Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

Anh đội mũ tai bèo thấy hai thằng đi tới, bằng giọng nhỏ nhẹ, hiền lành, nói ngay:

– Tôi rất mừng vì các bạn không kéo cả vào đây đòi đánh nhau. Hôm nay, tôi đưa chú em tôi đến để giảng hòa với các bạn. Tôi muốn từ nay hai bên cam kết không đánh nhau nữa.

Bích đỏ mặt:

– Ông đến giảng hòa, sao còn để nó đánh tôi thế này. Nhìn mặt tôi xem. Tôi thấy ông đến để đánh nhau thì đúng hơn.

– Tôi xin lỗi bạn, có lẽ tại bạn đánh trước. Nhưng dù sao chú em tôi cũng sai. Tôi xin hứa từ nay chú em tôi sẽ không gây ra bất cứ chuyện gì với các bạn nữa. Hưng, em có đồng ý vậy không?

Thằng “Cụ Mượt” nhìn Bích, lặng lẽ gật đầu, nhưng đôi mắt vẫn vô cùng cảnh giác. Nó biết trong người Bích còn một lưỡi lê. Anh đội mũ tai bèo hiểu ngay. Anh nói với Bích, vẫn bằng cái giọng rất hiền:

– Nếu tôi đến để đánh nhau, thử hỏi bây giờ bạn có đứng đây được không? Nếu tôi định đánh nhau, tôi có chọn cách đi vào một nơi không có lối thoát để cho mấy chục bạn vây ngoài kia không? Tôi chỉ muốn, hay có thể nói là xin các bạn: Từ nay trở đi, các bạn và chú em tôi giảng hòa, không đánh nhau nữa.

Bích ngẩn ra, không biết nói thế nào. Hòa ôn tồn:

– Mong anh hiểu, chúng tôi với em anh không thù oán, nhưng nó vô cớ theo bọn Hảo Bẹt đến tận cổng trường đánh chúng tôi, xúc phạm danh dự của Quân khu Nam Đồng. Nếu anh đã nói vậy, chúng tôi cũng bằng lòng, với điều kiện thằng em của anh phải xin lỗi chúng tôi, và cam kết từ nay trở đi không theo đuôi Hảo Bẹt đánh nhau với chúng tôi nữa. Nếu không, chuyện này sẽ không bao giờ chấm dứt. Dù anh có rút khẩu súng sau lưng ra, chúng tôi cũng không sợ.

Anh đội mũ tai bèo nhìn Hòa, một thoáng ngạc nhiên trong mắt:

– Xin cám ơn bạn đã vào đây mà không mang theo vũ khí. Tôi đánh giá cao thiện chí của bạn. Tôi xin lỗi, tôi hoàn toàn không có ý định mang theo súng để bắn hay dọa các bạn… Khá thật đấy, sao các bạn phát hiện ra nhỉ? Chẳng qua sau đây tôi phải đi ngay cùng đơn vị nên buộc phải mang theo. Hưng, anh thấy bạn này nói cũng có lý. Em có thể xin lỗi các bạn và hứa sẽ không tham gia với Hải trong các chuyện về sau không?

Cái giọng nhẹ nhàng của anh ta có một ma lực không thể cãi được. Hưng “Cụ Mượt” cúi đầu nói lời xin lỗi và hứa sẽ nghe lời anh Hai, cam kết trong mọi hoàn cảnh không tham gia đánh nhau cùng với Hảo Bẹt. Anh đội mũ tai bèo vẫn ôn tồn:

– Tôi rất mừng vì các bạn đã thỏa thuận được. Tôi không còn thời gian để can thiệp vào chuyện của các bạn với Hảo. Đành để hai bên tự giải quyết thôi. Nhưng tôi mong đôi bên có thể giải quyết ổn thỏa như các bạn giải quyết với chú em tôi. Nếu các bạn cứ tiếp tục đánh nhau như vậy, các bạn sẽ làm hỏng tương lai của mình, tương lai của những người trẻ tuổi, quả cảm, đầy khí phách nhưng… hơi chệch hướng. Đất nước cần chúng ta đánh giặc, chứ đâu cần các bạn đánh nhau kiểu này. Tôi tên là Nam. Hy vọng có ngày mình gặp nhau ở chiến trường. Ngoài đấy, những người như các bạn quý lắm. Thôi, tôi phải đi cho kịp. À, bạn này… tên là gì nhỉ? Tôi muốn nói riêng với bạn đôi điều.

Anh nhẹ nhàng khoác vai Bích như khoác vai một chú em, dẫn ra góc sân nói nhỏ mấy câu. Hòa thấy Bích nghe xong, lặng lẽ nhìn anh ta, không biểu hiện thái độ gì cả.

Anh bắt tay Hòa và Bích rồi nhẹ nhàng gỡ những sợi xích quấn quanh cổng. Khi gỡ, anh nhìn Hòa, gật đầu nhè nhẹ. Anh đi, để Hưng “Cụ Mượt” giữa đám đông mấy chục thằng đang hầm hè, không hề nhìn lại. Hưng vừa ra khỏi cổng sắt, Quốc Tẩm nhớ chuyện cũ, cầm búa lao tới. Hòa đã tính tới tình huống này, nó lách người chắn trước mặt Quốc Tẩm, lắc đầu: “Để nó đi. Tao vừa đồng ý giảng hòa”. Quốc Tẩm thu búa lại nhưng vẫn lầu bầu: “Mày giảng hòa chứ tao đâu có giảng hòa. Hôm nọ nó đánh tao chứ đâu đánh mày”. Hòa vẫn nhẹ nhàng, nhưng giọng lành lạnh: “Nếu mày nghĩ kiểu như vậy thì mày phải đánh nhau với tao đấy!”. Việt bảo Quốc Tẩm: “Mày không được nói vậy. Hòa và Bích đại diện anh em mình giải quyết vụ này. Quyết định của nó là quyết định của Quân khu”.

Buổi chiều, cả bọn nghe Hòa kể lại câu chuyện lúc trưa với anh Nam và Hưng “Cụ Mượt”, không hiểu sao đứa nào cũng cảm thấy gợn lên, dù ít dù nhiều, một cái gì đó ở trong sâu thẳm, tuy nhất thời chúng nó chưa nghĩ ra đó là cái gì.

Mãi về sau, Hòa hỏi Bích, lúc anh Nam kéo nó ra góc sân, anh nói gì? Bích bảo: “Ông ấy nói: Tôi thấy bạn vô cùng nhanh nhẹn, gan dạ, có tố chất. Sau này bạn làm lính biệt động hay trinh sát sẽ rất tuyệt vời. Nhưng nếu có thể, từ nay bạn đừng mang dao theo người. Bạn thuộc loại không rút dao ra thì thôi, đã rút dao là có máu chảy. Oan nghiệt đấy… hãy tin lời tôi!”

Mùa hè năm 1974

1

Năm lớp Chín trôi qua sôi động, đầy những biến cố và kỷ niệm vui buồn. Việt có nói, về sau nhớ lại tuổi học trò, người ta chỉ nhớ những niềm vui, chứ ít người buồn phiền, hối tiếc vì ngày đó mình nghịch quá, lười học quá. Thế nhưng tại thời điểm bị kỷ luật, bị đình chỉ học tập, bị mời phụ huynh đến gặp nhà trường, bị thi lại, bị đúp hay bị công an nhốt, đứa nào cũng lo buồn cả. Người chứ có phải gỗ đá đâu. Có quên cũng cần thời gian mới quên được.

Trước khi nghỉ tết Nguyên Đán, Giang Cận, Minh, Ngọc bàn với nhau viết một bức thư góp ý cho cô Vân. Trong thư chúng nói, do cô trẻ nên còn thiếu kinh nghiệm, không đi sâu đi sát học sinh, dùng biện pháp hành chính nhiều hơn biện pháp tâm lý, khiến thầy trò xa cách, đối phó với nhau… Tuy ý định góp ý cho cô giáo không xấu, nhưng sau khi bàn bạc, cả ba thống nhất không ký tên. Giang Cận được giao nhiệm vụ đánh máy bức thư. Trước khi gửi, ba thằng còn tham khảo ý kiến mọi người. Giang Cận cho Đỗ xem thư. Đỗ nhận xét: “Nội dung thư mang tính chất xây dựng, nếu ký tên thì thẳng thắn và đúng với ứng xử của người đoàn viên Thanh niên Cộng sản hơn”. Ngọc không đồng ý: “Ông là đoàn viên chứ tôi có phải đoàn viên đâu mà tôi cần ứng xử như đoàn viên”. Đỗ nghĩ một lúc rồi bảo: “Thôi, các bạn không ký cũng được”. Ba thằng lên tận Bưu điện Bờ Hồ gửi cho an toàn, vì gửi ở khu Đống Đa, nhìn dấu bưu điện, cô Vân sẽ nghĩ ra chỉ có mấy thằng Nam Đồng. Thư vừa đút vào thùng thì Minh phát hiện chưa dán tem, nhưng không có cách nào lấy lại.

