Mẹ tôi không khóc nữa. Nhật kí tiếp tục: hai vợ chồng hai xe đạp về nhà, trên phố có một tí mưa, tí bùn lầy, và tí gió lạnh. Tôi nhìn Cốm, thấy khác hẳn: Cốm đi xe đạp thành thạo hơn, môi Cốm đỏ hơn. Tí gió làm tóc Cốm ra hết phía sau, cũn cỡn. Nước mưa lấm tấm, trên má Cốm mấy hạt. Phía sau Cốm, ánh điện nhoáng trong mưa. Biết tôi nhìn nên Cốm thẹn, làm nổi núm đồng tiền, lũm má. Mặt Cốm do vậy cứ tòn tõn. Tôi nhìn Cốm, như nhìn cô dâu mới. Cô ả bỏ nhà đi 2 đêm, 3 ngày, lúc về lại xinh hơn lúc đi. Phố Hà Nội đèn tối. Phố ren rét, nhưng tôi thấy ấm lòng, vì tôi có Cốm để ngắm, và để xích xe đạp lại gần. Chiếc Stecling của tôi tợ hồ muốn tròng ghẹo chiếc Fôlit nữ của Cốm. Cốm nói: “Đứng đắn nào!” Tôi buột miệng kêu: “CÁ. CÁ”. Cốm hỏi: “Cái gì?” Tôi nói: “Không. Không”. Thực ra, tôi vừa nhìn thấy nó, mới cách đây vài giây, thằng nhọn cằm vọt qua đường, chỗ ngã tư đèn sáng. Nhưng có lẽ hắn đi đâu, không phái hắn đi theo tôi. Hắn bước vội vã trên phố, vận paravec bộ đội. Cốm quay lại nhìn, nhưng hắn đã rẽ vào ngã tư. Cốm dĩ nhiên không nhìn thấy gì, và cũng không hiểu, tôi nói gì. Hai vợ chồng vào tiệm ăn phở. Về nhà, tôi cho Cốm xem tờ thú. 11 giờ kém 10. Cốm nóng ruột, chạy ngay, sang nhà chị Hòa.
Tháng mười hai 1965. Tôi ngồi một ngày không rõ thứ bảy hay chủ nhật. Cả tuần nay, bên cửa số tôi tím, có nhật ký và bản sao nhật kí, có lọ mực tím, và bản thảo lem nhem mực tím. Từ một tuần nay, ngày nào tôi cũng mua báo, ngày nào trên trang nhất, cũng những tin chiến tranh, và chiến thắng. Từ hôm qua tôi nghĩ nhiều, tới những động tác vô tình, được sử dụng một cách cố tình, như một khả năng vô hạn, của sự tốt bụng. Điều đó giải thích vì sao, sự tốt bụng trong nhiều trường hợp có thể mất hẳn tác dụng nhân đạo. Hôm qua, tôi quay lại trụ sở khu phố, để gặp chị Hòa lần thứ hai. Chị mặc áo vải, tay đeo băng đỏ, khác hẳn chị Hòa má hơ lửa bếp đỏ ửng, trong trang đẩu nhật kí.
Tháng mười hai 1965. Chị Hòa kể: tôi là nhân viên ban bảo vệ khu phố, từ 11 năm nay, nên chuyện gì cũng nhớ. 10 năm trước cô Trinh sang tôi, vào lúc 11 giờ tôi. Mặt cô đượm vẻ lo âu. Tôi biết cô Trinh sang, vì chuyện chồng cô bị trấn áp. Nhưng tôi vẫn hỏi: “Có chuyện gì thế?” Cô Trinh kể, chồng cô đi đón cô thế nào, mẹ chồng và cô lo lắng, ra sao, rồi đột ngột hỏi: “Chị ơi, nhà em liệu có bị sao không?” Tôi nói: “Cô hỏi vậy, tôi rất khó trả lời”. Cô Trinh thở dài. Tôi nhớ cuộc họp bất thường 6 giờ trước: ông Trung trố tuyên bố, cậu Dưỡng có âm mưu phản động, chống lại chính phủ. Ông theo dõi cậu Dưỡng tư 296 ngày, không nghỉ: sáng nay Tình Bốp đến nhà Dưỡng, cả hai bàn mưu với nhau, suốt 3 tiếng liền. Lúc Dưỡng tiễn Tình Bốp ra cửa, ông nghe được 2 lần hai chữ Lily. Ông đề nghị bắt Dưỡng, để cậu khai ra cái âm mưu phản động, ông đặt tên là trò-kép-trò-đúp, và vụ-phát-súng năm trước. Bác Mẫn không đồng í với cách làm việc của ông Trung trố. Theo bác, không đủ chứng cớ để bắt, không rõ là âm mưu gì, hành động gì, không rõ những ai tham gia. Tất cả mới đang còn trong lời nói, sau đó chưa có hành động gì tiếp diễn. Bác Mẫn nói, thế là vội vàng quá, đáng lí phải điều tra, theo dõi thêm. Giống như khi mình bắt con chuột trong nhà, phải khéo léo, bình tĩnh và phải có phương pháp. Mình không bới tung nhà cửa làm đổ cái này, làm vỡ cái kia, làm con chuột lủi mất. Ông Trung trố lí sự rất hăng, cứ-bắt-là-ra-hết. Ồng nói, chính xác từng lời, thế này: “Tâm lí kẻ gian, là khi cùng đường hết lối, mới chịu hàng. Còn thừa một chỗ trống nhỏ, nó còn quẫy. Phải tóm cổ, xích tay, tống giam. Là khai ra hết. Dẫu có quá tay một chút, còn hơn là nhu nhược, để nó chạy mất. Thằng Dưỡng thì còn oan cái gì? Quần chúng đang đòi, đem nó ra đấu tố, nhẹ nhất là trại cải tạo. Mình không nghe quần chúng, thử hỏi đâu là quan điểm quần chúng? Các vị không nghe tôi, làm hỏng chuyên chính vô sản, là lỗi của các vị”. Ban bảo vệ bàn đi bàn lại, trên hai í kiến, của ông Trung trố và bác Mẫn. Đến lượt tôi báo cáo, về tình hình tư tưởng, của cậu Dưỡng. Tôi nói, cậu Dưỡng có một vài tiến bộ đáng kể, từ khi con Lily đi. Mặc dù đầu óc vẫn u ám và còn nghi ngờ chính quyền, nhưng cũng tỏ í muốn ăn năn. Ông Trung trố ngắt lời tôi. Ông nói: “Tỏ í với ai? Với con Trinh vợ nó? Để vợ nó te te sang tỏ í lại với chị bảo vệ khu phố, chứ gì?” Tôi biết ông ta ám chỉ tôi. Tôi trả lời: “Đấy là dư luận không đúng”. Ông ta nói: “Dư luận quần chúng bao giờ cũng đúng. Chị có vay tiền, có ân huệ gì, với nhà chúng nó không?” Bác Mẫn gạt đi, sợ vấn đề đi xa quá. Đến lượt mọi người phân tích í kiến của ông Trung trố. Tôi cũng phát biểu, là công tác ngụy quân ngụy quyền, ban bảo vệ đã giao cho tôi phụ trách nhưng ông ta khó chịu, mồm thở phìì phìì. Sau đó, anh Thái đại diện bộ nội vụ, cũng phát biểu. Anh Thái nói, chuyên chính vô sản không có nghĩa, nghi-bừa-bắt-ẩu. Nghi-và-bắt không phải là phương pháp tốt nhất, để bảo vệ chế độ. Cứu người, chứ không phải trị người. Nếu có trị, cũng cốt để cứu. Anh Thái là cấp trên, nên ông Trung trố nể, không cãi lại, chỉ làm như, không nghe thấy gì. Ban bảo vệ, sau lời phát biểu của anh Thái, quay sang phê bình ông Trung trố, từ chỗ không tin iêu người, đến chỗ vượt quyền hành, vô nguyên tắc và thiếu tập thể. Tôi thở phào, vì lệnh bắt cậu Dưỡng bị lùi lại. Riêng về cái tờ thú, cậu ta nộp, hay không nộp, cũng không bắt buộc. Chính quyền từ hôm nay, tiếp tục điều tra, hoàn toàn trong im lặng, và bí mật. Cuộc họp giải tán, ông Trung trố còn nói thêm: “Nhân danh phó ban bảo vệ, tôi đề nghị mọi thảo luận ở đây, tuyệt đối bảo mật. Không được để lọt ra ngoài”. Ông nhìn tôi, mà nói, đầy í nghĩa: “Trong chúng ta, nếu ai vì tình cảm cá nhân, để lộ ra, tôi sẽ điều tra đến cùng. Điều tra dễ thôi. Rất dễ”. Tôi biết ông răn đe tôi. Cho nên, bây giờ cô Trinh sang, tôi không biết giải thích, thế nào. Cô Trinh có lẽ hiểu, nên bảo: “Thôi em về”. Tôi giữ cô lại, để an ủi cô. Tôi thương cô, tôi cũng trách tôi, thấy người mắc nạn mà không cứu được. Nhưng tôi không có quyền để lộ bí mật công tác, tôi chỉ hỏi: “Nếu anh ấy có tội thật, thì cô nghĩ thế nào?” Đầu óc tôi lúc ấy lộn xộn, nên chỉ nói được có vậy. Cô Trinh càng thêm lo lắng, cô nói: “Sao chị còn hỏi. Nhà em nếu có tội, em phải biết chứ. Em muốn nhà em cải tạo, thành người tốt, gia đình hạnh phúc, cho nên xưa nay, nhà em có biểu hiện gì lạ, em đều báo cáo, với chị. Với em, chị là khu phố, chị là chính quyền. Trong gia đình, em mang tiếng rình chồng và tố chồng. Ngoài phố, em bị phê bình, bao che cho chồng, và không báo cáo hết. Chồng em đi cải tạo, em vẫn đi làm, nuôi con. 5 năm, 10 năm, em vẫn chờ. Em khổ lắm”. Nói rồi, cô rơm rớm nước mắt. Cô cắn môi, cho khỏi khóc. Tôi nói, rằng cô đừng khóc. Tôi cũng nói, rằng cô về khuyên chồng, phải tin tưởng, vào chính phủ, dù bị oan, cũng phải tin. Tôi chỉ nói được có vậy: tôi không có quyền nói nhiều hơn, tôi không có quyền làm nhiều hơn. Một giờ sau, cô Trinh về. Trời đang sụt sùi mưa, mà cô cũng sụt sùi đi về. Vấn đề của chồng cô, thuần những vẫn đề treo. Treo lơ treo lửng. Làm tôi cảm thấy buồn buồn. Ông Trung trố 6 giờ trước cũng tuyên bố, vì lí do nghiệp vụ ông không thể nói, đã lấy được thông tin về Dưỡng, như thế nào.
Tháng mười hai 1965. Chị Trinh kể: thế là em về. Ngõ tôi, mưa nặng hạt. Qua thái độ của chị Hòa, em đoán, câu chuyện có lẽ gay go. Chị Hòa có vẻ thương em, mà không làm gì được, cũng có vẻ muốn nói cái gì, mà không nói. Em nghĩ nhà em bị oan. Nhưng em làm gì nổi? Em không thể minh oan, cho nhà em được. Em vừa đi, vừa khóc. Em nghĩ đến con em, mẹ chồng em, đến những năm dài chờ đợi. Tới cổng nhà, em càng nức nở.
Ngày số 7. Nhật kí tiếp tục: sau 12 giờ đêm Cốm mới về hai mắt đỏ hoe. Trông mặt Cốm, tôi không cần hỏi gặp chị Hòa ra sao. Lúc Cốm đi, tôi đã gàn, đừng đi. Quả nhiên đúng vậy. Em Cốm ngồi, thờ thẫn bên bàn. Tôi làm lại giường. Tôi chọn khăn trải giường mới. Tôi chọn cái khăn trắng tinh, còn thơm mùi hồ giặt. Tôi lấy thêm cái chăn cưới, lúc nào cũng mới, với một trăm bông hoa, trắng, đỏ, hồng. Thế là cái chăn cưới bồng bềnh trên giường, như một hòn đảo hoa, hình chữ nhật. Tôi pha trò. Tôi nói: “Để đón cô dâu mới”. Ngoài phố, mưa dầm cả đêm, ngồi trong nhà cũng nghe được mưa roi trên mái, hạt nào nặng, hạt nào nhẹ. Buồng ngủ bốc mùi hồ giặt. Giống hệt đêm tân hôn. Cốm ngồi ghế khóc, sụt sịt. Ngoài kia, mưa cũng sụt sịt. Tôi hỏi em Cốm, có đói để đi mua phở, tôi đi mua phở áp chảo, là món Cốm thích. Cốm lắc đầu. Tôi hỏi để đi rang cơm, cũng là món Cốm thích. Cốm lắc đầu. Cốm càng khóc to, chắc vì lâu lâu mới được tí ân cần, nên tủi thân. Cốm khóc, núm đồng tiền, lúc nổi, lúc lặn. Cốm nói: “Bây giờ vợ chồng còn thấy mặt nhau. Mai kia, biết đâu con đẻ ra, không trông thấy bố”. Tôi nói: “Nín, nín. Không việc gì đâu, không việc gì”. Trong tôi đầy tiếng khóc, là tiếng của Cốm. Tôi dìu Cốm đến ngồi vào mép giường. Tôi pha càphê sữa, tôi ép Cốm uống. Cốm không uống. Ép mãi, Cốm mới uống vài ngụm. Tôi đổ chỗ còn lại vào chiếc cốc sắt để bếp điện, cho lúc nào cũng nóng. Tôi quay lại giường. Cốm gục đầu, vào vai tôi. Tôi không nói gì, nhưng sọ tôi nói: “Tây đầm nhỉ”. Tôi mặc kệ sọ. Tôi vuốt tóc Cốm trong tiếng khóc, Cốm nói: “Bao giờ em cũng coi anh là chồng. Dù anh có tội thật, em vẫn nuôi con, đợi anh”. Tôi nói: “Anh không việc gì đâu”, Cốm vẫn khóc, Cốm nói: “Anh nghe em, nếu anh có làm gì, anh cứ khai thật. Dù anh có đi 5 năm, 10 năm, cũng chỉ một lần. Cho xong hẳn. Anh nghe em”. Tôi định nói, có phải chị Hòa xui Cốm, về nhà chơi tâm lí như vậy, nhưng tôi ghìm lại được. Tôi cáu. Song tôi im lặng. Sọ tôi cũng im lặng. Cái bóng tôi trong gương cũng im lặng. Tôi bỏ Cốm lại, tôi ra bàn châm điếu thuốc. Điếu thuốc nửa đêm, cho nên trắng nhợt, Cốm ngừng khóc, Cốm nói: Sao người anh tự dưng trắng nhợt. Anh làm sao?” Tôi không nói gì. Cốm nói: “Kìa anh?” Tôi nói: “Anh không giấu tội. Bao nhiêu tội, anh đã biên hết, trong tờ thú”, Cốm đến bên tôi. Trong gương, có bóng tôi và bóng Cốm, trên cùng một ghế. Sọ tôi nói: “Bú dù”. Tôi mặc kệ sọ. Tôi vuốt tóc và gáy và vai Cốm Tôi nói: “Đừng lo. Mình lo, người ta càng nghi thêm. Anh không còn gì phải khai nữa. Rồi muốn ra sao thì ra. Thì cứ tin, vào chính phủ nhân đạo, sáng suốt. Cốm đừng lo nữa. Còn phút nào vợ chồng cứ vợ chồng phút ấy. Lo cũng chẳng được. Chưa biết công an có làm gì không, chỉ thấy tự mình áo ộp mình trước”. Tôi thấy, tôi nói hay và khôn, bởi vì Cốm không khóc nữa, Cốm hỏi: “Lúc trên phố, anh nói CÁ, là CÁ nào đấy?” Tôi nói: “Thằng nhọn cằm”, Cốm nói: “Thằng nhọn cằm trong tờ thú à?” Tôi gật, và bắt đầu vài động tác dằn di. Cốm không nói gì: có vẻ đang nghĩ. Người Cốm toát mùi cô dâu mới, mùi mới cưới. Xa nhau mới có 2 ngày, sao tôi thấy xa thế. Xa lắc, như đã xé trong tôi lả tả, không biết bao nhiêu tờ lịch. Tôi rúc mặt vào gáy, vào lưng Cốm. nhưng tự dưng Cốm nói: “Anh ạ. Em ngờ lắm”. Tôi nói: “Quanh quẩn mãi chuyện ấy làm gì”, Cốm nói: “Nhưng vô lí lắm. Em nghĩ, thằng nhọn cằm không phải là công an. Nếu công an theo anh nhiều thế, khu phố sẽ có biểu hiện khác, với anh. Chị Hòa cũng có biểu hiện khác, với em”. Tôi nói: “Không công an, thì ai?” Cốm nói: “Hay là địch?” Tôi nói, như cái máy: “Địch”. Bao nhiêu kinh nghiệm trinh thám của tôi chuẩn bị làm việc. Cốm nói: “Anh nghĩ xem, từ chuyện phát súng em đã nghi nghi, lại thêm thằng nhọn cằm nữa. Không khéo có kẻ lởn vởn, quanh anh, để hại anh. Bây giờ lại còn cái trò đơn, trò kép. Anh nghĩ lại xem, có ai thù oán gì anh không? Anh có tranh cướp người iêu với ai không? Tinh Bốp, Tình Bốp có thù gì anh không, mà anh không biết? “ Tôi không thể nói sao. Tôi và sọ tôi còn phải xem lại các kinh nghiệm trinh thám, có lẽ phải hết đêm.