh và chính xác những nhân vật và sự kiện mình chứng kiến trong hai cuộc kháng chiến, làm tư liệu cho các thế hệ sau này. Trong thâm tâm, ông vẫn ấp ủ có ngày sẽ viết những cuốn tiểu thuyết “cho mình”, được thả hồn lên con chữ, gạt sang một bên những thúc ép của tòa soạn, của nhà xuất bản, của chiến trường và nhiệm vụ chính trị. Nhưng ông không đủ thời gian. Ông không được phép viết chậm. Đó là trách nhiệm và sự thỏa hiệp của ông với sự nghiệp. Đòi hỏi hoàn thành nhiệm vụ của người lính và sự khiêm nhường bản năng, luôn giấu mình đi đã khiến ông trở thành người chép sử bằng văn mà không kịp hoàn thành những giấc mơ dang dở về những cuốn tiểu thuyết mang dấu ấn cá nhân. Thỉnh thoảng, đọc những bài văn của con trai, ông thấy văn phong của nó viết khá rõ ràng, mạch lạc. Nếu được đào tạo bài bản, biết đâu nó sẽ tiếp bước ông. Cuộc chiến này chưa biết đến khi nào kết thúc. Quân đội vẫn cần những chiến sỹ vừa biết cầm súng, vừa biết cầm bút.

Ông thực sự bất ngờ và thất vọng khi nghe con cho biết nó đã quyết định thi vào đại học Kinh tế Kế hoạch. Nó nói không muốn sau này sống nghèo khổ như những nhà văn quân đội. “Con học ngành kinh tế để góp phần xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Đánh giặc xong, sẽ cần nhiều nhà kinh tế giỏi”. Con với chả cái! Nó không biết rằng cuộc sống nó cho là nghèo khổ hôm nay còn sướng gấp chán vạn lần ngày ông chưa đẻ ra nó. Ông phân vân…? Suốt cuộc đời, ông không hề quan tâm đến vật chất, tiền bạc. Có đồng nào, ông đều nộp cho vợ hết. Vợ cho ăn gì, ông ăn nấy. Quân đội phát quần áo gì, ông mặc nấy, mà mặc còn chẳng hết. Thế mà con ông và đám bạn nó, dù mới cách ông một thế hệ, đã có những suy nghĩ khác hẳn. Nhìn về tương lai, chúng không chấp nhận sự nghèo khó, lại còn vỗ ngực nói thế hệ chúng con sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn để sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Bác Hồ đã dạy.

Hình như bọn trẻ đã lớn khôn… Chiến tranh kéo dài thêm một, hai năm nữa, chắc chắn chúng sẽ phải ra trận hết. Và, như hầu hết các ông bố – bộ đội khác trong khu tập thể, ông quyết định tôn trọng sự lựa chọn của con cái. Có thể thời cuộc, tuổi trẻ và sự hiểu biết khiến cho sự lựa chọn của chúng hợp lý hơn những ý định của các ông bố vốn chỉ biết quân lệnh và nhằm thẳng quân thù mà bắn.

Hòa còn bất đồng với bố về chuyện khác. Tiếng là kém bọn Việt, Khanh, Đính, Minh… một tuổi, nhưng thực ra nó chỉ kém mấy tháng, do đứa sinh cuối năm trước, đứa sinh đầu năm sau. Nó đề nghị bố thời gian tới cho nhập ngũ sớm, để được cùng đi bộ đội một đợt với bạn bè cho vui. Bố nó không đồng ý, cho rằng nó không biết rõ bổn phận của mình trong từng giai đoạn. Giai đoạn này, nhiệm vụ của nó là học tập, hãy học cho tốt. Khi nào Khu đội gọi, lúc đấy sẽ đi khám tuyển và lên đường. Ông còn mắng nó là thiếu nghiêm túc, coi chuyện ra chiến trường như chuyện bạn bè rủ nhau đi chơi. Ông giải thích cho nó, đi bộ đội là nghĩa vụ của thanh niên đối với đất nước, là một công việc vô cùng gian khổ, đòi hỏi sự hy sinh về vật chất, tinh thần và cả tính mạng. Vì vậy, hăng hái, nhiệt tình thôi chưa đủ, mà phải chuẩn bị thật tốt tinh thần và ý chí để sau này vượt qua được mọi thử thách. Hòa hậm hực, nhưng không dám cãi. Khi nó tâm sự với Khanh, Khanh tán đồng: “Tao thấy hình như các ông bố bà mẹ đều không muốn cho con mình ra chiến trường sớm. Cái sai lầm nhất của các ông bà ấy là nghĩ con mình ra trận có thể chết, không chịu nghĩ con mình sẽ đánh tan giặc, chiến thắng trở về”. Hòa nói: “Đành rằng tâm lý là thế. Nhưng ở đời sống chết có số, sợ gì. Mà nếu thằng nào cũng sợ chết không đi đánh giặc thì làm gì có cái đất nước này, khu tập thể này?… Nhưng nói vậy thôi, các ông bà già ở khu Nam Đồng nhà mình Bôn sệt lắm, truyền thống cách mạng tràn đầy. Đố thằng nào đến tuổi nghĩa vụ quân sự, trốn đi bộ đội mà sống được ở đây”.

3

Tất nhiên không phải nhà nào con cũng “cãi bố nhem nhẻm” và làm cho định hướng về tương lai con cái của bố mình tan vỡ. Khác với Khanh và Hòa, khi ba Việt bàn với nó chuyện vào bộ đội để rèn luyện một thời gian, sau này có điều kiện, sẽ thi vào trường Đại học Quân sự và phục vụ lâu dài trong quân đội, nó đồng ý ngay. Việt là con út trong nhà, nhưng nó hợp với ba má nhất.

Nhà Việt có ba chị em. Tháng Mười năm 1954, ba má nó ra miền Bắc tập kết theo Hiệp định Geneve. Lúc đó, chị nó mới hai tuổi, “Tổ chức” động viên má nó gửi lại cho gia đình nuôi. Tưởng đi hai năm sẽ trở về Tổng tuyển cử, ai ngờ chớp mắt, hai mươi năm đã trôi qua. Hai anh em nó lần lượt ra đời ở Hà Nội, còn chị Hai thì bặt tin tức. Anh trai Việt thuộc lứa học sinh trường Trỗi, cũng hay đánh nhau, nhưng khác Việt ở chỗ học giỏi, cộng thêm điểm ưu tiên học sinh miền Nam vào kết quả thi đại học, vừa đủ điểm đi nước ngoài. Ba Việt thường xuyên đi công tác. Má nó là thư ký của bà Nguyễn Thị Thập, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nên cũng xa nhà liên miên. Họ hàng ở Hà Nội chẳng có ai, thành thử ngay từ nhỏ Việt đã quen ở nhà một mình, tự quyết định các việc. Việt luôn được má dặn dò: “Con là người miền Nam. Sau này khôn lớn, con sẽ phải cầm súng, trở về giải phóng quê hương, để gia đình mình cùng chị Hai sum họp”. Với dòng máu Nam Bộ tự do, hào sảng, Việt lớn lên trong sự háo hức được nhanh chóng trở về miền Nam chiến đấu, giải phóng cho chị Hai, người mà trong tiềm thức của nó vô cùng dịu dàng, xinh đẹp… Việt hồn nhiên nghĩ những việc nó đánh nhau bây giờ, cũng là một cách rèn luyện kỹ năng, giúp nó sau này vào chiến trường thành một người lính thực thụ.

Có một đêm khuya, Việt vô tình nghe được câu chuyện ba má nó tâm sự. Ba nó định sau này về già, hai người sẽ sống với Việt, dù nó là út, vì nó tuy nghịch ngợm, hay đánh nhau, nhưng là đứa chu đáo, tình cảm và hiếu thảo. Ba Việt rất day dứt vì bao nhiêu năm qua bận rộn công việc, chẳng có nhiều thời gian tâm sự, chuyện trò, giúp đỡ Việt về việc học hành, định hướng, nên nó hơi tự do. Vì vậy, những gì có thể làm để bù đắp cho con, ông đều cố gắng hết sức. Việt lắng nghe, phát hiện ra nhiều điều trước đây nó không hề để ý. Như chuyện mỗi lần đi chiến dịch, ông chỉ mang theo một lượng nhỏ lương khô, còn để lại nhà. Lương khô quân đội phát để phòng những lúc đột xuất trên đường hành quân, chẳng hạn tắc đường hay lạc đường, không tới được Binh trạm đúng thời gian quy định. Chỉ là mấy phong lương khô, nhưng trên đường hành quân, nó cũng quan trọng như súng đạn, bớt lại cho gia đình là vi phạm kỷ luật chiến trường. Nhưng nhìn ánh mắt thèm thuồng của anh em Việt, ông không đành lòng. Ngoài chuyện ăn rất ngon, lương khô là loại thực phẩm có khả năng bổ sung nhiều dưỡng chất cho các bữa ăn thiếu hụt của mấy má con ở nhà. Trên đường hành quân, ông tranh thủ kiếm củ sắn, củ mài hay những trái chuối, trái trám rừng cho vào ba lô, thay cho số lương khô bị thiếu… Nằm nghe ba má nói chuyện, Việt gai hết người. Nó nhận thấy mình là đứa con bất hiếu, đã phụ sự kỳ vọng của ba má.

Trong tất cả các cán bộ quân đội ở khu tập thể Nam Đồng, ba Việt là khách quen nhất của công an, từ đồn Nam Đồng, đồn Khâm Thiên đến đồn Ngã Tư Sở; là người đứng đầu danh sách các phụ huynh phải lên gặp thầy cô giáo để xin xỏ và cam kết con mình sẽ không lặp lại các khuyết điểm mà chưa hứa, ông đã biết nó sẽ tái phạm. Sau mỗi lần như thế, tưởng ông phải vác gậy mà đánh hay mang dây mà trói nó lại, thì ông chỉ ôn tồn khuyên giải Việt, thuyết phục nó sửa chữa. Mà số Việt cũng lạ, đứa khác đánh đông đánh tây không sao, còn Việt rất hay bị bắt. Nó tham gia đánh nhau bị bắt đã đành, đứa khác đánh nhau công an cũng vào tận khu bắt nó. Ngay cả đi chơi với Hương, nó cũng bị công an bắt.

Hôm đó, sau một đợt giận dỗi, Việt xuống nước làm lành. Hai đứa lững thững đi dạo dọc theo các hàng cây để giải thích, thanh minh, không để ý đến thời gian. Đang nói chuyện thì một tổ dân phòng tới đuổi về vì đã muộn. Không khí chiến sự nơi tiền tuyến càng khẩn trương, an ninh hậu phương, đặc biệt là ở Thủ đô, càng được thắt chặt. Việt, Hương ra về nhưng đến cầu thang nhà B6, khu Kim Liên, lại nấn ná nói thêm chuyện nọ chuyện kia. Khi yêu nhau, nhiều lúc tưởng mới chỉ đứng bên nhau vài phút, thời gian đã trôi qua cả tiếng đồng hồ. Vì muộn, Việt quyết định đi theo đường đê La Thành cho nhanh, dù đường hơi tối, hẹp và gập ghềnh. Tới chỗ có bóng đèn đường ở ngã ba rẽ ra Ngõ chợ Khâm Thiên, Việt bị một tổ tuần tra kiểm tra giấy tờ. Nó không mang theo bất cứ thứ gì chứng minh mình là ai, thế là bị giữ trong đồn công an cạnh đê La Thành, bị hỏi lên hỏi xuống, bị lăn tay… Khi Việt được tha thì cũng ba giờ sáng, báo hại ba má nó một đêm mất ngủ, đi tìm con khắp các đồn công an và bệnh viện.

Tác giả: