Buổi chiều. Tôi nói với Tình Bốp: “Nguy to”, khi hai thằng ngồi đối diện nhau, để bắt đầu 3 giờ chuyên đề nem Phùng. Nhưng cũng có một chút không chuyên đề ghé thêm vào, là tí ngỗng Hàng Buồm, nửa con và hai chai rượu quê, Tình Bốp đặt mua tận Đồ Xá. Hôm nay tôi được mời toàn bộ, không phải trả một nửa tiền, cũng không phải ghi sổ nợ. Hai thằng đóng cửa, tạc thù trên gác. Tình Bốp liên tục rót rượu vào chén tôi, nó có vẻ đang nhu cầu nói chuyện. Một mình nó một ngôi nhà mênh mông, một cửa hàng càphê, một cái cổng sắt sơn xanh đẹp đẽ. Nhưng cửa sổ không mở nữa, ngay giữa mùa hè. Không cả tiếng cười phụ nữ rất kĩ thuật, cho năm mươi số nhà quét vôi vàng cùng nghe thấy. Mới có một ngày, mà phố đã thay đổi. Phố im ắng, đám đàn ông mượn cớ mỏi chân, đứng lởn vởn dưới những cửa sổ, cũng biến mất. Lúc nãy, tôi đã vào xem buồng tắm, cứ ngỡ thế nào Lily cũng bước ra, từ sau làn hơi nước, như thường lệ. Nhưng buồng tắm vắng người và khô ráo.
Tôi uống chén thứ nhất. Tôi nói với Tình Bốp: “Nguy to. Còn trơ lại tao và mày. Năm thằng, còn hai”. Tình Bốp trả lời: “Tao biết trước cả”. Tôi nói: “CÁ theo tao ráo riết, từ 3 hôm nay. Lúc ở nhà thằng Đoành ra, tao đạp xe loanh quanh, lại thấy thằng nhọn cằm”. Tình Bốp nói: “Uống đi. Mọi sự do thằng Thái cả. Nó làm kiểu bẻ đũa, bẻ từng cái một”. Tôi trả lời: “Ừ, thằng Thái có tướng lắm”. Tình Bốp uống chén thứ 2. Tình Bốp nói: “Trong năm thằng, có mày đối địch, có tao du côn, thì họ mới phải tranh thủ ba thằng khác, còn lại tao và mày cô lập. Ba thằng kia ăn lộc của họ, phải cảm ơn mày mới phải. Con người đúng là con đểu, bản tính trời sinh, là con vô ơn bạc nghĩa”. Tôi uống chén thứ 3. Tình Bốp phàn nàn: “Bây giờ bác sĩ, chữa xe đạp, kĩ sư, ăn vận như nhau cả. Công dân mới mà, san đều nhau tất, ông cũng như thằng. Phố xóm có gọi mày là thằng, cũng không sao, thằng cũng như ông”. Tình Bốp uống chén thứ 4. Tình Bốp nói: “Uống đi. Tao vẫn nói với năm thằng, không có thằng Dưỡng thì hỏng to. Vì mày nhìn đại cục, chứ không đại khái. Tao chỉ nhìn lặt vặt, nên tao từ hồi đồng ấu, toàn phải dựa vào mày. Tao bảo ngay từ đầu, là kế bất hợp tác của mày hay. Mày còn nhớ không?” Tôi gật đầu: “Có”. Tôi uống chén thứ 5. Tình Bốp nói: “Thằng này nhớ dai. Nhiều người bảo, phát súng là do mày bắn. Chính tao cũng lắm lúc phảng phất… Phục mày cứ trơn tru như không”. Tôi trả lời: “Không phải tao bắn”. Tình Bốp uống chén thứ 6. Tình Bốp nói: “Ừ, thì không phải. Nhưng ai cũng gọi mày, là thằng Dưỡng-phát-súng. Mày bắn hay không, vẫn là mày, chẳng thay đổi gì. Mày ghê thật, cứ hư hư thực thực. Mày vừa nói cái gì nhỉ?” Tôi nói: “Tao nói người ở với người, là khỉ vặt lông khỉ”. Tôi uống chén thứ 7. Tình Bốp nói: “Hay quá. Họ dùng phép, lấy khỉ vặt lông khỉ. Bây giờ mày nói tao nghe, họ dùng phép gì, để thịt tao với mày, và mày đối lại bằng phép gì?” Tình Bốp uống chén thứ 8. Tôi trả lời: “Trong năm thằng, mỗi mình tao bị lôi thôi. Dễ hiểu là vì tao bị ngờ. Tóm lại đây là phép ngờ. Đối lại thế nào? Rất dễ. Lấy ngờ chống ngờ, có vậy thôi”. Tình Bốp nói: “Hay. Sâu sắc lắm. Họ vờ vịt nói khoan hồng. Họ nói một đàng, làm một đàng, là họ chơi trò gì?” Tôi trả lời: “Trò đúp”. Tôi uống chén thứ 9. Tình Bốp nói: “Ừ, đúp. Họ chơi trò đúp, với mày. Mày trả lời, bằng trò đúp. Nhưng tao đề nghị, dùng danh từ trò-kép. Vẫn đúng í mày chứ? Hay là sai?” Tôi nói hay hay hay, ba lần liền: “Hay. Hay. Hay. Mày nghĩ ra những mẹo, những chữ hiểm lắm. Tao vẫn nghĩ mày là thằng ghê. Mày mặt tái nhợt, mà vẫn cười nhạt”. Tình Bốp uống chén thứ 10. Tình Bốp nói: “Đừng lạc đề. Cụ thể trò-kép cùa mày, là thế nào? Mày định chơi trò-kép, thế nào?” Tôi trả lời: “Đối phương, chứ không phải họ”. Tình Bốp đồng í: “Ừ, đối phương. Cũng thế cả. Mày nói tao nghe trò-kép của mày, xem thế nào”. Tôi nói: “Hừm”. Tôi lại nói: “Hừm”. Tôi uống chén thứ 11. Rồi tôi nói: “Giản dị thôi. Đối phương bảo đi họp, tao trả lời vâng. Đi lao động, vâng. Vâng là vâng vậy thôi. Đối phương tử tế nhân đức, vâng. Tao sẽ chỉ nói vâng. Nhưng tao nghi ngờ. Họ nói gì tao cũng ngờ. Họ tin tao thêm, thì tao tin thêm. Họ ngờ tao thêm, thì tao cũng ngờ thêm. Họ thật hẳn, thì tao cũng thật hẳn”. Tình Bốp uống chén thứ 12. Tình Bốp hỏi: “Họ đấu tố mày thì sao?” Tôi trả lời: “Hừm… Nhưng tao làm đếch gì, mà đấu tố tao? Tao lúc nào cũng chỉ nói vâng”. Tôi uống chén thứ 13. Tình Bốp nói: “Thì mày vẫn nói vâng đấy thôi. Sao họ vẫn cô lập mày, vẫn theo dõi mày, vẫn nghi ngờ mày?” Tôi nói hừm hừm, hai lần liền: “Hừm. Hừm”. Tình Bốp nói: “Mày không làm gì, mà đối phưong vẫn ngầm thịt mày. Đến lúc đối phương thịt hẳn mày, thì sao? Đời đếch nào chẳng có thằng oan?” Tôi nói: “Tao không làm gì, mà coòng tay tao, tao sẽ đánh trả”. Tôi uống chén thứ 14. Tôi uống chén thứ 15. Tình Bốp lại hỏi: “Đánh trả? Lấy gì đánh trả?” Tôi mắng Tình Bốp: “Có quả đấm. Không thịt nổi một thằng trước khi chết à? Có chân đấy, chạy ra giữa phố, phanh ngực, mà thét to: khoan hồng như thế này à?” Tôi uống cạn chén thứ 16.
Buổi tối. Tôi uất quá. Tình Bốp can tôi, nhưng tôi càng uất. Nhiều buổi chiều sau, đến trước cuốn nhật kí bìa dằn di, tôi nhớ lại cuộc nói chuyện ấy. Mỗi buổi chiều, tôi nhớ thêm, được một đoạn. Sau nhiều buổi chiều, tôi chép được toàn bộ. Kết quả là, nhiều cảm giác bồng bềnh, có lẽ do tôi uống đã tương đối, nhưng mà Tình Bốp cứ rót đầy chén tôi, mỗi khi chén vơi. Buổi chiều ấy tôi thấy, oan ức quá. Trong tôi có một thằng-oan-trái, không biết kêu oan ở đâu. Thằng-oan-trái kêu oan, với Tình Bốp vậy. Thằng-oan-trái nói: “Bảo khoan hồng, để dụ tao ở lại, rồi nay ngờ mai ngờ, rồi theo dõi tao, rồi chia rẽ bạn bè tao, hàng xóm rình mò tao, còn chưa đủ, còn xui vợ rình chồng, khoan hồng thế đấy!”. Tôi ăn thêm miếng thịt ngỗng, mà trong lòng trắng nhợt. Tôi biết, tôi trắng nhợt bên trong, chứ bên ngoài tôi vẫn hồng hào, Tình Bốp đâu có nhìn thấy gì. Tôi bỏ miếng thịt cắn dở, để uống cạn chén thứ 17. Tình Bốp rót đầy chén thứ 18. Tôi ngồi tư lự, rồi lắc đâu tê tái, rồi lại trắng nhợt, vẫn ở thăm thẳm bên trong, rồi ngơ ngác một mình, rồi lẩm bẩm một mình, rồi tôi nói: hết, một chữ ngắn gọn, chẳng nhẽ tôi đã đạt tới, chỗ cùng, của đường cùng, ừ thì đường cùng. Rồi tôi chợt nhớ tới Lily. Lily đi hôm qua rồi. Lúc nãy tôi đã đứng, dưới những cửa sổ, mà tất cả đều đóng kín, mà không nghe thấy, dù chỉ một tiếng cười. Lúc nãy, tôi đã kiểm tra buồng tắm, một lúc lâu, đúng là chẳng còn ai. Buồng tắm vắng người, không một giọt nước, trên tường. Bây giờ, tôi không để í tới Tình Bốp nữa, không để í, mặt nó trắng hay mặt tôi trắng. Hôm nay tôi uống có lẽ quá sức, nhưng nếu không uống, tôi sẽ buồn chán ghê gớm, sẽ chửi bậy, bằng những danh từ xấu xa nhất nhân loại, và sẽ xé nát, cả một buổi chiều. Mâm rượu tàn như mửa. Chén rượu thứ 19 còn nguyên. Tôi ra đivăng, nằm vật xuống.
Từ hôm ấy, tôi bắt đầu, giống thằng ăn cắp. Thành thói quen mất rồi, đi đâu ở đâu, cũng nhìn ngược xuôi. Sáng nay, sau khi ngủ dậy, tôi ngó nhìn các góc tôi trong nhà, mà không chủ định tìm cái gì cả. Tôi ra khỏi nhà, với một buổi sáng không càphê, tôi xách cần xách giò, lên Canh Diễn. Vừa đến cổng làng ngoảnh lại, đã thấy NÓ, thằng nhọn cằm ở phía xa. Nó đang nói gì với lão đánh dậm. Tôi giở đồ ra câu. Chưa được con nhái nào, đã thấy lão đánh dậm sau lưng. Tôi sang ao khác, lại thấy lão đi sau. Tôi sang ruộng khác, vẫn thấy lão, cách chỉ vài bước chân. Tôi lại chuyển chỗ, lão cụp vó lại, đi theo, suốt buổi sáng. Lúc tôi cuốn đồ câu về, đi trên đường đất, tôi còn nhìn thấy lão, lấp ló trong vườn chuối, cùng với thằng nhọn cằm. Tôi về. Qua các phố, tôi ngó ngược, ngó xuôi. Tôi đổi chương trình đi lại. Ngày nào cũng đổi chương trình. Tôi xuống Vĩnh Hồ. Một thằng bé chăn trâu, tuổi choai choai, mà chẳng đi học, bỏ trâu lại để đi theo tôi. Thằng này theo rất dính. Tôi lủi qua ruộng mía, rồi vòng lại. Nhưng chỉ được một lúc, nó lại tìm được tôi. Tôi đứng, chân ngập trong nước, mà vẫn thấy oi ả. Trên bờ, là thằng bé chăn trâu, và xa nữa, là bãi tha ma. Chẳng lẽ (nhật kí bỏ dở).
Buổi sáng. Một người vận áo xanh, đeo kính đen, lởn vởn dưới cột đèn, đầu ngõ. Người này chờ tôi, để sau đó đi theo, đến Ngã Tư Sở. Ngày nào cũng có một người ra đứng buổi sáng, dưới một cột đèn. Ngày nào cũng có một người vận áo xanh, và đeo kính đen. Rồi, ngày nào những người áo xanh cũng biến mất, mỗi khi tôi bắt đầu một ngã tư. Có một lúc, gặp thằng Ngỡi, bạn tôi. Ngỡi nói nhỏ: “Anh cẩn thận. Lọt vào mắt xanh rồi đấy”. Tôi hiểu, mắt xanh không phải vì áo xanh. Mắt xanh là mắt của công an. Vấn đề đặt ra là (bỏ dở).
Buổi chiều. Cái lưới của thằng nhọn cằm căng rộng quanh tôi, không chỉ bốn phía. Mắt lưới rất nhỏ, nên người đứng ngoài lưới nhìn vào, sẽ chẳng thấy gì hết, ngay cả một cái vẫy tay mơ hồ của tôi, ngay cả một nụ cười chào buổi sáng. Nhưng từ bên trong nhìn qua mắt lưới, tôi thấy nhiều thứ lắm: tôi thấy ông lão đánh dậm, tôi thấy các chị cắt cỏ, có ối chị đẹp. Tôi thấy chiếc áo xanh, dưới ngọn đèn đường, đôi lúc cũng thấy cả thằng nhọn cằm nữa. Đôi lúc thằng nhọn cằm tiến gần lại tôi, để tôi xem cặp mắt của nó, mênh mông, vô cảm. Cặp mắt làm tôi sợ hãi, ngay từ lần gặp đầu tiên, trên sóng nước Hồ Tây, khi tôi cùng với Lily, mà không biết tại sao. Mấy hôm nay, Cốm nghĩ tôi bị điên. Cốm thấy tôi đang đi ngoài phố, bỗng giật mình. Nhưng Cốm vẫn hỏi, như thế này. Cốm hỏi: “Hay là anh vẫn còn tương tư con đĩ Phòng Nhì?” Tôi gắt: “Đĩ Phòng Nhì là ai?” Cốm không nói. Cốm nghĩ gì không biết. Còn tôi bỗng dưng nghĩ, tới một trò chơi người lớn. Tỏi thích xem người lớn hun chuột: khói vàng cả ngõ, chuột chạy ra, cả đống. Thế mà có những con dũng cảm, nhất định chết cháy trong hang, không chịu bò ra. Dạo này, những mưu mẹo của tôi cũng nằm lì, trong sọ. Ngày ngày tôi hun sọ tôi, bằng vị đắng càphê và khói thuốc Côtab, vậy mà nó vẫn dũng cảm, không chịu làm việc. Con toán của tôi thảm sầu, nhiều ẩn số, thiếu dữ kiện, lại không đáp án. Cho nên tôi cứ bâng khuâng, trước hai đáp số: một là tiếp tục nghi ngờ, một nữa là tiếp tục chờ. Mà chờ, theo thánh kinh, cũng là nghi ngờ. Tôi nghi ngờ, ngày mai, ngày kia và ngày kìa. Sọ tôi khốn đốn, như chưa bao giờ trống rỗng đến thế. Trống đến cả một câu hỏi. Buổi chiều, có một chị nông dân gánh phân, mùi hôi nồng nặc, đi sau tôi, cả một phố dài, tới tận Thái Hà. Đến đầu ngã tư, có một anh bán kính đứng nhìn tôi, rồi lại một anh xiclô chầm chậm đạp xe phía sau, cho đến một ngã tư mới. Cá buổi chiều do đó bị chia nhỏ, làm nhiều đoạn. Mỗi đoạn mở đầu và kết thúc, đều ở một ngã tư. Kèm theo vô số những gương mặt vô phúc, đi cùng đường với tôi, đều bị tôi xếp vào hạng mật thám. Sẩm tối, nhìn vào gương, chỉ thấy một cái bóng người, lờ mờ. Tôi nói: “Đéo mẹ, trông anh khả nghi lắm”. Nhà vắng, điện chưa bật, tôi nói chuyện, với cái bóng trong gương. Tôi nói: “Có khi, chính anh cộng tác cho CÁ, anh đi theo tôi, không biết chừng”. Bóng cười nhẹ, trong gương. Tôi nói: “Đéo mẹ, nói thì không nói, chỉ cười”. Rồi tôi cũng cười, nhẹ nhàng, đúng lúc Cốm đi làm về. Cốm thấy lạ. Tôi xấu hổ. Nếu biết xấu hổ, tôi tự nhủ, tức là tôi chưa mất trí. Buổi tối, trong bữa cơm Cốm kể: công an, và ban bảo vệ khu phố, trưa nay đã coòng tay thằng Hoóng, quan hai biệt kích, không di tản mà ở lại Hà Nội, cùng đồng bọn.