Phải thừa nhận, cô Uy dạy môn Lịch sử rất hay, nhưng tính cực kỳ nghiêm khắc. Những lớp sóng kỷ cương cuồn cuộn trào dâng mỗi khi cô bước tới. Cô rất khó chịu khi học sinh lơ là môn Lịch sử, đặc biệt vào những năm kỳ thi tốt nghiệp phổ thông không có môn này. “Là con người, nếu không biết gốc gác tổ tiên, truyền thống cha ông, có khác gì kẻ vong quốc”. “Tiên học lễ, hậu học văn. Đất nước này cần những người con hiểu biết cội nguồn dân tộc để bảo vệ và gìn giữ, chứ không cần những anh chàng cơ hội học tủ, học lệch và những quý cô xinh đẹp, có một mớ chữ trong đầu nhưng hư hỏng”. Chẳng hiểu sao cô đặc biệt ghét các “quý cô” xinh đẹp, ăn mặc chải chuốt (bọn nó đồn ngày xưa có một “quý cô” ở phố Hàng Đào dỗ mất người yêu của cô). Cô xét nét các bạn này hơn cả Hoạn Thư xét nét Kiều. Xinh đến mấy mà không thuộc bài, cô cũng mắng cho thành xấu. Không xấu sao được khi mặt xám ngoét, nước mắt nước mũi nhòe nhoẹt trước lớp. Bạn Xuân Sơn chỉ vào lớp muộn ba phút, cô đã mát mẻ: “Ngày xưa tôi đang cho con bú, lại chửa ba tháng, cơm chẳng đủ ăn mà lên lớp không bao giờ chậm một giây. Các quý cô ngày nay sức dài vai rộng, xinh đẹp thông minh, quần là áo lượt, thế mà lại cứ đi học muộn. Tên cô là gì… Xuân Sơn hả? Nào, mời cô cho tôi kiểm tra bài. Hy vọng cô chỉ thiếu ý thức với giờ học tôi dạy chứ không thiếu ý thức với lịch sử của đất nước. Cô đứng luôn ở đây kiểm tra bài xong rồi về”.
Mọi người đều biết, cô mà đã nói như thế thì cô sẽ hỏi cho không biết đường nào mà lần. Xuân Sơn lấy hết can đảm trả lời câu thứ nhất. Khi nó trả lời xong, cô cười nhạt: “Bây giờ mà cho cô điểm 1 cô sẽ không phục. Tôi hỏi cô thêm câu nữa cho cô gỡ”. Giang Cận vốn học giỏi môn Sử mà nghe câu hỏi của cô Uy cũng toát mồ hôi, vì khi học tới chỗ này nó cũng thắc mắc: “Tại sao Đảng ta là Đảng Cộng sản mà lại tiến hành cuộc Cách mạng Dân chủ tư sản do giai cấp công nhân lãnh đạo, không tiến hành luôn cuộc Cách mạng Xã hội chủ nghĩa?”. Nó mày mò cả tuần mới tìm ra câu trả lời. Trong lớp ngoài nó ra, câu hỏi này rơi vào đứa nào chắc cũng chết. Xuân Sơn đứng như trời trồng. Các môn xã hội, nhà trường chủ yếu dạy theo kiểu bắt học thuộc lòng, nay cô lại hỏi theo kiểu phải tìm tòi, suy luận, làm gì chả chết. Xuân Sơn cúi gằm mặt xuống đất, còn cô thì nhìn ra cửa sổ. Sau một phút im lặng tuyệt đối, cô buông một câu: “1 điểm. Về chỗ! Lần sau tôi kiểm tra tiếp. Nhớ đi học đúng giờ!”.
Sau khi Xuân Sơn về chỗ, cô nhìn khắp lớp, cao giọng hỏi: “Có anh chị nào trả lời được câu hỏi này không?”. Cả lớp lặng ngắt. Giang Cận cũng không giơ tay. Nó giữ thể diện cho Xuân Sơn. Xuân Sơn bị điểm kém vì gặp một câu hỏi khó sẽ đỡ ngượng hơn là không trả lời được câu hỏi mà bạn khác có thể trả lời.
Công bằng mà nói, cô Uy không ghét bọn con trai trong lớp 9D, thậm chí cô còn thích những đứa thông minh, đẹp trai, nghịch ngợm một chút cũng được… Chả gì cô cũng có hai con gái, bạn lớn cũng học khối chín, nhưng ở lớp G. Con gái cô không trắng trẻo, mũm mĩm như mẹ, tính hơi ngang bướng, nhưng cũng ưa nhìn. Và cô rất quan tâm đến việc chọn một chàng rể tương lai. Cô cho rằng một đứa con gái mạnh mẽ như con cô, kết bạn với các cậu học sinh con nhà lính của khu Nam Đồng là tốt nhất. Nếu cô chỉ cần có vậy, bất cứ thằng nào trong bọn cũng tràn đầy khả năng làm con rể của cô, nhưng tiêu chuẩn kén rể của cô lại thêm một điều kiện nữa, là phải học giỏi. Xét về mặt này, Giang Cận là đứa hợp nhất. Trong bọn, chả có thằng nào học giỏi bằng nó, lại còn là cán bộ lớp. Sống giữa đám học sinh cá biệt mà vẫn vươn lên được chức Bí thư Chi đoàn. Đúng là gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Ai cũng thấy cô quý Giang Cận ra mặt. Cả lớp chỉ có nó được hai điểm 10 môn Sử, mà lấy được điểm 10 của cô khó như hái sao trên trời.
Giời xui đất khiến thế nào buổi đi học đầu tiên của Giang Cận sau khi được công an tha, đã rơi vào tiết Lịch sử, lại đúng ngày cuối tháng. Bọn nó đồn cứ đến ngày cuối tháng là cô Uy trở thành hung thần. Điểm 1, điểm 0 của cô những ngày đó cao hơn hẳn những ngày thường. Hôm nay cô vừa được biết học trò cưng mà cô gửi biết bao hy vọng như Giang Cận, bỗng dưng dở thói du côn, đánh con người ta dập lá lách, nôn ra máu, bị công an nhốt cả tuần trong đồn, thì còn dung thứ thế nào được? Cô lôi ngay Giang Cận lên bảng kiểm tra miệng. Giang Cận được công an thả chiều thứ Bảy. Cả ngày Chủ nhật nó tụ tập với bạn bè, kể chuyện về những ngày bị giam, làm gì có lúc nào học bài. Nó nói thẳng với cô là em mới được công an tha, chưa kịp xem lại bài vở. Cô hỏi: “Cậu được tha lúc nào?”. Giang Cận nói chiều thứ Bảy. Cô hỏi: “Thế cả ngày Chủ nhật cậu làm gì mà không học bài?”. Giang Cận trả lời nó dành thời gian để ăn bù, vì trong tù bị đói quá. Cô mắng cho Giang Cận một trận. Con em bộ đội, có sức khỏe thì hãy để dành mà sau này ra trận đánh giặc. Đường đường là Bí thư Chi đoàn mà đi đánh nhau để công an bắt thì còn ra thể thống gì? Tuy cô to tiếng, nhưng mọi người vẫn cảm thấy cô vừa mắng vừa thương thằng học trò cưng mặt mũi hốc hác sau một tuần bị giam. Mắng chán, cô dịu giọng hỏi nó có hối hận không? Giang Cận trả lời không hối hận, vì tối hôm trước mấy chục thằng vô cớ đánh nó, nên hôm sau nó phải trả thù. Hình như Giang Cận biết cô quý nó hơn mọi người, nên nó trả lời cũng hơi nhấm nhẳng, lại vừa nói vừa cười. Ngày khác chắc chẳng sao, nhưng không may hôm nay là ngày cuối tháng. Cô nổi xung lên, mắng thêm cho nó một trận nữa, rồi đuổi về chỗ và bảo: “Vì cậu mới đi tù ra nên hôm nay tôi cho cậu nợ”.
Thật ra đấy là sự ưu ái của cô. Nếu là đứa khác, chắc hôm nay đã được một quả trứng. Nhưng Giang Cận là đứa gàn. Cái gì nó nghĩ là đúng, nó bảo vệ tới cùng. Cái gì nó sai, không cần phê bình nó cũng tự nhận. Giang Cận thản nhiên đề nghị cô cho nó điểm 1, vì không có lý do gì một học sinh đi học không thuộc bài lại được tha. Nó còn buột mồm nói: “Nếu cô có tha thì xin cô tha cho bạn Xuân Sơn, vì bạn ấy được cả rổ điểm 1, chắc năm nay sẽ đúp về môn Sử”. Đúng là giọt nước tràn ly. Nó đã không thấy lòng tốt của cô, không nhận thức được khuyết điểm của mình, đầu óc chỉ để ý tới mỗi quý cô Xuân Sơn xinh đẹp. Cô cho Giang Cận luôn hai điểm 1. Một điểm vì không chép bài đầy đủ. Một điểm vì không thuộc bài. Chắc là hy vọng chọn được một chàng rể tài đức vẹn toàn ở lớp 9D của cô từ đây tan vỡ. Nếu cô mà biết tiêu chuẩn chọn người yêu của Giang Cận là mỡ màng và lẳng lơ như cái Trung Phương, chắc cô lăn ra ngất. Về điểm này, chính bọn khu Nam Đồng cũng ngạc nhiên. Không ai hiểu tại sao một người gầy, khô khan, đầu óc toàn chuyện chính trị và thích làm lãnh đạo như Giang Cận mà lại hướng về mẫu người trái ngược thế?
Tác phẩm của Giang Cận vẽ trong tiết Sử, nhưng đến tiết Văn mới được lưu truyền tới các bàn. Thằng Ngọc bổ sung thêm vào tay con lật đật một cuốn sách, đề chữ LỊCH SỬ. Đúng là động tác thừa. Chẳng cần có chữ “Lịch sử”, mọi người cũng biết là vẽ cô Uy. Nhưng Ngọc gân cổ cãi phải bổ sung thế tác phẩm mới hoàn chỉnh. Khi tranh luận, nó nói hơi to nên cô Lãng (dạy thay thầy Toàn nghỉ ốm) ngừng giảng, đi xuống và tóm được bức tranh. Tang vật đang trong tay thằng nào thì thằng đó phải giải trình. Ngọc chối là nó không vẽ. Nó nói đang ngồi thì thấy tờ giấy từ dưới ném lên nên nó mở ra xem. Nếu không có đoạn vẽ bổ sung quyển sách, cùng lắm cũng chỉ mắc tội vẽ bậy trong giờ học. Nhưng vì con lật đật cầm quyển sách “Lịch sử”, nên thành ra tội bêu xấu giáo viên, “coi cô giáo như con lật đật”. Cô Lãng nói sẽ chuyển bức tranh cho cô chủ nhiệm để truy tìm thủ phạm. Nhưng tai hại là trước khi đưa cho cô Vân, cô Lãng lại mang lên phòng Ban giám hiệu cho tất cả các thầy cô ở đó xem, làm câu chuyện trở nên trầm trọng.
Biết thể nào nhà trường cũng làm to vụ này, Giang Cận có nói để nó nhận, nó làm thì nó chịu, nhưng tất cả không đồng ý. Thứ nhất, Giang Cận vừa bị bắt, nay lại thêm vụ này nữa thì tội chồng tội. Thứ hai, nó chỉ vẽ mỗi con lật đật, còn hoàn chỉnh tác phẩm để mọi người bảo là cô Uy thì không phải nó. Minh cũng đề nghị để nó nhận tội, vì từ đầu năm tới giờ nó ít tội hơn mọi người, trong khi Giang Cận vừa dính “phốt”, không nên để Giang Cận dây vào vụ này. Ngọc cũng xung phong nhận tội cho cả bọn, vì đằng nào nó cũng lắm tội rồi, thêm một tội nữa cũng đến thế thôi. Nhưng cả bọn bàn bạc và thấy nhà trường không biết thằng nào vẽ, tốt nhất là cãi tới cùng, giống như cãi công an. “Nghị quyết” đã thông qua, tất cả phải chấp hành, dù muốn hay không. Vì vậy, trong giờ sinh hoạt lớp, khi cô Vân kêu gọi sự thành khẩn, cả bọn ngồi như câm như điếc. Tưởng thoát, không ngờ đến cuối buổi, cô Vân nói toạc ra là cô đã biết Giang Cận, Minh, Ngọc vẽ bức tranh đó. Cô thông báo đình chỉ học ba thằng để viết kiểm điểm, bao giờ nhận thức rõ khuyết điểm thì mới xem xét cho đến lớp. Cô tuyên bố sẽ kiến nghị Ban chấp hành Đoàn trường cách chức Giang Cận. Bí thư Chi đoàn gì mà hết đánh nhau lại đến chế giễu thầy cô? Đã thế, còn thiếu trung thực, dám làm mà không dám nhận.