Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần

Buổi sáng. 10 giờ đêm qua, ngõ trên có đám cháy. Bà con túa cả ra ngoài. Em Cốm cũng chạy đi chữa cháy. Tôi không đi. Lởn vởn những nơi hữu sự, bà con lại nghi cho, thì bỏ mẹ. Giá chị Hòa qua đây gọi, tôi sẽ đi ngay. Đám cháy được dập tắt, nhanh chóng, nhưng Cốm lâu lắm mới về. Cốm nói: “Bà con nghi có địch”. Tôi không nói gì. Có lẽ tôi bắt đầu có vấn đề với chữ địch. Đêm ấy thật lạ. Đất đá ném lộp bộp, suốt đêm, trong ngõ, và ngoài phố. Tôi đoán là tụi biệt kích cài lại phá rối. Buổi sáng gạch đá còn lại hàng rổ, trong xóm. Lúc 8 giờ Cốm đi chợ về, mặt như bông hoa héo. Tôi cũng đoán được là chuyện gì. Nhưng không hỏi. Tôi ra ngã tư tìm mua một bao Côtab, thấy phô vẫn đỏ màu cờ, vẫn thơm mùi vị Tết. Cứ như thể hôm qua mồng một. Hôm nay là mồng hai. Tôi vừa mua thuốc lá xong, bị một bãi nước bọt tòe toẹt rơi ngay sát mũi giày. Một ông thợ đồng hồ, đứng trong hiệu nhổ nước bọt ra. Ông này tôi biết, tên là Trung trố. Ông này hỏi xỏ: “Anh mà cũng ở lại à?” Tôi định độp lại, cũng bằng câu hỏi ấy. Nhưng tôi không nói gì, chỉ nhún vai, quay đi. Ông này còn tiếp tục làu bàu những cái gì, sau lưng tôi một lúc lâu. Chắc chắn không hề ngọt ngào. Mấy bà đầu ngõ cũng chửi đổng. Mấy bà nói rất to: “Quân hại nước hại nòi. Cứ đem tất ra mà đấu”. Không biết mấy bà chửi ai. Tôi đi qua mấy bà, không nhìn bà nào. Nhưng tôi biết, mấy bà đang nhìn tôi. Về đến nhà, tôi ngồi, tôi đốt thuốc liên tục. Thuốc làm ngột ngạt, có lẽ vậy. Rồi tôi lại thấy, hết ngột ngạt, có lẽ tại thuốc. Tôi đến cạnh Cốm. Cốm nói: “Em mua con cá, định về đánh giấm. Bà ta mua, em cũng mua. Em đợi bà ta mua xong, mới chọn. Em mua xong xuôi, bỏ vào rổ, bà ta lại đòi mua con cá của em, lại còn chửi đồ mua tranh bán cướp, bỏ cái thói vợ ngụy ỉ thế chồng. May mà có người can, không thì bà ấy đánh xé em giữa chợ. Em nhục quá”. Tôi nói: “Thế mới gọi là khoan hồng. Chính Cốm khuyên anh ở lại. Còn muốn gì hơn? Anh đã biết trước”. Cốm nói: “Rồi về sau khác đi chứ. Mình làm ăn tử tế, đối xử nhũn nhặn. Chẳng nhẽ bà con xử tệ với mình mãi à? Biết thế này, chẳng kể với anh nữa”. Tôi gắt: “Thôi cô đi làm cơm. Còn 300 ngày tênh tênh. Tôi mà ức lên, tôi tếch thẳng. Cô không đi theo, tôi tếch một mình”. Nói rồi, tôi chớp mắt, rồi lại chớp mắt, rồi lại chớp mắt nữa, để mỗi lần, cái hiện tại hủi này lùi ra xa. Tôi chớp mắt mãi, mà không xong.

Buổi chiều. Lúc Cốm làm cơm dưới bếp, thì thằng Ngỡi vào, mũi nghếch như mõm chuột. Chỉ có mình tôi mà Ngỡi vẫn thì thầm, sợ ai nghe thấy. Nó nói: “Lợn sữa quay, đàn anh ạ. Tình Bốp sai em mời anh đến ngay”. Tôi ngạc nhiên thấy tháng trước, nó xưng ông với tôi, bây giờ lại xưng em, dù nó già hơn 12 tuổi. Cả khu phố đã bảo nhau: từ ngày đi trốn nó xưng em với tất cả mọi người, nhưng tôi vẫn ngạc nhiên. Tôi nhìn đồng hồ dạ quang, là 5 giờ chiều. Tôi hỏi: “Tình Bốp mới về à?” Ngỡi nói: “Về từ 2 giờ chiều. Tình Bốp đến em, để hỏi tin tức mọi người”. Tôi hỏi: “Sao có lợn sữa?” Ngỡi nói: “Thế mấy tài. Em trốn vào Hà Đông. Em bảo Tình Bốp, ở đấy có lợn sữa Hoa Bắc. Trước khi đi Tình Bốp đưa tiền, và dọa nếu không tìm được hai đôi lợn sữa, thì đừng có về”. Tôi hỏi: “Tiệc có những ai?” Ngỡi nói: “Đủ cả bốn đàn anh, với em, là năm. Hai đôi lợn sữa quay, nóng sốt, là bảy. Tươm lắm anh ạ”.

Dĩ nhiên ăn thì bao giờ cũng tươm. Thế là năm thằng chạm chén, loanh quanh một chiếc chiếu trải, trên sàn gác. Khắp nơi có chai, và vỏ chai la liệt. Đèn bật sớm làm trắng bệch, cả buổi chiều. Giữa chiếu là hai con lợn quay, rất kĩ thuật, bởi vì da cháy vàng, nhưng trong suốt. Được thằng Ngỡi thái, thành từng miếng vuông vức trên đĩa, bên cạnh là một bát hành xanh, một bát ớt tươi, một bát tương Tầu, và một cốc đường trắng. Thằng Ngỡi nói: “Em tìm mãi, mới được hai con lợn sữa Hoa Bắc, chúng được nuôi bằng gạo nếp, chứ không bằng gạo tẻ, và gạo tấm, cũng không bằng bột cám, cho nên thịt chắc và mềm như thế này, bì giòn và thơm như thế kia, nhai được cả xương”. Tuyệt vời thế mà cả năm thằng đều ngơ ngác buồn, nhất là thằng Chắt. Nó buồn nhất cũng phải. Nó hôm nọ lái chiếc xe Jeep, cùng với đài, và dây moóc, ra hậu phương lập công. Nó nộp, cho một anh cán bộ mặc quân phục xanh, rồi anh này đi đâu mất. Không hiểu anh cán bộ tên gì, ở đơn vị gì. Anh này cũng chẳng đưa cho cái biên nhận nào. Thế là thằng Chắt lại lóc cóc đi về, tự nhủ bao nhiêu công lao bị ăn hớt cả. Tự mắng là thằng ngu, có tí công lại để buột mất. Nhưng cũng tức giận, nói bộ đội làm ăn thế này, không phục. Nó lại còn nghi là, anh cán bộ áo xanh ăn chặn công lao người khác, để được lên chức. Sau cùng, nó kết luận và chửi thề tiên sư thằng Chắt, sẽ không bao giờ lập công nữa. Chiều nay nó vừa ăn, vừa ngơ ngác buồn.

