Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần

Tôi không lãng mạn. Nhật kí tiếp tục: thế mà tôi đi thấu sáng. Trong mịt mù khói trắng. Chân tôi đi đâu tôi theo đấy. Chỗ nào cũng khói. Chân đưa tôi lên Giám. Trên Giám có ngã tư Giám. Ngã tư Giám rét. Ngã tư láo nháo khói. Ngã tư láo nháo bóng tối với tường cổ. Ngã tư láo nháo gió và lá. Chân đưa tôi sang ngả bên phải. Bên phải đầy những ngã tư và những cột đèn. Tôi tới Cửa Nam. Cửa Nam có ngã tư Cửa Nam. Ngã tư ngày xưa bây giờ thành ngã sáu. Ngã sáu rét. Chân đưa tôi đến Bờ Hồ. Bờ Hồ có bến xe điện đêm. Có tháp Rùa rét nhập nhòa trong khói trắng. Bờ Hồ không phải ngã tư. Bờ Hồ là cái vòng tròn quay tròn không bao giờ kết thúc. Tôi đi bộ vòng tròn. Thế nào lại thoát được vòng tròn. Nhưng tôi lại gặp ngay một ngã tư. Là ngã tư Hàng Khay. Tôi lại gặp những cột đèn. Nhưng không nhìn chúng. Tôi cứ đi đi. Té ra tôi gặp phố Nhà Thờ. Phố Nhà Thờ có nhà thờ. Nhà thờ láo nháo gió và láo nháo bóng tối. Nhà thờ nhập nhòa trong khói trắng. Tôi vào phố Hàng Bông. Phố vắng. Không vui không buồn tôi không nghĩ gì. Tôi cứ đi đi. Trong lúc đi như thế này Cốm đang nằm bệnh viện. Cái thai đang chết: cái thai đang chết. Cái thai là con tôi. Là con của Cốm. Tôi chưa được thấy mặt nó: để biết nó giống tôi hay giống Cốm. Khổ thân con tôi. Khổ thân Cốm đang nằm nhợt nhạt. Trên bàn mổ nhợt nhạt, Cốm nằm im. Để tôi chọn hoặc mẹ hoặc con. Đời tôi kì lạ đầy tai nạn. Đời mọi người bình thường không biết có nhiều ngã tư. Tối nay tôi đến một ngã tư. Tôi kí tên để con tôi chết. Tối nay tôi đi bộ qua nhiều ngã tư. Nội thành nhiều ngã tư. Đời tôi cũng vậy. Nội thành láo nháo sao mà lắm gió. Sao mà nhiều lá. Sao mà nhiều khói. Tối nay tôi đã chọn sai đường ngã tư. Nếu rẽ ngả khác: tôi đã không nhậu nhẹt với thằng Ngỡi. Nếu chọn ngả khác: tôi đã về nhà trước Cốm. Tôi đã tóm được một trong những thằng thủ phạm. Tôi đã có thể tối nay đi đàng này đàng kia. Đi đàng kia thì ra thế nọ. Mà đi đàng nọ lại ra thế này. Quả là gay go cho những bước chân trên ngã tư. Nếu tối nay chân tôi đi đàng nọ chứ không phải đàng kia: tôi sẽ ở nhà cùng Cốm. Đèn nhà tôi sẽ bật sáng. Kẻ gian sẽ không dám vào. Sẽ không xảy ra chuyện gì. Nhưng biết đâu nếu tôi ở nhà tối nay: tôi đã có lẽ bị thủ tiêu. Cùng với Cốm. Lúc này mấy giờ: không quan trọng. Tôi đã lỡ kế hoạch với Đoành. Lúc này mấy giờ: tôi không xem đồng hồ. Tôi ghé một quán phở đêm. Bởi vì trên phố tôi gặp quán phở đêm. Nhưng cũng chẳng bởi vì cái gì cả. Tôi lại đi. Tôi gặp những nốt chân. Trên những ngã tư khói. Chẳng lẽ tất cả đều nốt chân tôi? Nốt chân người rẽ ngả này: lát sau ôtô thế nào cũng xóa mất. Nốt chân người rẽ ngả kia: biết đâu nốt chân gặp vườn hoa. May rủi hóa ra đều nằm cả dưới đế giày. Để đế giày đưa chân tôi ra tận bờ sông. Tôi đi dọc bờ sông. Gió sông Hồng mới thật sự khủng khiếp. Tôi mà đi mãi thế này thế nào cũng đi hết bờ sông. Thế nào cũng rơi vào biển. Nhưng tôi không đi hết bờ sông. Không đi xem biển khói. Tôi quay lại tìm phố. Tôi nhớ: tôi đã rẽ nhầm một ngã tư. Ngã tư đưa tôi đi ngụy. Ai đã rẽ nhầm một lần thì cứ nhầm mãi. Bởi vì ngã tư này nối ngã tư kia. Nhưng tại sao không thể đi ngược về ngã tư đầu? Tôi đi ngược bờ sông. Về phố. Tôi đi ngược phố. Về một ngã tư. Tôi lại gặp Bờ Hồ. Tôi lại đi đi. Bờ Hồ là cái ngả tròn tròn. Để tôi lại đi tròn tròn xung quanh tháp Rùa đêm. Tháp Rùa đêm nhập nhòa trong khói đêm. Tôi xòe diêm châm thuốc. Khói thuốc bay đi. Lẫn vào phố khói. Tôi lại thoát khỏi Bờ Hồ tròn tròn. Bằng một ngã tư. Nhưng không phải ngã tư Hàng Khay. Ngã tư này nhiều cột đèn Có những cột điện sáng đèn. Có những cột điện không đèn. Những cột đèn nối những cột đèn. Bằng những đường dây điện màu đen. Thành một mạng cột đèn. Cả mạng cột đèn có nhiều đèn. Cả mạng cột đèn có một mạng đèn. Mạng đèn soi soi mạng ngã tư. Không có đèn khó mà tới được ngã tư. Không có đèn thế nào cũng va vấp. Có khi ngã sái chân. Có đèn dễ đi. Dễ đi: nhưng vẫn có người vấp vẫn có người ngã. Người lầm phố. Vẫn có những tai nạn giao thông. Trong một kiếp người, vẫn có những nhầm lẫn ngã tư cũng trong một kiếp người. Bởi vì chiếc xe ấy đã có thể rẽ nhầm ngã tư ấy. Và một người nhầm lẫn đã đến phố ấy trong buổi chiều ấy. Đã nhầm đúng vào giờ ấy. Tôi đưa tay lên sọ. Không phải vì đau đầu. Tôi lại dừng chân bên một ngã tư: tôi rụt rè không định rẽ ngả nào. Biết đâu rẽ ngã tư kia tôi không gặp gió độc? Biết đâu ngả nào không gió thổi? Tôi đưa tay lên sọ. Tôi đứng im: hình như giữa một ngã tư. Tôi không có cả một ai để bắt chước. Tôi đến dưới một cột điện sáng đèn. Nhưng tôi nghĩ lung tung rồi. Tôi giẫm phải bóng tôi trong phố. Bóng tôi đêm nay lúc nào cũng im. Không qua ngã tư: bóng im. Tôi qua ngã tư: bóng im. Rẽ ngả nào bóng cũng im. Bây giờ mấy giờ. Tôi biết: tôi đã lỡ kế hoạch tối nay. Với Đoành. Không cần xem giờ nữa. Bởi vì tôi đi thấu sáng. Không nhìn ai nữa. Bởi vì tôi đi mãi ngoài phố mà chẳng gặp ai. Để nhìn. Nhưng nếu tôi có gặp ai: cũng không ai biết đêm nay tôi mất cái gì. Tôi qua ngã tư Cửa Nam. Ngã tư Cửa Nam đầy khói. Để không thể đếm bao nhiêu nốt chân trên ngã tư. Ai đếm bao nhiêu nốt chân khôn dại. Bao nhiêu nốt chân vui buồn? Ai đếm những ngã tư đời láo nháo nốt chân. Láo nháo cột đèn láo nháo đèn? Đời tôi đã rẽ rồi. Như đã hạ nước cờ không sao đi lại được. Nhưng tại sao tôi cứ ám ảnh: cái ngã tư tại sao ấy. Tôi quên không được. Đi đi không được. Tôi ngồi bệt lề đường. Tôi là đàn ông: tôi không đau khổ. Nhưng tôi muốn khóc. Tôi là đàn ông: tôi không khóc. Nhưng tôi đau khổ lắm. Tôi ngồi bệt mà nhìn láo nháo cột đèn. Láo nháo khói. Láo nháo hàng cây bên đường lá rụng. Tôi nghe gà gáy te te nội thành. Chỗ tôi ngồi không xa có vườn hoa Canh Nông. Tôi lảo đảo dậy: tôi đi tìm vườn hoa Canh Nông. Tôi vào vườn hoa. Tôi ngồi ghế đá. Ghế đá lạnh. Gà gáy te te. Phố bắt đầu mất khói. Vườn hoa cũng bắt đầu hết khói. Là rạng đông rồi. Tôi không mệt. Buồn ngủ cũng không. Tôi đã nói rồi: tôi đi thấu sáng. Bây giờ tôi ngồi. Cùng với rạng đông. Trong một vườn hoa.

Trong một vườn hoa. Qua đêm, nội thành lắng xuống, tất cả tiếng động, và bụi bặm của nó. Rạng đông lên êm ả. Rạng đông trắng nhờ. Tôi bỗng dưng iên tĩnh. Tôi chưa nghĩ gì mạch lạc. Nhưng tôi iên tĩnh. Quanh tôi, nhiều hoa lắm. Hoa đọng đầy sương đêm. Cả lá, cả cành, cả cuống hoa, cũng đọng đầy sương. Cả những luống hoa cũng làm bằng sương. Cả hạt sỏi trên con đường sỏi, cũng làm bằng sương, và bằng ánh sáng của buổi sớm. Sợi cỏ run rẩy. Chim líu ríu. Nhưng tôi không nghe chim líu ríu. Không nhìn sợi cỏ, không nhìn hạt sỏi, luống hoa, không nhìn cả cành, cả lá, cả hoa. Nhưng tôi vẫn biết có tất cả những thứ ấy. Có cả hương sớm của phù dung, hồng đỏ và của rạng đông. Tôi không nghĩ gì cả. Chỉ tự dưng lắng xuống. Tôi ngồi, êm ả trong rạng đông, trong một vườn hoa. 9 giờ khói kết thúc. Tôi cũng kết thúc một ngày dễ nhớ.

XII

Tháng tư 1966. Đồng chí Thái kể: bây giờ tôi là nhân viên, cục phản gián. Cứ như thể 11 năm đã qua, cậu Dưỡng vẫn nằm trong khu vực tôi phụ trách. Hồ sơ của cậu hôm nay, vẫn nằm nguyên vẹn, như gần 11 năm trước. Trong số những bạn bè đồng lứa, cậu có vẻ kín đáo hơn cả, cho nên tôi còn nhớ, tôi đã tin cậy trao một vài nhiệm vụ cho cậu. Xong cuốn sách, anh cho chúng tôi mượn bản gốc nhật kí, để chúng tôi chép lại, và hoàn thiện hồ sơ. Chúng tôi sẽ hoàn lại anh nguyên vẹn. Buổi tối tai nạn ấy, hình như là thứ ba, tôi không có mặt ở hiện trường. Ngay lập tức, nhà Dưỡng được ban bảo vệ khu phố niêm phong. Khi công an chuyên môn đến, hiện trường vẫn nguyên vẹn, nhưng kẻ gian không để lại dấu vết gì. Nốt tay cũng không. Trên sân, có nốt giày batkêt, là dấu vết duy nhất tìm thấy. Hôm sau Dưỡng xem lại đồ đạc trong nhà, không thấy mất gì cả, nhưng các tủ quần áo, bicphê commôt, các xó xỉnh đều bị lục lọi. Đống kỉ vật của Lily để lại, bị xáo trộn lung tung. Lúc ấy tôi nghĩ, có thể để cướp lại tang vật, mà kẻ gian đã phải liều lĩnh, táo tợn, như thế. Buổi tối hôm ấy, tôi nhận được tin báo về tai nạn, nhưng tôi đang làm nhiệm vụ khác. Đúng như giả thuyết của tôi, Nhọn-cằm không đến các cuộc hẹn, để các cô gái phải đợi đến tận đêm, rồi lại ra về tay không. Chúng tôi cử trinh sát theo lão Khang nhưng Nhọn-cằm cũng không xuất hiện. Khoảng 10 giờ tối, tôi đến căn gác nhà cậu Đoành, thấy Đoành bày la liệt sách trinh thám, trên bàn, trên giường, hàng chục quyển. Đoành thuật lại kế hoạch của cậu ta với Dưỡng. Theo đúng kế hoạch, Đoành qua nhà Tình Bốp, khoảng 8 giờ tối, nhưng cổng sắt khóa xích, Đoành đứng gọi mãi, chờ hơn 5 phút, không thấy Tình Bốp xuống mở. Buồng của Tình Bốp có ánh đèn, nhưng toàn bộ ngôi nhà tối om. Đoành phán đoán, một là Tình Bốp ốm, phải đi ngủ sớm, hai là Tình Bốp giả ốm, không xuống mở cửa. Đoành phải quay về. Đoành nói: “Tôi nhức óc vô cùng. Tôi theo ông Dưỡng, tôi đi tìm kẻ gian, chưa tìm được gì, chỉ thấy đau đầu. Tôi xem sách để tra cứu tìm mẹo”. Vậy là, trong lúc Dưỡng uống rượu với Ngỡi, kẻ gian đột nhập nhà Dưỡng, Đoành thì ngồi một mình. Cô Thạch, chị của Đoành, xác nhận cửa sổ buồng Đoành sáng đèn, cả buổi tối. Đến khi Đoành kể, về chiếc mùi soa mật mã, tôi không ngạc nhiên, nhưng tôi biết, thế nào cũng có chuyện không hay xảy ra. Ở đâu, như thế nào, tôi không phán đoán được. Tôi vội lấy xe, để xuống ngay bệnh viện Bạch Mai, tìm Dưỡng. Tôi không biết, Dưỡng có giắt mùi soa trong người, hay vẫn để nhà. Lúc ấy hình như, đã 11 giờ đêm. Trời lạnh và gió. Tới ngã tư S, tôi phân vân không biết Dưỡng có để thư lại cho tôi, ở địa chỉ bí mật không. Tôi quyết định rẽ theo ngả khác, để đến cây-si-già-rễ-đỏ. Nhà bà Hiếu đan len còn sáng đèn. Bà Hiếu trao lại tôi, gói nhật trình của Dưỡng. Tôi không cần đến bệnh viện nữa, tôi đi tìm đồng chí Trần B trên trụ sở. Đồng chí Trần B vẫn làm việc, và theo dõi trực tiếp, diễn biến đêm nay. Đồng chí xem thư và tang vật chiếc mùi soa, chưa xem xong, đã bật dậy. Đồng chí Trần B nói: “Anh kiểm tra nhà Tình Bốp thấy thế nào?” Tôi nói: “Cổng khóa xích. Đèn buồng Tình Bốp trên gác sáng. Trinh sát có mặt khoảng 7 giờ 30 tối. Không thấy ai ra vào, trừ Đoành. Đoành đến gọi cổng một lúc, không được thì bỏ về. Trong nhà tuyệt đối không động tĩnh gì”. Đồng chí Trần B hỏi lại tôi: “Cổng vẫn khóa? Đèn trên vẫn sáng? Từ chập tối?” Tôi nói: “Từ lúc trinh sát đến. Trước đó không rõ”. Đồng chí Trần B vỗ đầu một cái, lẩm bẩm: “Không khéo ta chậm mất rồi”. Sau đó, tôi được trao nhiệm vụ chuyển, chiếc mùi soa và thư của Dưỡng, lên đồng chí Tóc Bạc, trên bộ nội vụ. Để bộ phận chuyên môn cấp tốc mở khóa mật mã. Đồng chí Trần B hấp tấp lạ thường, nhưng không phải vì chiếc mùi soa. Đồng chí đeo bao súng vào nách, khoác véttông ra ngoài, mang theo cả chiếc máy ảnh chụp đêm. Tôi chỉ nghe đồng chí lẩm bẩm: “Chậm, chậm”. Đồng chí Trần B đạp xe xuôi xuống phố. Tôi đạp ngược lên bộ. Nếu tôi nhớ không nhầm, bấy giờ là 12 giờ đêm. Tôi vừa đạp xe, vừa nghĩ. Tôi đặt những giả thuyết, về nhân vật tạm thời mang tên Hắn, về hành động của Hắn đêm nay. Hắn có thể là Dưỡng, là Tình Bốp, là Nhọn-cằm, biết đâu là Đoành, là lão Khang, ông Phúc, cũng có thể là một ai đó, hoàn toàn đứng ngoài danh sách của tôi. Khoảng 12 giờ 30, ở trên bộ về, tôi đến thẳng nhà Tình Bốp. Cổng vẫn khóa, đèn vẫn sáng trong buồng. Không rõ trinh sát nấp ở đâu. Tôi ném xe vào một chỗ khuất. Rồi vượt tường, hệt như thời tôi làm tình báo nội thành. Nhà Tình Bốp tầng dưới tối om. Tôi men sát bờ tường, rồi vào nhà dễ dàng, như có người đã vào trước tôi rồi. Tôi lên cầu thang không một tiếng động. Buồng Tình Bốp có ánh đèn, lọt qua khe cửa. Cửa khóa. Tôi mở cửa bằng chìa khóa nghiệp vụ mở-đâu-cũng-được. Buồng vắng. Ngọn đèn cháy một mình. Không hiểu Tình Bốp biến đâu. Từ buồng Tình Bốp, tôi sang những buồng khác. Tôi không bật điện, mà dùng đèn pin. Tôi đi một lượt, khắp các buồng. Chủ nhân ngôi nhà biến đâu mất. Ngược lại, đã có một người qua đây trước tôi, và để lại dấu vết. Tôi xuống cầu thang, để xem xét toàn bộ ngôi nhà. Không khí có cái gì không bình thường. Xuống được ba bậc thang, đèn điện đột nhiên bật sáng trưng. Tôi chạy ngược lên, sẵn sàng thủ thế chờ. Nhưng có tiếng gọi từ trong buồng, gọi đúng tên tôi: “Mời ông Thái vào đây!” Đồng thời một cánh cửa dưới chân cầu thang mở rộng, như để đón tôi vào.

Tác giả: