Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần

Bây giờ là 7 giờ tối. Vậy là tôi ngồi không cũng đã được 4 tiếng. Cốm đi làm về, đang đi trong ngõ. Em Cốm, cái thai đã to, nom như một cây lúa ngậm đòng. Tôi bật điện. Thì ra từ nãy, tôi đã ngồi bó gối, trắng nhợt, trong buổi chiều nhọ. Suốt buổi chiều, tôi đã kịp thuộc lòng, một nửa trang sách ám ảnh.

Buổi chiều. Anh sinh viên người Nga, trước khi phạm tội, đã đến, nói như thế này: “Tôi là một Nã Phá Luân tân thời. Tôi nghèo, tiền trọ nợ đìa, bàn ăn quanh năm không có gì, căn gác mùa rét không lò sưởi. Tôi không có điều kiện, để ăn học nốt. May thay ở phố ấy, có mụ cầm đồ giàu có, không con cái, tuổi mấp mé miệng lỗ, chuyên nghề hút máu những người cơ nhỡ, mụ đáng tội chết. Tôi phải giết mụ, đoạt tiền của mụ. Như vậy nhất cử nhị tiện. Nhất tiện, tôi trừ cho xã hội một con rệp già. Nhị tiện, tôi đoạt số tiền của mụ, tiếp tục ăn học thành tài và trở thành Nã Phá Luân tân thời, cứu nhân độ thế”. Tôi không tranh luận. Bởi vì tôi không biết, biện hộ cho tội ác đi ngụy của tôi, như thế nào, bằng những lí do quan trọng, và vinh quang nào. Nhưng một Nã Phá Luân tân thời đi ngụy, hòng cứu nhân độ thế, chắc chắn chưa bao giờ được tôi đưa vào chương trình, dù chỉ trong một í nghĩ tia chớp. Hồi ấy, tôi chưa viết nhật kí.

Tháng mười một 1965. Tôi ngồi một ngày không rõ thứ sáu hay chủ nhật. Bên kia cửa sổ tôi xanh, có sáu cây bàng rụng lá, và nhiều căm nhông xanh quân sự đậu, có tháng mười một vắng lặng, và phố thời chiến vắng lặng. Để chờ những cơn bão chưa tới. Tôi cũng chờ 7 ngày về thăm Hà Nội của Dưỡng, bởi vì cuốn nhật kí của anh bị mất ít nhất hai mươi trang. Tôi vẫn cho rằng, động tác ghi nhật kí thể hiện cách ứng xử của cá nhân, với thời gian. Người ghi nhật kí bộc lộ khá nhiều phản ứng, hoặc tích cực, hoặc tiêu cực, với hiện tại, và dường như hiện tại là đối tượng duy nhất, của nhật kí. Ở một góc độ nào đó, động tác ghi nhật kí cố gắng vĩnh cửu hóa hiện tại, và chấp nhận toàn bộ mâu thuẫn với qui luật thời gian. Đúng là hồi đi ngụy, Dưỡng chưa viết nhật kí thật. Còn những ghi chép của 2 tuần lễ, tiếp theo buổi chiều nhọ kể trên, bị mất cả. Nhiều trang bị Dưỡng dập xóa, nhiều trang bị xé nát, nhiều trang mất cả cuống, nhiều trang còn để cuống lại. Một ngày tháng mười một, Dưỡng nghỉ phép về Hà Nội, tôi mang tập bản thảo bị thương đến. Tôi đề nghị Dưỡng giải thích động tác xé nhật kí của anh. Dưỡng nói: “Đúng là tôi viết nhật kí, để đưa hiện tại của tôi ra khỏi thời gian, để ngày hôm nay được tồn tại, vĩnh viễn. Nhưng tôi bắt đầu nhận thấy sự nguy hiểm của vĩnh cửu. Đã 3 mùa trôi qua, mà hiện tại của tôi ngày một tệ hại. Sự vĩnh cửu, giống như vũng nước tù, càng vĩnh cửu càng hôi thối, càng lắm kí sinh trùng. Chính vì vậy, tôi đã xé nhật kí. Hai tuần liền, tôi nghĩ lung mung lắm. Người tôi rã rời. Thỉnh thoảng có vài tia chớp, lóe trong sọ, sáng trưng. Rồi lại tối om. Tôi lo nhất là bị coòng tay đem đi: vợ tôi đang có mang, việc làm tìm chưa ra. Nhìn đâu cũng thấy công an. Đêm ngủ đầy ác mộng. Tôi xé nhật kí, viết rồi xé, chưa viết xong, cũng xé, mà hiện tại vẫn hủi. Tôi lại tiếp tục nhật kí, nhưng muốn hiện tại đi nhanh hơn, tôi còn một cách, là đánh số, vào những nhật kí. Như vậy, ngày đến sau sẽ đẩy lùi, ra xa những ngày đến trước. Tôi chờ. Còn nghĩ nhiều, đến cuốn trinh thám Nga. Rồi không nghĩ đến nữa. Cách đây không lâu, tôi muốn đọc lại, mà tìm không thấy”.

Tháng mười một 1965. Cuốn sách đã làm Dưỡng ngơ ngẩn không ít ấy, mang nhan đề TỘI ÁC VÀ TRỪNG PHẠT, là một tiểu thuyết, của đại văn hào Đôxtôiepxki. Dưỡng đã gọi nhầm, là sách trinh thám. Tôi không biết cuốn của Dưỡng là của nhà xuất bản nào, trong bộ sưu tập trinh thám nào. Tôi biết, nhiều nhà văn chuyên viết trinh thám châu Âu, nhận Đốt như một trong những ông tổ của họ. Cái đó không hề làm hại vị trí văn hào của Đốt, mà ngược lại. Tôi cho là Dưỡng đã tìm được cuốn sách, trong một bộ sưu tập trinh thám lèm nhèm. Nhưng qua những ám ảnh, của Dưỡng, tôi có thể tưởng tượng được, rất rõ ràng, tầm cỡ đại văn hào của Đốt. Thế rồi, 2 tuần của nhật kí trôi qua, với nhiều tictăc phức tạp, và nhiều ngã tư ngày, toang hoác vết bội thương.

Ngày số 1. Nhật kí tiếp tục: i như trong thánh kinh, tôi lại tu tại gia. Mẹ tôi hình như bàn với Cốm, tìm việc cho tôi. Trong khi chờ đợi, lại ngày ngày câu nhái. Lại họp khu phố, không thiếu buổi nào. Tôi tham gia lao động chủ nhật, tham gia lấp đầm lầy, đắp đường đi mới trong ngõ. Không thấy tay nhọn cằm đâu. Cũng không thấy nữa mấy người áo xanh, đứng chờ đầu ngõ, dưới cột đèn buổi sáng. Có lẽ bây giờ, công an chuyển sang giai đoạn theo dõi ngầm. Dù sao, adiđàbụt, tôi vẫn trợn. Nhất là khi cả xóm kể cho nhau, chuyện bọn thằng Hoóng bị tóm như thế nào. Những thằng tay chân, kiêm bạn thân của thằng Hoóng, được nhân dân đặt tên, là bốn thằng Lừa, Ngựa, Bú dù, Bò. Cả bốn thằng đều bị theo dõi, hệt như tôi vậy, nhưng bị thêm nhiều cuộc gặp gỡ đả thông với công an, có khi kéo dài suốt đêm. Lại những trò tâm lí, chép từ truyện trinh thám. Có khi còn ghê hơn, vì bốn thằng phải đối diện, với những đại diện của chính nghĩa, và của chính sách. Bốn thằng bắt đầu trả lời, bằng những câu hớ hênh, rồi bắt đầu thú nhận, bằng những câu rụt rè. Khi anh Thái và bác Mẫn tuyên bố: nếu khai cáng sớm, càng chân thành, tội càng giảm, giảm mãi thành vô tội, bốn thằng tranh nhau khai tội và tố cáo lẫn nhau. Công an chỉ việc đến, bắt thằng cầm đầu, là thằng Hoóng, quan hai biệt kích không đi di tản, mà ở lại Hà Nội. Hôm ra tòa, đúng là mọi tội lỗi bây giờ thằng Hoóng phải chịu hết. Bốn thằng Lừa, Ngựa, Bú dù và Bò đều nhẹ tội thật, có thằng mặt mũi còn rất tươi tỉnh, đúng như cái tên của nó. Hôm ra tòa, hai mẹ con, hai người tình của thằng Hoóng, cũng dắt tay nhau, đứng chờ dưới phố. Cô con gái mắt đỏ hoe. Còn cô mẹ mặc áo cánh đen, mắt cũng bôi phẩm đen. Trông cứ như hai chị em. Tôi, từ vụ án này hiểu thêm nhiều thứ, về tình bạn và quyền lợi, về cả tình iêu nữa. Cũng từ sau vụ án, tôi không đến nhà Tình Bốp. Tôi tránh đi qua chiếc cổng sắt sơn xanh, bên dãy số lẻ. Tôi sợ tình bạn. Vả lại, adiđàbụt, đã quyết định tu tại gia, chỗ nào con mắt khu phố đổ vào, kẻ tu hành không nên lai vãng. Tuy vậy, tôi cảm thấy thế này: từ chối một tình bạn, là tôi đểu.

VI

Thu 1955

Ngày số 2. Chớp mắt đã sang thu. Tình Bốp dẫn tôi đi bác sĩ, vào một ngày thu, khi tôi chưa ghi nhật kí. Đến nơi, hóa ra là một nữ bác sĩ, mới học ở Pháp về. Nữ bác sĩ rất thích xoa mà chược. Có lần xoa mà chược về khuya, bị cảnh sát bắn thủng xe. Hôm nào thua bạc, bệnh nhân kêu cha kêu mẹ, vì vừa bị làm đau, vừa phải trả tiền đắt như ở bên Pháp. Nữ bác sĩ hôm ấy trao tôi cho một nữ i tá. Cô i tá trẻ và xinh, cứ lóng ngóng và thẹn đỏ mặt, khi tôi cởi quần áo. Cả tôi, cả cô đều thẹn, cho nên mãi mà cô vẫn chưa hiểu, tôi đau ở đâu. Tôi xấu hổ, cứ che che, đậy đậy, bộ phận kín. Hồi lâu, nữ bác sĩ mới vào, thấy vậy thì mắng: “Vẽ”. Và nói thêm: “Tôi chưa chồng, nhưng không lạ gì những thứ dụng cụ này”. Dụng cụ, là để chỉ bộ phận giới tính của tôi, bị mắc bệnh, sau một lần đi vườn hoa. Là từ vựng, dịch từ tiếng Pháp sang. Là quan niệm triết học, mà nữ bác sĩ đem từ Pháp về. Nữ bác sĩ không đẹp, nhưng giọng tròn như đầm, cả người chỉ được cái giọng. Khi nói, đôi môi cũng uốn tròn. Tôi trả nhiều tiền, vài buổi thì khỏi bệnh. Tôi đem tí quà, đến cám ơn nữ bác sĩ, vào 9 giờ tối một mùa thu. Nữ bác sĩ bảo: “Để tôi xem lại cho”, rồi đưa tôi vào buồng ngủ, xem rất kĩ. Đêm thu ấy, tôi ngủ luôn tại đó. Sáng dậy, nữ bác sĩ bảo: “Thế là khỏi hoàn toàn rồi. Anh có thể về, không phải quay lại nữa”. Tôi về, nghĩ bụng Tình Bốp đúng là tay sành điệu, Hà Nội có cái gì hay nó biết cả.

Ngày số 3. Chớp mắt đã mấy mùa thu nữa. Mỗi mùa thu đều bắt đầu từ một sự cố. Mẹ tôi nói: “Thế mày nghĩ thế nào? Ông Phúc quen bố mày từ xưa. Con nghe mẹ: thời buổi khó khăn, tìm đâu được việc gì bằng. Người ta hẹn tối thứ bảy này phải trả lời”. Tôi nói: “Để con nghĩ đã”. Cốm đứng bên cạnh nói: “Anh bằng lòng đi. Lương anh tám vạn (80 đồng, tôi chú thích), với lương em năm vạn, nhà mình sống tươi”. Tôi nói: “Tươi. Rồi cô đẻ, phải nghỉ việc. Chỉ còn tám vạn lương tôi, để nuôi ba mống. Tươi nhỉ. Đi câu nhái còn kiếm nhiều hơn”. Mẹ tôi nói: “Chứ mày muốn bao nhiêu? Ông Phúc có hứa để mày vào làm, vài tháng xem sao. Nếu mày nhanh í, từ chân lái phụ, mà lên được chân lái chính, rồi cố thi lấy cái bằng lái, ông Phúc hứa sẽ trả ít nhất mười lăm vạn”. Tôi nói: “Pựt. Nghe lời hứa của họ!” Mẹ tôi nói: “Ông bà Phúc đứng đắn. Có phải mày đi làm công cho người ta đâu. Đấy là ông ấy giúp nhà mình”. Tôi nói: “Pựt. Thôi mẹ đừng nói. Mẹ hai thứ tóc trên đầu, vẫn không hiểu gì. Thiên hạ tính điều lợi, nếu không có lợi, người ta đừng hòng”. Mẹ tôi im. Cốm mặt đượm vẻ lo. Tôi đi đi lại lại, trong buồng. Tôi nghĩ, tám vạn hơi ít. Mười vạn cho cái chân phụ xe, thì nghe được. Ông Phúc là chủ hãng xe Phi Mã, mẹ tôi nói. Nhưng tôi biết mấy chiếc xe quèn chạy Hà Nội–Nam Định của ông, thế mà cũng gọi là hãng. Bịp cả. Mẹ tôi và Cốm thì thụp với nhau, từ cả tháng nay, về việc này. Tôi chỉ mang máng vậy, nhưng không hỏi. Thực tình, có lúc cũng muốn việc làm, nhưng lúc này bụng tôi ngập ngừng, vì ngại đi làm bó buộc. Cho nên tôi nói: “Thôi, lương lậu thế, con đi câu thôi. Đi câu cũng là nghề”. Mẹ tôi nói: “Con lái được tàu bò, lái ôtô còn dễ hơn. Con chịu khó, thế nào cũng lên được chân lái chính, rồi thi thêm cái bằng lái, thế nào cũng chuyển được thành phần”. Tôi cáu. Tôi nói: “Mẹ nói gì? Chuyển thành phần gì?” Mẹ tôi nói: “Mẹ nói thế, thì làm sao, mà cáu?” Tôi nói: “Thành phần xấu. Là do mẹ. Tôi đâu có chạy lễ thằng Macxen, để được vào ngụy. Hồi ấy, tôi đào hầm trốn động viên, còn lâu nó mới bắt được tôi”. Mẹ tôi nói: “Ừ, thì tự mẹ. Nhưng bây giờ, sự thể đã rồi. Đừng gắt mẹ. Nếu con chê lương ít, thì mẹ bù vào chỗ thiếu cho con. Nay mai vợ con sinh nở, mẹ đã lo liệu xong cả rồi, có phải mình con lo đâu mà sợ”. Cốm nói: “Nhà mình hai vợ chồng khỏe mạnh, sinh một đứa con, đã đến nỗi gì, mà anh phải lo nhiều”. Nhưng còn ức câu chuyện thành phần. Tôi nói: “Thôi đi. Cái luận điệu chuyển thành phần, chính cô nhồi sọ cho bà cụ. Tôi còn lạ gì”. Cốm nói: “Mẹ nói thế, không đúng à, thì đã sao?” Tôi quát: “Sao cái gì?” Mẹ tôi cuống quít: “Ơ thằng này. Nó nói thế, mà mày sừng sộ”. Tôi quát to: “Phải. Tôi xấu. Thành phần ngụy binh hại nước. Mặc xác tôi”. Tôi nói với Cốm: “Cô tìm được chỗ nào thành phần tốt, cứ việc. Tôi kí giấy li dị ngay. Con sau này đẻ ra, tôi nuôi”. Nói rồi, đi ra cửa. Không thấy ai phản ứng, tôi càng cáu. Tôi nói: “Này, thằng Thái thành phần tốt đấy. Chưa vợ con gì cả. Người ta đồn ầm lên rồi đấy”. Cốm quắc mắt. Cốm nói: “Lại luận điệu thằng Tình Bốp!” Tôi nói: “Tình Bốp cái gì!”, và vung tay, tát trái Cốm, nghe đánh đốp một cái. Mẹ tôi tức thì tru tréo: “Ơ. Thằng vũ phu! Thằng đế quốc! Mày đánh ngay mẹ mày, có phải hơn không!” Tôi nói: “Cả mẹ nữa. Mẹ từ tôi đi. Thành phần đế quốc đây. Từ tôi đi”. Rồi đi thẳng. Tôi nhìn lướt qua, rất nhanh, thấy Cốm mím môi. Núm đồng tiền nổi, ở má bên phải, đo đỏ. Chỗ ấy lằn vết tát trái.

Tác giả: