Ba ngày sau, Việt lại xuống nhà Hòa:
– Nó không trả lời. Mày viết tiếp cho tao cái nữa.
Việt gạch đầu dòng những ý cần viết cho Hòa. Hòa cũng đã quen kiểu thư trách móc này nên viết ào một cái được nửa trang. Việt gửi đi, nhưng Hương vẫn lặng thinh, thậm chí còn tìm cách tránh Việt. Việt bảo: “Nhức đầu quá. Nhưng chắc bên kia nó cũng chẳng sung sướng gì. Nếu nó không trả lời thì mình tăng cường độ, mỗi ngày viết một thư cho nó rối bời lên, không học hành gì được nữa”.
Hòa cũng khó chịu vì sự im lặng của Hương. Nó quyết định gia tăng sự cứng rắn:
“Đã có những ngày Việt nghĩ tình bạn của chúng ta như những bông hoa mới nở, đầy sắc hương, nhưng Việt quên hoa kia cũng phôi pha theo tháng ngày và đổi màu theo mưa chiều nắng sớm. Nếu trước đây Việt là một tờ giấy trắng mà Hương đã viết lên những nét hồn nhiên thì hôm nay Việt muốn xé nó đi và ném vào quên lãng. Việt là người đã nói là làm, đã hứa thì dù chết cũng thực hiện chứ không phải người chỉ biết nói những lời ngọt ngào, mang cho người khác một trời hy vọng rồi nhanh chóng quên đi. Tại sao Hương đã hứa tặng Việt ảnh mà lại lờ đi? Tại sao Hương trông thấy Việt lại né tránh?
Nếu Việt làm cản trở Hương thì Hương cứ bước theo con đường Hương chọn và lãng quên hình bóng Việt. Hôm nay Việt cũng chẳng cần xin ảnh Hương làm gì nữa. Vĩnh biệt Hương”.
Việt đọc xong ngần ngừ hỏi:
– “Vĩnh biệt” hay “tạm biệt” hả mày? Mình “vĩnh biệt” nó lại tưởng mình muốn chia tay thật.
– Đây là chiến thuật “đẩy ra để kéo lại” chứ có phải vĩnh biệt thật đâu. Mình cứ tỏ ra cứng rắn, biết đâu nó sợ.
Việt bảo nếu vĩnh biệt giả vờ thì nó đồng ý. Nó chép lại nguyên văn và thêm vào mấy câu thơ nhặt từ thư của Hưng Sứt gửi Yến:
“Hoa Phù Dung tuy đẹp
Nhưng sớm nở tối tàn
Xin làm Hoa Cúc vậy
Sống mãi với thời gian”.
Thư gửi đi đầu giờ sáng thì giải lao giữa giờ, Liên sang lớp 9D, vẫy Việt ra, thì thào: “Hương hẹn tối nay gặp ở chỗ cũ”. Lúc này Việt mới thấy chiến thuật “đẩy ra để kéo lại” của Hòa cũng đáng được xếp vào loại “các mưu kế trong tình yêu”. Ban đầu Mai Hương định không trả lời Việt ngay, cho Việt khổ sở thêm một thời gian nữa, để trừng trị cái tội ghen tuông, nhưng thấy Việt nói lời vĩnh biệt, đòi làm “Hoa Cúc” nên cũng nao núng. Mai Hương mà biết Việt chỉ vĩnh biệt giả vờ, thì còn lâu mới thèm gặp.
Tối đó Mai Hương cấu Việt thâm tím vì ghen tuông vô lối, và trịnh trọng thông báo, Hương không có anh bạn trai nào mới cả, dù người tán tỉnh thì nhiều. Nếu Việt đủ sức, Hương xin gửi danh sách những người đang theo đuổi để Việt cùng các bạn Quân khu Nam Đồng đi đánh.
Lúc Việt nhờ Hòa viết thư trách móc Mai Hương, nó hùng hổ bao nhiêu thì ngồi cạnh Mai Hương nó mềm nhũn bấy nhiêu. Bị cấu, bị đấm cũng chỉ ngồi yên không dám đánh lại. Bù vào đó, lúc chia tay Việt được Mai Hương thơm nhẹ vào má và dúi cho một tấm ảnh. Bức ảnh của tuổi mười bảy với nụ cười hồn nhiên và đôi mắt sáng long lanh dưới hàng mi cong vút mà suốt mấy chục năm về sau Việt luôn giữ gìn, trân trọng.
2
Một câu hỏi được nhiều người đặt ra là tại sao ngày ấy con trai và con gái khu Nam Đồng có rất ít đôi nên duyên? Từ nhỏ, hai bên đã coi nhau như bạn bè, bằng vai phải lứa, đã từng tranh nhau một chỗ xếp hàng mua thực phẩm, cãi nhau vì hứng trước, hứng sau một xô nước; đánh nhau vì tội mách lẻo với thầy cô, bố mẹ; xưng hô mày tao chí tớ… nói chung là biết nhau quá rõ. Tình yêu vốn dĩ mù lòa. Trong khi bọn chúng đến gần nhau mà mắt sáng choang như đèn ô tô, chưa cần tìm hiểu đã biết rõ nhau đến chân tơ kẽ tóc, đúng là khó… yêu. Giữa chúng thiếu sự mờ ảo và thi vị cho tình yêu phát triển. Đấy là chưa kể tới những trò nghịch ác. Chuyện cái Trúc là một ví dụ. Biết cái Trúc thích di chuyển từ tầng ba xuống tầng một bằng cách trượt trên tay vịn cầu thang, Hoàng rình lúc nó xách xô nước đầu tiên lên nhà, đóng ngay một cái đinh bé vào mặt tay vịn bằng gỗ, để nhô lên nửa phân, đúng khúc ngoặt giữa tầng hai và tầng một. Ở dãy nhà lẻ, đây là chỗ người trượt đạt vận tốc cao nhất. Cái Trúc xuống xách xô nước tiếp theo, tất nhiên vẫn theo đường tụt cầu thang như thông lệ, bập ngay vào cái đinh. Cái quần lụa đen của nó rách toạc, mông loang máu. Sống tập thể, chẳng có cái gì bí mật được lâu. Chỉ một ngày là cái Trúc biết ai đóng cái đinh đó. Vết rách trên quần mới thì chỉ ít bữa nó quên, nhưng cái sẹo ở mông thì mỗi khi chạm đến, nó lại thù Hoàng… Những mối hận tuổi thơ kiểu đó chất chồng ngày càng cao, không như được núi Thái Sơn thì cũng phải bằng núi Ba Vì. Nay bỗng dưng “Mặt Trời” lại gặp “Mặt Trăng”, ấp úng bày tỏ tình yêu, thấy cũng không ổn. Thà cứ đi yêu người ngoài phố hay người tận đẩu tận đâu cho xong.
Về chuyện này, cả bọn cũng nhiều lần trao đổi với nhau. Việt và Giang Cận, hai đứa có người yêu ở nơi khác, dứt khoát quan điểm “chó sói không săn mồi gần hang, phượng hoàng không bắt mồi quanh tổ”. Đính và Ngọc cổ vũ trường phái “trâu ta ăn cỏ đồng ta”. Còn Khanh cho rằng “cứ cái gì ngon thì xa hay gần đều chén tất”. Dù Khanh to mồm vậy, nhưng để “chén” được của ngon đâu có dễ. Ngày sơ tán về, bọn con gái vốn đen nhẻm, gầy nhom, bỗng biến thành những thiếu nữ trơn da thắm thịt, thân hình nở nang. Tính nết chúng thay đổi: giữ kẽ hơn, ít tham gia các trò xô đẩy, đụng chạm, không nói năng thoải mái kiểu mày tao chí tớ như xưa nữa. Thấy bọn con trai, chúng cứ lờ tịt, bước lướt qua, không nhìn và chẳng chào. Theo tâm lý tự nhiên, bọn con trai cũng giữ khoảng cách với chúng. Một lần, khi trao đổi về chuyện này, Khanh nói:
– Bọn mày cứ nghĩ là chúng nó khó gần, nhưng mình đã chủ động tiếp cận đâu? Cái chính là do mình hết. Nếu mình cởi mở, thân mật, mỉm cười với chúng nó trước, chúng nó sẽ vui vẻ với mình. Về nguyên tắc, mình là con trai, phải chủ động.
Lúc đó, cả bọn đang đứng ở đầu Nhà 3. Đính lên tiếng:
– Được rồi, mày làm mẫu cho bọn tao xem. Cái Hồng Nhà 4 đang đạp xe từ đầu Nhà 1 kia kìa. Mày “cởi mở, thân mật, mỉm cười trước” xem nó có vui vẻ với mày không?
Khanh đồng ý. Năm thằng lùi lại, đứng dưới gốc cây. Khanh tiến lên một bước. Nó chăm chú nhìn Hồng từ xa, miệng mỉm cười, đầu gật gật. Hồng vẫn cúi gằm mặt xuống đất, đạp xe qua. Có lẽ nó nghĩ Khanh chặn đường để trêu nó. Cả bọn cười rũ rượi. Hòa bảo Khanh: “Đáng lẽ mày không cần cười, chỉ cần nhe răng ra. Kiểu đó gọi là “tươi kỹ thuật”. Giống như bọn múa trên sân khấu, mọi người cứ tưởng chúng nó cười suốt bài múa, thực ra không phải, chúng nó chỉ nhe răng thôi. Mày cười liên tục như thế, có ngày đứt ruột mà chết”. Việt cũng góp ý: “Mày cứ cười hì hì hì, mỗi lần mất ba giây, tao đếm được mười lăm lần. Nhìn từ xa, cái Hồng chỉ thấy miệng mày mấp máy liên tục, mặt nhăn nhăn, chắc nó nghĩ mày đang chửi nó”. Hoàng bênh Khanh: “Mới một lần, chưa kết luận được. Nếu mình kiên trì thì sớm hay muộn nó cũng phải hiểu chứ?”. Hoàng có cảm tình với dân Nhà 4 vì nó đang dò dẫm làm quen cái Tuyết Minh, nhưng mà chưa đâu vào đâu. Chỉ mỗi Ngọc có mục tiêu cụ thể là bạn Hà, Nhà 6, nhưng tốc độ tấn công của nó vô cùng chậm chạp.
Nói là chậm chạp, không có nghĩa chuyện của Ngọc không tiến triển. Chính vì vậy, Đính mấy lần nhăm nhe kiếm cớ để cướp mà không được. Chiến thuật “đánh bao vây” của Ngọc cũng giống như chiến thuật “trận địa chiến hào” của tướng Giáp, từng bước, từng bước tiến sát mục tiêu. Đứng ngoài quan sát, Hòa phải thừa nhận cách tiến công của Ngọc độc đáo. Thay vì tấn công một cái lô cốt, nó lại đánh vào Sở Chỉ huy. Có chục chậu cây cảnh nhỏ mà tuần nào ông nội Hà cũng bảo em Liên sang rủ nó lên, hết cắt, tỉa, nhổ cỏ, làm rêu… đến đàm đạo về dáng thế. Ngọc nói năng với Hà thì vụng về, nhưng nó có thể kiên nhẫn ngồi nghe ông cả tiếng đồng hồ – lúc gật tán thành, khi lắc phản đối – về cốt cách của người quân tử qua dáng thế cây. Có một cái cành cây con con mà hai ông cháu tranh luận say sưa cả buổi chiều. Ông bảo Ngọc:
– Theo tôi, anh gọi cành này là cành rơi là không đúng.
Nói đoạn, ông cầm cái quạt giấy đưa lên ngang mặt, buông tay. Cái quạt rơi xuống đất. Ngọc nhặt lên, nó tưởng ông cầm không chắc, nhưng hóa ra ông cố tình làm vậy:
– Cái quạt tôi thả vừa rồi gọi là rơi. Cái gì đã rơi phải nằm dưới đất. Trong khi cành này vẫn ở trên cây, vì vậy mình phải gọi là cành buông.
Ngọc gật gù:
– Cháu thấy ông nói rất đúng. Nhưng cành buông này, cháu thấy vẫn có chỗ chưa ổn.
Ông chăm chú lắng nghe Ngọc. Thực ra, Ngọc không phải đứa tinh tế, sâu sắc, có thể đàm đạo, tranh luận với bậc trưởng bối dành những tháng năm nhàn tản của tuổi già chơi cây cảnh. Chẳng qua, do tình cờ, nó học mót được cách chăm sóc cây từ bác chủ nhà ở nơi sơ tán, một nghệ nhân gốc Nam Định. Bác thấy Ngọc hiền lành, hay giúp bác tưới cây, sửa cây, lại khéo tay, nên có cái gì cũng dạy nó. Ngọc nhớ có lần bác giảng giải cặn kẽ tại sao người chơi cây cảnh lâu năm không bao giờ để cành buông đằng trước. Ngọc nói:
– Để cành buông phía trước, nó sẽ như một bức rèm che khuất vẻ đẹp của thân cành phía sau.
Cả buổi chiều hai ông cháu tranh luận xem nên cắt hay để cành buông. Ông tiếc cành đẹp nhất của cây nên muốn xoay ngược cây lại, để cành buông từ trước chuyển ra sau. Ngọc phản đối, cho rằng làm thế giống như bày một bức tượng, nhưng lại để lưng quay vào khách tham quan. Cuối cùng, cả hai thống nhất dù đẹp đến mấy, nhưng nếu ảnh hưởng đến “đại cục” cũng phải tiêu diệt. Một nhát kéo đưa ra đánh “xoẹt”, thế là đi đời cành buông. Em Liên ngồi hóng chuyện suốt buổi, cười khanh khách. Có mỗi cái cây bé tẹo mà anh Ngọc với ông nội tưởng tượng ra lắm chuyện. Hà chẳng nói gì, thỉnh thoảng đi ra rót nước sôi vào ấm cho ông.