Ông Phúc vận thuần màu xanh công nhân. Trong nhà ông cũng đội mũ. Ông đội mũ catket màu xanh công nhân. Trông ông như anh tài xế. Như anh bồi bếp. Trông ông cũng như ông chủ. Ông trai tráng, râu cạo nhẵn. Chỉ hơn bốn mươi, trẻ hơn vợ, hàng chục tuổi. Ông vào bắt tay tôi luôn. Ông nói: “Anh là thằng Dưỡng phải không? Anh cao lớn, khác hẳn ông giáo. Nhưng mặt thì giống ông. Hồi ông giáo bố anh còn, anh bé thế này này. Ông giáo hiền lành, đạo đức, ai cũng quí. Tôi với ông là đồng nghiệp, nhưng tôi là lớp hậu sinh. Tôi bỏ nghề rồi. Tình cờ gặp bà trong chợ, tôi mới biết, anh đang cần việc”. Mụ già lúc nãy, bây giờ tôi gọi là bà Phúc, đi vào, trên tay bà một cái khay nhỏ. Trên khay nhỏ, có một li rượu mùi, và một đĩa bánh. Bà Phúc nói: “Mời anh”, rồi đi ra ngay. Trong tiếng cười ồn ào, đến từ phòng họp, bên kia hành lang, ông Phúc nói: “Ta vào việc ngay nhé. Nhà tôi hồi trước có bốn cái xe car, nhưng bán hết rồi. Bây giờ chỉ còn một chiếc tacxi chạy Hà Nội-Nam Định. Tôi toàn tự lái cả. Như vậy mà gọi tôi là ông chủ à? Anh có thấy tôi có vẻ ông chủ không?” Tôi lắc đầu. Nhưng tôi nghĩ: “Ông này trốn thành phần”. Ông Phúc nói tiếp: “Bây giờ tôi được bầu vào làm việc trong ban bảo vệ khu phố, cho nên tôi rất bận. Cho nên tôi cần người làm. Anh đến đây là giúp tôi, chế độ mới không có ông chủ và người làm nữa. Việc nhận anh vào làm, theo đúng thủ tục, tôi đã trao đổi với anh Thái, bên công an. Tôi cũng đã gặp cả bác Mẫn, ông Trung trố. Ông Trung trố thành kiến lắm, ông phản đối tôi nhận anh vào làm. Chỉ có bác Mẫn đồng í. Anh Thái thì không nói gì, thái độ rất kì lạ. Sau đó, tôi có nói chuyện lại với anh Thái, tôi nói tôi rất quý trọng bố mẹ anh. Vợ chồng tôi không có con, gặp anh lúc anh không có việc làm, tôi không thể làm ngơ. Anh Thái không đồng ý, cũng không phản đối. Anh Thái chỉ nói, anh đang cần được giúp đỡ. Thế là tôi kiên quyết nhận anh, như con cháu trong nhà. Tôi sẽ hướng dẫn anh, nhanh chóng lên chân tài xế chính. Như vậy, anh có cái nghề trong tay, mà tôi có thêm thì giờ, phục vụ khu phố. Tôi không ham làm giàu. Vả lại, dưới chế độ mới, có ham giàu cũng không được. Ham lao động, ham phục vụ, mới đúng là người miền Bắc. Anh làm tốt, tôi sẽ giao phó cho anh, mọi chuyến xe. Biết đâu có ngày tôi nhượng lại tacxi cho anh, anh có thể trả góp hằng tháng. Chiếc tacxi này, tương lai là của anh đấy. Anh đừng giận, tôi muốn trả ơn ông giáo ngày xưa, để tôi khỏi áy náy với người chết. Hồi trước bố anh giúp đỡ tôi, nhiều lắm. Mẹ anh có kể với anh không?” Tôi lắc đầu. Ông Phúc nói: “Không à? Mẹ anh phúc đức thế. Thi ân mà không cần nhớ, không cần kể. Bây giờ thế này, tôi đã bàn với mẹ anh hôm qua, lương của anh là 9 vạn một tháng. Nhà anh đến đây không xa, tôi vẫn xếp cho anh một buồng, đi khóa về mở, phòng nhỡ đêm hôm xe về muộn, hoặc buổi trưa, anh muốn ngả lưng một chút. Là chính căn buồng này, trước là buồng bà nhà tôi, nay bà dọn xuống dưới sân rồi”. Tôi nói: “Ông tốt với tôi quá. Ông cho tôi, cái phòng dưới sân kia, gần gara, bể nước, tiện lợi hơn, và tránh phiền hà ông bà”. Ông Phúc không nghe. Tôi cũng không nghe. Vừa lúc, có người gọi ông sang họp. Ông Phúc nói: “Tôi sang ngay đây. Thôi được, vẫn đề cái buồng, tạm thời xếp theo í muốn của anh. Còn những vấn đề lặt vặt khác như giờ giấc, cơm nước, hỏa hồng Tết, ngày quốc khánh, ngày lễ khi anh đi làm, ta sẽ bàn sau. Anh đồng í không?” Tôi gật đầu. Tôi thấy dễ chịu. Vậy mà mẹ tôi kể không rõ ràng. Hay có lẽ, dễ chịu vì đây mới là buổi gặp đầu tiên? Tôi hẹn ông thứ hai, tôi sẽ bắt đầu đi làm.
Sáng thứ hai
Thế là tôi thành thằng phụ lái. Tacxi ông Phúc chạy Hà Nội-Nam Định, ngày ba chuyến. Có hôm nhỡ, 1 giờ đêm, tôi mới về nhà. Sáng, tôi đi từ 4 giờ 30, lúc phố còn nhọ. Bản đồ nội thành lúc 4 giờ 30, lác đác người đi làm sớm. Tôi có chìa khóa gara riêng. Tôi đến sớm, để chuẩn bị xe. Tôi xem lốp có bơm đúng cân hơi, bình étxăng có đầy étxăng, bình nước có đầy nước, hay không. Xe ra bến, tôi bán vé. Khách lên đủ, tôi quay maniven. Xe chạy. Ở bến, không cần phải tranh nhau khách. Dọc đường, tôi lấy nước, báo hiệu khách lên xuống. Thuần những việc lắt nhắt. Ông Phúc dễ chịu. Ông khao tôi một chầu thịt chó. Ông vui tính, văng tục tán láo và hỏi tôi đủ chuyện. Lúc rỗi, ông dạy tôi lái xe. Tôi học rất nhanh. Sau mọt tuần, ông đã để tôi ra xe và đánh xe, từ bến về gara. Cứ đà này, đến mùa xuân tôi sẽ thi lái lấy bằng. Cốm khoái lắm. Gặp ai cũng khoe, có chồng lái tacxi Phi Mã. Tôi cũng cảm thấy oách, ít ra cũng hơn đi câu nhái. Tôi không mơ tương lai mua trả góp chiếc tacxi của ông Phúc, vì ông Phúc phải bán đi, để trốn thành phần, tôi chẳng dại đâm đầu vào. Tôi chỉ mơ, có cái nghề tài xế. Bây giờ tôi đã nghe được, lúc nào môtơ ho, lúc nào étxăng xuống đều, lúc náo étxăng tắc.
Tôi cũng thích bộ quần áo xanh công nhân, cái mũ catket xanh công nhân. Trước khi ra khỏi nhà buổi sáng lúc rạng đông, tôi đều ra trước gương, để nhìn bóng tôi trong gương. Bốn mắt nhìn nhau dứt không ra. Sáng nay cũng vậy. Tôi ngắm cái mặt tôi ngổ ngáo hồi lâu. Cốm từ bếp lên, thấy vậy nói: “Chẹẹp. Chẹẹp rồi. Ngắm mãi”. Tôi thẹn, cho nên tôi phải xông đến, ôm eo Cốm, để chữa thẹn. Cốm cuống lên, nhưng tôi mà chữa thẹn, thì Cốm chỉ có thua. Cốm giãy đạp. Tay đấm đấm vai tôi, mặc gà gáy te te, mặc nồi cơm đang sôi trên bếp, i như trong thánh kinh. Cốm mắng tôi tàu bò cao bồi, biệt kích dằn di, bảo hoàng nhảy dù, đủ loại binh chủng trứ danh. Lát sau, mặc lại quần áo. Lát sau, tôi đã huýt sáo khẽ, ngoài phố.
Tôi đi làm trong phố sớm. Phố còn nhọ. Xe điện chạy lanh canh chuyến sớm nhất. Đèn đường chưa tắt. Đèn thức trắng qua đêm. Lác đác người đi làm sớm. Lác đác xe đạp bộ hành, là bộ hành thu, là xe đạp thu, là lác đác thu. Tôi nghe tiếng người, chào nhau trong phố. Tôi chào những người quen đi qua tôi, những người không quen đi qua tôi. Tôi nghe tiếng người, hỏi nhau bây giờ làm gì. Tôi nghe tiếng người, trả lời bây giờ làm gì. Thế là tôi biết, những người không quen trên phố, họ làm gì mà đi sớm thế này. Họ là thợ rèn cầu Gia Lâm, công nhân Giáp Bát hộ lí Phủ Doãn, lao công thủy lợi Tương Mai, công nhân nhà máy rượu Hà Nội, thợ đèn lên Phụ, xúc than cống Vọng, lắp chữ nhà in Nhân Dân, bốc vác Phà Đen, i tá Bạch Mai, phu hồ Kim Liên, cơ khí Trần Hưng Đạo, đào đất đắp nền Việt Xô. Họ làm nghề bẻ ghi, nghề xe bò, nghề xiclô, nghề làm xôi lúa, nghề làm bánh mì, nghề súc chai lọ, nghề dược phẩm, nghề làm sơn mài, nghề phu hồ, nghề làm mĩ nghệ. Họ là những người mới chuyển nghề, từ xẻ-gỗ-bờ-sông, sang công-nhân-nung-gạch, từ thợ-lợp-mái-nhà, sang lái-xe-chuyên-gia, từ gác-cổng-bệnh-viện, sang lao-công-khách-sạn, từ ngụy-quân, sang người-lao-động. Khu phố tôi lắm ngụy quân cũ, nên bây giờ đông người lao động mới. Buổi sáng còn nhá nhem, buổi sáng gà gáy khắp thành phố. Buổi sáng người này gặp người nọ, anh nọ gặp chị kia, không ai hỏi ai đi-chơi-đâu-sớm, đi-ăn-đâu-sớm, chỉ thấy hỏi nhau dạo-này-làm-gì, dạo-này-thế-nào, đi-làm-đâu-sớm. Tôi đi bộ trong phố, qua những lò than hồng, những hàng phở chuẩn bị bán phở, những thùng nước đang sôi, những bu gà bu vịt, nằm chờ trên các vỉa hè. Tôi đi qua bến xe, nhà ga tu tu tàu sớm. Tôi đi cùng công nhân viên đường sắt sớm và bộ hành sớm. Tôi đi ngược những xe đạp nữ, những xe đạp nam những tiếng động nội ngoại thành. Mặt trời chưa mọc tôi đi xuôi cùng những xe đạp nam, những xe đạp nữ và những tiêng động nội ngoại thành. Bên cạnh tôi, là người đi làm sớm, là người dân bình thường, là cán bộ, công nhân viên, là viên chức. Bên cạnh tôi, là âm thanh buổi sớm của thả cá và trồng vườn, của băm bèo và hái rau, của còi tàu đến và tàu đi, của kèn doanh trại và đài phát thanh. Thế là tôi cũng đi làm buổi sáng thứ hai, tôi là anh phụ xe, tôi cho xe ra bến, tôi lẫn vào trong bản đồ rạng sáng nội thành. Tôi cũng đi làm.
Tháng một 1966. Tôi ngồi một ngày không rõ có phải chủ nhật. Nếu đúng chủ nhật, cửa sổ tôi thế nào cũng tím, và bên cửa sổ sẽ có nhật kí và bản sao nhật kí, sẽ có lọ mực tím và bản thảo lem nhem mực tím. Một ngày đầu năm, tôi ra thư viện quốc gia, để tiếp tục tìm kiếm, những hình ảnh, về thời gian. Thế là tôi được một đường tuyến tính mới, lần này là một mũi tên hai đầu, chạy về cá hai phía, một ở bên trái, một ở bên phải. Thế là tôi có thể tự do đi lại, từ hồi ức đến dự cảm, từ ngày mai thẳng đến hôm qua, không có hôm nay đứng chắn ở giữa. Thời gian như vậy không có hiện tại, cuộc đời như vậy không có bây giờ. Tôi cảm giác có sự trùng hợp nào đó, của nhiều trang nhật ký tiếp theo của Dưỡng, với phát hiện mới này của tôi, bởi hiện tại cùng biến mất. Tôi định bụng, hai tháng nữa, khi Dưỡng từ khu Tư về thăm Hà Nội, tôi có thể đưa anh xem, bức vẽ đường tuyến tính thời gian này. Nhưng cũng có thể không. Bởi vì từ ngày đọc nhật kí, tôi thu thập tất cả các bài báo, về những con đường chiến tranh của khu Tư, nơi sự sống nằm kề sự chết, nơi lúc nào cũng là bây giờ và chỉ có bây giờ. Hiện tại ở đây, tính bằng những khoảnh khắc quí giá của từng giây. Hiện tại, là sự sống. Sang đến khoảnh khắc tiếp theo, sự sống có thể không còn nữa. Dĩ vãng và dự cảm do vậy là những thứ xa xỉ, ở nơi ấy không ai cần đến. Lần gặp Dưỡng tháng mười một vừa rồi, tôi thấy anh thay đổi nhiều. Tôi linh cảm: với thời gian, chiến tranh ngày càng khốc liệt và chiến tranh giấu kín trong nó, nhiều số phận, nhiều câu chuyện riêng tư, không ít bất thường. Từ buổi Dưỡng nói chuyện với anh Thái, những ngày của nhật kí không được đánh số thứ tự nữa.
0 giờ đêm. Nhật kí tiếp tục: tôi lái xe bây giờ đã tương đối. Trên nhiều tuyến đường, ông Phúc để tôi lái, vài chục kilômét, ông chỉ ngồi cạnh.
11 giờ tối. Cốm người nhỏ bé, mà cái thai đã to. Cốm muốn có con trai đầu lòng, để gọi iêu là thằng Dưỡng con. Tôi ngược lại, muốn có con gái đầu lòng, để gọi tên là con Cốm nhỏ. Tôi không còn nhiều thời gian, cho truyện trinh thám, nhưng vẫn mua sách về, để sẽ đọc lúc nào không đi xem phố, không ghi nhật kí. Mua cả sách dạy nuôi con nữa. Tôi bắt Cốm đọc, nhưng Cốm cho là vẽ vời.