Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

6

Chiều thứ Hai, Hòa đang ngủ thì Ngọc vào đánh thức dậy:

– Nhanh lên, Hà vừa sang nhà cái Thư.

– Sao lại tới khi nó không có nhà?

– Thì mình sang chơi với ông nó. Mình lấy lòng ông trước. Lúc nó về mình sẽ mượn vở.

Hòa nghĩ bụng cứ bảo thằng Ngọc cù lần nhưng nó cũng khôn ra phết. Thế này là nó đánh theo kiểu bao vây. Hai đứa lên nhà, thấy ông nội Hà đang lúi húi sửa cây cảnh ngoài hành lang. Ngọc sà ngay vào chỗ ông. Nhìn ông loay hoay vặn đảo chiều một cành cây và quấn dây thép để giữ mà vẫn không cố định được theo ý muốn, nó buột miệng:

– Ông phải quấn dây thép ngược với chiều vặn cành cây…

Ông nội Hà giương cặp kính lên nhìn Ngọc. Nó giải thích:

– Nếu ông quấn ngược chiều, khi cành cây xoay lại, sẽ bị dây thép thít vào và cố định theo ý của ông.

Ngọc mồm nói tay làm. Nó nhẹ nhàng đỡ lấy chậu cây cảnh, khéo léo vặn cành cây từ phải sang trái và dùng sợi dây thép quấn ngược lại. Hòa ngạc nhiên thấy cành cây nằm nguyên ở vị trí được vặn. Ngọc lễ phép đưa trả lại ông chậu cây cảnh. Nó ngần ngừ rồi nói thêm:

– Cháu thấy cây tùng của ông nhỏ, đẹp và rất già, nhưng nhìn hơi bị bẹt do bốn cành chia đều cho hai phía – Ngọc chỉ tay vào chỗ giữa cành thứ hai và cành thứ ba – ông nên vặn ở chỗ này một góc khoảng 70 đến 80 độ. Như thế hai cành trên sẽ xoay ra hai phía khác, giúp cây kín cả bốn mặt.

Hòa tròn mắt nhìn Ngọc. Một thằng nhãi con mà dám góp ý cho một bậc cao niên râu tóc bạc phơ về cây cảnh. Nó chỉ sợ ông nổi giận lôi đình, tống cổ hai thằng ra khỏi cửa thì hỏng bét. Nhưng mặt ông dãn ra, lắng nghe Ngọc rất chăm chú. Ông nói:

– Tôi cũng nghĩ như anh, nhưng còn phân vân vì khoảng cách giữa cành thứ hai và ba quá ngắn, cây lại già nên cứng. Tôi sợ không xoay nổi một góc 80 độ.

– Cháu nghĩ, ông phải dùng kìm bóp để làm vỡ thân cây trước, nếu không có kìm thì dùng đục cũng được. Sau đó, ông vặn thân cây một góc khoảng năm, sáu mươi độ, rồi mình vặn tiếp các cành. Như vậy cành từ chỗ thừa sẽ lấp vào chỗ thiếu. Để lần sau qua, cháu kiếm cho ông một chút mùn cưa với sơn ta. Sau khi cố định, ông nhét mùn cưa trộn với sơn vào chỗ nứt của cành. Mùn cưa pha sơn cứng lại, sẽ như một cái nêm, giữ chỗ vặn. Ông có thể tháo ngay dây thép ra, chẳng cần chằng néo nữa.

– Này, anh cho ông hỏi một câu khí không phải… Anh cũng chơi cây cảnh à?

– Dạ, không ạ. Ngày sơ tán, bác chủ nhà của cháu trồng rất nhiều cây cảnh. Cháu giúp bác ấy chăm sóc cây nên học hỏi được một ít.

Hòa tranh thủ quảng cáo cho bạn:

– Bạn Ngọc chăm làm và khéo tay nhất lớp cháu đấy!

– Hai anh tìm Hà à? Nó xuống học bài với cái Thư rồi.

Để tôi đi gọi.

– Thôi ông ạ. Cháu qua mượn Hà quyển vở Lịch sử. Hôm nọ chúng cháu nghỉ nên chưa chép bài. Ông để cháu ngồi chờ cũng được.

– Nó học phải tới chiều muộn mới về. Nó có biết nhà anh không, cứ về đi để tôi bảo nó mang sang.

Ngọc ngồi im, không biết nên thế nào. Hòa đỡ lời:

– Nếu vậy tốt quá. Ông nói Hà cho chúng cháu mượn nhé. Bạn Ngọc ở đầu Nhà 5, cũng ngay đây thôi ạ.

Hai đứa về. Sáu giờ tối, Ngọc đã phóng sang nhà Hòa, tay cầm quyển vở ghi môn Lịch sử, mặt rạng rỡ. Hòa hỏi:

– Hà mang sang cho mày à?

– Không. Ông mang sang. Ông hẹn tao bất cứ lúc nào rảnh, sang chơi với ông, cùng ông làm cây. Mày có tiền cho tao mấy hào, để tao lên phố Hàng Hòm mua ít sơn ta.

Hòa nghĩ bụng: Cứ bảo Ngọc cù lần chứ nó có chiến thuật ra phết. Cái chiêu này của nó gọi là “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn được cô cháu phải chiều cụ ông”. Ngọc lại hỏi:

– Theo mày, hôm nay như thế có gọi là thắng lợi không?

– Thắng lợi nhưng chưa trọn vẹn, vì không phải Hà mang vở sang. Nhưng nếu thắng lợi nhanh quá có khi mình lại chán.

– Ừ. Bây giờ tao mang cuốn vở này cho thằng Đính với thằng Minh xem.

– Chỉ cần cho thằng Đính xem thôi. Thằng Minh nó không tranh với mày đâu. Tao biết nó đã chuyển “thích” của nó sang cái Thủy ngoài cổng khu, làm “quản lý” của lớp sơ tán ngày xưa.

Sau buổi hôm đó, hàng tuần Ngọc đều đặn sang nhà Hà tán phét về cây cảnh với ông, giúp ông cắt tỉa và làm rêu cho các chậu cây. Nó lấy nước cơm, sau đó đái vào, để ba ngày cho thiu, rồi giã nát rêu, trộn thành một chất sền sệt. Nó nhổ sạch cỏ, làm mịn đất trong chậu và quét cái chất lỏng vừa chua vừa khai đó lên. Gần một tháng sau, tất cả các chậu cây cảnh phủ một lớp rêu mịn màng, xanh mướt, êm như nhung. Không chỉ ông nội quí Ngọc, cả bố mẹ Hà cũng thiện cảm với nó. Có hôm thấy bố Hà bổ củi ở tầng một, nó xắn tay bổ giúp. Chỉ một tiếng đồng hồ mà hai chú cháu làm gọn số củi bố Hà xin được trong đợt công tác lên vùng núi phía Bắc.

Anh Sơn

1

Đầu giờ chiều, Anh Sơn và Tiến Thọt gặp Việt và Hòa ở đầu Nhà 1. Anh Sơn rủ:

– Có phim “Đêm thứ 12” ở rạp Đống Đa, hay lắm. Bọn mày có đi mua vé xem không?

Việt nói:

– Hôm qua em Trung Phương có hai vé phim này, rủ tao đi xem. Nhưng tao sợ Hương ghen nên không dám. Mày có thích em này không, tao giới thiệu cho.

Tiến Thọt cười:

– Thằng này có Lệ Dung rồi. Mày giới thiệu cho tao.

Em Trung Phương hơi béo nhưng mà xinh.

– Em mẹ gì, nó lớn hơn mình một tuổi đó. Xinh thì có xinh, nhưng nhìn lẳng lơ quá.

– Lẳng lơ mình có thể dạy được, nhưng xấu thì không chữa được.

Việt mặc cả:

– Tao giới thiệu xong, mày phải chiêu đãi tao một vé xem phim.

Vì nghe nói phim “Đêm thứ 12” hay, người mua vé rất đông, rạp chỉ bán cho mỗi người hai vé, Anh Sơn bảo rủ cả bọn cùng đi để hợp sức chen hàng.

Tới rạp Đống Đa, cả bọn chen như đánh vật, người đẫm hết mồ hôi, cuối cùng cũng mua được 13 vé. Lúc ra bãi xe, Anh Sơn và Tiến Thọt thấy hai thanh niên mặc quần áo bộ đội bạc phếch, đang đánh túi bụi một cậu trai khoảng 13-14 tuổi. Tiến ngứa mắt. Nó rất ghét cảnh người lớn đánh trẻ con, huống hồ đây là hai lớn đánh một bé. Tiến đẩy cái xe đạp vừa lấy ra cho Anh Sơn, đưa tay gạt cú đấm, nói nhỏ nhẹ:

– Anh không nên đánh trẻ con.

Người kia nhìn Tiến Thọt:

– Tránh ra, không phải việc của mày.

Nhìn chiếc huy hiệu thương binh trên chiếc áo bộ đội bạc màu, Anh Sơn giật áo Tiến Thọt, nói nhỏ:

– Thôi, đừng dây vào hội này.

Thời gian này, an ninh trên địa bàn thành phố Hà Nội khá phức tạp. Với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, mọi việc đều tập trung cho chiến trường. Khi một dòng sông đang cuồn cuộn chảy về phía trước, ít người để ý việc hai bên bờ, bọt bèo, rơm rác đọng lại, thậm chí còn trôi quẩn về sau. Trong sự thiếu trật tự của những ngày mới chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, khi cả dòng người ồ ạt trở lại Thủ đô, đủ các loại băng, nhóm mọc ra. Mặc dù chẳng phải băng nhóm to tát và có tổ chức, nhưng những nhóm này cũng hùng cứ một phương, theo kiểu chó cậy gần nhà, chủ yếu gây ra những vụ đánh nhau và trấn lột lặt vặt.

Việc xuất hiện các băng nhóm nói trên, suy cho cùng cũng là chuyện tự nhiên của một xã hội mệt mỏi và thiếu thốn vì chiến tranh kéo dài. Chế độ tem phiếu không đủ cung cấp dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu tái tạo năng lượng. Trong lúc chờ ngày chiến thắng sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, người dân có cơm no, áo ấm hơn, những kẻ trộm cắp, cướp giật xuất hiện ngày càng nhiều, phổ biến ở các khu phố cổ, các chợ đầu mối lớn như chợ Đồng Xuân, chợ Bắc Qua, hay những khu nghèo và đông đúc như ngõ chợ Khâm Thiên, bãi Phúc Xá… Các vụ trấn lột ở cổng các trường học diễn ra thường xuyên. Đám học sinh cấp một, cấp hai khi bị trấn lột chỉ biết đứng khóc. Nhưng đám học sinh cấp ba, đang độ trưởng thành, đặc biệt là học sinh ở các khu gia binh lớn như Phố Lý Nam Đế, khu tập thể 1A Phố Hoàng Văn Thụ, 3B Phố Ông Ích Khiêm hay K95 Bãi Phúc Xá… thì đời nào chịu. Bọn này ở tập trung, lại sẵn tố chất của con nhà lính, nên mạnh mẽ, ngang tàng và có tính cộng đồng cao. Các ông bố quân nhân thời đó có ít thời gian ngó ngàng tới con cái. Mọi công việc chăm sóc, dạy dỗ con đều khoán trọn cho vợ. Các bà vợ ngoài việc thức khuya dậy sớm hứng nước, xếp hàng mua gạo, mua dầu, mua cá, mua đậu… bằng hàng xấp tem phiếu, họ còn phải nuôi gà, nuôi lợn, trồng rau, rồi thì nhận đan len, dán hộp, gói kẹo thuê… Tóm lại, làm đủ các việc nhằm tăng thu nhập để bổ sung thêm chút thực phẩm cho hai bữa ăn của gia đình, rồi còn phải chăm sóc ông bà nội ngoại hai bên. Vì vậy, việc giáo dục trẻ con được các bà mẹ tin tưởng giao cho nhà trường, và sau đó là phó mặc cho chính bản thân chúng “tự giáo dục”. Do bản năng tự vệ, lớp thanh, thiếu niên này tự phát hình thành những lực lượng đối địch với các băng nhóm ở Hà Nội lúc đó.

Trong các khu gia binh ngày ấy, thời gian đầu nổi nhất là Phố Lý Nam Đế, mang danh “Biệt khu”, cầm đầu bởi một số học sinh trường thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, nổi tiếng đẹp trai, ngang tàng và can đảm. Khác với khu tập thể Nam Đồng những ngày mới thành lập, chủ yếu chỉ có sĩ quan cấp úy và cấp tá, mãi tới năm 1974 mới có bảy đại tá được phong thiếu tướng, Phố Lý Nam Đế là nơi tập trung gia đình các tướng lĩnh cao cấp của quân đội, được mệnh danh là “phố nhà binh”. Vì Phố Lý Nam Đế kéo quá dài, việc quy tụ lực lượng về một mối khó hơn các khu tập thể quân đội khác, nên về sau, những khu tập thể lớn như 37B và 16A Phố Lý Nam Đế phát triển thành những nhóm tương đối độc lập.

Tác giả: