Nghe chuyện, Việt chẳng nói chẳng rằng, cùng Hoàng sang ngay lớp 9G tìm Tu Sìn. Hảo Bẹt chắn cửa không cho vào. Việt trừng mắt, rút ngay lưỡi lê kè vào bụng nó, hất hàm bảo Hoàng: “Mày vào đánh thằng kia, để thằng này cho tao”. Trong lúc Hảo Bẹt đang trừng trừng nhìn lưỡi lê trong tay Việt, Hoàng nhảy qua hai cái bàn, cầm mũ cối vụt Tu Sìn mấy phát rồi nhảy ra bảo Việt: “Về thôi!”. Mọi việc diễn ra trong vòng một phút, nhiều bạn trong lớp 9G còn chưa hiểu chuyện gì diễn ra trong lớp mình thì Việt và Hoàng đã rút êm. Hảo Bẹt văng “đù mẹ”, vằn mắt nhìn theo.
Mặc dù biết rằng thời gian này đánh nhau trong trường là tối kỵ, nhưng việc để một thằng lâu la của Hảo Bẹt đấm đá người Quân khu Nam Đồng trước mặt bàn dân thiên hạ là điều không thể chấp nhận được, nên Việt quyết định phải đánh dằn mặt cái đã, muốn ra sao thì ra. Tuy nhiên hết tiết một, mọi chuyện vẫn yên ắng. Không đứa nào dám lên mách nhà trường.
Giờ ra chơi tiết sau, Nam Diễm thông báo Hảo Bẹt đã bỏ về ngay khi Việt, Hoàng rời khỏi lớp 9G, và dặn bọn trong hội của nó chuẩn bị đánh lớn trưa nay. Nó tuyên bố: “Phải dạy cho bọn khu Nam Ðồng một bài học!”. Hảo Bẹt không chịu được nỗi nhục bị hai thằng “Quân khu” nhảy vào đánh đàn em ngay giữa lớp mà không bảo vệ được, bản thân cũng phải im thin thít khi bị kề dao vào bụng. Hòa bảo Việt: “Thông báo cho anh em Quân khu tất cả các lớp, tan trường chờ nhau cùng về, vũ khí sẵn sàng”. Sau đó nó quay sang bảo Quốc Tẩm: “Mày bỏ học hai tiết cuối, về báo cho bọn Giang Cận, Ngọc, Minh giờ tan trường có mặt ngoài cổng”. Ba thằng vẫn đang bị đình chỉ học tập để viết bản kiểm điểm. Quốc Tẩm hỏi: “Có cần gọi thêm mấy ông trường Trỗi không?”. Hòa ngần ngừ: “Báo Phan Bắc, Việt Thanh thôi”. Việt nói: “Quốc về khu thì báo thêm anh Đoàn Điếu nữa”. Đoàn Điếu thuộc lứa trường Trỗi, đầu năm 1972 đang học thì có giấy gọi nhập ngũ. Chân ướt chân ráo vào chiến trường, Đoàn Điếu tham gia ngay trận đánh Thành cổ Quảng Trị. Sau chiến dịch, với hai mươi mấy vết sẹo khắp người, anh được đưa ra Hà Nội, và trở thành người thương binh đầu tiên của thế hệ F1 Quân khu Nam Đồng. Đoàn Điếu trông chất phác, hiền lành, nhưng khi các em út nhờ vả, bao giờ cũng nhiệt tình, nên rất được các em quý mến. Hòa điểm lại lực lượng, thấy cũng tạm ổn. Nó quay sang bảo Hoàng: “Mày trực tiếp gặp bọn Bích, Hà Tư, Anh Sơn, Tiến Thọt, nói rõ tình hình cho bọn nó biết. Nhắc chúng nó mang đủ vũ khí, lúc tan học ra cổng trường sớm một chút. Tao có cảm giác trưa nay sẽ đánh nhau to”.
Tan học, vừa ra khỏi cổng trường, Hảo Bẹt đã từ một góc khuất nhảy bổ ra, tay cầm mũ cối vụt thẳng vào mặt Việt, miệng hét: “Đù mẹ, đánh chết thằng này cho tao!”. Ba thằng đội mũ tai bèo, đeo huy hiệu thương binh, đồng loạt nhảy vào đánh Việt… Việt bị bất ngờ, dính đòn khá đau, may có Anh Sơn, Tiến Thọt, Đoàn Điếu kịp xông vào đỡ. Ban đầu, bọn Hảo Bẹt chỉ đánh bằng tay không. Khi thấy bọn Nam Đồng giở búa và khẳng sắt, chúng giật đòn gánh của các bà bán hàng và vơ tất cả các dụng cụ như xẻng, cuốc của công nhân đang sửa đường làm vũ khí. Thằng đội mũ tai bèo, cao to lực lưỡng, vớ cái bơm xe đạp của ông bơm xe, tả xung hữu đột. Nó đánh tới đâu bọn Nam Đồng dãn ra tới đấy. Tiến Thọt bị phang một cái đòn gánh vào đầu, máu hồng lấm chấm khắp chiếc áo màu xanh lơ. Mặt Anh Sơn, Đoàn Điếu sưng vều. Việt bị cái bơm quật vào mặt, gục xuống, máu chảy ướt cả áo. Bọn Hảo Bẹt được lợi thế vì chủ động đánh trước.
Bọn Nam Đồng lúc đầu đang trong tư thế đề phòng, chưa biết phải đánh ai, lại gặp buổi tan trường đông người, đứa nọ vướng đứa kia nên bị động. Hơn nữa, từ trước tới giờ chúng chủ động đánh người ta là chính, chưa khi nào bị một bọn dữ dằn nhảy vào đánh phủ đầu tới tấp như hôm nay nên lúng túng, thậm chí có thằng còn run không rút nổi cái búa ra khỏi cặp. Nhưng khi bị đánh đau, chúng bắt đầu bình tĩnh. Đánh nhau là vậy, chưa đánh còn sợ, chứ đã đánh rồi thì dao hay gậy, xẻng hay đòn gánh cũng không coi là gì nữa. Dù sao bọn Nam Đồng cũng đông hơn hẳn bọn kia, và khi chúng nó đã rút vũ khí, đánh cảm tử, thì một chứ đến mười thằng dữ chúng cũng không sợ. Đây là trận đánh nhau thực sự và lớn nhất từ trước tới nay của “Quân khu Nam Đồng”. Khi thấy Việt gục xuống, Giang nhảy xổ vào, rút búa, quật ngay một nhát vào mặt thằng cầm bơm. Lần đầu tiên Giang cầm búa bằng cán. Nhát búa của Giang cực nhanh và chính xác. Thằng đội mũ tai bèo to và nặng gần gấp đôi Giang sụp xuống. May mà đầu chiếc búa nhỏ xíu, chứ không thì thằng này nát mặt. Hoàng chạy đến, đá văng cái bơm trong tay nó. Hòa đạp thêm một đạp làm nó gục hẳn, tiện tay nhặt ném cái bơm qua hàng rào rồi chạy đến xốc Việt đứng dậy. Quốc Tẩm, Minh, Ngọc, Đính lao vào đánh bọn Hảo Bẹt. Mũ cối và gậy tới tấp vung lên. Thậm chí, hôm nay bọn lớp 9D còn sử dụng cả guốc mộc đóng đế sắt làm vũ khí, không hề quan tâm đến việc đường đường đấng nam nhi lại dùng võ kiểu đàn bà.
Có thể nói Giang Cận hòa nhập rất nhanh vào các cuộc đánh nhau. Lúc mới vào trận, bọn Hảo Bẹt đang nắm quyền chủ động và đánh ngã Việt, có vài đứa nao núng, nhát búa chính xác của Giang Cận đã thay đổi tình thế. Chưa từng tham gia những trận đánh lớn, nhưng có lẽ do bản năng, nó vô tình làm theo chiến thuật của bọn Quân khu Nam Đồng: “Nhanh chóng hạ gục thằng cầm đầu”.
Chiến thuật này Hòa đưa ra khi học môn Lịch sử.
Nó lý luận ở bể nước Nhà 2: “Tại sao quân đội nhân dân Việt Nam thắng Pháp trong các chiến dịch những năm đầu kháng chiến, khi mà yếu hơn về vũ khí, ít hơn về lực lượng?”. Qua phân tích các trận đánh của Chiến dịch Việt Bắc năm 1947, Chiến dịch Biên giới năm 1950, Chiến dịch Trung du năm 1951… Hòa rút ra kết luận: “Không phải quân ta lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều như cô giáo dạy. Trong một trận đánh cụ thể, làm gì có chuyện yếu mà thắng được mạnh. Chỉ có mạnh thắng yếu, nhiều thắng ít. Quân ta về tổng thể yếu hơn địch nhiều lần, nhưng tại từng thời điểm cụ thể, tướng Giáp luôn dồn số đông bộ đội đánh vào một đơn vị của địch, đương nhiên tại chỗ đó mình sẽ đông và mạnh hơn địch. Vì vậy, khi đánh nhau, dù đối phương đông hơn, mạnh hơn, cần nhanh chóng dồn toàn bộ anh em đánh gục thằng cầm đầu, hoặc thằng hung hăng nhất. Vừa tiêu diệt chủ lực đối phương, vừa làm cho bọn còn lại sợ mà chạy”. Khanh tán thêm: “Giống kiểu trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, đánh giặc phải bắt tướng trước”. Từ đó, khi đánh nhau, bao giờ bọn Quân khu Nam Đồng cũng dồn sức hạ gục thằng cầm đầu. Kết quả nhiều khi chỉ cần hạ một thằng là giải quyết xong trận đánh. Việc xông vào đánh gục hẳn thằng cầm bơm vừa rồi cũng vậy. Không phải chúng nó lấy đông đánh ít hay xúm vào đánh kẻ không còn sức phản kháng. Đơn thuần chúng nó theo nguyên tắc tập trung toàn lực loại thật nhanh khỏi vòng chiến thằng cầm đầu.
Thế nhưng bọn Hảo Bẹt không giống như những bọn khác. Chúng không bỏ chạy, mà vừa đánh vừa lùi. Bọn Nam Đồng từ từ tiến lên chứ không đuổi theo. Ra đến đường tàu điện, gặp ngay hơn chục thằng đội mũ tai bèo, trong đó có một vài đeo huy hiệu thương binh, nhảy từ tàu điện xuống. Chẳng biết là phục binh hay được Hảo Bẹt cầu cứu nhưng đến muộn. Lực lượng bên Hảo Bẹt lại mạnh lên. Lúc này thì bất kể cái gì có trong tay, hai bên đều đem sử dụng để đánh nhau. Đôn Sẹo đã ngã xuống đường tầu điện còn bị một thằng trán bê bết máu cầm một cục gạch ném vào đầu. May mà lúc đó Dũng Chột vừa tới. Dũng Chột đi đánh nhau bao giờ cũng chỉ mang một cái bu-lông to và dài, một đầu buộc chặt với một sợi dây dù quấn quanh cây bu-lông. Khi nhà trường khám cặp, cái bu-lông của Dũng Chột không bị quy là vũ khí. Bình thường, nó dùng bu-lông như một cái búa hoặc một thanh sắt. Lúc này thấy bọn bên kia đông quá, nó gỡ dây dù ra, cầm một đầu dây quay vù vù. Cái bu-lông sắt văng thành một vòng tròn. Mấy thằng bị đập vào mặt kêu rú lên, dạt ra. Hòa nhảy vào đỡ Đôn Sẹo, dính luôn một hòn gạch vào vai. Nó vẫn bất chấp, dìu Đôn Sẹo vào vỉa hè. Cái Châu ở đâu chạy lại, lấy một cái khăn tay dịt vào chỗ đầu Đôn Sẹo đang chảy máu. Mấy đứa con gái lớp 9D, nhà ở khu Nam Đồng như cái Thư, cái Hà, cái Cúc… chẳng ai bảo, tự động đi nhặt các loại cặp, sách vở rơi vãi lung tung trên đường trong lúc đánh nhau mang về khu Nam Đồng. Cái Trinh, nhà ở tận Phố Phan Phù Tiên cũng le te đi nhặt mấy cái guốc mộc đế sắt đưa cho Hoàng, quên bẵng mối thù hôm trước không cho Hoàng quay bài Nga Văn, bị gõ một thước kẻ vào đầu, ngồi khóc thút thít. Vừa lúc bọn Anh Sơn, Tiến Thọt, Hà Tư, Bích Bọp, Thái Đen… từ sau ùa đến. Lực lượng khu Nam Đồng mạnh hơn hẳn.
Đánh nhau thêm một lúc nữa, bọn Hảo Bẹt yếu thế, bỏ chạy. Anh Sơn, Tiến Thọt dẫn cả bọn thừa thắng đuổi theo. Công an đồn Ô Chợ Dừa thấy có đánh nhau đổ ra, bắt luôn Đôn Sẹo và Tiến Thọt, vì thấy quần áo hai đứa đầy máu. Anh Sơn cũng bị giữ, nhưng nó nhân lúc anh công an sơ ý, giật tay ra và chạy. Công an đuổi theo rất gấp nhưng nó ngoặt vào ngõ Nam Đồng, đi tắt về khu. Tức nhất là công an không đụng vào phía bên kia khi nhìn thấy cái mũ tai bèo và huy hiệu. Việt bảo: “Bọn này giả bộ thế chứ chắc mẹ gì chúng nó là thương binh!”.
Cuối giờ chiều, cô của Giang Cận làm ở bệnh viện Đống Đa về kể: “Hôm nay ở Ô Chợ Dừa xảy ra vụ đánh nhau to lắm. Có năm người mặc quần áo bộ đội, nói giọng Nam bộ phải nhập viện. Tới giờ một người vẫn còn nằm trong đó. Không biết con cái nhà ai mà đánh nhau dã man thế, phải cho công an bắt hết, nhốt vào đồn”. Cô nó không hề biết cái thằng cầm búa đập người ta nhập viện là thằng cháu ngoan hiền đang ngồi lù lù trước mặt mình.
Đúng là cô cầu được ước thấy. Tối hôm đó, anh Thắng, công an khối 57, khu tập thể Nam Đồng, dẫn công an khu Đống Đa vào tận nhà, bắt Việt, Giang Cận.