7 giờ tối, mưa muộn, cho nên cửa sổ toàn bộ trắng nhợt. Chắt sang nhà tôi. Miệng nó còn ngậm tăm, để vừa nói chuyện, vừa quèn quẹt, xỉa răng. Tôi lấy tờ thú, cho nó xem. Nó xem, cái tăm vẫn xỉa, quèn quẹt. Tôi pha càphê thết nó. Vậy là, nó vừa xem, vừa uống càphê, vừa tiếp tục xỉa răng. Xem xong, nó lại xỉa răng, để nghĩ. Nó nói: Được. Tao thấy thật thà. Từ hôm qua, tao cứ nghĩ vớ vẩn. Bay giờ, mới rõ đầu đuôi. Mày đừng chơi với Tình Bốp nữa. Nó hay khích, mà mày lại dễ bị khích. Lần nào gặp nó, tao cũng khó chịu. Nói thế này, nó bẻ ngoe ra thế nọ. Một lần, tao đạp thẳng: tao bảo thôi đi, ông anh, đừng có tác động tôi. Ông anh tâng bốc, xỏ xiên, khích bác, là cái trò ba que. Thế là nó tái mặt. Từ đấy nó trợn tao. Mày nghe tao, mày còn chơi với Tình Bốp, có phen hủi to, hối không kịp. Tao xem, nó không phải thằng lương thiện”. Chắt ra về trong mưa bụi, cho nên cửa sổ toàn bộ trắng nhợt. Nhà tôi vắng, như nhà mồ. 10 giờ tối tôi đọc lại tờ thú: tôi tự đặt tôi, vào địa vị ông Trung trố. Ông Trung trố không bằng lòng. Ông Trung trố không được thỏa mãn. Ông Trung trố nói: à đây, chỗ này anh ngờ vực chính sách khoan hồng, chỗ nọ anh đòi đi tu, đấy là cái trò kép đây. Anh vu vợ anh lăng nhăng với công an thế là đả kích cán bộ. Anh đánh vợ, cũng xen chính trị vào. Anh rượu chè, cũng xen chính trị vào. Anh ngoan cố. Tờ thú của anh, cũng là cái trò kép, trò đúp, của anh. Tôi nghe lời ông Trung trố, cầm bút gạch, tứ tung. Tờ thú nom nhằng nhịt. Tôi triết bỏ, triết bỏ câu văn, sự việc và sự thật. Tôi đã vứt đi 2/3 sự thật. Tôi đọc lại nữa, vẫn thấy hớ hênh, để ông Trung trố lại không hài lòng. Sự thật 1/3 vẫn là quá nhiều, để ông Trung trố lại có cớ, mà bắt tội tôi. Tôi gạch bỏ thêm. Xoay câu, đổi í, đổi mẹ cả sự việc. Thế mà, ông Trung trố vẫn không vui lòng. Bởi vì, không có tờ thú, ông Trung trố vẫn nắm được hết, mọi chi tiết tôi làm, từ trước rồi. Bởi vì, ông vẫn muốn tôi phải tự thú, có chống cộng thật, ông mới thích. Tôi thì ngược lại, tôi mà làm cán bộ, tôi chỉ thích mọi người tự thú, là có iêu cộng sản thật, có ủng hộ thật. Càng đông người, đông chân tay, tôi càng thích. Thế là tôi vứt đi, cả sáu trang tờ thú. Tôi đi lại trong buồng, tự nhủ kiếp sau, có lộn về Hà Nội, tôi sẽ làm cán bộ, để iêu quí, toàn bộ nhân loại. Tôi đi lại trong buồng, mỗi lần đi qua gương, lại nhìn mặt tôi, một cái. Mỗi lần đi qua gương, tôi lại chửi, một câu. Tôi thằng sắp chết. Tôi thằng nhọ, thằng dằn di. Tôi thằng bị phạt, phải làm kiểm điểm. Tôi thằng câu nhái. Tôi thằng iêu ảnh truồng. Tôi thằng nghiện trinh thám. Tôi đứng lại trước gương, tôi nhìn vào mặt thằng trong gương. Trước mặt tôi, là thằng vợ bỏ. Thằng một nghìn căn cước. Thằng ăn bớt tờ thú. Thằng này bị chửi, nhưng phớt lờ, nhưng vẫn giữ cái mặt phản ứng. Tôi ra sọt rác, lấy lại tờ thú sáu trang, tôi lộn lại trước gương, mà xỉa tờ thú, vào mặt nó. Tôi nói, tôi là ông Trung trố, anh còn phản ứng à? Còn oan ức gì nữa? Làm tờ thú thế này à? Không làm thì thôi, đã làm thì phải làm, cho tử tế. Tờ thú thế này, mà coi được à? Anh vờ vĩnh. Thằng tôi trong gương nghe vậy, thì cười khè. Nó cười ông Trung trố, chứ không cười tôi, tôi nghĩ như vậy. Cho nên tôi không đánh đập nó. Cho nên tôi quay ra bàn, tôi vứt tờ thú sáu trang, lên mặt bàn. Cả sáu trang rơi xuống đất. Tôi cáu. Tôi vồ lấy chúng, vò thành một cục tròn. Cục tròn lăn từ tay tôi, xuống mặt bàn, rồi từ đầu bàn, vê cuối bàn. Tôi ngồi thừ một lúc lâu. Tôi nhặt lại tờ thú, vuốt cho thẳng, rồi đọc, thêm lần nữa. Tôi thấy, nó nhạt thèo. Vì nó giả tạo, nên nó nhạt thèo. Tôi ghét nhất cái gì nhạt. Vì vậy ghét nhất cái gì giả tạo. Tôi ngồi thừ, lúc nữa. Tôi nghĩ trong số người tôi quen, có chị Hòa, có bác Mẫn không nhạt, bởi vì họ thành thật. Tình Bốp nhạt. Ông Trung trố đại nhạt. Ông Trung trố đại nhạt, bởi vì ông đại giả tạo. Có thể ông giả vờ như vậy, để giấu đi, cái mờ ám phía sau. Ông iêu miên Bắc, theo cái lối như không ai iêu băng ông. Như thế là giả tạo. Nhưng tôi cố xua đi, cái phát hiện bất ngờ này. Tôi quay lại tờ thú. 12 giờ đêm, tôi viết lại tờ thú. Tôi lấy, một tờ giấy đúp khổ to. Tôi cúi đầu viết, một lèo, chỉ toàn sự thật như cục gạch. Tôi viết, hệt như tôi nói, trong nhật kí Tôi viết không tính toán lôi thôi, hệt như tự vật ngửa tôi tênh hênh, trên tờ giấy trắng. Vừa gọn tờ giấy đúp. Tôi đề ngày tháng. Tôi kí tên, bên dưới. Tôi thấy thoải mái, thanh thản. Tôi đọc lại, lúc 1 giờ sáng. Rồi ra trước gương, để bắt tay thằng tôi, trong gương. Tôi lấy rượu ra, uống một mình, để kết luận, về sự thành thật, như nguồn gốc, của nhiều vui sướng, ở đời. Những người ở quê, tôi thấy họ nghèo, nhưng họ thật thà. Họ thật thà, nên họ sung sướng. Những người ở phố, có vẻ nhiều bi kịch hơn, bởi lẽ họ ít thật thà hơn. Những người thành phố nào, chẳng may thật thà, nom họ cũng sung sướng thật. Tôi triết lí sung sướng như vậy, được vài lúc, rồi cũng phải quay về thực tế, vì tôi là người thực tế. Tôi lại băn khoăn câu hỏi lúc nãy. Là, tờ thú này đến tay ông Trung trố, ông sẽ nói sao? Sọ tôi bảo, thôi đừng trố trố mãi, còn bao nhiêu chị Hòa, bác Mẫn. Còn anh Thái nữa. Ông Trung trố đâu phải là cả khu phố. Ông Trung trố không phải là cả khách quan. Tôi đồng í như vậy. Tôi đồng í thế này: tôi thật thà, còn ông ta giả dối. Tôi không giấu giếm gì, còn ông ta có những uẩn khúc, không rõ ràng. Tôi uống, không ăn: cho đến buồn ngủ. Đến 3 giờ, tôi làn kềnh ra giường. Đèn quên không tắt, cứ thế cháy đến sáng.
Ngày số 6. Trời vẫn mưa, cho nên cửa sổ toàn bộ trắng nhợt. Đúng là mưa dầm. Hôm nay là ngày thứ hai, trong cái nạn 3 ngày của tôi. Tôi định bụng, sẽ không đi đâu. Tôi đọc lại tờ thú lần nữa, vẫn thấy được. Nhà tôi hôm nay vắng, như nhà mồ. Hạt lương tâm của tôi, vẫn nằm iên ổn, thế là được. Tôi thổi cơm, rồi ra chợ, mua hai lạng thịt bò, mấy cọng hành tây, đủ để tôi thái thái, xào xào trên bếp điện. Tôi vừa làm cơm, vừa uống. Tôi nghĩ về Cốm. Tôi nghĩ, Cốm có lẽ vẫn ở trên nhà mẹ tôi. Không biết có nên đi gọi Cốm về. Gọi về thì sau này, cô ả càng được thể, lấn dần, vì đàn bà là hay được thể lắm, i như trong thánh kinh. Vả lại, hễ thằng chồng dọn cứt, cho con một lần, lần sau con có ị, lại thằng chồng tiếp tục đi hầu cứt, cũng i như trong thánh kinh. Thế là một mình, tôi ăn món thịt bò, xào cần tây. Một mình, tôi uống rượu quê. Uống đen đầu, hạt lương tâm của tôi lại lăn thêm, về phía Cốm, đến đấy. Thế là tôi áy náy. Tôi nghĩ, Cốm trước kia rụt rè, bây giờ đáo để thế. Tôi không đi gọi, đời nào Cốm tự dưng về. Nhưng mà, đàn ông, theo thánh kinh, cũng ghê lắm. Đàn ông mà tát vợ một lần, vẫn lời thánh kinh, lần sau nó không tát, mà cho một cái đạp chân. Thế thì cũng tội nghiệp cho Cốm. Tôi hỏi sọ tôi. Sọ bảo, đi gọi Cốm về. Sọ tôi định lí luận, thêm một lúc nữa, tôi cũng định băn khoăn, thêm một lúc nữa, thì có người đập cửa. Tôi ra mở cửa: trước mặt tôi là Tình Bốp.
Tình Bốp vào, lảo đảo rũ tóc, ra một đống nước mưa. Toàn thân sặc mùi rượu, mặt tái nhợt. Nó bước một bước chân trái sang bên phải, rồi một bước chân phải sang bên trái. Tôi nghĩ nó cố tình, chân nọ đá chân kia. Nó nói: “Saaay”. Tôi nói: “Ngồi xuống đã. Làm tí nữa”. Nó ngoan ngoãn, ngồi vào chiếu, có vẻ ưu tư và buồn bã lắm. Tôi rót rượu cho nó. Tôi nghĩ, Tình Bốp sang, để thăm dò, nên phải cẩn thận, và bởi vì cẩn thận, tôi đã không văng cho nó một quả đấm. Tôi nói: “Mày nói lộ hết cả, với thằng Ngỡi, để tao chết cháy”. Nó nói: “Cái thằng tệ. Ngờ đâu, nó đi báo cáo. Mà tao dặn nó rồi. Dặn đi dặn lại. Biết đâu là nó mạt đến thế. Sáng nay nó lại đến. Cái thằng bều nhều, lèo nhèo, tởm kinh. Mày còn lạ gì nó, chửi mắng nó, vô ích”. Tôi nói: “Kể lại tao nghe”. Nó nói: “Là thế này, chiều hôm kia, tao làm nồi cháo ấm, vì nhớ mày. Nó không mời, mà đến. Nếu không, tao cho gọi mày, thì đã không nên chuyện. Nó ăn uống no say, rồi ngồi nói xấu mày. Nó bảo mày trước kia, là thằng anh hùng, giờ thằng anh hùng đã bươm, bườm bườm. Mày biết tính tao, làm gì nói gì, tao cũng tính. Mùa hè, tao đã tính đến mùa đông, mùa đông của cả mấy năm sau nữa. thế mà hôm ấy tao hớ thật. Tao có lỗi với mày. Bây giờ, mày trách tao, tao cũng chịu. Nhưng tao luôn luôn đứng về phía mày. Kẻ hại mày, không phải là tao, chắc mày biết cả. Tôi nói: “Mày kể gì với thằng Ngỡi?” Nó nói: “Kể hết, nhưng không hết”. Tôi nói: “Là thế nào?” Nó nói: “ Kể hết bữa rượu nem Phùng. Chỉ trừ một chi tiết”. Tôi nói: “Thế là thế nào?” Nó nói: “Chỉ trừ chuyện tao với mày sẽ chơi trò kép, trò đúp. Vì đây là chuyện riêng, của tao với mày”. Tôi rùng mình. Tôi không hiểu gì nữa. Tôi vẫn đinh ninh Tình Bốp là thủ phạm, của vụ rắc rối này. Nhưng có lẽ không phải. Nó có vẻ thật thà, và hối hận lắm. Nó nói: “Thằng nào, con nào hại mày, chắc mày biết rồi. Trông mày vẫn phớt lắm. Chắc mày nom rõ nước cờ của đối thủ rồi, chứ gì?” Tôi nói: “Hừm”, vì tôi chẳng nom rõ cái gì cả. Tình Bốp nhắc lại: “Trông mày vẫn phớt lắm. Tao biết sấm ù ù trên đầu, mày vẫn không lo lắng gì”. Tôi nghe nó nói, cũng thích, vì cái lỗ tai của tôi thích. Cái lỗ tai thích, làm tôi nguôi giận. Tôi nói: “Tao lúc nào cũng vẫn thế”, rồi rót thêm rượu, cho nó.
Tình Bốp nói: “Thế mới đúng là mày. Đầu mày lúc nào cũng thẳng, như cột thu lôi, sét đánh không chết. Tao thi kém lắm, cứ như cái trạm khí tượng. Trời đất hôm qua khác, hôm nay khác, là tao đã lo cơn bão số mấy. Bão còn đang ở Philipin, ở đây tao đã lo, cuống cuồng. Tao không phải cái cột thu lôi, nên tao phải nấp vào bóng không thì sét đánh chết. Tao biết vậy, nên biết ơn biết ơn mày, nên tao bảo vệ mày, không ngờ lại. Nhưng mà, dạo này mày không gặp tao, nên nhiều chuyện mày không biết”. Tôi vểnh tai lên, tôi hỏi: “Chuyện gì?” Nó nói: “Thằng Ngỡi hôm ăn cháo ở nhà tao về, nó đến thẳng nhà thằng Đoành. Sáng nay tao hỏi thằng Ngỡi, nó thú nhận, có về qua cổng nhà thằng Đoành, thấy thằng Đoành tập hát, rất to, cả phố nghe thấy, nên vào nghe hát, một lúc. Nó nói dối, nhưng tao biết nó ghét âm nhạc. Nó đến để hai đứa bàn mẹo với nhau. Thằng Đoành bây giờ làm quân sư, cho cả ba thằng chúng nó. Sau đó, thằng Ngỡi đi, báo cáo ông Trung trố. Thằng Đoành, bên ngoài cứ hát với kịch, thế mà nó đẩy mày, đến cái chỗ bị trấn áp, đến cái nạn làm tờ thú”. Tôi nói: “Mẹ thằng Đoành, tao mới ngủ nhà nó, tối hôm kia, đúng lúc thằng Ngỡi đi, báo cáo ông Trung trố”. Tình Bốp nói: “Đấy, trước tao cũng quí mến nó, bây giờ qua việc này mới biết, thằng Đoành là thằng nào. Còn ông Trung trố mới nực cười, cứ láu ta láu táu. Lại còn đòi trấn áp mày. Lại còn bắt mày làm tờ thú, mà lại không được chơi chữ. Để tao giúp mày làm tờ thú. Cứ kể từ ngày hòa bình, cứ khai mày là thằng dâm ô, chỉ đớp với hít, toàn những thứ cả thành phố đều biết rồi. Mày phải nói là bên ngoài còn nhiều biểu hiện, của tàn dư đế quốc, nhưng bên trong, mày vẫn một lòng một dạ, quay đầu về tổ quốc. Đến cái trò kép, trò đúp, thì tại vì say quá, chăng nhớ đã nói gì nữa. Mày lúc ấy đang phiên muộn, vì mấy thằng bạn, chúng chơi đểu mày, chúng chơi trò đúp. Cho nên lúc say, mày mới buột ra, cái trò kép, trò đúp. Thế thôi. Mày đâu có làm như vậy, với họ. Rồi mày kêu oan. Thế là huề cả làng. Ván trò kép, trò đúp, của tao với mày, được bởi vì từ nay mày thấy rõ, thế nào là tình bạn thời bây giờ”.