Chiều Chủ nhật, Việt trốn đơn vị về gặp Hòa. Nó chìa lá thư chất vấn của Mai Hương. Hòa gãi đầu: “Đến nước này chỉ có hai cách: Một là mày nói thật với nó. Nếu nó yêu, nó sẽ tha thứ. Hai là mày khẳng định mày chính là tác giả của tất cả các loại thư, vì sợ để ở nhà bố mẹ đọc được nên gửi bạn bè, không ngờ bị tụi nó sao chép”. Việt ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: “Tao chọn cách hai. Nhưng mày phải thu hồi tất cả các bức thư đang lưu lạc về đốt hết và viết cho tao một bức thư giải thích, theo giọng văn cũ. Bây giờ tao giở văn của mình ra là lòi đuôi ngay”. Hòa thấy nó nói cũng có lý, đành ngồi vào bàn viết tiếp loại thư “văn hoa bóng bẩy, giả dối một cách chân thành hoặc chân thành một cách giả dối”. Việt chốc chốc lại giục: “Nhanh lên. Tao mà về muộn sau giờ điểm danh là bị giam ba ngày đấy!”.
Chuyện bố con
1
Sáng chủ nhật, Đỗ nhắn Khanh và Hòa ra nhà nó để bàn về việc phấn đấu vào Đoàn. Nó đã nhận trách nhiệm với Chi đoàn là người giới thiệu thứ nhất, giúp hai bạn trở thành đoàn viên. Khanh cười hì hì: “Chắc nó sợ vào khu mình sẽ bị ông dỗ nó bỏ tà theo chính như Giang Cận”. Hòa bảo: “Ông nói vậy hóa ra mình phấn đấu vào Đoàn là bỏ chính theo tà à? Cẩn thận cái mồm đấy!”. Khanh lấy tay tự đập đập vào mồm: “Phỉ thui, phỉ thui!”, dù chẳng hiểu “phỉ thui” là cái gì.
Buổi nói chuyện diễn ra khá chân tình và thẳng thắn. Ngoài việc chỉ ra những gì mà hai đứa phải làm, Đỗ còn muốn Hòa và Khanh trao đổi với các bạn trong khu để các bạn ấy hiểu việc gì nên, việc gì không nên làm vào thời điểm này. “Khi đi học, các bạn là thủ lĩnh một vùng. Mọi người nể và sợ các bạn. Nhưng nếu các bạn không chịu phấn đấu, không vào được đại học, trong tương lai, các bạn sẽ bị chính những người mà hôm nay các bạn đánh, các bạn coi thường, thậm chí là em út các bạn, chỉ huy. Vì người ta nhờ có học nên có địa vị cao hơn, còn các bạn không chịu học tập, phấn đấu, chỉ có thể làm công nhân hoặc nhân viên quèn”.
Hòa ngẫm nghĩ, thấy Đỗ nói cũng có lý. Nó bảo:
– Với tôi và Khanh, thi đỗ đại học không phải là chuyện khó. Cái chính là động viên và giúp đỡ tụi kia học tập. Nhưng có lẽ nhiều đứa sẽ không kịp thi đại học. Lứa anh em mình cũng nhiều người sinh năm 1957, thậm chí 1956. Cuối năm nay hoặc đầu năm 1975 là đến tuổi nghĩa vụ quân sự rồi.
Đỗ nói:
– Nghĩa vụ quân sự là quyền lợi nhưng cũng là trách nhiệm của thanh niên, mình muốn lùi, muốn trốn cũng chẳng được. Nhân tiện các bạn là con nhà binh, tôi hỏi gia đình các bạn có quen ai phụ trách tuyển quân không?
Hòa chỉ Khanh: “Bố Khanh làm ở Cục Cán bộ – Bộ Quốc phòng. Chỗ nào ông ấy chả quen”. Khanh nói: “Ông già tôi Bôn sệt lắm. Xin đi nghĩa vụ sớm may ra ông ấy còn giúp, chứ xin hoãn thì đừng hòng. Ông ấy vẫn bảo tôi phải học cho tốt, nắm thật vững kiến thức cơ bản, để khi hoàn thành nghĩa vụ về, củng cố lại và thi vào đại học.
Xin hoãn nghĩa vụ cho tôi vài tháng ông ấy làm thừa sức, nhưng ông ấy chắc chắn không làm”.
Đỗ giải thích: “Tôi có đứa em con ông chú có nguyện vọng đi bộ đội sớm. Hôm nào Khanh cho tôi gặp bác để tôi trình bày”.
Khanh nhanh nhảu: “Chú của Đính phụ trách tuyển quân khu Đống Đa, anh nên nhờ nó”.
Đỗ vẫn từ tốn: “Tôi cũng đang định gặp Đính để bàn chuyện giúp bạn ấy thành cảm tình Đoàn. Tôi sẽ hỏi Đính. Nhưng hôm nào Khanh cho tôi gặp cả bố Khanh nữa. Nếu đi bộ đội, được quen biết lãnh đạo Cục Cán bộ như bố của Khanh cũng là vinh hạnh. Mình muốn tìm hiểu thêm về hướng phấn đấu của đoàn viên, thanh niên trong môi trường quân ngũ”.
Khanh gật đầu: “Bố tôi gặp anh, ông ấy còn mừng là khác. Ông ấy vẫn bảo tôi: “Sao bạn con, đứa nào cũng học kém và hay đánh nhau thế?”. Giờ thấy tôi có bạn là Bí thư Chi đoàn, chắc ông phấn khởi lắm. Cái chuyện anh nói về hướng phấn đấu của thanh niên trong quân ngũ đúng là gãi vào chỗ ngứa của bố tôi. Để tôi thu xếp, tối mai mời anh tới chơi, nói chuyện với ông”.
Sau buổi nói chuyện với Đỗ, bố Khanh rất vui vẻ. Từ ngày sơ tán về đến nay, lần đầu ông thấy con trai mình có được một người bạn thực sự đáng tin cậy. Đối với ông, Đỗ là một thanh niên trung thực, mạnh mẽ và đầy tình cảm. Khanh và đám bạn Quân khu của nó có một người bạn như thế thật đáng mừng. Có những chuyện trong thâm tâm ông rất trăn trở, nửa muốn tâm sự với ai đó, nửa không, là chuyện đi bộ đội của Khanh. Ông biết cuối năm nay, Khanh bước sang tuổi 18, như vậy đầu năm tới nó sẽ phải đi bộ đội, chưa kịp tốt nghiệp phổ thông. Là một cán bộ làm công tác tổ chức, ông hiểu đó là luật, mọi người đều phải tuân thủ. Nhưng ông vẫn muốn giá như Khanh tốt nghiệp phổ thông rồi mới đi bộ đội thì tốt hơn. Hoặc như nó thi đỗ đại học rồi nhập ngũ là tốt nhất, vì có thể bảo lưu kết quả để khi trở về vào thẳng đại học. Còn một điều nữa làm ông băn khoăn, là nó cứ lông bông, chẳng chịu phấn đấu vào Đoàn. Qua buổi nói chuyện với Đỗ, ông như cất đi được cả gánh nặng. Gần đây, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội ngày càng tốt hơn, đã làm cho lớp thanh niên mới lớn dần thay đổi nhận thức. Việc Khanh được Chi đoàn bồi dưỡng thành cảm tình Đoàn, có thể coi là một bước ngoặt trong cuộc sống. Xác định được hướng đi đúng, đó là điều quan trọng nhất đối với tuổi trẻ!
Một thông tin nữa Đỗ trao đổi, dù chưa chính thức, cũng làm ông thấy mọi việc có chiều hướng tốt lên, đó là Bộ Đại học và Trung học dự định năm tới, những học sinh đi bộ đội trước kỳ thi lớp 10 sẽ được công nhận tốt nghiệp đặc cách. Như vậy sau khi đi bộ đội về, Khanh có thể tập trung ngay vào việc ôn thi đại học, không phải học lại để lấy bằng tốt nghiệp phổ thông. Ông muốn nó thi vào Đại học Quân sự hoặc Trường Sỹ quan Lục quân, thậm chí nếu học được cả hai trường càng tốt, để sau này nối nghiệp ông. Đỗ đưa ra một gợi ý rất hay mà ông thấy có thể xem xét: Có thể cho Khanh nhập ngũ sớm, sau đó gửi đi học Trường Văn hóa quân đội ở Lạng Sơn. Từ đó, Khanh sẽ thi vào Trường Sỹ quan Lục quân hay Đại học Kỹ thuật Quân sự, với tư cách một quân nhân đi học. Sâu thẳm trong lòng của người cha, ông biết nếu chọn con đường này, trong bốn, năm năm tới, Khanh sẽ chưa phải ra chiến trường. Mấy chục năm tham gia chiến đấu, ông hiểu những gì người chiến sỹ phải trải qua dưới mưa bom bão đạn. Tất nhiên, học xong, Khanh cũng sẽ tham gia chiến đấu. Cuộc chiến còn dài, vũ khí ngày càng được cải tiến và hiện đại. Nếu được đào tạo cơ bản, quân nhân sẽ cống hiến cho đất nước được nhiều hơn. Ông ngạc nhiên, sao một việc đơn giản thế mà mình không hề nghĩ đến. Có thể thế hệ của ông chỉ quen suy nghĩ một chiều, luôn nhận những khó khăn, gian khổ về phần mình, không hề đòi hỏi bất cứ đặc quyền, đặc lợi nào cho bản thân và gia đình. Việc Đỗ đặt vấn đề cho hướng đi của Khanh làm ông thấy thanh thản. Suy cho cùng, đó cũng là cách để thanh niên cống hiến cho đất nước, thậm chí còn cống hiến được nhiều hơn.
Trong thâm tâm, bố Khanh luôn mong muốn sau này Khanh sẽ nối nghiệp ông. Cách suy nghĩ về định hướng nghề nghiệp của Đỗ làm ông vô cùng tâm đắc. Đỗ ví von: “Napoleon nói: Trong bao đạn của mỗi người lính đều có một cây gậy thống chế! Cháu nghĩ, các bạn ở khu Nam Đồng, với truyền thống gia đình, nếu tham gia quân đội và được đào tạo bài bản, sau này chắc chắn sẽ trở nên những quân nhân ưu tú, thậm chí trở thành những tướng lĩnh xuất sắc của quân đội”. Ông tự nhủ, sẽ cố gắng tạo điều kiện để Khanh được gần Đỗ. Có một người bạn đàng hoàng, chín chắn và sâu sắc như thế, Khanh sẽ sớm trưởng thành. Ông hỏi tuổi Đỗ, biết nó sinh cùng năm, cùng tháng với Khanh và cũng có nguyện vọng thi vào Đại học Quân sự để phục vụ quân đội lâu dài. Nếu hai đứa chúng nó vừa là bạn bè, vừa là đồng chí thì tốt quá. Ông tự nhủ, sẽ thu xếp cho cả hai sau khi nhập ngũ được cử đi ôn văn hóa để thi vào Đại học Quân sự. Nhưng vốn tính thận trọng, ông không vội đặt vấn đề.
Một tuần sau khi nói chuyện với Đỗ, bố Khanh dành một buổi tối tâm sự với con, vạch cho nó một hướng đi rõ ràng, tỉ mỉ. Khanh chưa bao giờ thấy bố nói chuyện nghiêm túc với nó như lần này, cứ như bằng vai phải lứa với nhau, nên nó cũng gật gù và bảo: “Bố cho con suy nghĩ thêm rồi báo cáo lại với bố”. Cuộc trao đổi vừa dứt, nó đã chạy xuống chỗ tập xà ở sân Nhà 5 kể cho cả bọn nghe: “Hôm nay bố tao lại vạch cho tao một cái kế hoạch rất buồn cười…”. Từ lâu, Khanh đã xác định cho bản thân một hướng đi rõ ràng: Đến tuổi nhập ngũ là lên đường đánh giặc. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự về, sẽ thi vào trường Đại học Kinh tế Kế hoạch. Nó lý luận: “Mọi mâu thuẫn đều xuất phát từ kinh tế. Mình học kinh tế là nắm được cái gốc của xã hội, điều hòa được mọi mâu thuẫn, góp phần xây dựng đất nước sau chiến tranh. Bố tao rất lạc hậu. Ông cứ nghĩ ai cũng phải làm bộ đội như ông. Đánh xong giặc rồi thì cần gì nhiều bộ đội. Lúc đấy cần các nhà kinh tế giỏi. Tao phải đi trước đón đầu”. Hòa phụ họa: “Trong lúc cả dân tộc ra chiến trường, mình lại chui vào cái trường quân sự nào đó học 4 năm thì chán chết. Giặc đến là đánh, chứ chả nhẽ lại bảo: Chờ tao đi học võ 5 năm đã”. Khanh nói: “Sớm muộn, tao cũng phải đập tan cái định hướng viển vông của ông già tao. Nhưng trước khi làm cho ước vọng của đời ông tan vỡ, tao cứ để ông mơ tưởng thêm ít ngày. Không bao giờ tao thi vào Đại học Quân sự. Trong khi ông ấy còn muốn tao học thêm cả trường Sĩ quan Lục quân nữa”. Đính vỗ vai Khanh: “Sau này tao mà đẻ được thằng con cãi bố nhem nhẻm như mày, tao thà thả trôi sông!”
2
Các ông bố sống trong khu tập thể Nam Đồng có một điểm chung: họ hầu như không có thời gian chăm sóc con cái. Những khi chúng cần đến sự bảo ban, hướng dẫn của bố, họ lại không có mặt. Không có mặt theo ba mức độ: Thứ nhất, họ không bao giờ còn có thể có mặt khi con họ cần, đó là bố của Ngọc, Quang Anh…; thứ hai, họ ở các chiến trường xa, vài năm mới tạt qua nhà ít ngày, nên chẳng gần con được bao nhiêu; thứ ba, họ ở gần, nhưng chẳng mấy khi có thời gian ngó đến con. Thậm chí, kể cả ở bên con, những quân nhân, mà chủ yếu xuất thân từ nông dân, trưởng thành trong chiến đấu, cũng chẳng giúp được con mình giải các bài Toán, Lý, Hóa phức tạp. Có những người đi chiến trường từ ngày con chưa ra đời, khi về, cho dù đã dỗ nó bằng đủ các loại bánh kẹo, còn nó thì thèm chảy nước dãi, nhưng vẫn nhất định không chịu gọi một tiếng “bố”. Ngược lại, có những nhà bố con khá thân nhau, như nhà Khanh chẳng hạn, rất hay tâm sự. Nhưng chỉ là về những chuyện lặt vặt, còn những vấn đề như phương hướng phấn đấu, kế hoạch tương lai, thì hai bố con luôn có suy nghĩ trái ngược. Ở đơn vị, các ông chỉ nói một câu là hàng trăm, hàng nghìn người nghe răm rắp, thế mà về nhà nói mỏi mồm vẫn không thuyết phục nổi đứa con. Đúng là dao sắc không gọt được chuôi.