Giang quyết định xin đi bộ đội, dù còn mấy tháng nữa mới đến tuổi. Một học sinh thông minh xuất sắc như nó, không bao giờ chịu xuống ngồi với bọn đàn em học lại những điều mình đã biết. Giang không oán trách nhà trường. Nó bảo: “Khó khăn là cái để mình vượt qua, chứ không phải để than thở. Vấp ngã cũng có mặt tốt, vì nó giúp con người trưởng thành”. Lúc nào Giang cũng khẳng định mình bị hạnh kiểm kém là đúng. Nhà trường cần phải xử nó thật nặng để làm gương cho những thằng cán bộ Đoàn đang ngoan chuyển sang hư.
Việt thì lại cho rằng xếp nó vào loại “hạnh kiểm kém – không thể giáo dục được” là oan cho nó. Nhưng nó cũng không trách thầy hiệu trưởng, chỉ trách số mình đen. Trong trận đánh cuối cùng của nó thời đi học, ba thằng cùng tham gia mà mỗi mình nó bị bắt. Nó phải đọc bản kiểm điểm trước toàn trường. Việt nghĩ, lần này phải làm một bản kiểm điểm thật hay, bày tỏ sự hối hận và cam kết cải tà quy chính, phấn đấu trở thành một người con ngoan trò giỏi. Nó nhờ Hòa.
Việt không biết mình phạm một sai lầm lớn khi cho rằng đã viết thư tình hay thì sẽ làm kiểm điểm giỏi. Sau lễ chào cờ, Việt cầm bản kiểm điểm tiến ra phía micro, thái độ rất thành khẩn. Nghe Việt trình bày tới đoạn: “Em đã nhận thức được lỗi lầm của mình. Khi bầu máu nóng tuổi trẻ bốc lên, em đã dùng quả đấm trả lời thay cho lẽ phải. Xin thầy cô và các bạn hãy tha thứ cho em, gạt bỏ hết trong em những bụi mù nghịch ngợm để mang lại một ngày mai tươi sáng”, học sinh phía dưới phá lên cười. Việt thấy mọi người cười cũng hoang mang. Hôm qua nó đã duyệt đi duyệt lại từng chữ trong bản kiểm điểm, thấy không có gì sơ xuất. Việt không hiểu trong mắt mọi người, nó bị coi là một “sát thủ”. Dù nó tỏ ra thế nào đi nữa, chẳng ai coi nó là kẻ ngoan hiền. Việt càng đọc nghiêm túc, ở dưới càng cười lăn cười bò. Sự thiếu kinh nghiệm trong viết kiểm điểm của Hòa đã làm hại nó. Văn chương mà không hợp người, hợp cảnh đúng là giết chết người ta. Khi Việt đọc đến câu: “Để chờ đợi một ngày mai, con người Việt Nam cắm cờ lên sao Kim, sao Hỏa thì hôm nay chúng em phải gắng sức học hành phấn đấu… Tuổi thơ ơi, hãy lớn lên đi!” thì tờ giấy trong tay nó tuột mất. Việt ngước nhìn, thấy thầy hiệu trưởng đang hầm hầm đứng bên cạnh. Thầy quát: “Thôi, không đọc nữa. Đây đâu phải chỗ cho cậu diễn hề”. Nó đang định thanh minh thì thầy hét: “Đi vào ngay. Cậu đúng là không-thể-giáo-dục được!”
Việt xuống lớp dưới học được mấy ngày rồi cũng xin bố cho vào bộ đội. Đằng nào thì dăm tháng nữa nó cũng đến tuổi nhập ngũ. Đất nước đang có chiến tranh, đi bộ đội đánh tan giặc xong rồi về học tiếp cũng được chứ sao!
Lớp 10D năm đó, các bạn trai khu Nam Đồng vắng đi bốn người.
Cô Ninh
1
Mặc dù bọn 10D năm học mới đã bớt đi một số học sinh cá biệt, nhưng thầy hiệu trưởng vẫn cho rằng xếp tất cả những học sinh nghịch ngợm vào chung một lớp là sai lầm. Ý thầy là tách chúng ra. Bẻ từng que đũa dễ hơn bẻ một bó đũa.
Thế nhưng quan điểm tưởng như đúng mười mươi của thầy lại gặp phản ứng của một số thầy cô, nhất là các giáo viên chủ nhiệm khối 10: “Chia chúng nó ra, không khéo chúng nó lại làm hư nốt tám lớp còn lại. Tốt nhất, cứ để chúng ở một chỗ để tập trung giáo dục”. Không một giáo viên chủ nhiệm nào từ lớp A đến K muốn nhận học sinh cá biệt từ 10D về lớp mình.
Cô Ninh – người được phân công thay cô Vân làm chủ nhiệm lại suy nghĩ khác. Cô nói: “Nếu các em ấy chưa tốt, trước hết là trách nhiệm của chúng ta. Tôi không tin đây là những học sinh không thể giáo dục được. Xin hãy để các em ấy ở lại lớp tôi”.
Nhờ quan điểm này, bọn 10D không bị tan đàn xẻ nghé.
Cô Ninh là giáo viên dạy Văn, ở Nhà 8 khu Nam Đồng. Cô nhiều tuổi hơn cô Vân. Tính cô nghiêm, nhưng thoáng. Cô ở trong khu Nam Đồng từ lâu nên ít nhiều cũng hiểu về con nhà lính.
Cô Ninh không cổ vũ chuyện yêu đương ở tuổi học trò. Nhà cô có hai đứa con đang học cấp ba, thằng Nghĩa lớp Mười và em gái nó lớp Chín. Nếu hai đứa này yêu sớm, lơ là chuyện học hành thì cũng gay. Bọn con trai trong lớp cứ tấm tắc khen con gái cô xinh, còn nói vụng nếu có cơ hội sẽ cưa cho bằng đổ. Tuy vậy, cô cũng không tán thành việc con trai, con gái lớp 10D có khoảng cách rõ rệt. Cô hỏi:
– Ở lứa tuổi này, nhu cầu tình cảm rất lớn. Tại sao trong lớp ta các bạn nam lại không chơi với các bạn nữ nhỉ?
Hòa ngồi dưới nói vọng lên:
– Thưa cô, chúng em cũng muốn chơi lắm, nhưng các bạn ấy làm cao.
– Các cậu cứ nói thế? Các cậu chỉ thích con gái Hát hay với Áo-hồng thôi chứ gì? Tôi không hiểu các bạn nữ lớp khác có cái gì hay hơn lớp mình nhỉ? Tôi thấy lớp mình cũng khối bạn hát hay… Như bạn Mai Phương, lớp trưởng của chúng ta chẳng hạn.
Cả bọn giật mình. Như vậy là cô cũng ít nhiều điều tra và nắm được chuyện nội bộ của chúng nó. Khanh trả lời:
– Thưa cô, bên đấy cần mượn vở là họ cho mượn ngay. Lớp mình mượn được một quyển vở của các bạn nữ khó lắm.
Cô cười:
– Các bạn khác khó mượn thì tôi tin. Còn bạn Khanh, sao lại nói khó nhỉ?
Khanh đỏ mặt. Cả lớp cười ầm. Hoàng lên tiếng:
– Thưa cô, các bạn gái lớp mình không thấy hết được cái hay cái tốt của chúng em nên xa lánh, trong khi con gái các lớp khác quý bọn em vì các bạn ấy nghĩ chúng em ngoan hiền.
Cô giáo ngó Hoàng, hỏi:
– Cậu chỉ cho tôi xem ở cái trường này, cô nào bảo cậu ngoan hiền?
Phải thừa nhận, ở lớp 10D giữa con gái và con trai luôn có một khoảng cách nhất định. Có thể do con trai lớp này đầu gấu, hay đánh nhau nên bọn con gái không thích. Con gái mới lớn, lần đầu bước vào ngưỡng cửa tình yêu thường thích các chàng trai hiền lành, học giỏi, ngoan ngoãn. Đâu có ai thích cái lũ con nhà lính bất trị, luôn thích thử sức, sống bản năng, bạo liệt và manh động như bọn Quân khu Nam Đồng.
Nhớ hồi cuối lớp Chín, trong buổi lao động tập thể, bọn con gái không chịu làm chung với con trai mà chia đôi công việc, nói là để hai bên thi đua. Đại trượng phu, ai thèm thi với phụ nữ. Bọn con trai làm ào một cái xong phần mình, làm luôn hộ bọn con gái. Hôm sau, báo tường của lớp xuất hiện một bài thơ, không đề tên tác giả, nhưng Phó Bí thư Diệp cho rằng cái giọng này chắc chắn của bọn con trai Quân Khu Nam Đồng.
Nước Mỹ phân biệt màu da
Lớp tôi phân biệt ấy là gái trai.
Gánh đất gái chia làm hai,
Một phần con gái, con trai một phần.
Gái kia xinh đẹp, chuyên cần
Nhưng chia đất thế có phần nhỏ nhen
Giai này các lớp đều khen
Gái chia chác thế làm hèn phận giai!
Buổi chiều, lập tức có một bài bên cạnh:
Hỡi những đấng nam nhi hùng biện,
Đã hiểu sâu sự việc vừa rồi,
Mà sao vội vã cất lời,
Phán lên tiếng nói vô cùng oan sai?
Nữ 9D không chia bè phái
Không phân biệt nam nữ yếu hèn,
Mà đây lòng muốn dò xem
Tấm gương tài tử của mấy anh chàng… “Quân khu”!
Trên tờ báo tường của lớp, không chỉ bọn con gái, các thầy cô giáo trẻ cũng bị bọn con trai lớp 10D khu Nam Đồng trêu chọc, xỏ xiên. Nhiều khi biết mà không làm gì được, đôi khi mắc lỡm chúng mà mấy hôm sau mới nghĩ ra.
Đợt làm báo tường kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, lớp quy định mỗi người phải nộp một bài. Quốc Tẩm nặn quấy quá ra mấy câu thơ chẳng đâu vào đâu về anh bộ đội.
Mũ anh lấp lánh ánh sáng sao
Trái tim mang nặng nghĩa đồng bào
Theo lời Đảng gọi, bay lên trước
Ôi, người lính trẻ đẹp làm sao!
Hòa không trong tổ làm bích báo, nhưng nó đến xem mọi người làm. Đọc bài thơ của Quốc Tẩm, nó nảy ra sáng kiến đem phổ nhạc. Hòa kẻ khuông nhạc rồi viết lời thơ xuống dưới, tương ứng mỗi chữ, nó điền một nốt nhạc bất kỳ, lúc trắng lúc đen, và rất hỉ hả vì mình đã sáng tác ra một nhạc phẩm nhanh hơn cả Bết-thô-ven. Bản nhạc đăng ở một vị trí trang trọng, được nhiều người hoan hô vì lớp 10D mới xuất hiện nhạc sỹ. Nhưng đồ giả chỉ lừa được người không biết chứ sao qua mắt được chuyên gia đã từng học hai tháng ký xướng âm. Đính vạch ngay ra những sai sót trầm trọng của tác giả về nhịp, phách. Nó lấy bút sửa bản nhạc trở về nhịp 3-4. Đính sửa xong, Khanh đi mời cô Ngà dạy tiếng Nga và anh Trường, Bí thư Đoàn trường, hai cây đơn ca nổi tiếng đến hát.
Anh Trường vốn hay hát, hễ có cơ hội là khoe giọng hát của mình, tính lại sĩ diện. Dù chưa từng học qua một lớp ký xướng âm, nhưng đứng trước một bọn con trai cao lớn tỏ vẻ vô cùng chăm chú lắng nghe và đám con gái xinh đẹp đang độ xuân thì, anh ra bộ ta đây am hiểu nhạc lý, lẩm nhẩm đồ xi rế... và bắt đầu hát cái loại nhạc mà đến bố của Bết-thô-ven sống lại cũng không hát nổi. Khi cô Ngà tới thì anh Trường đang lên giọng ngân nga “Mũ anh… ờ ớ… lấp lánh… à a…ánh sáng sao!”, cô cũng hòa giọng hát theo: “Mũ anh… ờ ớ… lấp lánh… à a…”. Cả bọn cố nhịn cười, chăm chú lắng nghe. Chúng đã quá quen với trò nuốt tiếng cười trong họng để rồi sau đó mới cười phá ra khi người bị chúng trêu đi khuất.
Về sau anh Trường cũng biết mình bị mắc lỡm. Anh mách cô Ninh. Cô Ninh nghe chuyện cười mãi và bảo anh Trường: “Cậu đã dốt thì đừng có tỏ vẻ hiểu biết, nhất là trước các học sinh lớp tôi. Chúng nó thông minh lắm đấy”.
2
Đầu năm, nhà trường tổ chức một đợt học chính trị. Giáo viên chủ nhiệm các lớp là người chủ trì. Trong thời buổi đất nước có chiến tranh, công tác chính trị tư tưởng luôn đóng vai trò quan trọng bậc nhất. Chủ đề của đợt học tập là: “Sự đoàn kết trong thanh niên”. Qua thảo luận mới biết bọn con gái phức tạp hơn bọn con trai rất nhiều. Chúng không thân mật và đoàn kết với con trai đã đành, chúng còn mâu thuẫn với nhau. Khi những nàng thanh nữ cất tiếng, đám con trai trong lớp phát hiện ra các nàng chia thành hai phe. Một bên đứng đầu là Phương lớp trưởng, Diệp Phó Bí thư, người lên thay Đỗ khi Đỗ ngồi vào ghế của Giang, và Phượng, mọi người đều gọi là “chị Phượng” vì lớn tuổi nhất lớp. Phe này là phe cán bộ, có chức quyền, có nhiều con trai hâm mộ, bị coi là cách biệt với phần còn lại. Phe kia đứng đầu là Tuyết, tổ trưởng tổ ba cùng Minh Anh và Hồng.