Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

Cuối buổi học, cái Cúc bảo Hòa và Việt:

– Bọn mày ở lại nói chuyện một tý.

Hòa bảo Khanh, Ngọc, Hoàng cùng ở lại. Cái Cúc nói:

– Mẹ tao nói vợ thầy Toàn ốm nặng lắm. Hay là bọn mình đến thăm thầy.

Hoàng phản ứng:

– Bọn mình đang tìm cách xin đổi thầy. Nay đến thăm, mọi người lại tưởng mình sợ, mình đến nịnh.

Việt cũng ngần ngại:

– Mình đến, có khi thầy lại nghĩ mình nhân lúc nhà thầy có việc, đến xin điểm.

– Mẹ tao nói nhà thầy nghèo lắm, hai vợ chồng và sáu đứa con nhỏ, chỉ trông vào đồng lương giáo viên của thầy. Nay vợ thầy ốm, tiền phải dành chạy chữa, nên bọn trẻ con cũng chẳng có gì mà ăn. Tao chỉ nói lại ý mẹ tao là nên đến thăm thầy thôi, còn tùy chúng mày.

Hòa nói:

– Tao nghĩ chuyện nào đi chuyện đấy. Mình đến thăm, đừng nói đến chuyện khác là được.

Khanh bảo:

Nhất tự vi sư, bán tự vi sư, vợ thầy ốm, mình đến thăm có gì mà ngại.

– Mình có phải mua quà gì không? Thăm người ốm mà? Hay là mình mua mấy quả trứng gà – Hoàng hỏi.

Khanh hăng hái:

– Gà nhà tao đang đẻ, tao góp ba quả. Nhà thằng nào có gà đẻ thì về lấy một, hai quả góp vào. Rủ hết cả bọn lớp mình ở trong khu đi thăm thầy.

Hòa nói:

– Thầy ghét mấy thằng mình nhất. Bọn mình thăm thầy trước rồi về bảo chúng nó thăm sau.

Việt bảo:

– Để tao xúc mấy bơ gạo, đổi ít bánh cuốn cho bọn trẻ con ăn.

Chiều hôm đó trời mưa, đường lầy lội, cứ một lát là đất lại kẹt đầy chắn bùn xe đạp, phải xuống kiếm que chọc nên đứa nào cũng lấm lem. Ngọc đi xe “cởi truồng” (không có chắn bùn) nên không phải chọc, nhưng thay vào đó, nó bị bùn bắn đầy từ lưng đến cổ. Việt lẩm bẩm: “Đúng là chuyến đi bão táp”.

Nhà thầy ở cuối làng Nhân Chính. Hỏi một hồi cũng ra. Nhưng tới nơi, cả bọn đều lặng người, không ngờ nhà thầy lại nghèo đến thế. Đành rằng ở khu tập thể Nam Đồng, các gia đình trung bình có từ năm đến sáu người cũng chỉ ở phòng từ mười ba đến mười tám mét vuông, nhưng dù sao cũng tử tế, khang trang, là niềm mơ ước của biết bao gia đình ngày đó. Nhà thầy Toàn chỉ là một căn lều nhỏ, lợp mái tôn, mưa dột tí tách, phải hứng bằng mấy chiếc chậu và ca uống nước đặt trên sàn. Vách nhà là dăm tấm liếp tre, buộc vào mấy cái cột. Giường vợ thầy nằm bề bộn đủ thứ, phía trên căng hai tấm ni lông. Chăn chiếu, đồ đạc được dồn lên giường cho đỡ ướt. Bọn trẻ lốc nhốc sáu đứa trứng gà trứng vịt, hai đứa ngồi ở góc giường, bốn đứa ngồi trên tấm phản. Nhà có độc một chiếc ghế thầy đang ngồi, cạnh cái bàn nhỏ để chấm bài. Thấy cả bọn đến thăm, thầy cũng bất ngờ, luống cuống nhìn quanh, không biết mời mọi người ngồi vào đâu. “Trời nắng, khách đến thì bảo bọn trẻ đi chơi. Trời mưa, chúng nó ở nhà, các em thông cảm”… Cuối cùng, thầy dồn cả sáu đứa lên giường với mẹ, mời mọi người ngồi lên phản. Thầy cho biết hồi sơ tán, nhà bị trúng bom, chưa có điều kiện dựng lại. Thầy cười buồn: “Nhà thầy toàn con trai, ông bà cứ bảo đẻ cố lấy đứa con gái. Vẫn biết sáu đứa là nhiều, nhưng quê thầy có những nhà bốn, năm đứa con trai đi bộ đội mà có đứa nào về đâu… Thôi thì trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Việt ngồi ghé vào thành giường, lấy phong lương khô quân dụng ra chia cho mấy đứa trẻ con. Thời buổi này kiếm đâu ra bánh kẹo, lương khô B702 được xếp vào loại ngon nhất rồi, chỉ những đứa con nhà bộ đội mới có. Bọn trẻ ăn một loáng đã hết phong lương khô, Việt định lấy gói bánh cuốn phát cho chúng ăn tiếp nhưng Hòa đưa mắt, ra hiệu “để lát nữa”. Hòa thay mặt cả bọn, xin lỗi thầy về thái độ học tập thời gian vừa qua, và hứa sẽ cố gắng học tốt môn Văn. Thầy cũng cảm động. Thầy nói: “Các em là những học sinh duy nhất đến thăm thầy. Thầy không cho ai biết nhà cả, sao các em tìm được?”. Việt ra hiệu cho Hòa giải thích, nhưng Hòa lờ đi.

