Bú Dù đi rồi một lúc, tôi lên xe, mà chưa biết đi đâu. Thế là lại, những ngã tư và những cột đèn. Mạng đèn chiều bật đầy nội thành. Tôi đạp xe loanh quanh. Tôi rẽ Cửa Nam, tôi vào phố Tràng Thi, tôi qua Nhà hát lớn, rồi Hàng Khoai, tôi qua vườn hoa Hàng Đậu, rồi Hàng Lược. Trại cải tạo P.Q vẫn còn lởn vởn, trong đầu tôi. Nhưng những chi tiết cụ thể, thì quên cả. Chỉ còn lại, một ám ảnh thương xót, tồi tội. cố nghĩ sang chuyện khác nhưng tôi lại quay về, trại cải tạo P.Q. Tôi vào phố Hàng Quạt. Nhưng không nhìn phố. Mắt tôi lúc này quay vào bên trong. Quay vào bên trong cũng không thấy gì. Sọ tôi thấy vậy mới hỏi: “Làm sao thế?” Tôi không đáp. Sọ hỏi tiếp: “Thương thân à?” Tôi nói, có tội phạm đâu, mà thương thân. Sọ nói: “Thương Ngưu thì xót Mã”. Tôi đổ ra Bờ Hồ tím, tôi nói ừ, thì thương người, là tôi thương thân. Nhưng kẻ nào không thương thân, mà biết thương người? Hòn đá bên lòng phố kia, không thương người, vì chẳng thương thân. Do đó thương thân, thì chả có gì mà xấu hổ. Thương người và thương thân, xét cho cùng chỉ là một. Tôi đạp xe quanh Bờ Hồ, từ Bờ Hồ, lại về trại cải tạo. Tôi nghĩ đến Tình Bốp. Tình Bốp nếu còn sống, trước sau cũng ra tòa, rồi đi tù. Lúc ngồi với Bú Dù, tôi đã nghĩ tới Tình Bốp, bây giờ càng nghĩ, nhiều hơn. Chưa biết hết tội, nhưng tôi biết con người nó. Tình Bốp sẽ ở trong trại P.Q bao nhiêu năm, mới đánh thức được, vài hạt lương tâm, vài hạt tự giác, trong nó? 10 năm, 20 năm, cũng có thể 5 năm. Từ hôm qua, tôi đã muốn khóc Tình Bốp, mấy câu. Mà không khóc được. Có cái gì, vương vướng trong họng. Tình Bốp mới 25 tuổi, vẫn là tuổi xanh. Tuổi xanh mà nó đểu, như người ta phải sống vài trăm năm, mới đểu được như thế. Giờ nó chết rồi. Nó là bạn thân của tôi. Nghĩa tử là nghĩa tận, giờ tôi khóc nó vài câu, bên Bờ Hồ tím. Tôi khóc, mà mắt khô ráo, không phải vì không thương nó. Tôi vừa thương, vừa giận. Nó ngu, nó tham tiền, nó hại bạn. Chết rồi, mà vẫn đứng xoa tay trước mặt tôi để dạy đời là thế. Tôi nói với nó, thầm thì trong đầu để nhắc lại, những buổi sáng nhoe nhóe ấu thơ. Hồi ấy tôi và Tình Bốp và Đoành, ba thằng một đường đi học, khi thì trong nội thành rét, khi thì nội thành nực. Ba thằng thân nhau nhất. Ba thằng có đánh nhau, có đổ mực lên đầu, có réo tên bố tên mẹ ra chửi, vẫn là thân nhất. Ba thằng có chơi trò gì ác, cũng vì trò chơi nó ác, chứ không phải vì tính tình. Thân nhau như thế, vừa hết con đường thơ ấu, vừa đến ngã tư, ba thằng đã vào, ba ngả. Tôi đâu có biết, ngã tư nào lưu manh, ngã tư nào đọa lạc, ngã tư nào gian dối. Tôi đâu biết, Tình Bốp có lúc nào, buồn tiếc những buổi sáng, phía trước ngã tư. Tôi thì tiếc lắm. Tiếc cả cho Tình Bốp nữa. Giá như nó đừng chết. Giá như nó đi trại cải tạo, như Bú Dù, còn hơn. Tôi nói với Tình Bốp, tôi không có luân lí, cao ngất nghểu, như của Đoành, tôi không trách nhiệm gì, trong cái chết của Tình Bốp. Tội phạm, và các thứ tội phạm, phải tự gánh lấy tội lỗi của mình. Không thể trút sang ai. Tôi nói với Tình Bốp, hôm nay ở dưới ấy, nếu có dưới ấy, hôm nay trời có lạnh không, có tím không? Tôi hỏi nó, đang lang thang ở ngã tư nào? Tôi cũng dặn, phải cẩn thận, cả với những ngã tư và những cột đèn, nơi suối vàng. Rồi chia tay bạn, không hương khói, hẹn lại gặp nhau, vài chục năm nữa. Sau đó, Tình Bốp đi về suối vàng để tôi rẽ phố Tràng Tiền. Phố Tràng Tiền láo nháo đèn, tôi lại quay về, trại cải tạo thiên đường, của tội phạm. So với trại phát xít, P.Q đúng là thiên đường thật. Bú Dù lúc này đang trên tàu, về trại thiên đường. Lúc này là 7 giờ 12, tôi rẽ vào một hiệu ăn. Một ngày tím chưa kết thúc.
XIV
Tháng 5 năm 1966. Chị Hòa kể: tôi là nhân viên, ban bảo vệ khu phố. Trong công tác của tôi, nhiệm vụ trên hết, nhưng thực ra 80% khối lượng hoạt động, vì í nghĩa nhân đạo. Khu phố không có phòng lưu trữ tài liệu, tất cả nằm trong trí nhớ. Nhưng tôi không nhầm lẫn, dù chỉ một chi tiết, nhỏ nhất. Chuyện xảy ra 11 năm rồi, mà tôi cứ ngỡ, mới hôm qua. Tai nạn ập đến nhanh quá, nhưng không phải lỗi của khu phố và chính quyền. Cô Trinh vào bệnh viện tối thứ ba, lúc mê lúc tỉnh, mặt mày nhợt nhạt. Đúng 1 giờ đêm, mẹ chồng cô đến, khóc lóc ngoài cổng. Thường trực phải cho vào. Bà cụ mò đến tận chỗ tôi. Chưa hiểu chuyện gì, đã đổ tội hết lên đầu con trai. Bà nói: con trai bà rượu chè, giao du với đám lưu manh, nên mới xui, những tai bay, vạ gió, khốn khổ này. Tôi giải thích, cho bà cụ, tai nạn này không phải lỗi cậu Dưỡng. Dưỡng hồi này tích cực, muốn tu tỉnh, nhưng vướng cái quá khứ, còn dây dưa lại. Bà cụ nói nguyên văn như thế này: “Thì đấy, nó gieo gió, phải gặt bão. Từ hồi nó dính vào với con đĩ Phòng Nhì, là sinh ra bao nhiêu tai họa”. Lúc bà cụ biết, cậu Dưỡng đã kí giấy, cứu vợ bỏ con, bà cụ mới làm ghê chứ. Bà khóc: “Cái giống tàu bò ấy, nó kí giấy, giết đứa hài nhi vô tội. Nó dã man còn quá súc vật”. Nói rồi, bà cụ chạy vào phòng mổ, tôi vội chạy theo sau, sợ bà thương con xót cháu, mà mất trí, làm náo động cả bệnh viện. Bà vào phòng mổ, bà chắp tay vái, các bác sĩ, i sĩ và i tá, van xin họ cứu con dâu và cháu nội bà, tốn kém bao nhiêu, bà chịu hết. Trông bà tội nghiệp lắm. Nước mắt bà đầm đìa, miệng méo xệch, nói không ra hơi. Cô Trinh còn đang nằm bất tỉnh, đang được tiêm thuốc, hồi sinh và trợ lực. Ông bác sĩ nói: “Bà cụ cứ iên trí”, rồi dìu bà ra ngoài. Ông bác sĩ giải thích gì, bà cũng không nghe, chỉ một mực xin cứu cho cả con dâu, cả cháu. Lúc này cô Trinh cũng tỉnh lại, nghe thấy cứu mẹ bỏ con, cô lồng lên: “Cứu lấy con tôi! Cứu lấy con tôi!” Rồi cô rên rỉ, xin được chết, để con cô sống. Cô nói: “Sống thế thì mẹ nào sống được”. Chị i tá, trong nhóm gây mê hồi sinh, phải nói dối, là cái thai đã chết cứng, trong bụng mẹ rồi. Nhưng cô Trinh nói, vẫn thấy cái thai còn đạp, cô không tin. Cô bảo bác sĩ, nếu cô sống, mà con cô chết, cô sẽ quyên sinh. Mấy ông bác sĩ đều phải vào cả phòng mổ, để an ủi và giải thích cho cô hiểu. Cô vẫn không nghe. Cô im lặng khóc hồi lâu. Rồi giấu mặt vào gối, cô cắn lưỡi, để chết thay con. Cô bất tỉnh. Các bác sĩ phải gỡ cô ra khỏi gối. Vết cắn chảy máu nhiều, nhưng không nguy kịch. Các bác sĩ hội chẩn, cái thai quá to, người mẹ bị động thai ra huyết, thêm vết cắn ở lưỡi, tình trạng rất nguy kịch. Tôi nghe loáng thoáng các bác sĩ bàn, phải áp dụng phương pháp mổ mới, để tránh các biến chứng xấu sau này, cho người mẹ. Tôi không hiểu lắm, cũng không biết tôi nghe có đúng không, chỉ biết chắc chắn, là hi vọng rất mong manh. Bệnh viện đem những thuốc tốt nhất ra dùng. Cô Trinh người bé, nhưng sức đề kháng dai dẳng. Lúc lấy đứa bé ra khỏi bụng, cô vẫn tỉnh, cô hỏi: “Sao không thấy nó khóc?” Chị i sĩ dốc ngược đứa bé, vỗ vào mông mấy cái. Đứa bé khóc oe oe. Chị i sĩ nói: “Con trai”, và đưa đứa bé đỏ hỏn ngang tầm mắt, cho cô xem. Cô Trinh đờ đẫn nhìn, không nói được. Chị i sĩ nói: “Cô nằm im. Mẹ tròn con vuông rồi”. Thế là cô Trinh òa lên, khóc nức nở, rồi mê man bất tỉnh. Đứa bé thiếu tháng nuôi trong lồng kính, nhưng ngắc ngoải, từ trong bụng mẹ, nên rất iếu. 5 giờ chiều, đứa bé chết. Cô Trinh đã tỉnh táo. Theo lời bác sĩ, không còn gì đáng lo ngại. Lúc tôi về, bệnh viện vẫn giấu, không cho cô Trinh và mẹ chồng cô biết tin, đứa hài nhi tội nghiệp đã chết.
Một ngày tím. Nhật kí tiếp tục: anh Thái nhắn tôi, ở địa chỉ cây-si-già-rễ-đỏ, là cứ iên trí. Buổi tối, tôi đến bệnh viện. Thường trực không cho vào, chỉ trả lời: “Bình thường”. Tôi hiểu hai chữ bình thường, có nghĩa là con tôi đã chết, như tôi đã kí giấy, đêm qua. Cũng có nghĩa, là Cốm vẫn nằm, trên bàn mổ, máu me bê bết. Nhưng tôi không biết, Cốm có qua khỏi, đúng như trong hợp đồng? Từ bệnh viện, tôi lại quay về, ngôi nhà ba cổng. Ông Phúc vẫn chưa về. 8 giờ tối, tôi xộc vào nhà ông Khang. Ông Khang đang ngồi đọc trinh thám. Ông Khang nói: “Có lẽ sáng mai ông Phúc về”. Nhưng tôi không chờ được sáng mai. Tôi chìa cho ông Khang xem dự tính mới nhất. Trong hiệu ăn, tôi sốt ruột quá. Tôi cứ đi chơi, suốt cả ngày thế này trên phố, trong đầu cứ rỗng tuếch, thế này. Tôi chỉ muốn sơm sớm phát hiện, đứa nào đã giết, con tôi và Tình Bốp. Để sơm sớm nhìn thấy nó bị vào tù, hoặc ít nhất cũng vào trại cải tạo P.Q, và học các bài giảng bắt buộc, về tinh thần tự giác. Nó vào trại, tôi cầu mong, được chính phủ cho tôi vào chức giám thị trại giam, tôi sẽ giám sát nó, không cho một phút lơ là nội qui, của tập thể. Tôi sẽ cắt khẩu phần ăn của nó, từ 13 cân gạo một tháng, xuống chỉ còn 3 cân. Tôi sẽ kiểm tra nó, mỗi buổi sáng, các bài học tư tưởng, của hôm trước, của nhiều hôm trước nữa. Thế nào cũng có bài nó không thuộc. Không thuộc bài, nó sẽ bị tập thể dằn vặt, cho cả tháng. Nhưng đây là sau này, còn tối hôm nay, tôi chỉ muốn biết mặt nó, để cho nó tí diuđô của tôi, lâu ngày không có dịp sử dụng. Tôi biết, lúc này tôi hung dữ, đến mức hung ác. Nhưng trong hiệu ăn, tôi cứ hình dung, như thế này. Tôi hình dung: Cốm nằm trên sân nhà, máu ra đầy một góc sân. Cốm ngồi trên xiclô, máu rỏ thành vệt, từ sân, qua ngõ, qua cột đèn đầu ngõ, qua phố, qua nhiều ngã tư, qua thường trực bệnh viện, qua sân bệnh viện. Máu rỏ vào phòng mổ. Máu rỏ nhiều như thế, đạo đức và luân lí cao cả, để làm gì? Cho nên, tôi cứ luân lí trung bình, là đủ. Bỏ hiệu ăn, tôi lên xe. Tôi hung dữ thế, nhưng buổi tối lại tím, đến kì lạ. 8 giờ tối, tôi chìa cho ông Khang xem cuộn phim, tôi nói: “Tôi chờ ông Phúc vì chuyện này”. Tôi lấy thêm chiếc mùi soa trắng, là mùi soa giả, từ trong túi áo. Chìa cho ông Khang xem, rồi cất ngay vào túi. Tôi nói: “Tang vật quan trọng. Nhưng sao mãi ông Phúc không về? Tôi đã hứa với ông Phúc, nên phải chờ. Nhưng tôi chỉ chờ được, đến chiều mai. Chiều mai, 5 giờ, ông Phúc không về, tôi sẽ nộp công an”. Ông Khang chả buồn nhìn tang vật. Ông cho tôi một gáo nước lạnh. Ông buông thõng một câu: “Đem mà nộp công an”, rồi chúi mũi vào cuốn trinh thám, mặc tôi đứng tẽn tò. Tôi quay ra. Tôi chửi thầm: “Mẹ mày!” Tôi phóng xe, trong gió láo nháo. Tôi tới địa chỉ cây-si-già-rễ-đỏ. Bà Hiếu đan len bảo tôi: “Anh Thái lại nhắn anh lần nữa: là cứ iên trí”. Tôi phóng xe, lên bệnh viện Bạch Mai. Thường trực lúc này là một ông già. Ông này không cho vào. Ông lại trả lời: “Tôi đã nói rồi, bình thường”. Hóa ra, vẫn là người thường trực ban nãy, mà tôi không nhớ mặt. Tôi ra về. Lần này về thật. Tôi về đến ngõ, là 9 giờ 10. Trong ngõ tất cả đều tím, trong ngõ gió láo nháo. Tôi vào nhà. Đóng cửa cẩn thận. Cả cửa sổ, cả cửa ra vào. Không bật đèn, tôi dùng đèn pin. Tôi bố trí dao rựa, dao phay, búa, kìm, mỗi thứ một nơi, trong hai căn buồng, để từ bất cứ chỗ nào, tôi cũng lấy được một vũ khí, phòng thân. Tôi đợi kẻ gian quay lại, để cho ít nhất một thằng què chân, hoặc què tay. Bày trận xong tôi bật đèn sáng trưng. Có rất nhiều tictăc láo nháo, từ đồng hồ đeo tay, trong buổi đêm iên tĩnh. Tôi nhìn khắp nhà, để ghi nhớ những đồ vật, tôi đã giấu ở đâu. Cả một trận địa ngầm, thuần bạch binh, sặc mùi diêm sinh, và nhiều thứ mùi khác. Tôi nhớ, cũng một đêm lạnh như thế này, hai năm trước, một mình quần nhau, với năm thằng nhảy dù, trong tiệm rượu. Thế mà tôi thoát được, chỉ có bàn ghế là bị gãy bị mẻ, vô tội vạ. Đêm nay tôi tin, cũng sẽ như vậy. Tôi làm vài động tác trước gương, để nhớ lại, các bài tập diuđô. Đến 10 giờ, nghe loáng thoáng có tiếng ai, chào chị Hòa ngoài ngõ. Tôi tắt điện, khóa cửa. Tôi chạy sang nhà chị Hòa.