Sáng hôm sau, khi xuống mở cửa chuồng và cho gà ăn, cô Quý, cô Phượng và ông Hồi Tai gỗ kêu ầm lên. Ban đầu nghĩ gà bị chuột cắn, nhưng sau xem kỹ chỗ chân gẫy, mọi người bắt đầu nghi ngờ có đứa phá hoại. Cô Quý đoán ngay chỉ có bọn lớp 8D làm chuyện này. Cô báo cho cô Vân, đề nghị tìm cho ra thủ phạm.
Giờ sinh hoạt lớp hôm đó, cô Vân mắng bọn con trai khu Nam Đồng một trận, bắt thành khẩn nhận khuyết điểm, nhưng mặc cô nói mỏi mồm, bọn chúng vẫn giả câm giả điếc. Khanh lẩm bẩm, tự an ủi theo kiểu dân làng Vũ Đại trong truyện Chí Phèo: “Cô mắng cả bọn khu Nam Đồng, nhưng chắc cô chừa mình ra”. Ngọc gật gù: “Chắc cô cũng trừ cả tao nữa”. Việt hôm qua không chơi bắn bùm nên không tham gia bẻ chân gà, lầu bầu: “Nghe cái giọng của cô giáo là thừa biết bà ấy nhằm vào tao.
Không nhẽ tao đứng dậy đề nghị: Khi nói, xin cô hướng cái nhìn sang bạn Khanh và bạn Ngọc”.
Tối hôm sau, khu chuồng gà Nhà 3 được ông Hồi “Tai gỗ” lắp một bóng điện sáng choang. Cả bọn mất cả chỗ chơi bắn bùm. Đêm rằm, trăng sáng dãi dề trên các tán cây. Gió mát. Không có gì chơi cũng buồn. Cả bọn rủ nhau ra sân Nhà 5 tập xà. Tới nơi, thấy Đính và Minh đang lúi húi ở gốc cây, Minh gọi: “Ngọc, mày có đái được không?”. Ngọc đáp: “Chim tao chỉ làm mỗi nhiệm vụ đái, chả nhẽ lại không đái được”. Minh bảo: “Nhanh lên, ra đái vào đây. Bọn tao đang đổ dế. Con dế này to lắm”. Cả bọn thi nhau đái, cuối cùng con dế đen trũi cũng phải chui ra. Con này đúng là một dũng tướng, cỡ Quan Vân Trường, chỉ tội ướt nhoẹt và khai mù. Khanh đề xuất: “Tao biết một tổ dế to lắm, có năm con, trong đó có một con thuộc loại tướng soái”. Minh bảo: “Mỗi tổ dế chỉ có một con thôi, lấy đâu ra năm con”. Khanh nói: “Tao đảm bảo sau khi đổ dế, có ít nhất ba con chui ra. Đi theo tao. Nếu không đúng, tao đãi bọn mày mỗi thằng một que kem Tràng Tiền”. Tất cả bán tín bán nghi, theo Khanh sang đầu Nhà 3, phía cầu thang hướng Hà Đông. Ngọc bảo: “Chim hết nước rồi, làm sao đái được nữa”. Khanh giải thích: “Loại dế này không dùng chim, mà dùng tay”. Nó nhặt mấy hòn gạch, đưa mỗi thằng một hòn: “Tao hô một – hai – ba thì chúng mày cùng ném vào cửa nhà cô Quý nhé, coi đấy là tổ dế, để trả thù cho thằng Việt bị nghi oan sáng nay. Bao giờ dế ra khỏi hang thì bọn mình chạy”.
Nó nói xong hô luôn “một, hai, ba!”. Cả bọn ném rầm rầm vào cửa nhà cô Quý. Một phút sau, đèn bật sáng. Cô Quý cùng chồng, một trong hai người ở khu tập thể Nam Đồng sau này được phong quân hàm thượng tướng, cùng con trai lò dò ra. Cả bọn cắm đầu chạy. Vừa chạy Khanh vừa nói: “Có ba con dế chui ra, tao không phải chiêu đãi nhé”. Mặc dù chạy nhưng cả bọn vẫn thấy mình thật oai hùng. Tướng lĩnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, hét ra lửa trước binh hùng tướng mạnh mà chúng nó chẳng coi vào đâu.
“Đổ dế” nhà cô Quý xong cả bọn lại về Nhà 5 tập xà. Tập chán, Hoàng rủ mọi người sang Nhà 6 bẻ chân gà nhà cô Thục dạy môn Hóa học. Nó đã điều tra ra vị trí chuồng gà nhà cô. Nhưng kiểm lại thấy có mỗi Ngọc và Hoàng bị cô cho điểm 1. Sau khi phân tích, thấy đây là điểm kiểm tra một tiết, do hai thằng học dốt chứ không phải điểm kém do các tội như quên mang vở, không chép bài, bị hỏi trong giờ học không trả lời được vì nói chuyện riêng… nên cả bọn hơi phân vân. Ở nông thôn, con trâu là đầu cơ nghiệp, còn với các gia đình khu Nam Đồng thời đó, con gà con lợn là nguồn thu nhập vô cùng quan trọng. Nhiều gia đình, một nửa thu nhập trông vào đấy. Nhà nào cũng nuôi gà, nuôi lợn nhưng đâu có được thưởng thức thịt của chúng. Gà nuôi chủ yếu để lấy trứng. Nhưng trứng nhiều khi cũng bị đem bán. Còn lợn thì đương nhiên để bán rồi. Ngay cả trường hợp nó bị chết do điện giật, bị xổng chuồng rơi từ trên gác xuống tầng một, cũng phải gọi người ngoài chợ vào, bán rẻ cho họ, chứ không gia đình nào dám mổ ăn. Cùng lắm chỉ giữ lại một cái chân giò hay ít thịt thủ. Vì cùng cảnh ngộ, nên đứa nào cũng có tình cảm với bọn gà, lợn. Phải tiêu diệt chúng mà không có lý do chính đáng, làm sao không day dứt lương tâm?
Hòa nói:
– Tao nghĩ rồi, đòn trừng phạt đau nhất là trừng phạt kinh tế. Vì thế khi trừng phạt cũng nên đúng người đúng tội. Nhà tao có con gà mái đẻ bị chết mà mẹ tao bỏ cả ăn. Nay bọn mình bẻ chân một lúc nửa đàn gà nhà người ta, nghĩ cũng hơi quá đáng.
– Mình trả thù kiểu khác đi, đừng làm hại gia súc nữa… – Việt lên tiếng.
– Tao đâu có hại gia súc, đây là gia cầm – Khanh cãi.
– Ừ, thì cả gia cầm lẫn gia súc. Trong khu mình, ngoài sân nhà nào chả nuôi gia cầm, còn trong nhà thì gia súc. Hôm nay chúng mày bẻ chân gà, mai chúng mày sẽ bẻ chân lợn… Ở đây có mấy nhà không nuôi lợn đâu? Tiền bán một con lợn bằng mấy tháng lương cả bố lẫn mẹ mình cộng lại. Nhiều nhà lợn còn sướng hơn người. Bố thằng Quốc Tẩm gọi lợn nhà nó là “thủ trưởng lợn”. Cô Chung cạnh nhà tao còn nhường cả phòng tắm cho lợn. Lợn có khăn mặt riêng, buổi sáng được lau mặt như người. Cả nhà có mỗi cái quạt tai voi cũng dành cho lợn. Hôm nào mất điện là mấy đứa con gái phải dùng quạt nan, thay nhau quạt cho nó. Vì lợn ở trong phòng tắm, nên khi tắm, mấy đứa con gái phải tắm chung với lợn và tiện thể tắm luôn cho nó. Tao đảm bảo lợn nhà cô Chung sạch nhất khu.
Khanh gật gù:
– Nghe mày tả, tao cũng muốn làm lợn nhà đó.
– Chắc gì đã sạch bằng lợn nhà tao – Ngọc cãi – Nhà tao gọi lợn là “cụ”. Cụ ăn xong còn được súc miệng bằng nước sạch, lau mồm bằng khăn. Cụ mà ở bẩn, bị dịch lăn quay ra là má tao ốm theo luôn. Nhà tao chỉ có mấy đồng lương hưu của bà già với ít tiền tuất của ông già, nếu không trông vào gà và cụ, lấy gì mà ăn. Năm ngoái, cụ đói quá, dũi lở cả vữa trát tường rồi gặm dây điện, bị giật quay lơ ra. Tao hô hấp nhân tạo mười lăm phút mà cụ vẫn chết.
—Vậy là cái hôn đầu đời của mày đã dành cho lợn – Khanh nhận xét.
Việt nói:
– Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh. Bọn mình bị trù dập, trả thù là chính đáng. Nhưng trả thù thì thiếu gì cách… như “đổ dế” chẳng hạn. Mình làm hại súc vật là đánh vào cuộc sống khốn khó của gia đình các quân nhân đang hy sinh thân mình cho đất nước. Tao đề nghị từ nay không tấn công gia súc, gia cầm nữa… Trừ của lão Hồi “Tai gỗ”. Hôm nay lão cứ nói bóng nói gió là cái trò đêm qua chỉ có tao làm. Cái gì tao không làm mà đổ oan cho tao thì tao phải làm cho biết. Mình bẻ thêm chân con gà béo nhất của lão để cảnh cáo.
Hòa phẩy tay:
– Mình đã quyết định làm việc nhân đạo thì không để thù hận xen vào, dù thù hận có cao như núi. Thôi, tha cho lão. Lão ấy cũng đáng thương, là thương binh chống Pháp, bị bắn cụt tai, phải sống nhờ con rể, cả ngày chỉ có mỗi nhiệm vụ chăm gà. Lão ấy thà cho mày bẻ chân chứ không muốn chân gà của lão bị bẻ.
Việt vẫn hậm hực:
– Không bẻ chân thì cũng phải vật đổ chuồng gà nhà lão cho đỡ tức.
Cả bọn kéo nhau ra vật đổ chuồng gà ông Hồi, rồi khí thế bốc lên, vật đổ gần hết các chuồng gà khác. Mấy đứa em lau nhau vẫn ra xem các anh chơi bắn bùm cũng xông vào, giúp một tay. Nhìn đống chuồng gà ngổn ngang, Việt nghĩ, sáng mai thấy chuồng gà nhà nó không đổ, thể nào mọi người cũng nghi nó làm chuyện này… Cuối cùng, tất cả các chuồng gà đều bị vật đổ, trừ chuồng gà nhà cô Hoa.
Đi thăm thầy Toàn
Sáng thứ Hai đầu tuần, thi hết học kỳ môn Địa lý.
Hòa đã thỏa thuận với Việt là nó sẽ học về phân bố khoáng sản của Anh, Pháp, còn Việt học của Hoa Kỳ, vì hai nội dung đó, thể nào cũng thi một. Việt đồng ý. Trước khi đọc đề thi, Hòa hỏi Việt đã thuộc chưa? Việt bảo: “Cũng tương đối, không có cái gì tuyệt đối cả!”.
Đúng như dự đoán, phần lý thuyết hỏi về khoáng sản Hoa Kỳ, còn phần vẽ bản đồ là phân bố khoáng sản nước Pháp. Bản đồ thì Hòa, Việt đã bàn nhau vẽ trước hơn chục cái, đủ tất cả các nước, để rơi vào cái nào thì rút cái đấy ra. Không ngờ thầy lại đi ký vào từng tờ giấy thi một. Chắc là các khóa trước gian lận bị lộ, báo hại các khóa sau. Thầy canh khá nghiêm ngặt nên chẳng làm thế nào lấy tài liệu ra được. Quay cóp phần lý thuyết thường dễ hơn, vì chỉ liếc mắt đọc mấy dòng rồi cất đi, chứ vẽ bản đồ thì phải dùng thước kẻ dọc, kẻ ngang, chia tọa độ, rồi lại phải điền các ký hiệu mỏ sắt, mỏ đồng nhỏ li ti. Hòa cố dựa vào trí nhớ, liếc dọc liếc ngang xem bài bạn bên cạnh, vẽ ra một cái hình lục lăng, trông giống con rùa rụt cổ. Việt cắm cúi vẽ theo. Sang lý thuyết, đến phần Việt tuyên bố đã “thuộc tương đối” thì nó lại tắc tị và chống chế: “Tao đã học thuộc rồi nhưng giờ cuống nên quên hết cả”. Hòa lầu bầu: “Như vậy chỉ còn trông chờ vào việc tao có nhớ được chữ nào không”. Việt biết thân, ngồi yên chờ Hòa viết được chữ nào thì chép. Nó còn thì thầm: “Chỗ nào mày “chấm” thì tao “phẩy”, để bài hai đứa không sai giống nhau đến cả dấu chấm, phẩy”. Hòa ngao ngán: “Bài thi này không đến nỗi zê-rô, nhưng điểm kém là chắc”. Đối với Việt, nhận điểm kém là bình thường. Còn Hòa trước đây vốn là học sinh giỏi, năm nay sa sút thảm hại nên cũng cảm thấy buồn. Lại còn môn Văn nữa. Hòa đã bị ba điểm 0 về những tội không đâu, như không soạn bài trước ở nhà, hoặc không chú ý nghe giảng, thầy gọi lên không trả lời được. Nói chung, Hòa xác định học kỳ này, môn Văn của nó sẽ bị điểm dưới trung bình. Nhưng nó vẫn tự tin với trình độ và sự cẩn thận đề phòng của mình, học kỳ hai nó sẽ không để thầy có cớ đè nó được. Còn Việt thì chết về môn Văn là cái chắc, nhất là sau vụ nghe Khanh xui đi kiện thầy.