Đoành nói: “Tại mày không may thôi”. Tình Bốp nói: “Tại mày tốt nhịn. Hận to thế, mà mày không làm vung lên. Phải thằng khác, nó kiện, nó tóm cổ làm lôi thôi thằng thủ phạm”. Chắt nói: “Tao về đây, mới thấy chán. Nhà cháy lại thấy gạch đá ném, suốt đêm. Người ta nghi ngờ, nhưng tao làm gì, mà nghi. Thôôôi, tao sửa soạn cần vợt tao đi câu con nhái, cho nhẹ nhàng cái ngày mai”. Tình Bốp nói: “Mở đầu là chiếc xe Jeep, to như con voi, để kết luận, thành con nhái be bé”. Tôi nói: “Mai tao cũng đi câu”. Có vẻ không thằng nào nghe thấy. Tình Bốp lại nói: “Tình hình lúc này, lưu manh, trộm cắp và ngụy quân, như tụi mình, đứa nào cũng bị nghi tất”. Ngỡi gật đầu và lại xưng em, với tất cả mọi người. Ngỡi nói: “Đàn anh nói phải. Người ta đòi đem lính ngụy ra đấu ráo một lượt. Em cũng lo lắm. Em đàn đúm thế này với các anh, nhưng thú thực, em một vợ sáu con, bụng dạ em như có lửa đốt”.

Có vẻ Ngỡi lo sợ thật. Những ngày sột soạt giữa hai chế độ, đã đưa nó xuống tầng dưới, của quan hệ xã hội. Có ba giả thiết cho sự thay đổi này. Thứ nhất, lối xưng hô mới của nó, dù vô tình hay cố tình, cũng là động tác rút lui khỏi tình bạn, mà không cần tuyên bố, và không làm ai mếch lòng. Thứ hai, nó đã đánh hơi thấy những gì sẽ phải xảy đến (cho tình bạn, tình hàng xóm, cho tình người nói chung) và lối xưng hô mới này, sẽ là vỏ bọc bào vệ an toàn cho nó. Thứ ba, những thay đổi bên ngoài, đã xáo động ghê gớm tâm hồn iếu ớt của nó, và sau đó tâm hồn tác động lên ngôn ngữ. Giả thiết thứ ba có vẻ kém xác thực hơn.

Lối xưng em của Ngỡi hình như lây lan sang cả đám bạn tôi. Tình Bốp rót thêm rượu, cho cả năm đứa. Tình Bốp nói: “Khoan. Bàn đi rồi, phải bàn lại. Đàn anh Dưỡng đọc vài ngàn cuốn sách (trinh thám), có học thức như vậy, mà có kêu khổ đâu. Chúng mày chưa gì đã nháo nhác. Thế là hỗn, với anh Dưỡng”. Tôi chưa hiểu vì sao, tôi được lên chức đàn anh, cho cả nhóm, Tình Bốp đã tiếp tục. Nó nói: “Tất nhiên tình hình tối đen, như mực. Nhưng đàn anh Dưỡng thử chỉ ra những điểm sáng sủa, để bọn em này có chỗ mà trông vào”. Quay sang thằng Đoành. Nó nói: “Cả thằng ca sĩ rởm này nữa. Cũng tổ sư sách (trinh thám) đấy. Xem có mẹo gì không?” Tôi đang còn bàng hoàng, chưa lấy được gì, từ đống kinh nghiệm trinh thám, thì thằng Đoành đã nhanh nhẹn trả lời. Nó nói: “Mẹo à. Thiếu gì mẹo hủi. Chỉ có đớp và hít là không ai cấm. Việc quái gì mà sợ”. Tôi cũng nói theo: “Minh nhìn lặt vặt, đâm ra sợ hãi lặt vặt. Đúng đấy. Nhin chung, tao rất iên tâm”. Tôi thế là trở thành anh cả của mâm rượu, để tuyên bố những điểm sáng sủa, cho bọn em tôi, đang im lặng ngồi chờ. Tôi nói, vòng vo: “Đây nhé. Miền Bắc là cộng sản. Miền Nam là ngụy. Hai miền húc nhau. Năm thằng mình, là năm con ruồi ở giữa… Nhưng mà năm thằng không được chết. 300 ngày này, và điều khoản 14C này, cả hai miền đều dành cho năm thằng một khoản. Dù sao cũng bị nhọ rồi, năm thằng càng phải giữ: tránh giao du những địa chỉ nhọ, cứ tìm những nơi minh bạch sạch sẽ, mà đớp hít. Cứ thế phải sống lâu trăm tuổi”. Đoành nói: “Tao tán thưởng”. Tình Bốp nói: “Tao chẳng thấy rõ ràng tí nào. Mù tịt bỏ mẹ. Ngay bài diễn văn của mày, đến tai cán bộ, nó sẽ bảo ngay là mày gieo rắc hoang mang, nghi hoặc trong lòng người”. Đoành nói: “Dưỡng nó nói chí lí”. Tình Bốp lườm cho nó một cái. Chắt cũng nói: “Thằng Dưỡng nói được. Tao thấy rõ. Phải tránh chỗ rậm chỗ tối. Bây giờ 9 giờ hãy còn sớm, nhưng về là vừa cho minh bạch, đúng như thằng Dưỡng nói. Thôi tao về”. Nói xong nó đứng dậy, phủi đũng quần, rồi cút thẳng. Theo sau là Đoành. Thằng Ngỡi nấn ná, thu dọn chỗ thịt còn lại, im lặng gói một gói đem về. Còn lại mỗi tôi, với Tình Bốp. Đến 9 giờ 30 Tình Bốp đứng dậy, pha càphê. Nó lấy trong tủ bicphê ra bánh ngọt, kẹo nuga và súccùlà. Tôi hỏi: “Lily đâu?” Nó nói: “Xuống Hải Phòng”. Tôi nói: “Xéo à?” Nó nói: “Không. Lily tiễn Macxen đi. Lily ở lại”.

Tôi hỏi: “Lily ở lại thế nào được?” Tình Bốp nói: “Chỉ có đớp hít không thôi, như mày nói lúc nãy, thì có gì mà sợ”. Tôi im. Lát sau, Tình Bốp giải thích: “Lúc nãy đông người, tao pha trò cho vui. Trong bụng tao thấy mày có lí. Là cái kế của mày, kế đứng giữa. Học thức đọc sách của mày, quả là thâm. Cái kế đứng giữa bất-hợp-tác-cộng-sản của mày tài thật”. Nó rộng lòng khen tôi, và cũng rộng lòng lấy rất nhiều bánh ngọt, cho vào đĩa tôi. Tôi ăn bánh. Tôi ngắm hai phin càphê, đang nhỏ những giọt rất đen. Tình Bốp không nhìn tôi. Tôi cũng không nhìn nó. Nó nói: “Họ ghét nhất những thằng đứng giữa. Họ còn thù thằng-đứng-giữa hơn cả đế quốc. Mày cẩn thận đừng để lộ. Tao hiểu mày. Không có khoan hồng nào cả. Mày biết. Tao có nói gì với mày, cũng thừa”. Nó nói lúc to lúc nhỏ, tôi nghe lúc được lúc không. Có thẻ vì tôi đã uống quá sức. Nó nói, vẫn không nhìn tôi: “Hãy sử dụng chân lí đớp hít, vì thiên hạ đánh lẫn nhau, cũng chỉ vì đớp với hít. Hai miền húc nhau như mày nói, là húc ngầm cả. Mày bất hợp tác, tức là mày… phá ngầm. Tao chịu mày rồi”. Tôi nói: “Cái gì?” vì thấy khác í của tôi quá. Tình Bốp bây giờ mới nhìn vào mặt tôi, không rõ say hay tỉnh. Nó nói: “Khà. Hôm nay ăn mừng cộng sản. Lí thú ra trò. Anh em mình từ mai sẽ làm ăn tử tế. Tao sẽ mở quán càphê. Ngay trong ngõ nhà tao. Tao sẽ bán nốt bọn bẹcgiê, để giải nghệ đi theo kế của mày. Đớp hít. Đứng giữa. Bất hợp tác. Lánh ra xa tất cả. Mày kém tao hai tuổi, nhưng mày có học thức đọc sách. Tao với mày là anh em”.

Tác giả: