IX
Một ngày bất thường, anh Thái hẹn gặp tôi, 2 giờ chiều, ở địa chỉ X. Địa chỉ X nằm trong một phố nhỏ, rợp mây mùa đông. Trước cửa địa chỉ X có cây si già rễ đỏ. Tôi làm đúng lời anh Thái dặn buổi sáng: tôi dắt xe thẳng vào cổng, không chào hỏi ai, cũng không có ai, ngoài cổng. Tôi để xe, rồi cứ thế ẩy cửa vào, buồng ngoài không có ai. Anh Thái ngồi đợi, ở buồng trong: có thêm một anh nữa, tuổi ngoài 30, vận bộ comlê xám, đội mũ phớt cũng xám. Anh Thái đứng dậy giới thiệu: đây là anh Trần B, cấp trên trực tiếp của anh. Tôi nhớ lần đầu tiên khi gặp anh Thái, tôi đã phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu, thấp bé nhất. Cho nên bây giờ tôi nhìn xung quanh: buồng có một bàn và ba ghế, cao như nhau, một giường cá nhân góc tường. Mọi cửa sổ và cửa ra vào đều đóng kín. Đèn điện bật sáng, nên phòng rất ấm. Mùi trà thơm ngát: không phải mùi nhài, cũng không phải mùi sen. Tôi tự nhủ, tại sao lại cần cả anh cấp trên. Biết thế này, tôi đã không mách lẻo cho đỡ bú dù. Anh Trần B như đọc được í nghĩ tôi, anh nói: “Anh đừng ngại. Mình nói chuyện chơi, với nhau thôi. Tôi có đọc thư, anh gửi anh Thái, cho nên tôi đến, gặp anh. Công an là của dân, vì dân. Anh giúp chúng tôi, là rất tốt. Thấy chuyện gì lạ, anh cứ kể đúng, không cần đặt giả thiết. Có những chi tiết. tưởng vô nghĩa, lại giúp chúng tôi, rất nhiều. Anh đừng ngại. Anh uống nước đi”. Tôi uống trà, thấy trà rất ngon. Tôi châm thuốc và bắt đầu kể. Tôi nói: “Tôi làm phụ lái cho ông Phúc, đã 3 tháng. Tính tôi vốn đa nghi. Vì nhiều việc xảy đến quá. Những điều tôi sẽ kể, có khi cũng là do cái tính tôi, nó đa nghi. Nếu rơi vào giả thiết, các anh bỏ qua cho tôi”. Anh Trần B nói: “Không sao. Chúng tôi có trách nhiệm, của người nghe. Anh biết gì cứ nói”.
Thế là tôi kể, như thế này: Tình Bốp có giữ một số sách, tôi cho mượn. Chủ iếu sách trinh thám tiếng Pháp. Một hôm trên tacxi tôi táy máy, mở nắp hộp để đồ lặt vặt. Mọi khi vẫn khóa, hôm ấy tự dưng mở được ngay. Thay vì thấy dụng cụ chữa xe, tôi lại thấy cuốn truyện Tiếu Lâm của tôi. Tôi định cất vào túi áo, thì ông Phúc trông thấy. Ông vội giật lấy, cho ngay vào hộp, khóa lại. Ông có vẻ quá bất ngờ, nên không kịp nói, một câu giải thích. Lúc ấy cũng bận rộn, nên ông chỉ hất hàm, ra hiệu tôi tiêp tục công việc. Thái độ của ông làm tôi bực mình. Tôi tự hỏi, bằng con đường nào, sách của tôi ở nhà Tình Bốp, lại đến tận đây? Sách của tôi, không kí tên: vì thằng nào ăn cắp sách, chỉ xé cái chữ kí, là tôi mất. Cho nên bao giờ tôi cũng để một dấu hiệu chỉ mình tôi biết, trên bìa sách. Sách của tôi, chỉ cần thoáng nhìn, thấy cái bìa sách, cái gáy sách, là nhận ra ngay. Ông Phúc đọc báo thì có, đọc sách thì không bao giờ. Lục cả nhà ông, tìm không nổi một cuốn. Thế mà một lần, tôi bắt gặp bà Phúc, một mình trên gác, đang đốt một cuốn sách. Thấy tôi, bà nói: đốt đi để khỏi rác rưởi đầy nhà. Trong đám lửa, thấy cuốn Kì Phát Giết Người, tôi cho Tình Bốp mượn. Tôi nhận ra ngay, vì tôi đóng bìa lại cho nó, và cắt hình vẽ khác, dán lên trên. Tôi hỏi: “Sách kia của nhà ta? Hay mượn của ai?” Bà Phúc nói: “Anh này hay nhỉ. Anh hỏi lôi thôi vậy làm gì?” Rồi bà kều lửa, cho cháy to hơn, và phi tang cuốn sách. Ông Phúc ở phòng bên sang, tôi nói chuyện qua quít với ông, rồi xuống hiệu sách cũ của ông Khang. Tôi vẫn thường xuyên vào, để mua sách trinh thám. Mà không lần nào tìm được sách của tôi, trong hiệu sách cũ của ông. Tôi hỏi ông Khang: “Ông Phúc có bao giờ mua sách ở đây không?” Ông Khang nói: “Không. Tôi với vợ chồng ông cả năm không hỏi nhau một câu, còn mua bán gì”. Nói rồi, ông Khang ngồi, nói xấu ông Phúc. Do đó tôi mới biết, lí lịch vợ chồng ông Phúc.
Tôi dừng lại, vì không thấy hai anh hỏi gì cả. Tôi dừng, để hai anh muốn hỏi gì thì hỏi. Thế rồi tôi kể tiếp, như thế này: Quay về chuyện mấy cuốn sách. Tôi cứ phân vân mãi, không hiểu, vì sao chúng lại ở nhà ông Phúc, và tại sao, bà Phúc lại đốt sách của tôi, trên gác vắng. Sao không mang, xuống sân mà đốt, cho an toàn. Sau đó, ông Phúc mời tôi đi ăn thịt chó. Ông nói: “Tôi là bảo vệ khu phố, cái gì cũng phải gương mẫu. Ở nhà tôi, những sách báo cũ, văn hóa đế quốc để lại, khắp các xó xỉnh. Tôi bảo nhà tôi, thấy là phải đốt hết”. Ông nói vậy, nhưng tôi không tin. Tôi nhiều kinh nghiệm trinh thám: tôi vào nhà ông hằng ngày, đâu có nhìn thấy văn hóa đế quốc quanh các xó xỉnh, như ông nói. Tôi bèn đến nhà Tình Bốp, tôi đòi sách. Tình Bốp tìm, rồi trả lại, thiếu mất hai cuốn tôi thấy ở nhà ông Phúc, thiếu cả một cuốn trinh thám loại bìa láng bóng nữa. Tôi nói: “Mày bán sách của tao rồi”. Tình Bốp nói: “Bán được mấy xu. Tao không nhớ đã để đâu mất”. Tôi thấy Tình Bốp thật thà. Nhưng tôi cứ tiếc mãi mấy cuốn sách.
Tôi dừng lại. Anh Thái có vẻ suy nghĩ. Anh Trần B vẫn thản nhiên. Hình như, hai anh đã thỏa thuận, từ trước: anh Thái không nói gì, chỉ một mình anh Trần B nói. Anh Trần B hỏi tôi: “Anh phân tích sự kiện thế nào?” Tôi nói: “Tôi không phân tích, tôi đặt giả thiết. Ông Phúc và Tình Bốp có liên lạc, với nhau. Tình Bốp tuyên bố không quen ông Phúc. Ông Phúc khẳng định chưa bao giờ gặp bốn thằng bạn tôi. Nhưng qua chuyện mấy cuốn sách, tôi nghĩ họ giấu tôi quan hệ của họ. Thế là tôi không tin lòng tốt của ông Phúc nữa”. Anh Trần B nói: “Như thế là phân tích, trên hai sự kiện. Như thế không phải là giả thiết. Kết quả của phân tích, là họ nói dối anh. Bây giờ anh kể, tất cả những gì anh biết, về ông Phúc”. Tôi nói: “Tôi thấy, ông ta quá khôn, quá khéo, cho nên không thật. Trong việc ông đối xử với tôi, cũng quá tốt, cho nên không thật. Cái gì quá, cũng không thật”. Anh Trần B cười. Anh nói: “Như thế là giả thiết. Giả thiết là cảm tính. Không phải thế đâu. Không phải trường hợp nào cũng như thế. Những khi rượu say, ông Phúc thường hỏi anh, những chuyện gì?” Tôi nói: “Đủ chuyện. Rượu vào thì bốc, nên tôi kể hết, các chuyện rắc rối, của tôi với tôi, của tôi với bạn bè, tôi với khu phố. Ông Phúc bảo, hôm nào ông sẽ trao đổi, với anh Thái, về chuyện của tôi. Ông nói anh Thái giỏi lắm, anh Thái dụ dỗ bọn thằng Hoóng, để chúng nó khai ra hết. Khai xong, thì cả lũ bị bắt bỏ tù”. Đến đây, tôi ngồi im. Anh Trần B nói: “Anh kể tiếp đi. Ông Phúc nói gì nữa, về anh Thái?” Tôi nói: “Ông Phúc bảo, anh Thái nghĩ gì trong đầu, có trời biết. Ông Phúc cũng nói, thằng nhọn cằm có thể là người của anh Thái. Có lúc tôi tin, có lúc tôi không tin”. Anh Trần B nói: “Anh không tin là giả thiết. Anh tin cũng là giả thiết. Chúng tôi hiểu anh. Ông Phúc còn nói gì nữa?” Tôi nói: “Ông Phúc hay kể về ông Tóc Bạc. Ông Tóc Bạc phụ trách phản gián, trên bộ nội vụ. Ông Phúc ca ngợi lắm. Ông Phúc nói, ông Tóc Bạc rất giỏi mưu mẹo”. Anh Trần B hỏi: “Về Đoành, Tình Bốp và Lily, ông Phúc nói gì, khi nghe anh kể, về họ?” Tôi nói: “Ông Phúc nói, Đoành như vậy là tiến bộ. Đoành đã có công gì đấy, với công an, mới được giúp đỡ như vậy. Ông Phúc hỏi tôi, có nghi Tình Bốp là gián điệp không. Tôi nói có nghi. Ông Phúc gật đầu. Ông nói Lily, thì đúng là người của Phòng Nhì. Ông còn hỏi, có giữ được tài liệu gì của Lily thì đưa cho ông, ông sẽ giúp tôi, đem nộp công an, để lập công. Ông nói, đừng đưa trực tiếp, công an lại nghi ngờ thêm. Ông còn nói, ông làm bảo vệ ông biết, thời nào cũng có cái lắt léo của nó, tôi muốn làm gì, cũng nên bàn với ông trước. Cho nên tôi kể với ông, tất cả chuyện của tôi. Cho đến ngày phát hiện ra cuốn truyện bị đốt”. Anh Trần B nói: “Anh uống trà đi. Bây giờ tôi có thể nói thật, với anh ba điều này. Thứ nhất, chúng tôi là của dân và vì dân. Có hàng nghìn người góp tai, góp mắt cho chúng tôi. Thứ hai, chúng tôi làm việc khoa học, trên những phân tích tài liệu đáng tin cậy, rồi mới kết luận. Chúng tôi không đặt giả thuyết, vì giả thuyết là mơ hồ. Chúng tôi cũng không đặt giả thiết, vì giả thiết là tưởng tượng. Thứ ba, chúng tôi đã phát hiện, một ổ gián điệp, trong thành phố. Chúng tôi quyết định nói với anh, bởi vì chúng tôi biết, anh có nhiều chuyển biến tích cực. Bây giờ, anh chủ động báo cáo chúng tôi, là rất đáng hoan nghênh. Anh trực tiếp đến gặp chúng tôi, là anh đến với cách mạng. Sau này, anh có bị oan ức, cũng nên đến kêu, với chúng tôi, không phải nhờ ai cả. Anh không đến được, anh gửi thư, cho chúng tôi. Chỉ một tờ giấy, giản dị lắm, chỉ một con tem, hào hai”. Tôi thấy buồn cười. Anh Trần B nói: “Tôi nói thế, không phải để tuyên truyền, cho ngành bưu điện”. Rồi anh cũng cười. Chỉ có anh Thái vẫn ngồi im. Anh Trần B nói: “Rất có thể anh đang nằm trong một âm mưu của bọn chúng, mà anh không biết. Chuyện có thể đi ngược lại Macxen, và Lily. Nước chảy có nguồn, tai họa cũng có nguồn. Có thể anh chưa nói hết. Anh cố nhớ lại xem, anh có nói gì với ông Phúc, ông Phúc có nói gì với anh, về Macxen? Anh nên nói hết”. Tôi nói: “Tôi có kể chuyện phiếm, về Macxen. Hôm nào xe nó xuống phố tôi, con gái phải trốn hết. Người đi bộ thấy nó, cũng phải tránh, vì con chó bẹcgiê của nó chỉ thích cắn người. Nó vào nhà Lily, thì cả năm mươi số nhà cùng nghe, tiếng Lily cười. Tôi nhớ, một đêm gần ngày tiếp quản, tôi uống với Tình Bốp. Nửa đêm Macxen lồng lộn, kêu mất cái tài liệu gì đó. Macxen bắt tất cả, cởi toàn bộ quần áo, để khám. U già, anh bếp bị coòng tay luôn. Nó muốn bắt cả tôi mang đi, Lily phải can mãi, nó mới để tôi lại. Nhưng ra đến ôtô, lại tìm thấy cái tài liệu. Đêm ấy, nó uống thật say. Hôm sau tỉnh rượu, nó lại tuyên bố, tài liệu đã bị chụp ảnh trộm, rồi bị quẳng vào trong ôtô. Nhớ lại chuyện này, tôi nói với ông Phúc, có thể bọn tay chân của Macxen tìm cách hại tôi, vì cái tài liệu bị chụp ảnh”. Anh Trần B cười: “Rất có thể đã bị chụp ảnh thật. Vì những ngày gần tiếp quản, điệp báo của ta theo nó, sát sàn sạt. Sau đó, anh đi trốn, có phải không? May cho anh đã đi trốn. Vì sau đó, u già và anh bếp bị nó kẹp kìm sống, rồi thả chó bẹcgiê vào cắn”. Tôi không nói gì, vì kinh hãi quá, và vì cáu Tình Bốp, đã không kể gì cả. Anh Trần B thoạt đầu cười tươi. Đến lúc chuyển sang chuyện u già và anh bếp, anh rất nhanh nhẹn đổi nét mặt: anh nghiêm trang, buồn bã. Lát sau, anh hỏi: “Ông Phúc nói sao về những tài liệu, mà anh giữ?” Tôi vội nói: “Tôi không giữ. Tôi không có. Ông Phúc hỏi tôi mấy lần. Thứ hai trước, ông mời tôi, ăn thịt chó Hàng Lược, ông lại hỏi nữa. Tôi bảo ông, tôi chỉ giữ vài đồ lưu niệm của Lily, toàn đồ vô giá trị”. Anh Trần B nói: “Tôi biết, anh có giữ đồ lưu niệm. Anh cứ kể ra, quần lót, áo lót, thư tình, vân vân. Anh kể hết ra. Bọn gián điệp lắm mẹo lắm. Có những thư mật, viết bằng mực hóa học trên quần lót. Có những tài liệu, chụp trên phim, cuộn lại chỉ bé như hòn bi, để dễ nuốt vào bụng. Có cả bom nổ chậm, bé tí xíu giấu trong khuy áo, vài năm sau mới nổ”. Tôi nói: “Ông Phúc cũng dọa, không được giữ đồ lưu niệm của Lily, vì toàn đồ vô giá trị, bán không ai mua, toàn đồ đế quốc để lại, toàn là đồ do Macxen ăn cướp được. Công an khám nhà, thế nào cũng rắc rối. Ông bảo, phải đốt đi. Tôi nói, lúc đầu tôi có giữ, một cái quần lót, một cái coócsê, để mỗi cái đánh dấu một kỉ niệm. Lily cũng cho thêm, một lọ nước hoa Pháp dùng rồi, để tôi nhớ Lily mỗi khi vào hè (thực ra, toàn bộ tôi lấy trộm của Lily). Buổi tối cuối cùng trên sân ga, Lily đánh rơi chiếc mùi soa, để tôi đuổi theo mãi. Tất cả chỉ có thế thôi. Ông Phúc hỏi tôi, cất đâu. Tôi nói, đốt rồi”. Anh Trần B nói: “Anh về, xem có còn không. Rồi cho chúng tôi biết. Tôi nói: “Tôi đốt hết rồi, như đốt những kỉ niệm. Giữ chúng trong người, tôi lại nhớ Lily. Cho nên tôi rẩy nước hoa, tôi đốt sạch. Tôi nhớ, có một lần sau khi Lily đi, Tình Bốp cũng hỏi có lấy trộm cái gì của Lily, thì phải trả lại nó, vì nó là em của Lily”. Anh Trần B nói: “Nhưng anh về, cứ xem lại ngay. Còn kỉ vật nào, anh đem lại, cho chúng tôi. Không được làm gì, như dúng nước, hoặc hơ lửa. Nếu có chất độc thì nguy hiểm, cho anh và chị. Anh còn muốn nói thêm gì nữa không?” Tôi nhìn lên tường, để tìm bóng tôi, trong gương. Nhưng trong phòng không có gương. Tôi nhìn xuống đất, vì dưới đất có bóng tôi, là bóng do đèn điện hắt xuống. Bóng tôi lờ nhờ, chẳng nhìn thấy mặt.