Tuyết nổ súng trước: “Các bạn là những người đoàn viên, là cán bộ Đoàn, cán bộ lớp, nhưng tôi cảm thấy các bạn cao sang quá, tôi không thể với tới được. Tôi kêu gọi tất cả các bạn đoàn viên hãy mạnh dạn đấu tranh, đưa việc này ra trước tập thể”. Lớp trưởng Phương đứng lên giải thích một thôi một hồi và cuối cùng là “đề nghị cho biết tôi cao sang ở điểm nào?”. Diệp cũng lên tiếng: “Xin làm ơn giải thích, căn cứ vào đâu mà các bạn nói tôi sống cách biệt?”. Thanh đứng lên kể lể: “Hôm đi gánh đất, Liễu đi với Cúc, nhưng Diệp không thích Liễu, Diệp gọi Cúc ra đi với Diệp…”. Hồng đứng dậy: “Tôi đề nghị Mai Phương giải thích tại sao hôm trước tôi hỏi Mai Phương, Mai Phương không trả lời tôi?”. Minh Anh cũng có ý kiến: “Tôi thấy Mai Phương chơi thân với Lan nhưng Mai Phương cũng nói xấu Lan…”. Chuyện lôi thôi từ 9D dẫn sang 9A, 9B, lan tới trường Trưng Vương rồi sang cả 10G năm ngoái…
Nói chung các bạn nữ chẳng ai nhận khuyết điểm về mình, toàn lôi chuyện vớ vẩn ra cãi nhau. Lũ con trai ngồi há mồm nghe, như nghe “Câu chuyện truyền thanh” trên Đài Tiếng nói Việt Nam tối thứ Bẩy! Không ai dám chắc qua đợt học tập về đoàn kết này, các bạn nữ trong lớp sẽ đoàn kết hơn. Nhưng đám con trai rút ra được một kết luận: Khi con gái ngồi im, họ quyến rũ và huyền bí hơn rất nhiều so với khi cất tiếng.
Bọn con trai, nhất là bọn khu Nam Đồng thì ngược lại, mắc khuyết điểm “đoàn kết quá”. Nhờ có sinh hoạt chính trị, chúng mới vỡ ra đoàn kết đôi khi cũng là một cái tội. Phần thảo luận về vấn đề “Thế nào là đoàn kết và đoàn kết như thế nào?” kéo dài nửa buổi sáng. Bọn con trai Nam Đồng cảm thấy bị động chạm nên phát biểu rất sôi nổi.
Phần tranh cãi bắt đầu khi Diệp, Phó Bí thư Chi Đoàn nêu vấn đề:
– Đoàn kết không phải ở chỗ một người bị đánh là tất cả xông vào. Như thế không phải đoàn kết, mà là băng nhóm. Đoàn kết không phải là dùng quả đấm trả lời thay cho lẽ phải, mà phải dùng lý lẽ thuyết phục, cảm hóa mọi người bằng đạo đức của người Thanh niên Cộng sản. Trong mọi trường hợp, đánh người là sai trái.
Hoàng đứng lên:
– Nếu có người vô cớ đánh bạn Diệp, tôi đánh nó để bảo vệ bạn thì có sai trái không?
Diệp hỏi:
– Tôi làm gì mà người ta đánh tôi?
Khanh ngồi dưới nói vọng lên:
– Có thể vì mặt bạn xinh, dáng bạn đẹp người ta yêu bạn mà bạn không yêu nên đánh cho đỡ tức.
Diệp đỏ mặt:
– Đây là giờ sinh hoạt chính trị, đề nghị bạn ăn nói nghiêm túc!
Đính cũng phát biểu về đoàn kết:
– Trước đây bọn tôi có bao giờ đánh nhau đâu. Nhưng ở đời, mình không đánh nó thì nó đánh mình. Các bạn đều biết chúng ta đã từng bị bọn ngoài phố mang dao vào tận lớp dọa nạt, lục cặp lấy đồ. Báo bảo vệ cũng chẳng ăn thua, nên mới phải đánh. Một người không thể đánh được chúng nó, phải đoàn kết mới đánh được.
Hòa đã có kinh nghiệm trong việc tranh luận với cán bộ Đoàn. Nó biết không bao giờ hội này chịu công nhận đánh nhau là một giải pháp, ngay cả khi thâm tâm họ thừa nhận điều đó là đúng. Vì thế nó phát biểu:
– Tôi đồng ý với bạn Diệp. Đánh nhau là sai trái và vi phạm pháp luật. Tôi đề nghị chúng ta thống nhất: Từ giờ, nếu có ai đánh mình, dù đánh bằng tay hay đánh bằng vũ khí, chúng ta sẽ đứng yên cho chúng đánh, chỉ dùng lời lẽ để thuyết phục, cảm hóa chúng.
Khanh hưởng ứng:
– Tôi nhất trí hoàn toàn ý kiến bạn Hòa. Ta hoặc bạn chúng ta có thể bị đánh chết, nhưng điều quan trọng là chúng ta giữ được phẩm chất của người đoàn viên.
Hoàng đề nghị:
– Nhưng cái gì cũng phải có ngoại lệ. Chúng nó có thể đánh chết chúng ta, nhưng không thể để cho chúng nó đánh lớp trưởng và các bạn cán bộ Đoàn. Lớp và Đoàn không thể thiếu người lãnh đạo. Nếu có ai đánh bạn Mai Phương và bạn Diệp, chúng ta quyết bảo vệ đến cùng.
Quốc Tẩm tán thành:
– Bạn Hòa với bạn Khanh đang phấn đấu trở thành đoàn viên, nên mới phải chịu chết để bảo toàn danh tiết. Còn chúng tôi, những thanh niên ngoài Đoàn, chúng tôi sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ bạn lớp trưởng và bạn Phó Bí thư.
Diệp xoay mặt đi chỗ khác, nói trống không, quên cả mình là Phó Bí thư Chi Đoàn:
– Chán chả thèm tranh luận nữa!
Cô Ninh mặc dù đã hứa cho phát biểu tự do, không đánh giá tư tưởng qua những ý kiến tranh luận, cũng phải lên tiếng:
– Các bạn trai khu Nam Đồng, không nên tranh luận theo kiểu đó.
Khanh trả lời ngay:
– Cô nói thì chúng em xin nghe, chúng em sẵn sàng tranh luận theo kiểu khác.
Cô Ninh nói với Diệp: “Tuyên truyền, thuyết phục quần chúng là một việc khó. Em cần có phương pháp và không nên nóng vội”. Rồi cô quay sang bọn con trai khu Nam Đồng:
– Mặc dù các bạn trai lớp mình hay đánh nhau, nhưng ta phải thừa nhận các bạn ấy là những người rất nghĩa hiệp, tôn thờ tính cộng đồng và sẵn sàng xả thân vì bạn bè. Các bạn đang ở lứa tuổi tràn đầy năng lượng. Nếu như năng lượng đó không được giải tỏa và sử dụng đúng cách, nó sẽ quay lại đốt cháy các bạn. Tôi cũng có điều chưa đồng tình hoàn toàn với bạn Diệp Phó Bí thư, dù nói ra điều này, có khi tôi bị bạn ấy phê bình cũng nên: Tôi là phụ nữ, nhưng nếu có người mang vũ khí tới cướp đồ của tôi, vô cớ đánh tôi, tôi cũng đánh lại. Nói thật, trường ta không còn hiện tượng các thanh niên hư hỏng bên ngoài vào trấn lột, cũng phải cám ơn các bạn trai khu Nam Đồng. Nếu không có các bạn ấy ra tay, chưa chắc bạn Diệp còn giữ được chiếc bút Kim tinh vàng đẹp nhất lớp để mà viết. Phải vậy không?
Bọn con trai khoái chí, vỗ tay đập bàn rầm rầm. Lần đầu tiên, tội trạng của chúng được nhìn nhận dưới một góc độ tích cực. Cô nói tiếp:
– Việc để con em cán bộ quân đội của khu Nam Đồng bị xếp loại hạnh kiểm kém chiếm tới 90 phần trăm trên tổng số hạnh kiểm kém của toàn trường, là điều rất đáng suy nghĩ với các thầy, các cô. Trong chừng mực nào đó, có thể nói nhà trường đã không làm tốt nhiệm vụ của Hậu phương đối với Tiền tuyến… Cũng may là hiện nay ở đất Hà Nội này, chẳng còn ai dám gây sự với các bạn ấy nữa. Các bạn ấy quá mạnh… Đúng thế không, các bạn Quân khu Nam Đồng?… Nghĩa là bớt đánh nhau được năm mươi phần trăm nhỉ? Giờ chỉ ngại năm mươi phần trăm còn lại. Đó là, dù không có ai đánh các bạn, các bạn vẫn kéo quân đi đánh người ta…
– Thưa cô, không có chuyện đó đâu! – Hoàng buột miệng.
– Nếu vậy thì tốt. Các bạn có thể cam kết cho bạn Diệp phấn khởi là từ nay về sau, các bạn không đánh nhau nữa không?
Cả bọn im lặng. Cô hỏi Hoàng:
– Bạn Hoàng, bạn có dám hứa không?
– Xin cô hỏi bạn Khanh – Hoàng ấp úng.
– Ồ, thế ra bạn Khanh là chỉ huy à?
Khanh tuy lẻo mép, nhưng bất ngờ bị cô hỏi thế, không biết trả lời thế nào. Nhận cũng dở mà chối cũng dở. Hòa đỡ lời:
– Thưa cô, bọn em xưa nay đã hứa là làm. Bạn Hoàng chưa dám hứa với cô, vì bạn ấy không thể cam kết thay cho người khác. Về chuyện này xin cô cho chúng em thảo luận rồi… hứa sau.
Cô tủm tỉm cười: “Cái gì dễ hứa thì dễ quên. Các bạn cứ bàn bạc thật kỹ nhé”.
Đỗ, Bí thư Chi đoàn phát biểu sau cùng. Trước hết, Ðỗ yêu cầu các đồng chí đoàn viên cần có một bản lĩnh vững vàng, nêu cao tính tiền phong gương mẫu, làm đầu tầu để giác ngộ, cảm hóa quần chúng, không bao giờ được để quần chúng lôi kéo: “Trường hợp của Giang là một ví dụ đau xót cho Đoàn. Từ một học sinh giỏi, một Bí thư Chi đoàn gương mẫu, chỉ vì một buổi đi vận động thanh niên, mà biến thành một học sinh cá biệt, chưa kịp cảm hóa ai đã bị cảm hóa ngược” – Đỗ nói tới đây Hòa giật mình cái thót – “Với các bạn trai khu Nam Đồng, thời gian tới Chi đoàn sẽ cử cán bộ giúp đỡ từng bạn một, ban đầu là những bạn học khá, có ý thức kỷ luật. Đoàn kết là phải thương yêu, giúp đỡ nhau tiến bộ. Là học sinh, nhiệm vụ của chúng ta là phải học tập thật giỏi để mai này dựng xây đất nước. Muốn vậy, chúng ta phải phấn đấu thi đỗ đại học. Nhưng theo quy định, muốn thi đại học phải là đoàn viên. Vì vậy, các bạn trai khu Nam Đồng cần nỗ lực phấn đấu để sớm được đứng trong hàng ngũ của Đoàn. Chi đoàn không bao giờ kết nạp vào Đoàn các học sinh còn tham gia đánh nhau. Yêu cầu các bạn muốn trở thành người đoàn viên Thanh niên Cộng sản phải chấm dứt hẳn việc đánh nhau”.
Bọn con trai chưa phải đoàn viên nghe nó nói đều cúi mặt xuống bàn, riêng cô giáo cứ nhìn lên trần nhà.
Đợt sinh hoạt chính trị diễn ra trong hai ngày, được đánh giá là thành công. Nó cũng làm cho mọi người xích gần nhau hơn. Sau đợt sinh hoạt, lớp trưởng Mai Phương thông báo trước lớp: “Từ nay các bạn gái sẵn lòng cho các bạn trai, đặc biệt là các bạn khu Nam Đồng, mượn tất cả các loại sách, vở, bút, thước kẻ và tẩy, không hạn chế số lượng và chủng loại”.
Tình chị duyên em
Đối với bọn con trai khu Nam Đồng, đi nghĩa vụ quân sự cũng đơn giản như khi còn bé đi học, lớn lên đi làm. Với dòng máu con nhà lính chảy trong huyết quản, chúng rất tự hào khi khoác bộ quần áo lính lên người, bộ quần áo mà chúng đã xin bố để mặc từ những ngày lớp bảy, lớp tám. Không ít đứa đã chọn việc nhận giấy trúng tuyển nghĩa vụ quân sự thay vì nhận giấy gọi vào đại học. “Nước còn giặc còn đi đánh giặc”, đó là một lẽ tự nhiên.
Từ ngày khu tập thể được thành lập tới nay, cả khu Nam Đồng chưa có một trường hợp nào trốn nghĩa vụ quân sự. Thậm chí, nhiều đứa còn xung phong đi trước tuổi, như trường hợp của Việt, cho dù việc đi bộ đội của nó cũng có lý do riêng.