Ban đầu, cả bọn chỉ định tới thăm thầy một lát, nhưng rồi cứ ngồi nói từ chuyện nọ tới chuyện kia, hết cả chiều. Có nói chuyện thân mật với thầy, mới thấy tính tình thầy cũng dễ chịu, cách nói chuyện của thầy mộc mạc, chân chất. Về tới nhà, Hoàng nói với Hòa:

– Tao thấy vợ thầy ốm nặng lắm. Tối nay mày sang nhà tao, nói mẹ tao tới khám cho vợ thầy. Mẹ tao là bác sỹ quân y, mẹ tao có thể cho vợ thầy thuốc tốt.

– Sao mày không tự nói?

– Mẹ tao tin tưởng mày hơn tao, vì nghĩ mày ngoan. Mày nói thể nào mẹ tao cũng nghe.

Hòa cười:

– Tao ngoan quá đi chứ, đâu đầu bò đầu bướu như mày.

– Xì… mày chỉ được cái nhìn hiền, học giỏi nên dễ đánh lừa người ta, chứ ngoan cái mẹ gì!

Việt gợi ý:

– Tao thấy hình như nhà thầy không có gạo. Bọn trẻ con nói hai hôm nay phải ăn khoai. Chúng mình về mỗi thằng xúc mấy bơ gạo cho thầy… Tháng này, mình sẽ không xúc trộm gạo của nhà đi đổi bánh cuốn nữa.

Ngọc nói:

– Vậy thằng nào có gì biếu thầy được, đưa hết cho thằng Hoàng, để khi nào mẹ Hoàng đến khám bệnh cho vợ thầy thì đưa luôn.

Hòa lắc đầu:

– Mình đưa như thế thầy sẽ ngại. Trước tiên cứ nhờ mẹ thằng Hoàng tới khám cho vợ thầy đã. Cái gì mình biếu thầy thì chờ hôm thầy đi dạy, sẽ cử một đứa đưa đến, không cần cho thầy biết là chúng mình biếu.

Từ hôm đấy trở đi, thái độ học tập môn Văn của cả bọn tốt hẳn lên. Nhiều đứa ở lớp ngạc nhiên, không hiểu sao đám con trai khu Nam Đồng hầu như tiết học nào cũng nghịch, nhưng cứ đến giờ học Văn lại rất ngoan ngoãn. Đặc biệt hơn nữa, chúng nó không thể nào hiểu nổi tại sao dạo này đối với thầy, bọn “đầu gấu” ấy tỏ ra rất thân thiện.

Việt không bao giờ kể với ai lần nó trốn học, đi đưa thuốc cho vợ thầy, bị cô Vân tình cờ trông thấy. Cô phê bình nó trước lớp và bắt làm kiểm điểm, cam kết không tái phạm, yêu cầu lấy cả chữ ký của phụ huynh. Việt làm tất cả, lặng lẽ nghe bố mẹ mắng khi đọc và ký vào bản kiểm điểm. Thầy cũng không biết Việt đến nhà. Nó nghĩ: “Mình nói ra sự thật, có khi còn bị mọi người hiểu sai, và làm thầy khó xử”. Năm đó, nó bị hạnh kiểm loại “thường”. Có thể cái tội trốn học hôm đó cũng là một trong những giọt nước làm tràn ly.

Mùa hè năm 1973

1

Vèo một cái đã hết năm lớp 8. Kết quả học tập của bọn con trai lớp 8D khu Nam Đồng cực kỳ tồi tệ. Cũng may các thầy cô xóa cho hàng loạt điểm kém. Các điểm 1, điểm 0 do quên mang vở, không soạn bài, nói chuyện riêng, thậm chí cả kiểm tra miệng… đều được ân xá. Thế nhưng ngoài Giang Cận vẫn giữ được phong độ, cho dù giảm từ loại A1 (xuất sắc) xuống A2 (giỏi), nhóm học sinh giỏi ngày trước như Khanh, Hòa cũng chỉ ở mức trung bình, không đạt nổi loại khá là A3. Bọn Việt, Hoàng, Ngọc mỗi đứa thi lại ba môn. Số còn lại, đứa nào cũng có môn phải thi lại. Một nửa bọn chúng bị hạnh kiểm loại “thường”. Dù nhiều hay ít, đứa nào cũng có một thoáng buồn.

Hòa an ủi mọi người:

– Tao thấy người ta nói những đứa thời học phổ thông hiền lành, chăm chỉ, thầy cô bảo gì nghe nấy, sau này vào đời thường chẳng ra gì. Các bậc vĩ nhân ngày bé thường học kém do hiếu động và mải chơi.

Việt tán đồng:

– Sau này nhớ lại, sẽ không ai đánh đổi những năm tháng sôi động của tuổi học trò lấy một bảng điểm tốt. Người ta chỉ nhớ thời đó mình bẻ được bao nhiêu chân gà, đổ dế nhà cô Quý mấy lần, thắng được bao trận đánh, đâu có ai nhớ mình phải thi lại mấy môn.

Chỉ bằng vài câu lý sự, cả bọn lại vui như tết. Với tuổi trẻ, nỗi buồn thường qua đi rất nhanh. Lúc nào chúng cũng tìm ra phép thắng lợi tinh thần theo kiểu AQ.

Đi học ai cũng thích nghỉ hè, nhưng nghỉ được một tuần là cả bọn bắt đầu thấy chán, vì chẳng có trò gì chơi. Chả nhẽ tối nào cũng “bắn bùm”. Việt đề xuất trò “duyệt binh”. Một là đi bộ để rèn luyện sức khỏe. Hai là nâng cao hình ảnh “Quân khu Nam Đồng”. Đi duyệt binh có nghĩa là kéo một lô một lốc đi bộ từ khu tập thể, ngược lên Ô Chợ Dừa hoặc xuôi xuống Ngã Tư Sở, theo nhịp “mốt hai mốt”. Chỉ khác bộ đội duyệt binh gõ đế giày xuống đường nghe cộp cộp rất oai phong, còn bọn khu Nam Đồng “duyệt binh” thì kéo lê dép và guốc mộc quèn quẹt trên mặt đường để khuấy động vi trùng và bụi. Mỗi lần bọn này đi qua, các bà bán hàng quán dọc phố nhăn nhó như khỉ phải mắm tôm, tay bịt mũi, mồm lẩm ba lẩm bẩm, chẳng hiểu nói cái gì…? Và hầu như lần duyệt binh nào, trên đường đi, bọn chúng cũng phát hiện ra những điều cần uốn nắn của thanh niên Hà Nội. Những đứa ăn mặc càn quấy, thái độ nghênh ngang đều nhanh chóng biến mất khi thấy chúng. Cả bọn thống nhất với nhau không bắt nạt người lương thiện. Mọi hành động liên quan đến vũ lực đều phải xuất phát từ chính nghĩa. Nói thì nghe to tát, nhưng đại khái có thể hình dung qua các câu chuyện kiểu dưới đây.

Hôm đó, duyệt binh hai vòng nên hơi mỏi chân. Lúc về, cả bọn ngồi nghỉ trên mấy tấm bê tông trước cổng khu. Có ba anh thanh niên đi tới, vừa đi vừa nói chuyện. Cả ba đều ăn mặc lịch sự. Việt gật gù:

—Tao đố chúng mày tìm được cớ để đánh ít nhất một trong ba thằng kia.

Cả bọn ngồi soi không ra cớ gì. Riêng Khanh bảo:

– Vấn đề là mình mạnh hơn để có thể chơi chúng nó mà không bị đánh lại, chứ kiếm cớ thì khó mẹ gì.

Nói đoạn nó trườn khỏi tấm bê tông, ra chặn đường ba thanh niên, hất hàm hỏi:

– Các anh có biết bây giờ là mấy giờ rồi không?

Tác giả: