Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần

Tôi hỏi: “Gặp Tình Bốp lần cuối, là bao giờ?” Nó nói: “Gặp thường xuyên. Chiều qua anh Bốp cho em một bữa cháo ám, giữa nồi cháo, là con cá quả hai cân, ngon không tả được. Em, để chiều lòng anh Bốp, bèn nghĩ ra trò nói xấu các anh, chứ em chẳng ác í gì”.

Tôi hỏi: “Tình Bốp nói gì?” Nó nói: “Anh Bốp kêu buồn, vì không thấy anh đến uống rượu. Em bảo dạo nay, đàn anh có vẻ sợ, nên nằm nhà với vợ, ít giao du. Anh Bốp cười khẩy. Anh Bốp nói, đàn anh nóng tính lắm, muốn góp í cũng khó”.

Tôi hỏi: “Tình Bốp kể gì nữa?” Nó không trả lời. Tôi hỏi: “Tình Bốp có nói gì, về trò kép, trò đúp không?” Nó trả lời: “Không”. Tôi hỏi: “Vậy thì ai nói, mà cậu biết?” Nó trả lời: “Biết gì?” Rồi nói thêm: “Vậy là đàn anh đã nói thế, thật à? Cái trò kép, trò đúp ấy? Em có nghe ông Trung trố, trong cuộc họp. Thế thôi. Em không biết gì cả”. Rồi nó hỏi, thêm lần nữa: “Vậy đúng là đàn anh đã nói thế, thật à? Đàn anh nói đi”. Tôi hỏi: “Nói gì?” Nó trả lời: “Đàn anh nói, là đàn anh sẽ chơi, trò kép, trò đúp, với công an. Đàn anh sẽ chăm chỉ, đi họp khu phố, sẽ tích cực, tham gia lao động chủ nhật. Nhưng bên trong, đàn anh sẽ chờ thời cơ, đánh lại. Có đúng là kế, của đàn anh không?”

Tôi im. Lúc ấy, chắc tôi nhìn trắng nhợt. Mãi sau, tôi mới nói, được vài câu. Tôi nói: “Đớp nốt đi. Không thì gói đem về. Đêm qua, tranh luận với thằng Đoành, giờ nghe chuyện mày, càng mệt. Tao đi ngủ đây”. Nó nói: “Đàn anh cứ việc đi ngủ. Mâm bát để em dọn dẹp, chu tất. Nhưng mà em còn bán tín, bán nghi. Bởi vì, lời ông Trung trố, cứ làm sao ấy. Em có nhận xét, với ông Trung trố như vậy, sau cuộc họp. Ông ấy phê luôn em ngây thơ về chính trị. Sao đàn anh không nói gì? Nói đi, để em gặp bác Mẫn, em thanh minh cho”. Tôi nói: “Lâu rồi. Tao có nói, lâu rồi. Sau hôm Lily đi, tao có uống say, với Tình Bốp. Tao say lắm, tao có nói thế thật. Nhưng tinh thần thì khác. Có vậy thôi”. Tôi không biết kể, thế nào hơn, vì rất khó. Nó nói: “Thôi, đàn anh đi ngủ. Để em nói nốt cái này. Đàn anh cứ iên trí. Em có suy xét của em. Bây giờ em đớp nốt, rồi rửa bát đĩa, dọn dẹp, chu tất nhà cửa. Rồi em về. Em sẽ khép cửa ngõ cẩn thận. Nội nhật hôm nay, em sẽ đi gặp bác Mẫn, để báo cáo tỉ mỉ. Rồi em sẽ sang anh Tình Bốp, làm bữa chén nữa, cho xong một ngày. Có gì, anh em mình lại gặp nhau… như sáng nay, đàn anh nhé”. Tôi nói: “Không thành vấn đề”, tôi rũ chiếc chăn đơn, trùm kín đầu. Tôi chưa tìm được sự thật.

Loáng thoáng có tiếng gọi, ngoài cổng. Tôi choàng dậy. Còn váng vất mùi tửu hậu, mùi nhà vắng, mùi mưa bụi, mùi câu chuyện khó chịu, mùi em Cốm bỏ nhà. Là năm mùi, làm thum thủm, cả buổi sáng. Tôi còn đang bàng hoàng, thì con bé nhà ông Trung trố, tên là Cậy, thò đầu qua cửa sổ, phía sân gạch. Tôi nói: “Vào đây. Có việc gì vậy?” Con Cậy không vào, mà đưa qua cửa sổ, một mẩu giấy. Nó nói: “Thầy em bảo anh, lên ngay trụ sở, có việc”. Tôi chưa kịp đọc mẩu giấy, con bé đã ù té chạy mất. Chắc bố nó đã tuyên truyền xấu về tôi, cho nên nó sợ, nó chạy. Mẩu giấy bằng bàn tay, một nửa chữ in to, một nửa là chữ kí, của ông Trung trố. Mẩu giấy nói: NHẬN ĐƯỢC GIẤY NÀY, NGUYỄN DƯỠNG TỨC DƯỠNG TÀU BÒ KHÔNG TRÙNG TRÌNH KHÔNG LÍ DO GÌ CÓ GIÁ TRỊ, CẤP TỐC LÊN NGAY TRỤ SỞ CHẬM NHẤT 15 PHÚT SAU KHI NHẬN ĐƯỢC GIẤY, NẾU KHÔNG MỌI HẬU QUẢ KHÔNG LƯỜNG TRƯỚC ĐƯỢC, SẼ PHẢI CHỊU, TRỊNH QUỐC TRUNG. Tôi vội mặc quần áo. Tôi chọn chiếc sơmi, không chim cò. Tôi đi giày da mùa đông. Xong, tôi khóa cửa, vào lúc 10 giờ 5 phút. Ra ngoài sân, tôi thấy mưa bụi. Ra cổng, tôi thấy mưa bụi. Ra đến ngõ, tôi thấy mưa bụi. Mưa bụi cũng đủ, làm ướt tóc và làm nước chảy nhiều dòng trên mặt. Tôi đi qua bến xe điện, thấy mưa bụi. Tôi nghĩ mà không biết cái gì đang chờ tôi, trên trụ sở. Tôi đi trong phố, thấy mưa bụi. Tôi nghĩ, mà không nghĩ cái gì. Tôi ngang qua phố, thấy mưa bụi. Tôi nhìn hai dãy phố, thấy hai dãy phố mưa bụi và cột đèn tiếp nối cột đèn. Tôi đi trong lòng phố. Trong lòng phố có mưa bụi. Trụ sở đã lù lù trước mặt.

Phố không có trụ sở. Chỉ là ngôi chùa cũ, trở thành nơi họp khu phố. Từ hồi tiếp quản, chùa mang tên mới, là trụ sở. Tôi đến trụ sở, lúc 10 giờ 17 phút. Mặt trước trụ sở cửa đóng, có hai ông hộ pháp đứng, trợn mắt nhìn tôi, lưng dính vào tường. Tôi đi vòng ra sau trụ sở, gặp một bác, đang quét thềm. Bác thấy tôi, thì nháy mắt, tỏ vẻ rất thông cảm. Hóa ra tôi có quen bác, từ lâu rồi. Thực ra, cả khu phố, ai cũng biết bác, cũng từ lâu rồi. Tôi nhớ tên bác, là Khấu đen, năm nay 60 tuổi, nhưng có lẽ hơn, có lẽ kém. Bác có tài dắt trâu, mà không gây một tiếng động nhỏ, ngay cả trong buổi đêm im lặng. Tôi nhớ dạo ấy, nhiều nhà buổi sáng dậy, thấy trâu đi mất, chỉ còn lại một con đường êm ái, được trải đầy rơm, từ chuồng trâu ra tận cổng. Thảo nào trâu bỏ nhà đi, mà không một tiếng động. Sau đó, trâu đi vào lò mổ Batoa, biến thành đủ các món thịt lậu. Có trời mà tìm được thủ phạm. Nhưng những người khôn ngoan, cứ tìm bác Khấu đen, nói khéo với bác, biếu bác tiền, để nhờ bác đi chuộc hộ, thế nào trâu cũng sẽ quay về, nguyên vẹn. Bác tìm trâu rất giỏi, bao giờ cũng tìm được, và các cuộc chuộc tiền bao giờ cũng sòng phẳng và kín đáo. Bác được uy tín lắm, cho nên chẳng ai đi báo công an, vì biết rằng nếu đi báo, trâu sẽ vĩnh viễn không về nhà nữa. Mỗi ngày lò Batoa thịt vài trăm con, một vài con trâu lậu có lẫn vào, cũng chẳng ai phân biệt được. Sau đó, nhà ai bị mất trộm gì, mâm thau, nồi đồng, tư trang, đều đến nhờ bác đi chuộc hộ. Bác khét tiếng nhân đức, i như trong thánh kinh. Từ ngày tiếp quản, chùa bị bỏ không, bác xin khu phố, cho làm chân quét chùa, sau này đổi thành chân quét trụ sở. Bác nói: “Chế độ trước bảo, có tay ăn, tay chơi. Chế độ này bảo, tay lam, tay làm. Nghĩa là, cả hai tay đều làm. Hai tay không làm, thì hàm không nhai. Thế thôi, chứ không phải vì tôi già. Tôi chuyển mình, cho hợp thời”. Buổi sáng nay, lúc tôi vào trụ sở, từ cổng sau, bác đang quét thềm. Bác nháy mắt với tôi. Tôi nháy mắt lại với bác, để nói: tôi với bác cùng cánh nhau, tôi đang bị đây, còn bác vẫn an toàn, nguyên vẹn. Tuy nhiên, tôi chưa ăn cắp bao giờ. Ăn cướp thì có, vì tôi là lính tàu bò. Cả tôi cả bác, đều có quá khứ, bất hảo. Từ trong trụ sở, ông Trung trố nhìn tôi. Cặp mắt ốc nhồi tóe lửa. Tôi vào.

VII

“Anh có biết, tôi triệu anh lên đây làm gì không?” Ông Trung trố sừng sộ, như vậy. Tôi nói: “Tôi không biết”. Ông Trung trố nói: “Cái thái độ anh. Anh đừng vờ”. Tôi im. Tôi làm vẻ đang nghĩ, và nghĩ không ra, để ông đừng giận. Ông Trung trố nói: “Để trấn áp. Anh hiểu chưa? Các anh không biết thân, mới ti toe ba tuổi ranh, mà đòi trò này, trò nọ. Các anh muốn ngóc đầu lên, thì bảo tôi. Tôi thay mặt một nghìn sáu trăm bà con, lớn, bé, già, trẻ, ở khối này, nói trước cho anh biết. Ngóc đầu lên, trăm đầu, nghìn đầu, tôi treo cổ ráo. Anh có biết, giặc Phạm Nhan không?” Tôi nói: “Không”. Ông Trung trố nói: “Im! Không được hỗn. Hay anh muốn hỗn thì bảo tôi. Anh im. Bao giờ tôi cho nói, anh mới được nói. Giặc Phạm Nhan, chặt đầu này, mọc đầu kia. Rốt cuộc nhân dân được, hay Phạm Nhan được? Đê quốc Pháp của bọn anh, với một bọn tàu bay, tàu bò, hùng hùng, hổ hổ. Rốt cuộc nhân dân được, hay đế quốc Pháp được?” Tôi nói: “Nhân dân được”. Ông Trung trố nói: “Ai cho phép anh nói?” Tôi nói: “Tôi tưởng ông hỏi tôi”. Ông Trung trố đập bàn. Ông quát: “Imm! Không tưởng gì hết! Không phải vấn đề tưởng! Đây là vấn đề trấn áp! Hiểu chưa?” Tôi nói: “Vâng. Tôi xin lỗi. Ông làm ơn giải thích, những thủ tục trân áp là thế nào? Đê tôi biết”. Ông Trung trố quát: “Anh hoạch tôi? Không có thủ tục gì hết. Anh đứng cho ngay ngắn. Ai cho anh dựa lưng vào cột? Đứng thẳng vào. Bao giờ tôi bảo cho nói, anh mới được nói. Hiểu chưa?” Tôi nói: “Vâng. Tôi hiểu”. Ông Trung trố nói: “Imm. Ai cho anh nói? Anh không cần vâng tôi hiểu. Tôi không lạ gì cái vâng của anh. Cả cái adiđàbụt dị đoan, của anh nữa. Bọn các anh 3 tuổi ranh, hỗn láo, nhân dân vặn cổ. Không còn Tây ở đây nữa, để các anh dựa thế làm càn. Trông kìa, cái đầu nom càn quấy chưa. Thế mà đẹp à? Cứ phải càn, phải ngổ, mới đẹp à? Bà con ở đây, ai cũng làm ăn thắt lưng buộc bụng. Để làm gì, anh biết không? Thứ nhất, để xây dựng miền Bắc. Thứ hai, để làm hậu thuẫn, cho cuộc đấu tranh giành thống nhất, của miền Nam. Thứ ba nữa, để góp phần bảo vệ hòa bình thế giới. Ba việc gắn liên làm một. Bọn các anh nay rượu, mai chè. Tiền ở đâu ra? Tụ bạ nhau, bày mưu, tính mẹo. Đểu cáng. Lêu lổng. Bày ra với nhau, trò kép, trò đúp. Anh, tôi vạch đích mặt anh, anh chủ trương chống chính phủ, phải không? Kìa, sao không nói? Cho nói”. Tôi nói: “Không”. Ông Trung trố quát: “Thái độ! Đả đảo thái độ! Thái độ loanh quanh. Lại cái mặt phớt. Anh chối à? Anh nói chúng tôi thịt ngầm anh, anh cũng thịt ngầm lại, anh chối à? Tôi nói: “Tôi không nói hẳn thế. Hôm ấy tôi buồn, tôi say. Tôi không nhớ”. Ông Trung trố nói: “Ai cho phép anh buồn? Chỉ ở chế độ cũ, anh mới muốn buồn, thì buồn. Anh không nhớ, không nhớ. Anh ngỡ, một mình anh đọc trinh thám. Vô khối người đọc. Tôi thì, tôi ỉa phẹt vào sách vở của anh. Không cần đọc, tôi cũng biết thừa tâm lí kẻ gian. Kẻ gian, lúc nào cũng tôi quên, tôi quên, tôi không nhớ. Anh nói anh chơi trò kép, trò đúp, chống chúng tôi, anh nhớ không?” Tôi nói: “Tôi chỉ nói chơi trò kép thôi”. Ông Trung trố nói: “Ai cho anh nói? Đấy, anh giấu đầu hở đuôi. Kẻ gian bao giờ cũng giấu đầu, hở đuôi. Chỉ chơi trò kép không thôi, và chơi trò kép, với chúng tôi, thì khác gì nhau? Cho nói”. Tôi nói: “Khác chứ”. Ông Trung trố quát: “Imm. Ai cho anh cãi? Đây không phải chỗ, để anh đôi co, bài bây. Anh chống chúng tôi ra mặt, mà còn chối. Anh trả lời đi, cái trò kép của anh, có phải để chống cộng không? Cho nói, nhưng không được cãi”. Tôi nói: “Không. Tôi bị nghi ngờ. Cảnh ngộ của tôi khó, tôi ăn ở khó, vì bị ngờ. Cho nên trong lúc say, tôi nói chữ trò kép, để đối phó với cảnh ngộ của tôi”. Ông Trung trố nói: “Càng cãi, càng lòi cái đuôi. Anh nói không chống cộng, lại nói chống cảnh ngộ. Cảnh ngộ với chế độ, khác gì nhau. Anh đừng chơi chữ. Tôi ỉa phẹt, vào cái đệ thất của anh. Bác sĩ, kĩ sư, bằng nọ cấp kia, văn hóa đế quốc, tôi ỉa phẹt, vào cả lũ. Anh muốn chơi chữ, thì tôi chơi chữ. Cảnh ngộ, cảnh ngộ nào làm anh khó ăn khó ở? Anh ám chỉ ai? Khu phố? Công an? Cộng sản? Tôi nói để anh biết, khu phố, với chính phủ, với cộng sản, chỉ là một. Anh còn chơi chữ nữa không?

Tác giả: