Nguồn cội – Dan Brown

Langdon lướt mắt tới mốc 65.000 năm trước Công nguyên, nơi một bong bóng màu xanh lam mỏng manh xuất hiện, đánh dấu cho Người tinh khôn. Bong bóng này nở ra rất chậm, gần như không nhận thấy, cho tới khoảng một nghìn năm trước Công nguyên, khi nó nhanh chóng dày lên và sau đó dường như nở rộng theo lũy thừa.

Đến lúc mắt ông chạm rìa phải của biểu đồ, cái bong bóng xanh lam đã phình lên chiếm gần như toàn bộ bề rộng của màn hình.

Con người hiện đại, Langdon nghĩ thầm. Cho đến giờ là giống loài có ảnh hưởng và vượt trội nhất trên Trái Đất.

“Không có gì ngạc nhiên,” Edmond nói, “vào năm 2000, khi biểu đồ này kết thúc, con người được mô tả là giống loài thống trị trên hành tinh này. Thậm chí chẳng có gì tiệm cận được chúng ta.” Anh ngừng lại. “Tuy nhiên, quý vị có thể thấy những dấu hiệu của một bong bóng mới đang xuất hiện… ở đây.”

Đồ thị được phóng to để cho thấy một hình màu đen nhỏ xíu bắt đầu hình thành phía trên cái bong bóng màu xanh trương phình của loài người.

“Một giống loài mới đã bước vào bức tranh,” Edmond nói.

Langdon nhìn thấy đốm đen, nhưng trông nó chẳng đáng kể gì so với cái bong bóng màu xanh – một con cá ép nhỏ xíu trên lưng con cá voi xanh.

“Tôi nhận ra,” Edmond nói, “rằng kẻ mới đến này trông tầm thường, nhưng nếu chúng ta di chuyển thời gian tính từ năm 2000 tới ngày hiện tại, quý vị sẽ thấy rằng kẻ mới đến của chúng ta đã ở đây, và vẫn đang âm thầm lớn lên.”

Biểu đồ mở rộng cho tới khi nó đạt tới ngày hiện tại, và Langdon cảm thấy ngực mình thắt lại. Cái bong bóng màu đen đã mở rộng khá lớn trong hai thập kỷ qua. Giờ nó chiếm hơn một phần tư màn hình, tranh với Người tinh khôn để giành ảnh hưởng và ưu thế.

“Nó là gì vậy?!” Ambra khẽ kêu lên đầy lo lắng.

Langdon trả lời, “Tôi không biết… một loại virus ngấm ngầm chăng?” Tâm trí ông rượt qua một danh sách những loại virus hung hăng đã tấn công rất nhiều vùng của thế giới, nhưng Langdon không tài nào hình dung ra một giống loài phát triển nhanh như thế này trên Trái Đất mà không hề bị để ý. Một loại vi khuẩn từ vũ trụ chăng?

“Giống loài mới này rất quỷ quyệt,” Edmond nói. “Nó sinh sản theo cấp lũy thừa. Nó liên tục mở rộng lãnh địa của mình. Và điều quan trọng nhất, nó tiến hóa… nhanh hơn loài người rất nhiều.” Edmond lại đăm đăm nhìn vào máy quay, vẻ mặt của anh cực kỳ nghiêm trọng. “Rất tiếc, nếu tôi để cho mô phỏng này tiếp diễn để cho chúng ta thấy tương lai, thậm chí chỉ vài thập kỷ tính từ bây giờ, thì đây là những gì nó tiết lộ.”

Biểu đồ lại mở rộng, giờ chỉ thấy dòng thời gian tới năm 2050.

Langdon bật dậy, sửng sốt trân trối nhìn.

“Chúa ơi,” Ambra thì thào, tay bịt miệng đầy hãi hùng.

Biểu đồ rõ ràng cho thấy cái bong bóng đen đầy hăm dọa đang nở rộng với tốc độ chóng mặt, và sau đó, đến năm 2050, nuốt trọn toàn bộ bong bóng màu xanh của con người.

“Tôi rất tiếc phải cho quý vị thấy thứ này,” Edmond nói, “nhưng trong tất cả các mô hình tôi chạy thử, đều xảy ra kết quả như nhau. Loài người tiến hóa tới điểm hiện tại của chúng ta trong lịch sử, và sau đó, rất bất ngờ, một giống loài mới xuất hiện và xóa bỏ chúng ta khỏi Trái Đất.”

Langdon đứng trước cái biểu đồ đáng sợ, cố gắng nhắc mình rằng đó chỉ là một mô hình trên máy tính. Những hình ảnh như thế này, ông biết, có sức ảnh hưởng đến con người ở cấp độ bản năng mà các dữ liệu thô không thể làm được, và cái biểu đồ của Edmond có sắc thái dứt khoát – như thể sự tuyệt chủng của loài người là việc đã rồi.

“Thưa các bạn của tôi,” Edmond nói, giọng anh rầu rĩ chẳng kém gì đang cảnh báo về một vụ va chạm tiểu hành tinh sắp xảy ra. “Giống loài của chúng ta đang trên bờ vực tuyệt chủng. Tôi đã dành cả đời mình đưa ra những dự đoán, và trong trường hợp này, tôi đã phân tích dữ liệu ở mọi cấp độ. Tôi có thể nói với quý vị với độ chắc chắn rất cao rằng loài người như chúng ta biết sẽ không còn ở đây trong vòng năm mươi năm nữa.”

Cú sốc ban đầu của Langdon giờ nhường chỗ cho cảm giác không tin – và giận dữ – với người bạn của mình. Cậu đang làm gì vậy, Edmond?! Thế này là vô trách nhiệm! Cậu tạo dựng một mô hình trên máy tính – cả nghìn thứ có thể sai với dữ liệu của cậu. Mọi người tôn trọng và tin tưởng cậu… cậu lại đang cố tạo ra một cơn cuồng loạn hàng loạt.

“Và còn một điều nữa,” Edmond nói, tâm trạng của anh càng u ám hơn. “Nếu quý vị nhìn thật kỹ mô phỏng, quý vị sẽ thấy rằng giống loài mới này không xóa bỏ chúng ta hoàn toàn. Chính xác hơn… nó hấp thụ chúng ta.”

CHƯƠNG 96

Giống loài hấp thụ chúng ta?

Sững sờ trong im lặng, Langdon cố hình dung xem ý Edmond là gì với những lời này. Mấy lời ấy gợi lên hình ảnh hãi hùng của những bộ phim khoa học viễn tưởng về Sinh vật lạ, trong đó loài người bị sử dụng như những lồng ấp sống cho một giống loài chiếm ưu thế.

Giờ đứng hẳn lên, Langdon đưa mắt nhìn Ambra, ngồi thu lu trên ghế dài, ôm lấy hai đầu gối, đôi mắt sắc sảo của nàng đang phân tích cái hình ảnh minh họa trên màn hình. Langdon căng ra để hình dung xem còn cách diễn giải nào khác về những dữ liệu ấy không; nhưng kết luận dường như là tất yếu.

Theo mô phỏng của Edmond, loài người sẽ bị nuốt chửng bởi một giống loài mới trong quá trình chỉ vài thập kỷ tới. Và thậm chí đáng sợ hơn, giống loài mới này đã sống trên Trái Đất, đang âm thầm phát triển.

“Rõ ràng,” Edmond nói, “tôi không thể công khai thông tin này cho tới khi tôi có thể xác định được giống loài mới này. Vì thế tôi đã nghiên cứu dữ liệu. Sau vô vàn mô phỏng, tôi có thể xác định được kẻ mới đến bí ẩn ấy.”

Màn hình thay đổi sang một biểu đồ đơn giản mà Langdon nhận ra từ thời trung học – thứ bậc phân loại các sinh vật – được chia thành “Sáu giới sinh vật”; Động vật, Thực vật, Sinh vật nguyên sinh, Vi khuẩn, Cổ vi khuẩn, Nấm.

“Một khi tôi đã xác định được loại sinh vật mới đang sinh sôi này,” Edmond nói tiếp, “tôi nhận ra rằng nó có quá nhiều hình thái khác nhau để được gọi là một giống loài. Nói về thứ bậc, nó quá rộng để gọi là một bộ. Thậm chí còn không phải một ngành.” Edmond chăm chú nhìn vào máy quay. “Tôi nhận ra rằng hành tinh của chúng ta hiện đang bị ngự trị bởi một thứ gì đó lớn hơn nhiều. Những gì chỉ có thể định danh như một giới hoàn toàn mới.”

Trong chớp mắt, Langdon nhận ra những gì Edmond đang mô tả.

Giới thứ bảy.

Sững sờ, Langdon theo dõi trong khi Edmond cung cấp cái tin này ra với thế giới, mô tả một giới mới nổi lên mà Langdon gần đây đã nghe nói đến trong một cuộc Thảo luận TED* bởi nhà văn văn hóa kỹ thuật số Kevin Kelly. Được tiên báo bởi một số nhà văn khoa học viễn tưởng sớm nhất, giới sự sống mới này xuất hiện với một đặc điểm. (Thảo luận TED, TED Talk, là một tổ chức truyền thông thành lập năm 1984 như một hội thảo được tổ chức thường niên. Tổ chức này chuyên đăng tải trực tuyến những cuộc thảo luận để phát tán miễn phí, với khẩu hiệu “các ý tưởng đáng được lan truyền”. Hiện nay ngoài ba lĩnh vực trên, TED còn nói cả đến những chủ đề khoa học, văn hóa và học thuật.)

Đó là giới của những giống loài không tồn tại.

Những giống loài không có sự sống này tiến hóa gần như chính xác như thể chúng đang sống – dần trở nên phức tạp hơn, thích nghi và sinh sôi trong những môi trường mới, khảo chứng những bước biến đổi mới, một số sống sót, số khác tuyệt chủng. Là tấm gương hoàn hảo về sự thay đổi thích nghi theo thuyết Darwin, những cơ thể mới mẻ này phát triển với tốc độ chóng mặt và giờ hình thành một giới hoàn toàn mới – Giới thứ bảy – và chiếm một vị trí bên cạnh Động vật và các giới khác.

Nó được gọi là: Technium – nguyên tố công nghệ.

Lúc này Edmond tập trung vào một mô tả choáng váng về giới mới nhất của hành tinh – bao gồm toàn bộ công nghệ. Anh mô tả cách thức những cỗ máy mới phát triển mạnh hoặc tàn lụi theo những quy luật “sự tồn tại của giống loài phù hợp nhất” của Darwin – liên tục thích nghi với các môi trường của chúng, phát triển những đặc điểm mới để sinh tồn, và, nếu thành công, tái tạo nhanh nhất có thể để chiếm độc quyền những nguồn tài nguyên sẵn có.

“Máy fax phát triển y hệt loài chim cu lười,” Edmond giải thích. “Còn iPhone sẽ chỉ tồn tại nếu tiếp tục vượt trội trong cuộc cạnh tranh của mình. Máy chữ và động cơ hơi nước tiêu vong trong các môi trường đang thay đổi, nhưng Encyclopaedia Britannica thì lại tiến hóa, trọn bộ ba mươi hai tập đồ sộ của nó phát triển sang số hóa và, giống như loài cá phổi, mở rộng sang một lãnh địa chưa hề có, nơi giờ đây nó phát triển rất mạnh.”

Langdon vụt nhớ đến chiếc máy ảnh Kodak thời niên thiếu của mình – vốn từng là ‘khủng long bạo chúa’ trong lĩnh vực nhiếp ảnh cá nhân – chỉ qua một đêm đã lu mờ trước sự xuất hiện rất nhanh của kỹ thuật ảnh số hóa.

“Nửa tỷ năm trước,” Edmond tiếp tục, “hành tinh của chúng ta trải qua một đợt bùng phát sự sống đột ngột – hiện tượng Bùng nổ kỷ Cambri – trong đó hầu hết các giống loài trên hành tinh đều tồn tại trên thực tế chỉ sau một đêm. Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến hiện tượng Bùng nổ kỷ Cambri của Nguyên tố công nghệ. Những giống loài công nghệ mới đang sinh ra hằng ngày, tiến hóa với tốc độ chóng mặt, và mỗi công nghệ mới đều trở thành một công cụ tạo ra những công nghệ mới khác. Việc sáng chế ra máy vi tính giúp chúng ta tạo dựng được những công cụ mới nhiệm mầu, từ điện thoại thông minh tới tàu vũ trụ và người máy phẫu thuật. Chúng ta đang chứng kiến một sự bùng nổ về đổi mới đang diễn ra nhanh hơn khả năng đầu óc chúng ta có thể lĩnh hội. Và chúng ta chính là những chủ thể sáng tạo ra giới mới mẻ này – Nguyên tố công nghệ.”

Tác giả: