Tôi nói: “Thứ bảy vừa rồi, có một chuyện. Tacxi mới đi một chuyến, ông Phúc đã đánh xe về. Ông bảo, nhà có giỗ. Bà Phúc giết gà, thổi xôi, rồi thắp hương. Ông bà không mời ai, ngoài tôi. Ông Phúc kề cà với tôi, lâu lắm. Ông cho tôi uống, rượu mật ong rất say. Ăn xong ông bảo, tôi đi ngủ trưa. Tôi xuống sân, mở khóa, vào buồng riêng của tôi. Tôi bật đèn và lật chăn lên, định làm một giấc. Tôi luôn có thói quen trước khi đi ngủ, tôi rũ lại chăn chiếu, cho sạch. Lần này, tôi say, nhưng vẫn kiểm tra, xem giường có sạch không. Tôi thấy dưới chăn, cả một ổ rắn giun, là loại cắn ai, thì không cứu được. Tôi vớ vội chiếc giày, giết được mười ba con. Tôi kinh hãi quá, nếu cứ thế chui vào chăn, tôi đã bị chúng bò vào tai vào mũi, cắn chết. Tôi mang đống rắn giun, cho ông bà Phúc xem. Ông Phúc nói sẽ đi báo bảo vệ khu phố. Tôi cũng cho ông Khang xem. Ông Khang bảo ông Phúc cố tình cho rắn giun vào giường. Bà Phúc, ngược lại, gọi tôi ra, bảo bà nghi ông Khang. Tôi hút chết. Tôi quyết định đến gặp các anh, cũng là vì thế”. Nói rồi, tôi lấy trong túi áo, mười ba cái xác rắn giun, gói trong tờ giấy. Tôi mở ra để giữa bàn. Hai anh cúi đầu xem. Anh Thái gật đầu. Anh Trần B nói: “Không hiểu trong ổ này, con nào là bố, con nào là mẹ, con nào là ông bà, con nào là con, là cháu. Hay là một ổ rắn giun năm cha ba mẹ?” Dưới đèn điện vàng, đống rắn giun nằm lều nghều, be bét từng chỗ, nom sởn gai ốc. Anh Trần B nói: “Trong bữa cỗ, ông Phúc bà Phúc có ngồi liền với anh không? Có ai vắng mặt lúc nào không?” Tôi nói: “Bà Phúc đi lại luôn, để hầu cỗ. Ông Phúc cũng đi tiểu vặt. Không biết bao nhiêu lần”. Anh Trần B nói: “Chúng tôi chưa thể nhận định, ngay hôm nay. Nhưng tình hình có thể đã đến lúc găng. Anh về, phải hết sức cảnh giác. Anh vẫn đi làm, như thường lệ, như không có chuyện gì xảy ra”. Trước khi tôi về, anh Thái nói. Suốt buổi im lặng, bây giờ anh mới nói. Anh dặn tôi từ nay, lấy địa chỉ này, để liên lạc với anh. Có việc cần gặp anh, tôi cứ viết thư, trong thư hẹn giờ gặp, và đưa thư, cho bà Hiếu đan len.
Thế là vào một ngày bất thường, tôi không được công khai, đến đồn công an, tìm anh Thái nữa. Trước kia, tôi không phải giấu ai cái gì. Bây giờ tôi có cả một bí mật, dành cho ba người. Tôi về nhà. Đứng một lúc ngoài vườn. Vườn lả tả lá. Là vườn mùa đông. Là buổi chiều đông. Trên đường về tôi mua thịt vịt quay, kiệu và dưa muối. Tôi thổi cơm xong lúc 5 giờ. Rồi đợi Cốm về. Trong lúc đợi tôi ra đứng, trước gương. Bóng tôi trong gương nghĩ đi đâu. Còn tôi nghĩ về năm trước: những ngày tiếp quản đầu tiên, những ngày đẹp trời, những ngày như ổ gà nhấp nhổm, những ngày có bóng diều hâu. Tôi tiếc nhiều, những ngày vô tư không một áng mây chính trị, những ngày không một câu hỏi trong đầu. Một năm rồi, trôi nhanh quá. Bao nhiêu tờ lịch tôi xé: những tờ lịch xuân, lịch hè, lịch thu, những tờ lịch đông. Năm trước tôi còn rong chơi các phố. Năm nay khác rồi. Năm nay tôi không ra phố, vô tư như năm trước. Năm nay tôi là thằng đi đêm, trong thế giới đầy ánh sáng. Trời sáng bạch, tôi và sọ tôi và bóng tôi, cả ba vẫn đi đêm. Tôi nhìn ra vườn lả tả lá. Là vườn chiều. Tôi đã cùng nhật kí đi ngược năm tháng: tôi không về tuổi sơ sinh, mà lạc vào một vòng tròn lủng củng của thời tiết. Lại một thử nghiệm thất bại nữa, về tác động của nhật kí, đến thời gian và người viết nhật kí. Sọ tôi bảo mấy ai đi ngược được quyển lịch. Tôi đồng í: mỗi ngày của nhật kí phải đóng khung, trong 24 giờ riêng biệt, để mỗi ngày trọn vẹn một tờ lịch, để mỗi ngày khỏi phải lo lắng cho hôm qua, cho ngày mai, ngày kia. Sọ tôi cũng bảo: để bây giờ chỉ là bây giờ không thể là hôm qua. Bây giờ, là thứ hai. Nhưng tôi không làm gì vào thứ hai: thứ hai tôi không đi làm. Bây giờ, là một ngày bất thường: tôi bắt đầu thuộc về một chương trình không công khai, không tên gọi, không phương pháp hoạt động. Tôi chỉ có các chi tiết, nối vào nhau, được một mẩu dây xích, dở dang. Tôi tự đi tìm phương pháp. Theo sách trinh thám, mỗi thám tử là một phương pháp: phương pháp lí sự tôi thích nhất, phương pháp ngửi tôi cũng thích nhất. Có lẽ tôi cần cả hai: khi sọ tôi lí sự, tôi đi ngửi các sự kiện, khi mũi tôi đánh hơi, sọ tôi suy nghĩ. Cũng theo sách trinh thám, tôi phải làm thám tử cho tôi. Việc thứ nhất của mọi thám tử, là tìm mục đích của sự kiện. Việc thứ hai của thám tử, là đặt câu hỏi tại sao. Việc thứ ba là lí sự, trên những giả thiết. Phương pháp này không giống phương pháp của anh Trần B, cũng không giống của anh Thái. Hai anh đi về hai kinh nghiệm khoa học khác nhau, và cả hai đều phê bình giả thiết. Đơn giản vì hai anh không được đào tạo làm thám tử. Trời ập tối từ lúc nào. Tôi nghe, thấy lá rơi lả tả, ngoài vườn. Tôi không bật điện. Ngồi mãi, trong bóng tối. Tôi suy nghĩ.
Một ngày bất thường, bất thường cả sáng, cả chiều cả tối. Tôi bắt đầu chương trình của người thám tử. Buổi tối, tôi sang nhà Đoành. Trước mặt tôi là thằng Đoành, nằm dài trong chăn. Thấy tôi, nó nhỏm dậy, để tôi nhìn thấy, toàn thân bôi phẩm xanh. Nó chỉ vận cái quần đùi, như thể đang mùa hè vậy. Tôi nói: “Mày bị tim la đầy người”. Nó nói: “Bị lở”. Nó đang phải tiêm xtrep, đồng thời bôi thuốc. Nom nó bể dâu thảm hại. Tôi ngồi xuống ghế. Nó mặc thêm quần áo, cho khỏi lạnh, rồi đem rượu ra rủ tôi uống. Nó vẫn kiếm đâu ra rượu tây, một chai Brăngđi đàng hoàng. Nó nói: “Hôm nào tao khỏi, tao sẽ khao mày một chầu. Để báo tin mừng, tao sắp được vào hát, ở đài”. Tôi hỏi: “Đài nào?” Nó nói: “Đài phát thanh”. Tôi hỏi: “Ai xin cho?” Nó nói: “Ông Tóc Bạc”. Tôi hỏi: “Tóc Bạc nào?” Nó nói: “Trên bộ nội vụ”. Tôi hỏi: “Lại nói dối?” Nó nói: “Không. Không dối tí nào. Đầu đuôi thế này. Tao hát ở rạp M, đúng vào buổi tối ông Tóc Bạc và anh Thái ngồi trong đống khán giả. Ông nghe tao hát, thấy thích mới hỏi anh Thái, ai mà hát giọng nam trầm. Anh Thái kể chuyện. Ông Tóc Bạc nói, những người có vết bẩn là ngụy quân, thì phải gột cho sạch. Sau đó, ông can thiệp bên đài phát thanh, để họ nhận tao vào hát”. Tôi hỏi: “Mày nói chuyện với ông ta à?” Nó nói: “Không. Chị Hòa kể lại như thế”. Tôi nâng cốc chúc nó, mà tủi thân. Có gặp ông Tóc Bạc, cũng chẳng ăn thua gì: vì tôi không biết hát. Nhưng uống hết một cốc, tôi lại nghĩ chắc chắn nó nói dối, chắc chắn nó đã lập công gì đó, với công an. Tôi hỏi: “Mừng cho mày, thành người nhà nước. Tại sao công an giúp mày nhiều vậy? Có mẹo gì, mách cho tao với”. Nó cười hớ hớ. Mồm như mồm giải. Nó nói: “Mẹo tim la thì vô khối. Nhưng mày đoán tao khá, là vì sao?” Tôi hỏi: “Ắt không phải vì giọng nam trầm? Thiếu gì đứa giọng nam trầm”. Nó nói: “Đúng. Nam trầm không hơn gì nam cao. Thằng Chắt không nam trầm, vẫn thành người nhà nước. Ở miền Bắc bây giờ, số may cũng chẳng bằng tích cực. Tích cực là nhất”. Tôi rót thêm rượu: tôi muốn say và muốn Đoành say, một thể, để hai thằng cùng cởi mở. Tôi muốn nó giúp tôi. Chương trình thám tử của tôi cần có bạn. Tôi chọn Đoành, vì nó vừa say mê, vừa thông thạo sách trinh thám, cũng vì nó dối trá giỏi. Tôi rót thêm rượu lần thứ ba. Tôi nghe phố lạo xạo, từ xa vọng vào. Nhưng cũng có thể là gió lạo xạo, bên cửa sổ. Tôi vào đề. Tôi nói, là như thế này: tình hình đã đến lúc găng, găng cho cả tính mạng tôi. Tôi cần nó cộng tác, để tìm thủ phạm. Nó gật đầu. Nó nói: “Bây giờ tao mới dám kể, tao nghi Tình Bốp từ lâu rồi. Nhưng mày chơi thân với nó, tao không can được, cũng không dám can. Tao đứng xa tao nhìn, thấy mày như con kiến, mày bò trên cái miệng chén. Để tao kể cho mày nghe”.
Nó nói: “Tháng chạp năm 1953, một tối mưa to, tao đang nằm nhà, thì Tình Bốp đến. Nó đội mũ phớt sùm sụp, mặc áo paravec-long-tong nước mưa. Nó đặt lên bàn, một chai cônhăc giấu trong nách. Rồi rút túi áo, thêm cái bánh mì và gói dămbông. Kể ra thì dài. Mày muốn nghe tóm tắt hay nguyên văn?” Tôi nói: “Vừa tóm tắt, vừa nguyên văn. Miễn lí sự. Miễn tả cảnh”. Đoành nói: “Khó thế. Thôi được, để tao kể tiếp”.
Thế rồi nó kể: Tình Bốp để chai cônhăc lên bàn, nó bảo tao đóng chặt các cửa lại, thằng nào đến, cũng không mở, tắt điện đi, và đốt nến lên. Tao đóng cửa, tắt điện và đốt nến. Bên ngoài mưa gió ào ào, đẹp như phim trinh thám. Uống được một lúc, Tình Bốp bảo tao: “Đêm nay quan trọng, quan trọng nhưng cũng chẳng có gì. Mày đọc trinh thám nhiều, tao đọc ít, giờ tao hỏi mày trả lời. Cho rượu thêm ngon. Tao với mày uống, đồ nhắm là trinh thám.” Tao nói: “Được. Giải sầu như vậy, không mất xu nào”. Nó hỏi tao, làm chỉ điểm thì có lợi gì, có hại gì, có nguy hiểm gì, làm chỉ điểm thì phải nói dối thế nào, khi bị lộ thì chạy thoát thế nào. Nó hỏi, làm tao căng thẳng. Tao nói dối lung tung. Nó có đọc sách chính trị bao giờ, mà biết. Tao kể nó nghe, chuyện Bóng Người Trong Đêm, và chuyện Bàn Tay Sáu Ngón. Nhưng nó không thích, nó hỏi: “Trong sách có nói, nếu bọn Phòng Nhì rủ ai làm việc cho chúng, không làm sẽ bị trừng phạt thế nào không?” Tao nói không. Nó nói: “Thịt. Chúng sẽ thịt. Chúng đã rủ ai, chỉ có hai cách, hoặc đồng í, hoặc bị thủ tiêu”. Mặt nó lúc ấy gớm ghiếc, nhất là nụ cười nhiều ngụ í của nó. Làm tao rợn. Nó nói: “Ví dụ thế này: Phòng Nhì rủ mày, làm cho nó, mày đồng í, mày phải đồng í”. Dạo ấy đang cần tiền, đang mê Lí Hà, thiếu tiền thật, nhưng tao sợ. Tao giả say, nói cười lung tung. Tao nói: “Mày là thằng Việt minh được Phòng Nhì cử đến đây, dò xét. Nhưng mày là bạn thân, đừng làm thịt tao, nếu không tao sẽ thành ma, tao quấy quả mày”. Rồi tao vờ, nằm lăn ra sàn gác mà ngủ. Xuân 1954, một chiều tao bắt gặp Tình Bốp vào nhà thằng Macxen. Lúc ấy trời nhá nhem, tao nấp ở đầu ngã tư. Sau đó, thằng Macxen phóng xe đi. Sau đó nữa, Tình Bốp ra, ngó ngược ngó xuôi, rồi ngược lên phố. Tối hôm ấy, một anh cán bộ nội thành bị thằng Macxen chăng lưới bắt. May mà chúng không nhìn thấy tao”. Tôi nói: “Sao mà không báo công an?” Đoành nói: “Báo rồi. Tình Bốp có thể còn giết nhiều người nữa, mà mình không biết, mày là con kiến bò miệng chén. Mày thấy chưa: chơi với nó, mà không biết nó là ai. Tao biết, nên tao lảng ra. Mày thân với nó, lúc ấy tao nói, mày cũng không tin. Hồi bé, ba thằng bọn mình là con chấy cắn ba. Từ lúc đi ngụy, nó khác hẳn. Tao với mày đi ngụy vì bắt buộc, cũng vì lạc thú, không dám rời Hà Nội đi hậu phương. Nó đi ngụy, để làm chỉ điểm, cho thằng Macxen”. Tôi nghe Đoành kể, tôi choáng. Chúng tôi ba thằng thân nhau nhất. Tôi có việc gì cũng kể, cho chúng nó. Trong khi đó, Tình Bốp và Đoành giấu tôi nhiều việc. Tình Bốp, bàn tay nó ám muội, cố nhiên mồm nó phải nói dối. Nhưng còn Đoành, tại sao phải giấu giếm? Hay chính nó cũng có tội? Tôi rót thêm rượu, để che kín, mấy í nghĩ trong sọ. Gió lạo xạo ngoài phố, nhưng cũng có thể là gió ngoài cửa sổ. Tự dưng tôi thấy nó khả nghi. Nó là đối tượng số 2, sau Tình Bốp, để mũi tôi ngửi, xem nó có mùi gian ác. Không để í cái mũi tôi, Đoành say sưa kể tiếp.