Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

Hà Nội vắng tanh. Trên khắp các ngả đường ra ngoài Thủ đô là những dòng người rồng rắn đi sơ tán. Sau hai đêm máy bay B52 ném bom, nếu không vì nhiệm vụ, ít người dám trụ lại.

Đêm 20 và 21, cứ sau bảy rưỡi tối, máy bay Mỹ lại vào ném bom. Sang ngày 23 và 24 thì súng bắn, bom nổ cả đêm lẫn ngày. Nhiều lúc Hòa phát chán chả buồn xuống hầm trú ẩn. Nó thừa biết nếu một quả bom rơi xuống, cả ngôi nhà này cùng với hầm sẽ biến thành cái ao. Hòa rủ Khanh ra trận địa của đơn vị pháo cao xạ xin một chân phục vụ, làm tiếp đạn hay đưa nước, dù sao được tham gia đánh nhau cũng sướng hơn cảnh suốt ngày trốn xuống hầm như đám chuột. Nhưng tính Khanh vốn nhát chết nên chối đây đẩy.

Sáng ngày 25, Minh và Đính nghe lỏm được tin Mỹ tuyên bố sẽ không ném bom ngày Nô-en nên từ Vĩnh Yên xuống, rủ Hòa và Khanh về Hà Nội chơi. Khanh không về, nó cho rằng không tin được bọn đế quốc Mỹ. Hòa thấy thế lại mừng, vì trốn một lúc hai thằng dễ lộ. Nó dặn Khanh ở lại lựa lời mà nói dối, đừng để bác Dụ biết nó đi Hà Nội. Về cái khoản nói dối như thật, Hòa hoàn toàn tin tưởng ở Khanh.

Tới Hà Nội, ba đứa gặp Việt và Hoàng cũng trốn trường cấp ba nội trú từ Chương Mỹ Hà Tây về. Việt bảo trốn đi chơi những ngày này an toàn nhất, vì thầy cô giáo lúc nào cũng ngồi cạnh hầm trú ẩn, cứ thấy báo động là chui vào, đâu có thời giờ đi kiểm tra học sinh. Nó nghe trộm đài BBC, thấy Mỹ tuyên bố ngừng ném bom ngày Nô-en nên rủ Hoàng trốn về Hà Nội. Trừ Hoàng biết chỗ mẹ giấu chìa khóa, còn mấy đứa kia chẳng ai vào được nhà, nên cả bọn về nhà nó. Lục bếp không có gì chén được, Hoàng xúc mấy bơ gạo, mang xuống Ngã Tư Sở đổi bánh cuốn. Đến nơi, cửa hàng đóng im ỉm. Cả nhà bà bán bánh cuốn đã đi sơ tán. Hòa đói quá, đề xuất nấu cơm ăn với muối cũng được. Trong lúc Hoàng thổi cơm, Việt thấy ngoài sân có con gà mái gầy còm, nó bèn lùa vào hành lang, nhẹ nhàng khép góc, bắt sống.

Hoàng nhìn thấy, nói ngay:

– Gà nhà cô Hoa dạy toán đấy, thả ra đi.

Việt toan thả, xong lại ngần ngừ:

– Thả ra, có khi ngày mai bom Mỹ cũng giết chết nó. Chết vì bom, chắc gì đã được toàn thây…

Hòa lẩm bẩm:

– Cả nhà cô Hoa đi sơ tán hết, lấy đâu người cho nó ăn? Sớm muộn nó cũng chết vì đói.

Minh đề xuất:

– Nhân ngày Đức Chúa giáng sinh, mình nên hóa kiếp cho nó, để nó sớm được đổi đời.

Hoàng vẫn ngần ngừ, Minh bồi tiếp:

– Mình hóa kiếp cho nó để kiếp sau nó trở thành con công, con phượng, có khi nó còn cảm ơn mình.

Hòa tán thêm:

– Cô Hoa mà thấy mấy thằng cháu yêu của cô sắp chết đói giữa một thành phố đang là tâm điểm của mưa bom bão đạn thế này, chắc cô thịt luôn cả đàn gà nhà cô cho bọn mình ăn ấy chứ.

Hoàng nghĩ ngợi… Cuối cùng, tình hàng xóm láng giềng của nó cũng bị đẩy lùi trước sự muốn ăn gà của chính mình. Nó bảo Minh:

– Tao mổ xong, mày phải đem lông đi thật xa vứt nhé!

Minh mặc cả:

– Tao vứt lông thôi. Tí nữa ăn xong, thằng Việt phải đem vứt xương.

Việt cười:

– Ăn xong mày hãy đi vứt lông, tiện tay vứt luôn xương.

Con gà mái tuy gầy nhưng đầy một bụng trứng, có quả đã hình thành vỏ cứng, chắc chỉ ngày một ngày hai là đẻ. Mấy đứa chia nhau những quả trứng ngon và bùi, vừa ăn vừa tự an ủi mình đã giúp không chỉ một con, mà là cả mẹ con, anh em nhà gà của cô Hoa kiếp sau được trở thành con công, con phượng. Sau đó, cả bọn lượn một vòng, qua nhà máy Cao su Sao Vàng, vào làng Nhân Chính xem những hố bom B52. Buổi tối, chúng đi chơi Nhà thờ Hàng Bột và Nhà thờ Lớn, tới khuya mới về, để bố mẹ có muốn đuổi ngay về nơi sơ tán cũng không đuổi được. Quả nhiên về nhà, đứa nào cũng chỉ bị mắng qua loa mấy câu và phải hứa sáng sớm hôm sau sẽ trở lại nơi sơ tán.

Thế nhưng khi chưa kịp mắc màn đi ngủ, Đính đã gọi cả bốn đứa ra, thì thào:

– Bố tao nói một thằng phi công khai: Mỹ dự định sẽ ném bom khu tập thể Nam Đồng, vì nơi này tập trung nhiều sỹ quan cao cấp của quân đội. Bố tao bắt phải đi ngay đêm nay.

Lúc đó đã gần nửa đêm nên Hòa, Hoàng, Việt và Minh đều cảm thấy ngại. Hòa nói:

– Mỹ đã thông báo không đánh ngày Nô-en mà? Tổng thống Mỹ chứ có phải bà bán kẹo kéo đâu mà nói rồi lại nuốt lời?

Việt đồng tình:

– Theo quy luật, nếu đánh đêm, nó thường bắt đầu đánh lúc 19 giờ 30. Bây giờ chưa đánh, chắc đêm mai mới đánh.

Đính giải thích:

– Ông già tao làm ở Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu. Thông tin của ông chắc là chính xác. Nó chỉ không đánh ngày Nô-en thôi. Qua nửa đêm là hết Nô-en. Chiều nay Bộ Tổng Tham mưu đã lệnh cho Quân chủng Phòng không-Không quân: Từ 19 giờ, tất cả bộ đội, vũ khí, tên lửa phải sẵn sàng chiến đấu.

Việt lý sự:

– Nó là Mỹ, nên ngày Nô-en phải tính theo giờ Mỹ. Trưa mai mới hết ngày Nô-en.

Hòa cũng bàn lùi:

– Đêm nay chưa chắc nó đã đánh, có đánh chưa chắc đã trúng, đánh trúng chưa chắc đã chết. Thôi, cứ để sáng mai đi.

Đính có vẻ cũng ngại đi lúc nửa đêm. Nó nói với Việt:

– Thế tao ngủ với mày nhé. Ông già tao kiên quyết bắt đi ngay đêm nay. Bà già tao vừa bị ông ấy đưa lên nhà bác ở phố Khâm Thiên để tránh rồi.

Việt đồng ý ngay. Nó nói:

– Sáng mai tao cũng phải báo cho ông bà già tao biết chuyện máy bay Mỹ sẽ ném bom khu tập thể Nam Đồng để liệu mà đi tránh.

Đính dặn:

– Chúng mày nói cũng được, nhưng chuyện này là bí mật quân sự, phải nhắc ông bà già chúng mày đừng nói lung tung, không là đi tù đấy.

Hôm sau, cả bọn trở lại nơi sơ tán từ sớm tinh mơ. Đêm 26 tháng Mười hai, Thủ đô Hà Nội đã hứng chịu một trận bom B52 thảm khốc nhất trong lịch sử. Phố Khâm Thiên bị tàn phá nặng nề. Nhiều khối phố bị san phẳng. Có người nói: Mục tiêu Mỹ định đánh là khu tập thể Nam Đồng, nhưng do hỏa lực phòng không của ta dữ dội quá nên chúng ném bom lệch tọa độ. Nhìn từ trời cao, khu Khâm Thiên và khu tập thể Nam Đồng cách nhau chỉ một gang tay.

Mẹ Đính mất trong đêm đó, tại phố Khâm Thiên.

Thầy giáo

1

Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và các vùng lân cận, kéo dài 12 ngày đêm đã bị thất bại hoàn toàn. Ngày 30 tháng Mười hai năm 1972, Ních-xơn tuyên bố ngừng ném bom vô điều kiện toàn miền Bắc, nhưng cũng phải chờ tới nửa cuối tháng Một năm 1973, đám học trò ở các trại sơ tán mới lục tục kéo về. Mới gần một năm xa nhà mà đám con trai đứa nào cũng dài như cây sào, còn bọn con gái thì phổng phao hẳn lên. Nhìn nhau, ai cũng thấy ngỡ ngàng.

Bọn học sinh lớp tám khu Nam Đồng được bố trí học buổi sáng tại trường Phổ thông Công nghiệp cấp ba Đống Đa. (Buổi chiều khu trường này là của trường Trưng Vương). Học trò theo trường sơ tán ở Chương Mỹ được lấy làm nòng cốt, bổ sung thêm một số từ các nơi khác. Phần lớn bọn khu Nam Đồng được xếp vào 8D, cùng với các bạn ở khu tập thể Kim Liên và phố Tây Sơn. Riêng Hòa và Khanh bị xếp vào 8K. Hai đứa lên Ban giám hiệu xin chuyển lớp, bị đuổi về không thương tiếc. Hòa phải nhờ cô Hoa, mẹ cái Cúc, giáo viên dạy toán, ở cùng khu tập thể Nam Đồng giúp. Sau một tuần xin xỏ, cuối cùng hai đứa cũng được chuyển sang 8D. Do vừa sơ tán về, nhà trường có nhiều việc phải lo lắng, nên quản lý học sinh khá lỏng lẻo. Với đám học trò đang tuổi nghịch, đây là cơ hội để bày ra đủ các trò vui.

Học được hai tuần, cô Hòa dạy môn Địa lý bị ốm. Cả lớp đang hỉ hả vì được nghỉ thì thấy một bác già áo đen, lưng hơi còng, đeo cặp kính to tướng xăm xăm bước vào:

– Cho tôi xin hỏi, đây có phải lớp 8D không?

Khanh nhanh nhảu:

– Không phải đâu bác ạ. Bác có việc gì cần giúp không? Mời bác vào chơi nhà.

Cả lớp cười ầm. Bác già áo đen nhìn quanh, rồi tiến tới chỗ Khanh, vì nó ngồi cạnh cửa ra vào. Một tay cầm quyển vở, một tay bác nâng cặp kính lên đọc như đánh vần: Nguyễn… Hồng… Khanh, lớp 8D, vở… Địa lý. Bác gật gù:

– Đúng là lớp 8D rồi. Nào, mời Nguyễn Hồng Khanh lên bảng kiểm tra bài.

Ngọc lẩm bẩm:

– Chết chưa con, ai bảo trêu vào ông già Khốt-ta-bít.

Dù Ngọc nói nhỏ, nhưng cũng đủ cho mọi người nghe thấy. Bác áo đen ngẩng ngay đầu lên, hỏi:

– Em kia, vừa nói gì?

– Thưa bác, cháu có nói gì đâu ạ – Ngọc chỉ Việt – không tin bác hỏi bạn này.

Việt đứng dậy làm chứng luôn:

– Cháu xin lấy danh dự đội viên thề: “Bạn Ngọc từ nãy đến giờ hoàn toàn im lặng”.

– Em tên là gì?

– Thưa bác, cháu tên Việt.

– Sau em Khanh, mời đội viên Việt lên bảng kiểm tra. Nào, mời em Khanh.

Khanh đứng lên, giọng rất lễ phép:

– Thưa bác, cháu xin phép được biết quý danh và nghề nghiệp của bác. Theo quy định, chúng cháu không được phép trả lời những người lạ đi vào lớp.

Bác áo đen gật gù:

– Rất đúng. Tôi xin giới thiệu, quý danh của tôi là Hoàng, giáo viên môn Địa lý. Cô Hòa ốm nên tôi dạy thay. Mời quý em lên bảng… Hôm trước các em học bài phân bố khoáng sản ở các nước tư bản châu Âu. Đề nghị quý em cho biết đặc điểm phân bố khoáng sản ở các nước tư bản này?

Cô Hòa rất ít khi kiểm tra miệng đầu giờ học, còn Khanh thì không học bài, nhưng thấy thầy vui vẻ, gọi mình là “quý em”, nên nó trả lời kiểu bốc phét. Nó xưa nay vẫn dẻo mỏ:

– Thưa thầy, để làm rõ sự phân bố khoáng sản ở các nước tư bản Châu Âu, trước hết ta cần làm rõ đặc điểm của các nước này. Đây là những quốc gia chưa được ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin soi rọi, là nơi người dân không được hưởng tự do và dân chủ. Ở đó, chỉ có chiều tà, đêm tối mà không có bình minh, chỉ có gông cùm mà không có công lý… Kẻ đứng đầu các nước tư bản là đế quốc Mỹ, đang tiến hành cuộc chiến tranh phi nghĩa, xâm lược nước ta…

Tác giả: