Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

Năm 1969, Mỹ ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và bọn trẻ con trở về khu tập thể. Anh Sơn, Lệ Dung và đám trẻ con cùng lứa trong khu được xếp vào lớp 6A. Trường Trung Liệt nằm sau Gò Đống Đa, nhưng riêng lớp 6A được học trong khu Nam Đồng, ở khu nhà ba tầng. Vừa gặp Lệ Dung, tình yêu ngày xưa của Anh Sơn trỗi dậy. Nhưng không hiểu sao, mỗi lần đến gần Lệ Dung là nó cảm thấy hồi hộp, mất tự tin, không biết phải nói gì. Năm học lớp 6 của Anh Sơn trôi qua nhanh chóng. Lên lớp 7, Anh Sơn được xếp vào lớp 7H, còn Lệ Dung học 7G. Lớp 8, cả hai cùng học Trường Phổ thông Công nghiệp cấp III Đống Đa, nhưng vẫn mỗi đứa một lớp. Lệ Dung càng lớn càng xinh. Tuy không chơi thể thao, nhưng Lệ Dung lại là một cổ động viên nhiệt tình. Những khi Anh Sơn cùng cả bọn đá bóng, Lệ Dung hay ra xem. Những khi có Lệ Dung, Anh Sơn thi đấu vô cùng hào hứng. Nó quyết tâm dùng thành tích bóng đá để chinh phục Lệ Dung. Dù sân Nhà 1 đầy gạch nhỏ và sỏi, Anh Sơn vẫn sẵn sàng bay người bắt bóng rất điệu nghệ, mặc khuỷu tay và đầu gối tóe máu. Có lẽ ánh mắt quan sát từ xa của Lệ Dung đã tạo nên một thủ môn xuất sắc của đội tuyển Quân khu Nam Đồng sau này.

Nếu như nghệ thuật bắt gôn chưa đủ thu phục Lệ Dung, Anh Sơn nghĩ những thành tích trong thi đấu bóng rổ và điền kinh của nó sẽ góp thêm phần đánh gục nàng. Thế nhưng ngày 16 tháng Tư năm 1972, khi Anh Sơn cảm nhận tình yêu chỉ còn cách mình một gang tay, Mỹ lại ném bom Hà Nội. Năm học kết thúc luôn. Tất cả học sinh đều được lên lớp. Học sinh lớp 10 được cấp bằng tốt nghiệp phổ thông, mà không phải thi. Nhiều đứa sau khi nhận bằng, chẳng chờ tới kỳ thi đại học, viết đơn xung phong vào bộ đội luôn. Anh Sơn theo trường cấp ba Đống Đa lên Chương Mỹ, Hà Tây. Lệ Dung sơ tán theo cơ quan của bố.

Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết. Trở lại Hà Nội, Anh Sơn và Lệ Dung tình cờ lại được học chung một lớp, lớp 9H. Mới một năm, cô bé Lệ Dung đã vụt trở thành thiếu nữ. Mái tóc đen, dài như suối càng mượt mà, óng ả, chiếc áo chiết eo ôm chặt khít, làm nổi bật cái lưng ong. Lệ Dung bắt đầu biết làm điệu. Đôi mắt với hàng mi cong vút mỗi khi nói chuyện cứ như khép hờ. Nét duyên dáng của Lệ Dung khiến nhiều chàng trai để ý. Không hiểu sao, Anh Sơn có linh cảm Lệ Dung cũng thích mình. Anh Sơn không biết trong mắt các cô gái trong lớp, nó được xếp vào loại đầy nam tính và đẹp trai nhất nhì khu tập thể Nam Đồng.

Từ ngày vào lớp, hầu như Anh Sơn và Lệ Dung không nói với nhau câu nào. Mỗi khi ánh mắt gặp nhau, hai đứa đều cảm thấy ngượng ngùng, nhìn lảng ngay đi nơi khác. Bọn con gái trong lớp, vốn thính mũi và lắm chuyện, bắt đầu thì thào với nhau về một tình yêu chớm nở. Một hôm Anh Sơn đến nhà Hà Tư chơi (nhà Hà Tư ở sát nhà Lệ Dung), Hà Tư kể bọn Nhà 8 cũng đang đồn Anh Sơn yêu Lệ Dung.

Anh Sơn đỏ mặt:

– Từ ngày vào lớp, tôi và Lệ Dung chưa hề có biểu hiện yêu đương gì. Chúng nó cứ ác mồm. Đồn đại thì cũng phải có căn cứ chứ.

Hà Tư cười:

– Ông với Lệ Dung giấu mắm tôm trong người, làm gì thiên hạ chẳng biết.

Anh Sơn ngạc nhiên:

– Tôi giấu mắm tôm bao giờ?

Hà Tư giải thích:

– Vì ông với nó thích nhau, nên mỗi khi đến gần nhau là sực mùi yêu. Giấu tình yêu giống như giấu mắm tôm trong người, ông hiểu không? Ông với nó mang theo mắm tôm nên quen mũi, không ngửi thấy gì, chứ người ngoài đến gần họ ngửi thấy ngay.

– Thế ông ở cạnh Lệ Dung, ông có thấy thằng nào đến tán Lệ Dung không?

– Chúng nó biết Lệ Dung là người yêu của ông nên không thằng nào dây, nhất là lại thấy có tôi là chiến hữu của ông ngày đêm canh gác Lệ Dung. Nếu ông yêu thì về viết thư đi, tôi đưa cho. Còn nếu ông khẳng định không yêu thì để tôi.

Anh Sơn biết Hà Tư chỉ nói chơi, vì nó đang để ý Hoàng Yến. Tuy vậy, Anh Sơn cũng chẳng dại gì thách Hà Tư. Từ đó, Hà Tư biến thành anh giao liên vui tính nhưng tò mò. Tất cả thư của Anh Sơn, nó đều kiểm duyệt. Thư Lệ Dung viết cho Anh Sơn, Hà Tư cũng bóc ra xem. Nó giải thích: “Người lịch sự, khi gửi thư nhờ bạn bè đưa hộ không được dán”. Với Anh Sơn, đâu có gì cần bí mật với Hà Tư. Nhưng Lệ Dung thì không biết thư mình bị kiểm duyệt. Anh Sơn cũng không dám nói, vì sợ mất một tên liên lạc tận tụy. Mà suy cho cùng, giữa hai đứa đã có chuyện gì đâu… Những lá thư của chúng dù thiết tha, ấm áp tới mấy, vẫn mới chỉ mon men đến gần ranh giới giữa tình yêu và tình bạn. Nhưng cái ranh giới ấy đã làm cho ngày dài ngắn lại, đêm bớt lạnh giá và khoảng thời gian tựa “thiên thu” trong phòng giam của Anh Sơn bớt cô đơn.

Sau năm ngày bị giam thì Anh Sơn cùng cả bọn được thả. Ông trưởng đồn công an Khâm Thiên nói với bác của Sơn: “Em đã cố gắng hết sức rồi, nhưng vụ này là vụ lớn. Cháu Anh Sơn lại kiên quyết không khai ra tên đồng bọn trực tiếp cầm dao đâm anh thương binh. Cháu chỉ nói đấy là người bạn quen hồi sơ tán, tình cờ gặp lại, tên là Chiến, không biết ở đâu. Vì cháu không trực tiếp cầm dao đâm nên em cũng cố gắng khép lại hồ sơ”.

Chiến thuật

1

Từ lúc biết bọn Hoàng, Việt bị bắt, Tiến Thọt trốn biệt.

Anh Sơn và cả bọn vừa được thả, Tiến Thọt đã xuất hiện. Tất cả vui như tết, riêng Việt lầm lầm lì lì. Cường Con, khu Kim Liên, kể với nó chiều thứ Sáu vừa rồi bắt gặp Mai Hương đi chơi với hội Hảo Bẹt, “thái độ vui vẻ lắm”.

Chờ mọi người về hết, Việt giữ Hòa lại:

– Mày viết hộ tao lá thư trách móc Mai Hương. Cường Con nói trong lúc tao bị giam, nó đi chơi với tụi Hảo Bẹt, thái độ rất “lả lơi”, và xui tao “đá”. Mình không đem nó ra làm trò đùa thì thôi, nó lại lấy mình làm trò đùa? Lúc tao bị giam thì nó bỏ đi chơi với thằng khác. Mình yêu nó thật, nhưng mình cũng phải có bản lĩnh thằng đàn ông chứ!

– Mày nên kiểm tra xem thằng Cường Con nói chính xác không. Tao thấy thằng này hay đi lại với Hảo Bẹt. Mình là đàn ông, không nên ghen bóng ghen gió!

– Tao cũng không tin lắm. Nhưng… mình nhân cơ hội này bày tỏ để nó hiểu rõ thái độ của mình. Khi đã yêu mình thì không được đi chơi với người này, người nọ.

– Có khi Cường Con bịa chuyện để chia rẽ bọn mày. Tao nghe nói thằng Cường Con cũng thích Mai Hương?

– Mai Hương thì ai chả thích… Mày về viết đi, lát nữa tao lấy. Tao điên lắm rồi.

Hòa không thích viết loại thư trách móc này, nhưng nghĩ Việt nằm cả tuần trong xà lim, cũng thương. Nó nhớ lại giọng văn trong các bức thư trước đây của Việt để viết cho cùng “tông”.

“Đêm đã khuya. Tất cả chìm trong tĩnh lặng. Sương buông khắp các nẻo đường… Ở nơi xa ấy Hương ngủ có ngon không? Có biết lúc này dưới ánh đèn, Việt đang ngồi viết cho Hương với tất cả tình cảm chân thành mà lòng đau xót… Trong những ngày xa cách, ở một không gian tăm tối, u buồn, mỗi khi nhớ đến nụ cười của Hương, Việt thấy cuộc sống luôn bừng sáng. Thế mà… Hương biết không, Cường Con nói với Việt chiều hôm nọ thấy Hương cùng mấy thanh niên to khỏe, đẹp trai đi chơi vui vẻ lắm. Các chàng trai của Hương thách thức: “Nếu ai động đến Hương, sẽ cho kẻ đó nếm mùi khói lửa”. Việt đây mảnh khảnh thơ ngây, chân tay yếu ớt, chưa lớn lên cứng cáp dạn dày nên không thể đối địch với những con người như vậy. Nếu một ngày kia có kẻ cầm dao đến đâm Việt thì Hương nghĩ thế nào? Việt nghĩ nếu mình phải ra đi cũng chẳng tiếc cuộc đời… Ai bảo Việt dành hết cả tình cảm của mình cho một người con gái đẹp nhưng tàn nhẫn”.

Khanh đọc xong bức thư, lắc đầu: “Đây gọi là chiêu gắp lửa bỏ tay người… Cần gì mà lên gân lên cốt thế. Với con gái phải nhẹ nhàng, tình cảm”. Việt không đồng ý. Nó bảo: “Thằng Hòa viết thế này đúng ý tao. Tao không thể chấp nhận việc nó đi chơi với bọn Hảo Bẹt. Tao sẽ gửi luôn”.

Chờ ba ngày nhưng vẫn không thấy Mai Hương trả lời. Việt vò đầu bứt tai rồi phát hiện ra một chứng cứ khác về việc Mai Hương thay lòng đổi dạ. Đó là Mai Hương đã hứa tặng nó một tấm ảnh chân dung nhưng lờ đi. Nó xuống nhà Hòa, nhờ Hòa viết tiếp.

“Cách đây một tháng, Hương có hứa tặng Việt một tấm ảnh. Và từ đó Việt từng phút, từng giây mong chờ. Vì như vậy, trong các tiết học, Việt có thể ngồi lặng lẽ ngắm Hương, ngắm đôi mắt đáng yêu, sáng ngời, thơ ngây và quyết liệt, ngắm làn môi tươi thắm, mỗi khi cất tiếng ca làm xao xuyến cả sân trường. Nhưng rồi Việt cứ chờ, chờ mãi… Việt là người mạnh mẽ, bao dung, nhưng trong tình cảm, Việt cũng là một con người nhỏ bé và ích kỷ, nên không giấu được cơn buồn giận khi Hương lặng lẽ quên đi lời hứa của mình. Phải chăng Hương không cho Việt ảnh vì Hương muốn dành để tặng riêng ai? Người đó ở lớp H, lớp G hay vẫn còn là kẻ mơ hồ mà Hương mơ ước? Hãy chỉ cho Việt kẻ thù trong tình bạn của Việt đi”.

Xem xong, Việt bảo: “Tốt rồi, nhưng tao muốn thêm mấy câu thơ, giống thư thằng Hưng Sứt gửi con Yến”:

“Nghĩa là ghen quá đấy mà thôi
Thế nghĩa là yêu quá mất rồi
Và nghĩa là cô là tất cả
Cô là tất cả của riêng tôi”.

Hòa bảo:

– Đây là mấy câu thơ trong bài “Ghen” của Nguyễn Bính, phải để trong ngoặc kép và trích dẫn tên ông ấy.

– Chắc gì nó biết Nguyễn Bính là ai. Cứ để nó tưởng thơ của tao cho oách!

– Tùy mày. Nhưng đến lúc nó đòi làm thơ tặng thì tự sản xuất nhé!

– Cái đó không sợ. Hưng Sứt có một quyển sổ thơ to, chép toàn các bài thơ tình. Nếu cần tao sẽ lên mượn, rồi lắp tên Hương vào các bài ấy là xong. Ví dụ câu thơ “Tháp Rùa như một lẵng hoa, còn em như một bài ca bên hồ”, thằng Hưng thì thay em bằng Yến, tao thì thay em bằng Hương. Tóm lại chỉ cần vứt em đi, thay tên người mình yêu vào đấy…

Tác giả: