Buổi chiều. Lại một chiều bùi bụi. Tôi gặp thằng Chắt trên phố. Tôi xách một xâu nhái. Thằng Chắt gọi tôi. Cu cậu trông rất oách, đội mũ thợ, quần áo xanh. Xanh từ đầu chí chân. Tôi nói: “Ra vẻ công nhân chưa! Đi làm dễ chịu hả?” Chắt nói: “Đang chết cháy đây. Bác tao bắt sang Gia Lâm làm, chẳng nhẽ giờ tao bỏ. Ông ấy cày cục, xin mãi mới được. Làm vài tháng, đã bỏ, ông ấy mặt mo”. Tôi nói: “Việc gì phải bỏ?” Chắt tròn mắt với tôi. Nó nói: “Mày không biết à? Vô khối thằng nhào ra, vì ra ngoài, kiếm nhiều hơn. Ở trong nhà máy lưong ít, lại thêm họp hành, thi đua, vất bỏ mẹ. Nhà tao xa, đến phát ngấy. Sáng đi từ tơ mơ, tối nào mà họp, thì 11, 12 giờ, mới bò về tới nhà”. Tôi nói: “Sao nom mày hớn hở vậy?” Nó nói: “Thì cũng có cái để hớn hở. Cũng đếch biết là cái gì. Tao đi về đã. Chủ nhật sang tao, làm tí tiết canh vịt, nhé!” Tôi ừ. Đến ngã tư tôi rẽ vào chợ. Thằng Chắt đi thẳng. Đấy là một chiều muộn bùi bụi. Tôi cảm thấy, tự dưng, tất cả những chỗ rẽ khác nhau, trong một kiếp người.
Buổi sáng. Tôi câu dọc đường Tầu Bay. Mưa to. Càng mưa câu càng ăn. Khiến tôi mải miết câu, mãi mới sực nhớ, có người bên cạnh. Tôi đi đến đâu, người này theo đấy. Hắn buộc mùi soa kín mặt, chỉ hở mắt, đầu đội thêm cái nón. Mưa vuốt mặt không kịp. Tôi quay lên, hắn cũng quay lên. Tôi quay lại, hắn cũng quay lại. Hắn luôn giữ khoảng cách với tôi, là một cột đèn. Tôi tiến nhanh đến chỗ hắn, hắn lủi. Tôi gọi: “Này. Nààày”. Hắn không trả lời. Mưa vẫn lút thút. Tôi tiếp tục câu. Lát sau, lại thấy hắn cũng đứng câu, cách một cột đèn. Cả tôi cả hắn đều ướt như chuột. Tôi tự hỏi tại sao hắn che mặt. Có lẽ hắn chính là thằng nhọn cằm cải trang. Tại sao hắn lại phải cải trang. Mưa lút thút, đếm được ba chục nhái, tôi về. Hắn theo sau.
Thế là con toán hóc, nhiều chấm hỏi. Suốt tuần lễ tôi loay hoay, với con toán lủng củng này: công an tại sao theo tôi dữ dội như vậy, tại sao lại lộ liễu như vậy, họ theo tôi nhằm mục đích gì, tôi phải đối phó thế nào, màn hạ sẽ ra sao, liệu có việc gì không, có bị oan không, mặc dù thời nào chẳng có cái oan của nó, nhưng nếu oan thì sao, nếu tôi bị coòng tay, đem đi thì sao, đem đi trại cải tạo, hay đi đâu, đi mãi đâu, tận đâu, đến bao giờ, và Cốm sẽ ra sao, Cốm có được đến nhà tù, đến trại cải tạo thăm tôi không? Thế rồi mấy buổi chiều liền, ngồi giải toán, và mấy buổi chiều, tôi vùi đầu trong một cuốn sách cũ, có lẽ là trinh thám Nga, đã đọc mấy năm trước. Tôi bắt đầu lại, từ một chỗ tình cờ, là đoạn cuối, đúng vào lúc anh sinh viên Nga bị đày đi Xibêri. Cô người iêu đi theo. Bà mẹ già cũng đi theo. Đi đày như vậy, có lẽ sướng hơn đi tù một mình. Kết thúc của cuốn sách, không hiểu tại sao làm tôi thoát khỏi mọi lo sợ, mọi nghi hoặc, hờn giận, cùng mọi bàng hoàng, của nhiều tháng nay. Tợ hồ được an ủi đến sạch sẽ. Thế là tôi đọc lại cuốn sách từ trang một, 3 buổi chiều thì tới phần kết. Tôi đọc xong phần kết, như vậy là lần thứ ba, vào lúc 3 giờ chiều. Cuốn trinh thám Nga là một thương xót kì quặc, một từ bi trần tục, hết sức trần tục mà khắp gầm cầu, không đâu có. Một cứu vớt sâu thẳm, mà đến mảy bụi, con dòi và con sâu đo, mà đến tất cả chúng sinh dằn di – gồm vài nghìn vạn thằng dằn di, đều được cứu vớt. Tôi không hiểu tại sao. Chỉ thấy là lạ. 3 giờ chiều, nhà vắng. Vườn nhà tôi, qua cửa sổ nhòa nắng. Chiều nay là một buổi chiều cuối hạ, vậy mà tôi cảm giác lúc này, ngày này, là ngày không mùa, là lúc không giờ, là giờ ngoài đồng hồ, là ngày ngoài quyển lịch. Tôi cố nhớ lại, cảm giác khi đọc cuốn sách mấy năm trước, hình như cảm giác của lúc ấy không đáng để í. Vậy mà chiều nay, cuốn sách cho tôi những xúc động kì lạ. Chắc hiện tượng này, cũng bình thường thôi. Những chuyện cổ tích tôi nghe từ bé, những chuyện đời những cuốn sách, mà người ta sống mãi và đọc mãi, là cái bình thường, rất bình thường. Có khi người ta còn xem thường chúng, có khi còn chê bĩu môi. Để rồi bất chợt, đúng một lúc của nó, người ta mới à à, mới hiểu giá trị của chúng. Có khi đã quá muộn. Chiều nay tôi ngồi, nhìn ra vườn nắng, mà thấy anh sinh viên Nga đói rách, ôm o trong phố lạnh. Anh đến một phố nhỏ, vào một ngôi nhà nhỏ và giết một mụ cầm đồ. Anh sinh viên giết người. Anh xóa kĩ mọi dấu vết. Không còn một tang chứng. Cả buổi chiều muộn, tôi cứ ngồi suy nghĩ, như thế, và khoái chí nhớ lại cuộc đấu trí ngột thở, dài một nghìn trang, của anh sinh viên và một tay thám tử rất cừ. Không có bắt bớ truy lùng. Thuần đòn tâm lí, trong đủ các trò vờn và dử, bóng gió và thắng thừng, bắt nọn và thả lửng. Các trò tâm lí này cứ dập dờn, trong tôi sau đó suốt cả tuần lễ, làm tôi quên cả cuộc chạy trốn thằng nhọn cằm, cùng chiếc mùi soa của Lily. Có lúc, tôi nằm dài trên giường, nhắm mắt lại, để hình dung rõ hơn những cuộc gặp gỡ, của tay thám tử và anh sinh viên, khi ở căn gác ọp ẹp của anh, lúc ngoài quán rượu. Câu chuyện của họ diễn biến rất lịch sự. Không người nào phải to tiếng, sừng sộ. Tôi nghĩ anh sinh viên này giỏi, như một Nã Phá Luân xuất phàm, có tài cứu nhân độ thế. Anh có thể thay đổi được bản đồ khổ ải nước Nga, và châu Âu (ấy là tôi ví dụ thế). Anh là sinh viên thời Sa Hoàng, học thức rộng. Tôi học thức dở dang, chỉ được mỗi cái tiếng Pháp là ra gì, đủ để giúp tôi đọc trinh thám. Anh sinh viên có thể nói chuyện vài ngày dài, với cả thế giới các ông học giả, ông triết học, ông kinh tế học, ông vân vân. Còn tôi chữ nghĩa hạn hẹp, chỉ thoải mái nhất khi ngồi với Lily, vì nói gì Lily cũng hiểu ngay, và Lily nói gì tôi cũng hiểu ngay. Nói chuyện với Cốm, cũng không cần phải huy động kinh nghiệm, hay học vấn thời tiểu học. Tiếng Pháp lại càng không cần. Tôi mở lại cuốn truyện, vì muốn biết anh sinh viên mà nói tiếng Việt, thì sẽ hay thế nào. Tôi tìm được một đoạn lí sự, trước khi anh đến nhà mụ cầm đồ, mà anh gọi là con rệp già. Thú thật tôi thấy ghê ghê, nên đóng sách lại, cố không nghĩ tới cái chết của mụ. Anh sinh viên dù sao cũng đã hành sự xong, anh bước ra từ tội ác, máu còn chưa ráo trên tay. Tôi biết trong anh, đã bắt đầu nổi lên những hoảng loạn và hãi hùng. Đấy chính là sự trừng phạt. Sự trừng phạt của chính anh, làm anh ốm vàng, bệnh tật. Sau một nghìn trang giấy, anh lảo đảo ra đồn cảnh sát, tự thú. Sau một nghìn trang giấy, dĩ nhiên chỉ còn nhớ cái cốt truyện, nhưng cũng đủ làm tôi lai láng thương xót. Tuy nhiên tôi vẫn không đổi í kiến, tôi vẫn thích nhất cái đoạn kết, từ bi và cứu rỗi, khi anh sinh viên chuẩn bị đi Xibêri, cho 10 năm lưu đày.
10 năm có lẽ dài lắm, tôi chưa bao giờ phải chờ cái gì, đến tận 10 năm. Cho nên chạnh lòng, thấy tôi nhỏ bé như hạt bụi, nằm chờ sự nhân đạo của xã hội, thảm hại như con sâu đo. Giống như chuyện của anh sinh viên và tay thám tử nọ, công an theo tôi lồ lộ, bởi vì nghi ngờ tôi, nhưng vô tang chứng. Công an phải đánh cái đòn tâm lí, để tôi nếu có tội thật, thì phải hoảng sợ, hoảng sợ thì thế nào cũng hớ hênh, hớ hênh thì thế nào cũng bại lộ. Đây cũng là cái đòn nhân đạo, để tôi tự trừng phạt.
Nhưng chuyện tôi lại không giống chuyện anh sinh viên, vì tôi không phạm tội. Vẫn biết thời nào cũng có người oan. Như mẻ gạo đổ vào nồi, đổ khéo vẫn sót lại, trong rá, vài hạt. Thường là hạt vỡ bị kẹt lại. Liệu tôi có bị tai nạn éo le, như hạt gạo vỡ, tôi chờ kết luận.
Nhưng nếu không có tôi, đời vẫn không sao, các nồi cơm vẫn chín và thơm phức, nội ngoại thành vẫn làm lụng, đi lại và ăn uống vui vẻ. Nếu không có tôi, thì buồn lắm, tôi sẽ kẹt lại trong một trại giam nào, buồn như hạt gạo vỡ. Cốm sẽ thỉnh thoảng đến thăm, thế nào cũng khóc, thế nào cũng bị tôi mắng, thế nào Cốm cũng tủi thân ra về. Cuộc đời bên ngoài và miền Bắc thế nào cũng bỏ sót tôi. Mặt trời vẫn sáng. Cộng sản nhân đạo với nhân dân. Chỉ mỗi mình tôi, nhỏ như hạt bụi, xấu như con dòi, ngu như con sâu đo, lúc nào cũng chẳng là cái gì, lúc nào cũng chậm chân, cho nên bao nhiêu may mắn bị người đời lấy trước cả. Cho nên không có tôi, bản đồ nội ngoại thành cũng không bị tổn thất gì. Cả một tháng nay, tôi không say rượu, vì không gặp Tình Bốp, cũng vì chán không thiết gặp ai. Cả một tháng quên rượu, dù sao cũng giúp tôi thêm tỉnh táo, và thông minh. Những buổi chiều mà còn thông minh như thế này, bao giờ cũng hiếm. Cho nên tôi tận dụng sự thông minh, để bỗng dưng tự hỏi, biết đâu tôi đã không bị oan, như vẫn luôn mồm kêu oan. Thế là tôi nhớ lại, được nhiều chi tiết quan trọng. Ông Trung trố trong các cuộc họp, có nói thế này. Ông nói, đã là ngụy, dù vì động cơ gì, dù thời gian dài ngắn, dù vì sinh! kế, hoặc vì lầm đường, đều là có tội. Tôi đi ngụy 14 tháng, vậy là có tội. Tôi biết, thằng nhảy dù có tội nhảy dù, thằng bàn giấy có tội bàn giấy, tội to nhỏ cũng là tội. Nếu không, tại sao tôi lại lo lắng, đến hoảng loạn, ngay từ những ngày trước tiếp quản. Nếu không có tội, tôi đã chẳng phải đắn đo đi hay ở, trốn hay không trốn. Vậy là, chuyện của tôi cũng giống hệt như chuyện anh sinh viên người Nga: cả hai cùng có tội. Tôi biết bài học của anh. TỘI và PHẠT phải đi kèm, như bóng với hình, bao giờ cũng phải đi kèm. Cho nên, khi máu của tội lỗi còn chưa ráo tay, khi tay thám tử còn chưa xuất hiện, trong anh sinh viên PHẠT đã bắt đầu rồi. Trong bụng anh, TỘI cũng ngọ ngoạy, cựa đạp, như thể đòi phải được trừng phạt. Bởi vì chỉ có một cách ấy thôi, TỘI mới có thể iên thân, thằng phạm tội mới có thể vui vẻ, trên bản đồ cuộc đời vui vẻ. Nhưng cũng có một cách bắt thằng phạm tội đền tội, i như trong thánh kinh, là an ủi nó, là những phút sung sướng. Đúng như trường hợp của tôi vậy. Khi ông Trung trố nện tội, bằng nhiều cú ngầm, ngay giữa cuộc họp khu phố, mọi người đều tưởng tôi uất lắm. Đúng là tôi có uất, có đau thật, nhưng không chỉ có thế. Tôi lại thấy mình oai oai, cũng có khi thấy khoái. Cho nên tôi làm như không nghe thấy. Cho nên tôi cười toe toét, trong cuộc họp. I như đứa trẻ bị bố đánh đòn: nó cười toe toét, vì nó coi như xong, và cùng vì bố nó đánh rồi, nó có thể iên trí đùa nghịch này nọ, đến trận đòn khác hẵng hay. Đứa trẻ này, chỉ lo lắng khi phạm tội, là chưa bị ăn đòn. Tôi cũng vậy: tôi là thằng tàu bò, có tội là thằng tàu bò, có tội với họ, tôi lo lắng vì mới bị họ dọa, chứ chưa bị xử phạt. Thôi cứ để tôi tự trừng phạt mình, hệt như anh sinh viên nọ. Nhưng tôi không cố í hoảng hốt. Tự nhiên nó thế, cố í cũng không được. Phải có TỘI, mới có PHẠT. Cái khó nhất, là những người ẩy tôi vào trừng phạt, lại có vẻ tốt bụng thật, chính nghĩa thật. Vẫn biết, trên bản đồ tôi sống, chỉ có hai loại người, chính diện và phản diện. Vô tình lọt vào loại thứ hai. Nhưng tôi vẫn biết, bản đồ miền Bắc đẹp. Tôi biết không có tôi, mặt trời vẫn sáng, nhân dân vẫn tiếp tục làm lụng, ăn uống, đi lại trên bàn đồ nội, ngoại thành. Không có tôi, người chính nghĩa vẫn nhân đạo, chỉ mỗi tôi có thiệt thòi riêng. Trừng phạt rồi, mà vẫn phải nằm chờ nhân đạo.