10 giờ sáng. Không rõ từ bao nhiêu ngày, bao nhiêu giờ, tôi không còn thiết tha xem lịch, để biết đã là thứ ba, sẽ là thứ sáu, hay chủ nhật. Chương trình của một tuần có thể nào quan trọng đến thế, để toàn bộ nhân loại cứ phải đếm cẩn thận mỗi ngày. Chương trình của một ngày có thế nào khó quên, để tôi nhắm mắt cũng biết, ngày mai sẽ ghi cái gì vào nhật kí. Ngày mai tôi ghi hộ, cho ngày hôm qua. Chủ nhật trước tôi ghi hộ, cho chủ nhật sau. Hôm qua, ngày mai, hôm kia, ngày kia, tuần lễ trước, tuần lễ sau, là ngần ấy sự kiện. Ngần ấy suy tính, ngần ấy công việc, là ngần ấy lo lắng bồn chồn.
9 giờ tối. Lại câu hỏi: vấn đề của tôi liệu có được chính quyền thực sự giải quyết, hay vẫn còn treo lửng lơ? Cuộc điều tra của công an có vẻ đang tắc tị.
8 giờ sáng. Tình Bốp im lặng. Thằng nhọn cằm cũng biến đâu mất. Phảng phất quanh nhà tôi, trong sân, bên bể nước, trong vườn cây, vẫn có mùi nghi vấn.
7 giờ tối. Hôm qua, ngày mai, hôm kia, ngày kia, tuần lễ trước, tuần lễ sau, tôi nghĩ nhiều đến giả thiết số 3, đến ba nhân vật thực ra chỉ là một, đến chiếc mặt giả với cái cằm nhọn. Tôi nhớ lại toàn bộ, những lần gặp thằng nhọn cằm, để nhận thấy bao giờ hắn cũng giữ một khoảng cách nhất định, với tôi, không đủ gần cũng không quá xa. Là khoảng cách giữa hai cột điện ngoài phố. Thằng nhọn căm bao giờ cũng khoác trên người, những loại trang phục đặc biệt, bao giờ cũng chọn những tư thế, những địa điểm đặc biệt, giúp hắn giấu đi những đặc điểm, của cơ thể.
6 giờ chiều. Ngày dài. Đêm cũng dài. Lúc nào tôi cũng đang ở quá khứ: giá như thời gian được quay ngược, về phía trước. Giá như chủ nhật, rồi mới thứ bảy. Thứ sáu, rồi mới thứ năm. Thứ ba, rồi mới thứ hai. Giá như buổi chiều, rồi mới buổi sáng. Giá như tôi, được sống giật lùi, về lại những ngày tôi chưa viết nhật kí. Tôi sẽ làm gì nhỉ?
5 giờ sáng. Tôi sẽ đi trốn hiện tại. Sẽ không cần, phải lấy ngày làm đêm, vì ngày sẽ là đêm và đêm sẽ là ngày. Tôi sẽ lại rong chơi, ở một đầu ô tím bên những cột đèn mất điện. Ngày mai của tôi là như thế: là quá khứ theo chiều ngược lại, không i như trong thánh kinh, nhưng rất nhiều những hạnh phúc biết rồi. Tôi về tuổi sơ sinh.
4 giờ chiều. Sách trinh thám mới mua về, tôi xếp riêng, thành một chồng cao ngất ngưởng. Tôi chưa đọc và chưa biết bao giờ sẽ đọc. Các chương trình của tôi đều bỏ dở. Những suy luận cá nhân của tôi, cũng thường xuyên lơ lửng. Những ngày Hà Nội rét, những ngày Hà Nội mưa và những ngày phố Hà Nội ướt lép nhép, thế nào tôi cũng lại lên cơn buồn bã. Thế nào cũng bắt đầu lại cuộc lí sự triền miên của bộ ba thường xuyên, thằng-Tôi, cái-Sọ, cái Bóng-thằng-Tôi trong gương.
3 giờ sáng. 3 đêm rồi Hà Nội mưa lép nhép, cho nên tôi ghi nhật kí hộ 3 đêm sẽ đến sau, cho cả bộ ba thường xuyên chúng tôi nữa. Tôi nói với họ: bình tĩnh sọ tôi ạ, bình tĩnh bóng tôi ạ. Chúng mình cùng thông cảm, vì không thể không thông cảm cho nhau. Tôi đã cố gắng đi tu, trong xó nhà, trong công việc, trong nghi ngờ. Tôi đã tự nhủ, đừng bịa-chuyện, đừng tự-dọa, đừng sợ-hãi, đừng tự-săn-bắt, đừng tự-hủy-hoại. Nhưng đúng là tôi gặp vấn đề thật, bị nghi ngờ thật. Chỉ cần nhìn vào mắt người đời, là tôi hiểu. Họ, là mắt chị Hòa, mắt bác Mẫn, bác Dậu, bác Trực, mắt ban bảo vệ, họ chất phác và phúc đức cả, nhưng họ vẫn giữ nhiều khoảng cách e ngại, với tôi. Nhìn mắt họ, tôi đọc hết, cái khoảng cách muốn thuở này. Tôi cũng hiểu, đấy là dĩ nhiên. Nhưng khi tôi chạy đến, tìm anh Thái, mắt anh cũng nhìn tôi, e dè làm sao. Anh là người duy nhất biết chuyện bí mật tôi kể, cùng cả giả thiết trinh thám. Anh nhìn, như thể chưa bao giờ anh đã cùng tôi nói chuyện, cả buổi sáng dài, đã đề nghị tôi đặt toàn bộ niềm tin, vào phương pháp điều tra khoa học của anh. Tôi đành lòng iên tâm trong lời hứa của anh, iên tâm trong các câu hỏi móc xích của anh, của tôi, rồi của Cốm. Bình tĩnh lại, sọ tôi ạ. Tôi bình tĩnh rồi.
2 giờ sáng. Tôi bình tĩnh đặt câu hỏi, thêm một móc xích nguy hiểm: có phải tôi đúng là kẻ gian, vì vô tình cũng bởi vì tôi cố tình, dính líu với toàn bọn gian dối. Có phải tôi đúng là kẻ gian, vì tôi có bao nhiêu liên quan đến những đối tượng nguy hiểm, mà liên quan ngần ấy thì liên lụy ngần này. Tôi nhớ buổi sáng mưa hôm ấy, tôi kể với anh Thái, chuyện Tình Bốp bịa tội cho tôi, dọa sẽ tố giác, nếu tôi tố giác nó. Tôi có lẽ đã không lường trước: là sự thật, bất cứ sự thật nào, nếu từ mồm tôi kể ra, thế nào cũng làm tăng nghi ngờ, và làm hại tôi thêm. Buổi sáng ấy, tôi có lẽ đã dại dột đưa ra nhiều chi tiết mới, làm thời gian điều tra của anh Thái lại phải kéo dài thêm, và hồ sơ nghi ngờ tôi đã dày, lại phải thêm dày. Nhưng tôi cũng nhớ, buổi sáng ấy, anh Thái đề nghị tôi, đừng sợ bị ngờ, vì cái ngờ của chính quyền không phải là ngờ, mà là giả thuyết khoa học. Cho nên tôi iên trí, hồ sơ của tôi đang vào giai đoạn đặt giả thiết và giả thuyết. Cho nên tôi iên trí, gửi niềm tin, nơi anh Thái. Buổi sáng hôm ấy, tôi nghe anh, đổi tờ tự thú, thành tờ khai, chuyện riêng của tôi, thành chuyện những người khác. Báo cáo chuyện người khác, bao giờ cũng dễ hơn kể chuyện đời tư, cho nên tôi đã viết tờ khai rất nhanh, không một vướng mắc tâm lí. Không biết anh Thái đã tỏ vẻ gì, khi đọc tờ khai của tôi, nói chung anh không tỏ thái độ lớn nào. Chỉ một lần, không quên được, là khi anh nhắm mắt lại, chỉ vài giây thôi, khi tôi kể việc Tình Bốp bịa chuyện, để tố giác tôi, nếu tôi tố giác nó buổi sáng hôm ấy. Chỉ một động tác nhắm mắt của anh, cũng đủ để tôi nhớ mãi. Chỉ một động tác vài giây của anh, cũng đủ để giải thích toàn bộ sự im lặng của anh sau này. Nói chung, từ buổi sáng ấy, anh Thái có vẻ không cần tôi nữa. Nhưng dù sao nếu có dịp gặp anh tôi cũng phải cám ơn anh, đã không phản đối việc tôi đi làm cho hãng xe Phi Mã. Anh Thái tuy không đồng í, nhưng chỉ một câu phản đối của anh, chắc tôi vẫn còn đang câu nhái ngoài đồng nước. Buổi sáng không quên ấy, là buổi sáng đầu thu. Một mùa đã đi qua. Tôi vẫn phụ lái tacxi, đánh xe ra bến, đánh xe rời bến. Ông Phúc vẫn để tôi cầm tay lái, khi tôi chưa thi lái lấy bằng. Không thấy khu phố đến đòi lại giấy phép lao động. Không thấy thằng nhọn cằm đi theo tôi. Cũng không thấy Tình Bốp mời tôi đến, uống rượu và kí sổ nợ. Biết đâu việc đã xong, mà tôi chưa biết. Biết đâu tôi đã mắc bệnh nhìn đâu cũng sợ. Nhưng nếu còn sợ, là vì trong tôi vẫn còn, một hạt lương tâm lương thiện.
1 giờ sáng. Vào một đêm rét của 3 đêm dính liền, gió thổi lào xào cả phố, tôi nhìn bóng, trong gương. Mắt bóng buồn tệ. Như mắt con chó vện, nuôi trong nhà. Con chó vện vừa ăn cứt trẻ cho sạch sàn nhà, vừa đuổi trộm trông nhà cho chủ, vừa lo sợ đến ngày bị chủ ăn thịt, mà không biết là ngày nào. Mắt bóng tôi trong đêm là như thế động đậy, đục ngầu, đa nghi, không mê được. Tôi và sọ chỉ còn mỗi cách thông cảm. Sọ tôi bình tĩnh, sọ bảo tôi dẫu tù, vẫn tu được, tu cho qua tù cho hết tù, chưa đi tù thì tu cho qua nghi ngờ, cho hết nghi ngờ. Tôi nghĩ, sọ nói được thế, là vì sọ nhắc lại lời ông Trung trố, trong một lần họp khu phố. Ông Trung trố nói, vào đúng giữa mùa thu, là ai ai cũng cần cải tạo, cán bộ kháng chiến cũng cần cải tạo, cán bộ lãnh đạo cũng cần cải tạo. Huống hồ cái thằng tôi tề ngụy. Tôi đồng í. Nhưng vào cái lúc gió máy thế này, phố xá lao xao lạo xạo thế này, tôi cũng thông cảm, với cái bóng buồn trong gương. Mắt bóng lúc này buồn tệ, buồn tệ nhưng không đường nào khác, là đường tu. Tôi không còn cách nào khác, ngoài chờ đợi. Tôi chờ quyển lịch thay tờ lịch. Trời đất bây giờ đã sang, một mùa khác. Á, Âu, Phi, Mĩ, Úc, đâu đâu cũng sang, một mùa khác. Quyển lịch cũng sang mùa. Quê hương, làng mạc, mồ mả, phố xá quen thuộc, mẹ tôi, em Cốm, trai gái đi phố, phong cảnh, mọi thứ đều sang mùa. Tôi chờ lần sang mùa sau nữa, sau nữa. Hà Nội đổi mùa cho mùa, mà vẫn như vừa kích thước của nhau, vừa kích thước của tôi. Tôi đi đâu khỏi Hà Nội, đều không làm sao vừa được, với kích thước lạ, nơi rộng, nơi hẹp. Phố xá lạ, nam nữ lạ, phong tục lạ, không sao vừa khít với tôi được. Tôi ở lại Hà Nội, để chờ anh Thái đem lệnh mới xuống cho tôi, tôi vẫn ở lại trong kích thước của tôi, thì không lí do gì tôi phải lo lắng triền miên như vậy.
0 giờ sáng. Thế là tôi an ủi cái bóng tôi buồn, trong gương. Tôi chỉ cho bóng tôi, trên bản đồ miền Bắc, nơi gieo, nơi cấy, nơi gặt, chỗ công trường mới, chỗ tàu xe mới, chỗ nhà ga mới. Tôi chỉ cho bóng tôi, trên trang một các tờ nhật báo, đâu là thế giới và trong nước, đâu là tin tức hằng ngày, và ở đâu địch phá hoại Gionevơ. Bóng tôi bảo, tôi chỉ là một cái gì, còn nhỏ hơn hạt bụi, dễ bị bỏ quên. Tôi cần mẫn đi lái tacxi mỗi ngày 12 tiếng, tôi chở người có tiền, đi chơi Hà Nội-Nam Định, tôi không làm lợi gì cho miền Bắc, cho nên anh Thái không khen ngợi gì, khi tôi đi làm, cho nên anh Thái chóng quên tôi, là phải. Suy cho cùng, tôi nuôi ông Phúc, chứ không phải ông Phúc nuôi tôi. Két bạc của vợ chồng ông Phúc kiếm lợi, chứ chính phủ không được gì. Tôi thấy bóng tôi nói đúng lắm, tôi cũng đồng í sẽ bỏ việc. Tôi muốn xin đi làm phụ xe, cho chính phủ, rồi làm tài xế chính. Nếu không, tôi xin đi đẩy xe bò, gánh cát ngoài bờ sông, cùng với em Cốm. Tôi sẽ có ích hơn cho miền Bắc. Tôi sẽ nhập vào thành phần tích cực. Tôi sẽ đóng góp dần cho miền Bắc, ngày rét một hạt lương thiện, ngày nực một hạt lương thiện, như con kiến tha mãi, thì đầy một tổ lương thiện. Tôi sẽ đi lại trên bản đồ đời tấp nập. Tương lai của tôi sẽ là như vậy. Sẽ khởi đầu bằng cái ngày, tôi đến trước mặt ông Phúc, tôi nói: tôi xin thôi việc.
Tháng hai 1966. Đồng chí Thái kể: bây giờ tôi là nhân viên, cục phản gián. Bây giờ anh nói, tôi mới biết, tôi là một nhân vật, của cuốn truyện. Bây giờ tôi nhớ cậu Dưỡng là ai rồi. Tôi phụ trách hàng trăm hồ sơ, giống nhau, nhớ được toàn bộ cũng không dễ. Nhưng tất cả mọi tài liệu về Dưỡng, vẫn còn nguyên vẹn đây: tôi lấy từ phòng lưu trữ. Bây giờ anh nói, tôi mới biết cậu Dưỡng nhiều nội tâm và có khiếu văn học thế. Bao giờ sách ra tôi sẽ lấy hai bản, một cho riêng tôi làm kỉ niệm, một cho thêm vào hồ sơ của Dưỡng, vì vẫn còn một vài thắc mắc nhỏ, chúng tôi chưa xác minh hết được. Bây giờ tôi kể chính xác và cặn kẽ để anh ghi. Thực ra điều tra của công an 11 năm trước không tắc tị chút nào, như trong nhật kí.