Tháng ba 1966. Chị Trinh kể: tối thứ ba sương mù, phố trắng xóa như khói. Em đi làm về, mỏi mệt vì sắp đến ngày sinh cháu, thấy cơm đã thổi, thấy nhà vắng vẻ. Chị Hòa tối thứ hai có dặn, là nhà em đang làm việc, cho anh Thái. Em phải tuyệt đối giữ bí mật, không được tò mò, những lúc nhà em đi đêm, về hôm. Chị Hòa 24 tuổi, mà đã sớm buồn. Một năm trước, chồng chị viết thư về, để chị bỏ anh đi. Nếu chị không lấy chồng khác, anh sẽ không quay về nhà. Mẹ chồng chị nhớ con trai quá, ngày nào cũng giục, chị lấy chồng mới, để con trai bà về với mẹ. Ban bảo vệ khu phố đề nghị: con dâu phải nghe lời mẹ chồng. Em cũng nói với chị Hòa: không phải lỗi của chị, mà ngược lại nếu chị không lấy chồng khác, chị sẽ có lỗi, với mẹ chồng. Chị đã mất chồng. Mẹ chồng chị cũng sẽ mất con trai. Có phải chị gây éo le, cho ba người khác. Anh bộ đội bốn túi, người đưa thư buồn tối hôm nào, cứ chủ nhật, lại đến thăm chị. Em gặp chị Hòa tối thứ hai, thấy chị buồn, hơn tôi chủ nhật. Tôi thứ ba, em chờ nhà em, đến 7 giờ tối, vẫn không thấy nhà em đâu. Em xẻ cơm ra, ủ vào trong chăn, để phần cho nhà em. Em ăn cơm một mình. Hơn 7 giờ, em ra khỏi nhà, khóa cửa cẩn thận, rồi đạp xe chầm chậm, qua nhiều phố rét, phủ đầy sương trắng. Em đã hẹn nhà em, tối nay lên thăm mẹ. Chắc nhà em lại bận việc của anh Thái. Mẹ chồng thấy em, thì mắng cho một trận. Bà cụ nói: “Sắp đến ngày sinh, mày còn đi xe đạp, không kiêng khem gì cả, có bữa tụt mất con, ngoài đường”. Buổi tối hôm ấy, em ngồi với bà cụ, giữa ba tấm liếp tre, với 500 khe hở sáng đèn. Đên gần 9 giờ, thấy cồn cào trong ngực, ngồi iên không được. Nên xin phép, ra về. Dọc đường, bụng ngâm ngẩm đau. Em cố gắng, đạp xe chầm chậm về nhà. Buổi tối rét, như kim châm. Phố đầy sương mù, trắng như khói. Em vội vã dựng xe, rồi mở khóa cửa. Nhà em vẫn chưa về. Nhà tối om. Bật điện, nhưng đèn không sáng. Em chỉ muốn đi nằm, nên dò dẫm, về hướng giường ngủ. Bất ngờ, một ánh đèn pin rọi thẳng vào mặt, làm em lóa mắt, chẳng nhìn thấy gì. Em mắng: “Khỉ vừa vừa chứ”. Nhưng không phải là nhà em. Mà là một cái bóng đen. Bóng đen hẩy em, sang một bên thô bạo. Em hét toáng lên: “Trộm! Trộm! Ối làng nuớc ôi! Kẻ trộm!” Có lẽ em hét to quá, cái bóng đen phải bỏ chạy ra cửa. Quên cả bụng chửa, chẳng nghĩ ngợi gì cả. Vừa đuổi theo nó, em vừa chạy, vừa tóm vạt áo tên trộm, vừa kêu, bằng toàn bộ sức lực. Em tóm được áo nó, rất chặt, rồi bỗng dưng, dưới chân em là một đống lủng củng, những cái gì không rõ. Em ngã sấp bụng, bị kéo đi, rồi rơi vào sương mù, không tìm thấy đâu nữa, bốn bậc thềm gạch lủng củng. Trong tiếng đổ vỡ, của những gì, rất cồng kềnh, như kim loại. Em đau lắm, chưa bao giờ đau như thế. Lúc tình dậy, thấy đang ngồi trên xiclô, thấy phố đầy sưong mù, trắng như khói. Đầu em ngả vai chị Hòa, máu ra ướt sũng, nhuộm tím toàn bộ chiếc quần. Nhiều ngày sau, chị Hòa kể: dân phố nghe tiếng kêu, đổ xô đến. Họ soi đèn, chỉ thấy em nằm sấp, như đang ngủ, trong một vùng máu tím, cùng chiếc xe đạp đổ, lủng củng, trên sân gạch tím. Ông Trung trố vớ được trong ngõ, một cái xiclô, không biết của ai, liền cùng chị Hòa, cho em lên xe. Đích thân ông đẩy xiclô, ra đầu ngõ, rồi lại đích thân ông đạp xiclô, xuống bệnh viện Bạch Mai.
9 giờ khói
Chết tươi. Chết héo. Chết đau. Chết điếng. Chết cứng. Chêt đứng. Chết nằm. Chết đêm. Chết thêm. Chết khiếp. Chết dần. Chết mòn. Chết toi. Chết ngóp. Chết ngất. Chết tất. Chết cả. Chết lử. Chết lả. Chết đứ. Chết đừ. Chết ngay. Chết quay. Chết ngỏm. Chết ngoẻo. Chết thối. Chết nát. Chết hết. Chết sạch. Chết tái. Chết tím. Chết ngồi. Chết sáng. Chết chiều. Chết bỏ. Chết dở.
Nhật kí tiếp tục: đấy là bài học 36 món chết người của ông Trung trố, được hoàn thiện lúc 9 giờ 30, một tối thứ ba dễ nhớ. Ở địa chỉ cây-si-già-rễ-đỏ về, tôi đến nhà Đoành. Trên đường, rất nhiều khói trắng luẩn quẩn chân tôi. Tối nay tại sao khói ở đâu bỗng dưng tràn về, khắp thành phố. 7 giờ 30, Đoành đã quần áo tử tế, đang ngắm vuốt trước gương. Tôi nói: “Đi đâu?” Đoành nói: “Căng óc quá, tao định đi bát phố, rồi đi xinê buổi 9 giờ. Không ăn thua. Thằng Ngỡi cóc biết gì về Tình Bốp cả. Nó chỉ biết Tình Bốp hiểm hóc, thủ đoạn, cáo già, thầy dùi. Vậy thôi. Tao nghĩ suốt chiều nay. Tại vì mình không có mồi, không có mồi, không nhử được kẻ gian. Nên đã thấy nản. Nghĩ mà không ra mẹo”. Tôi cáu. Tôi biết tính thằng này. Tổ sư, chỉ bàn tính hão. Nó nói một lúc, cả thế giới không ai bằng. Bắt tay vào việc ngược lại, nó không bằng ai trên thế giới. Tôi nói: “Iên trí”, rồi móc túi, lấy cuộn phim, chụp lúc nãy. Tìm cái kéo, tôi cắt cho nó một pô. Nó soi lên đèn, không hiểu gì cả. Tôi giải thích chưa hết, nó đã hiểu ngay: bao giờ nó cũng hiểu rất nhanh. Nó nói: “Ăn rồi! Ăn rồi! Chúng mày chết với ông. Tang vật rành rành. Hóa ra bấy lâu nay, thằng Tình Bốp hại mày, là vì mảnh mùi soa tim la này. Bây giờ mày phải làm theo tao”. Rồi nó dạy tôi, làm như nó là người chỉ huy, làm như tôi là người thực hiện, làm như tôi và nó đã phân công hôm qua, như vậy. Nó dạy tôi như sau: 1, tôi phải bí mật đi báo công an. 2, tôi đem tang vật ra dọa Tình Bốp. 3, tôi dọa nhưng phải có kiểu dọa, là dọa miệng trước, rồi dọa bằng bản chụp, rồi cuối cùng mới bằng tang vật thật. 4, tôi dọa Tình Bốp hôm trước, hôm sau nó sẽ sang nhà Tình Bốp dọa tiếp. 5, tôi phải làm nhanh. 6, làm nhanh nhưng tôi phải bình tĩnh. 7, tôi được đem phim ảnh sang nhà Tình Bốp, nhưng tuyệt đối không đem tang vật theo người. 8, là vân vân. Tôi nói: “Đồng í, đồng í”, là đồng í cho qua chuyện. Bàn suông kiểu này, hết cả buổi tối. Đến lượt tôi chỉ huy lại nó. Tôi nói: “Bây giờ, mày sang ngay nhà Tình Bốp. Cho nó xem cái phim ảnh này. Mày giải thích với nó, là vợ thằng Dưỡng sắp đẻ, thằng Dưỡng cần tiền, muốn rao bán chiếc mùi soa. Mày rao giá bán. Để xem nó phản ứng thế nào? Mày bảo Tình Bốp nếu không mua, thằng Dưỡng sẽ bán cho công an”. Đoành xoa xoa hai bàn tay vào nhau. Nó nói: “Được, được. Dễ lắm”. Tôi nói: “Mày sang ngay đi. Bây giờ là sắp 8 giờ. Làm thế nào khoảng 9 giờ xong. Mày về. Tao sẽ sang nhà nó lúc 9 giờ 15. Nhớ chưa?” Đoành đứng nghĩ một lát. Lúc 8 giờ đúng, nó đổi nét mặt, đưa trả tôi cái phim. Nó nói: “Tao nghĩ lại. Không cần phim. Dọa mồm thôi. Nếu tao có cái phim trong tay, Tình Bốp sẽ thấy tao biết vấn đề sâu sắc quá. Tao sẽ trở thành một đối tượng phải thủ tiêu, ngang với mày. Thành nhân vật quan trọng ngang với mày, tao không dám”. Tôi nói: “Thằng này nhát. Thôi được. Mày đi đi! Nhớ xem đồng hồ!” Đoành đi luôn. Tôi cũng đi. Tôi phóng xe vào đám khói trắng, để sang nhà Ngỡi. Tôi muốn biết tình hình mới nhất.
8 giờ 10, tôi bước từ khói, vào hàng phở Ngỡi. 8 giờ 10, hàng vắng khách. Tôi vứt năm nghìn, bảo Ngỡi dọn mâm trong nhà, để hai thằng đánh chén. Ngỡi gọi vợ ra trông hàng, rồi đưa tôi vào nhà. Tôi ngắm ba gian nhà, thấy dán đầy khẩu hiệu, ảnh lãnh tụ, và 13 lá cờ của 13 nước xã hội chủ nghĩa. Ngỡi dọn mâm: mâm có đĩa cổ cánh gà, có hai bát xương bò hầm, có nửa chai rượu quê. Toàn bộ đàn ông khu phố gọi, đây là món Bốc Mả. Tôi và Ngõi ngồi đối mặt, chưa kịp bốc gì, Ngỡi đã nói: “Đàn anh gay đấy. Ông Trung trố lập án đàn anh, phen này rất nặng”. Nhưng chỉ nói vậy, nó cúi mặt gặm xương, rồi kể sang chuyện khác. Nó nói, Chắt đi làm được nhà máy bầu, là cá nhân xuất sắc, Tình Bốp vẫn bán càphê, cứ hai ngày lại gọi nó, đến hầu rượu một lần. Nó vừa kể, vừa ăn, vừa uống, vừa chạy ra chạy vào. Mâm rượu vì thế mà đuểnh đoảng. Đến 9 giờ kém 10, tôi ném cho Ngời hai nghìn, bảo cho các cháu ăn quà. Rồi hỏi luôn vào chuyện ông Trung trố. Nó gấp tiền bỏ vao túi áo, và nói: “Thế này đàn anh ạ. Ông Trung trố gọi đàn anh là phần tử nguy hiểm, và nghi vấn, số 1, của thành phố. Tất cả những gì đàn anh làm, theo ông, đều là diễn kịch”. Tôi nghe vậy, chỉ biết là không có gì mới. Không có gì mới, bởi vì ông Trung trố nhổ toẹt vào tất cả, mọi công sức lao động của tôi. Không đi làm, ông bảo tôi có sức khỏe, mà dối trá. Đi làm, ông kết án tôi đóng kịch. Tôi ngồi chết lặng, bên món Bốc Mả của Ngỡi, chả thiết bốc thêm gì nữa. Nhưng, sau đó tôi sống lại, vì sọ gọi tôi dậy. Đúng là, nhờ ông Trung trố, tôi vừa sống vài khoảnh khắc hiếm có. Là những phút, chết đi, sống lại. Là những cảm giác lạ, của người đã quen nhiều cảm giác lạ. Với ông Trung trố, tôi thường xuyên được nếm, những cảm giác hiếm có: là những lúc người ta đi vào cái chết. Nếu nhẩm tính lại, chết cũng có 36 món, i như trong thánh kinh, đủ để giết sạch, mọi mầm mống tích cực, tiêu cực, trong tôi. Cho nên tôi nhẩm đếm, trong lúc ông Trung trố mượn mồm thằng Ngỡi, tiếp tục lải nhải, dài 40 phút không nghỉ.
Đếm xong 36 món chết thành thục, tôi trở thành, phần tử nguy hiểm nhất thành phố. Mọi vấn đề của tôi, là do tôi đóng kịch. Cả chuyện thằng nhọn cằm. Cả chuyện ổ rắn giun, dưới chăn. Cả sinh mạng của tôi, bị đe dọa. Cũng là do tôi đóng kịch, để đánh lạc hướng công an. Khu phố và công an hẳn hài lòng lắm, nếu tôi đúng là kẻ gian thật, nếu tôi đúng là thằng đã bắn, phát súng năm trước, nêu tôi đúng là người của Phòng Nhì, cài lại. Tôi mất bảy nghìn tối nay, để được biết tôi là ai, cũng xứng đáng.
Sau 36 món chết người, nhìn đồng hồ đã 9 giờ 30, tôi đã muộn hơn kế hoạch 15 phút. Tôi đứng dậy chào ông Trung trố, và thằng Ngỡi, tôi về. Tôi phóng xe, qua đám khói trắng, sang nhà Tình Bốp. Tôi vừa đạp xe, vừa đếm lại 36 món chết người, mà ông Trung trố dạy tôi, từ một năm nay, nhưng bài học chỉ được hoàn thiện tối thứ ba vào lúc 9 giờ 30. Miệng tôi đếm được một món, chân tôi đạp được một vòng, đều đặn.
9 giờ 30, tôi đếm. Tôi đến đầu phố M. Tôi đến giữa phố M. Tôi đến cuối phố M. Tôi đến dưới một cột đèn. Tôi đến một ngã tư, láo nháo khói, láo nháo cột đèn và lá mùa đông. Ngã tư có bốn ngả: một ngả rẽ về nhà tôi, một ngả về nhà Tình Bốp, một về nhà Chắt, một về nhà Đoành. Tất cả chìm trong khói trắng.
9 giờ 35 ở ngã tư khói, tôi thấy người láo nháo trong khói, đầy lối vào ngõ nhà tôi. Cảm giác có chuyện bất thường, tôi bèn rẽ vào ngõ. Bác Mẫn vừa thấy tôi, vội nói: “Anh đạp xe ngay, xuống bệnh viện Bạch Mai”. Tôi đứng chết lặng. Bác Mẫn kể nhanh, chuyện gì đã xảy ra, tôi nay. Bác giục: “Sao còn đứng đấy. Anh xuống ngay, xem chị thế nào. Nhà cửa có chúng tôi trông. Tôi cũng đã cử người lên báo tin cho mẹ anh rồi”.