Một tuần sau, trong giờ sinh hoạt lớp, cô Vân mặt lạnh như tiền, thông báo sáng mùng Một Tết, chồng cô có nhận được một bức thư, không dán tem. Bưu điện lập biên bản phạt chồng cô một hào hai, gấp đôi tiền tem gửi trong nội thành. Ngày đầu năm mới, bị phạt đã tức, mở ra lại là thư nặc danh của học sinh đe dọa, nói xấu cô giáo chủ nhiệm. Cô hỏi ai viết thì dũng cảm đứng dậy? Bọn viết thư dũng cảm có thừa, nhưng chúng đã thống nhất với nhau không hay gì cái trò “hữu dũng vô mưu” nên phớt lờ. Cuối buổi sinh hoạt, cô bất ngờ yêu cầu Giang Cận, Minh, Ngọc nghỉ học, viết tường trình về vụ gửi thư nặc danh, bao giờ viết xong thì đi học. Ba đứa cắp cặp ra khỏi lớp, không hiểu đầu cua tai nheo ra sao? Kiểm lại, chúng nó không thấy sơ suất khâu nào, thế mà cô giáo lại biết. Chúng vẫn không tin trong lớp có nội phản. Nếu có nội phản thì chúng còn nhiều tội tày trời hơn để bọn gián điệp này báo cáo, việc gì phải mách cô chuyện lặt vặt này. Ngọc đoán: “Có khi cô giáo đem thư ra cho công an lấy dấu vân tay, phát hiện ra bọn mình. Tội này so với đánh nhau cũng là tội nhẹ. Cô đã biết chính xác như thế, nhận cho xong”. Giang Cận cười: “Tội bọn mình đã như ly nước đầy. Tội này chỉ đáng một giọt nước, nhưng sẽ là giọt nước tràn ly”. Minh nhún vai: “Kệ nó, bọn mình còn tràn nhiều!”.

Tuần sau, Hòa và Khanh cũng có một vụ hút chết. Trong giờ học Lịch sử, Khanh ném cho Hòa một mảnh giấy viết mấy chữ, thách Hòa đối:

“QUÂN NGÃ RA BÌNH, THÔI SẮC TỆ”.

Hòa vò đầu bứt tai. Muốn đối, trước hết phải hiểu nghĩa câu đối đã. “Thôi sắc tệ” là nhan sắc tàn phai thì rõ rồi. Còn “Quân” là gì, nó không luận ra. Không biết là “Quân vương”, “Quân lính” hay là “Quân sự”? Có điều, không hiểu sao lại “ngã ra bình”? Hòa càng nghĩ càng tắc tị. Nhưng tính Hòa vốn hiếu thắng, thay bằng đầu hàng, nó loay hoay tìm cách tiến công. Tình cờ nhìn thấy thầy Trọng dạy Vật Lý đi qua, Hòa chợt nghĩ ra một vế đối. Nó viết vào mặt sau mảnh giấy, ném cho Khanh:

“THẦY GIÁO TRỌNG NGỒI TRÊN CHÕNG, THÒ CÁI QUAN TRỌNG RA NGOÀI”.

Khanh chẳng cần suy nghĩ, đối lại ngay:

“CÔ GIÁO THƯỜNG NẰM TRÊN GIƯỜNG, ÚP CÁI THƯỜNG THƯỜNG VÀO TRONG”.

Hai thằng khoái chí, truyền tờ giấy có câu đối cho Đính xem. Đính đọc xong cười khúc khích. Cô Uy nghe tiếng cười, bắt nó đứng dậy, hỏi tại sao cười? Đính trả lời: “Thưa cô, em thấy cô giảng thú vị quá nên cười”. Cô Uy cảnh giác, hỏi vặn: “Điều gì tôi giảng làm cậu thú vị?”. “Thưa cô, bất cứ điều gì cô giảng em cũng thú vị”. Chắc đến trời cũng không ngửi được câu nói của Đính nên lùa vào lớp một cơn gió. Tờ câu đối bay xuống đất, cuộn lên phía bục giảng. Cô Uy nhặt lên, nheo mắt đọc to. Tất cả, kể cả cô, đều phì cười. Nhưng rồi cô Uy chợt nghĩ đây là biểu hiện của sự vô lễ, coi thường thầy cô. Vì vậy cô nghiêm mặt, hỏi ai viết? May hai câu đối viết theo kiểu chữ in hoa, nên khó mà tra ra chữ của ai. Hoàng giơ tay: “Thưa cô, em thấy gió thổi tờ giấy đó từ bên ngoài vào”. Đỗ cười ẩn ý, giơ ngón tay cái, nháy nháy mắt với Hòa. Cô Uy nghi ngờ: “Vậy chắc là trời viết”, và đút tờ giấy vào túi.

Tác giả: