Bi kịch thay, Kirsch đã không dừng lại ở đó. Anh ta tiếp tục cái việc báng bổ đầu tiên này bằng một cái thứ hai, còn nguy hại hơn nhiều – đề xướng một câu trả lời gây phiền muộn vô cùng cho câu hỏi Chúng ta đang đi về đâu?
Dự đoán của Kirsch về tương lai thật tai hại… gây phiền phức đến mức Valdespino và các đồng đạo của mình đã phải yêu cầu Kirsch đừng tiết lộ.
Cho dù dữ liệu của nhà vị lai chủ nghĩa là chính xác, thì việc chia sẻ nó với thế giới sẽ gây ra sự tai hại không thể đảo ngược.
Không chỉ cho những người sùng tín, Valdespino biết, mà còn cho tất cả mọi người trên Trái Đất.
CHƯƠNG 95
Không cần đến Chúa, Langdon nghĩ thầm, nhớ lại những gì Edmond vừa nói. Sự sống xuất hiện tự phát từ những quy luật vật lý.
Khái niệm tự phát sinh ra đã được tranh luận từ lâu – về mặt lý thuyết – bởi một số bộ óc vĩ đại nhất của giới khoa học và tối nay Edmond Kirsch trình bày một lập luận thuyết phục tuyệt đối cho rằng tự phát sinh ra đã xảy ra trên thực tế.
Chưa có ai đến gần việc chứng minh điều đó… hay thậm chí giải thích xem nó có thể xảy ra như thế nào được đến như vậy.
Trên màn hình, nồi súp nguyên thủy mô phỏng của Edmond giờ nhung nhúc những dạng sống ảo nhỏ xíu.
“Quan sát mô hình sinh sôi nảy nở của mình,” Edmond dẫn giải, “tôi tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi cứ để mặc nó? Liệu cuối cùng nó sẽ nổ tung khỏi cái bình và tạo ra cả vương quốc động vật, trong đó có loài người không? Và chuyện gì xảy ra nếu tôi để mặc nó qua cả mốc đó? Nếu tôi đợi đủ lâu, nó có tạo ra bước tiếp theo trong quá trình tiến hóa của loài người và cho chúng ta biết chúng ta đang đi về đâu không?”
Edmond lại xuất hiện bên cạnh E-Wave. “Buồn thay, thậm chí chiếc máy tính này cũng không xử lý được một mô hình tầm vóc đó, cho nên tôi phải tìm cách thu hẹp mô phỏng. Và tôi mượn một kỹ thuật từ một nguồn không chắc thành công… không gì khác hơn là Walt Disney.”
Màn hình giờ chuyển sang một bộ phim hoạt hình đen trắng hai chiều rất sơ khai. Langdon nhận ra đó là bộ phim kinh điển năm 1928 của Disney Steamboat Willie.
“Hình thái nghệ thuật ‘hoạt hình’ đã phát triển rất mau lẹ hơn chín mươi năm qua – từ những cuốn sách lật Chuột Mickey sơ đẳng tới những bộ phim cực kỳ sống động ngày nay.”
Bên cạnh bộ phim hoạt hình cũ xuất hiện một cảnh siêu thực sôi động từ một phim hoạt hình gần đây.
“Bước nhảy về chất lượng này na ná với quá trình tiến hóa ba nghìn năm từ những bức vẽ trong hang động tới những kiệt tác của Michelangelo. Là một người vị lai chủ nghĩa, tôi rất thích thú trước bất kỳ kỹ năng nào làm nên những tiến bộ mau lẹ,” Edmond nói tiếp. “Thứ kỹ thuật tạo nên bước nhảy này, tôi biết vậy, được gọi là ‘xen giữa’. Đó là một lối tắt sử dụng máy tính trong kỹ thuật vẽ hoạt hình, trong đó họa sĩ đề nghị máy tính tạo ra các khung hình trung gian giữa hai hình ảnh chính, biến đổi hình thái của hình ảnh thứ nhất sang hình ảnh thứ hai thật mượt mà, đặc biệt là lấp kín các khoảng trống. Thay vì phải vẽ từng khung hình bằng tay – mà ở đây có thể ví như việc mô phỏng từng bước nhỏ trong quá trình tiến hóa – các họa sĩ thời nay có thể vẽ vài khung hình chính… sau đó yêu cầu máy tính phán đoán chuẩn xác các bước trung gian và lấp đầy phần tiến hóa còn lại.”
“Cách đó gọi là xen giữa,” Edmond tuyên bố. “Đó là một ứng dụng rõ rệt của sức mạnh máy tính, nhưng khi tôi nghe nói về nó, tôi thấy được khai sáng và tôi nhận ra nó chính là chìa khóa để mở ra tương lai của chúng ta.”
Ambra quay sang Langdon với vẻ dò hỏi. “Chuyện này sẽ đi đến đâu?”
Langdon còn chưa kịp cân nhắc thì một hình ảnh mới đã xuất hiện trên màn hình.
“Quá trình tiến hóa của loài người,” Edmond nói. “Hình ảnh này là một dạng ‘phim lật’. Nhờ có khoa học, chúng ta đã tạo dựng được một vài khung hình chính – tinh tinh, vượn người phương Nam (Australopithecus), người khéo léo (Homo habilis), người đứng thẳng (Homo erectus), Người Neanderthal – nhưng những khoảng quá độ giữa các giống loài này thì vẫn còn mờ mịt.”
Đúng như Langdon dự liệu, Edmond phác họa ý tưởng sử dụng kỹ thuật “xen giữa” để lấp đầy những khoảng trống trong quá trình tiến hóa của loài người. Anh mô tả cách nhiều dự án quốc tế về hệ gen – con người, người Eskimo nguyên thủy, người Neanderthal, tinh tinh – đã sử dụng các mảnh xương để lập bản đồ cấu trúc gen hoàn chỉnh của gần một tá bước trung gian giữa tinh tinh và người tinh khôn (Homo sapiens).
“Tôi biết nếu tôi dùng các hệ gen nguyên thủy hiện có làm các khung hình chính,” Edmond nói, “thì tôi có thể lập trình cho E-Wave tạo lập một mô hình tiến hóa kết nối tất cả với nhau – một dạng trò chơi nối điểm mang tính chất tiến hóa. Và vì thế tôi bắt đầu với một đặc điểm đơn giản – kích thước não – một chỉ dấu chung rất chính xác cho sự tiến hóa về trí tuệ.”
Một biểu đồ xuất hiện trên màn hình.
“Ngoài việc lập bản đồ các tham số chung như kích thước não bộ, E-Wave còn lập bản đồ hàng nghìn chỉ dấu gen tinh tế hơn có ảnh hưởng đến khả năng nhận thức – các chỉ dấu như nhận thức không gian, phạm vi từ vựng, trí nhớ dài hạn và tốc độ xử lý.”
Giờ màn hình lóe sang một chuỗi đồ thị tương tự nối tiếp nhau rất nhanh, tất cả đều cho thấy sự gia tăng lũy thừa như vậy.
“Sau đó E-Wave lắp ghép một mô phỏng chưa từng có tiền lệ về quá trình tiến hóa trí tuệ theo thời gian.” Gương mặt Edmond lại xuất hiện. “‘Vậy thì sao chứ?’ quý vị sẽ hỏi vậy. ‘Tại sao chúng tôi phải quan tâm đến việc nhận diện cái quá trình mà nhờ đó con người trở nên thống trị về mặt trí tuệ chứ?’ Chúng ta quan tâm bởi vì chúng ta có thể xác lập một khuôn mẫu, một máy tính có thể cho chúng ta biết khuôn mẫu đó sẽ dẫn tới đâu trong tương lai.” Anh mỉm cười. “Nếu tôi nói hai, bốn, sáu, tám… quý vị đáp mười, về cơ bản tôi đã yêu cầu E-Wave dự đoán ‘mười’ trông sẽ ra sao. Một khi E-Wave mô phỏng được quá trình tiến hóa về trí tuệ, tôi có thể hỏi hai câu hỏi rành rẽ: Điều gì đến tiếp theo? Khả năng hiểu biết của con người sẽ như thế nào sau năm trăm năm tính từ bây giờ? Nói cách khác: Chúng ta sẽ đi về đâu?”
Langdon thấy mình bị cuốn hút bởi cái triển vọng ấy và trong khi ông không đủ hiểu biết về di truyền hay mô phỏng máy tính để thẩm định mức độ chính xác trong những dự đoán của Edmond, thì ông vẫn thấy ý niệm này vẫn rất tài tình.
“Sự tiến hóa của một giống loài,” Edmond nói, “luôn gắn với môi trường của sinh vật đó, và vì thế tôi yêu cầu E-Wave thực hiện một mô hình thứ hai – một mô phỏng môi trường thế giới ngày nay – rất dễ thực hiện khi tất cả những tin tức của chúng ta về văn hóa, chính trị, khoa học, thời tiết, và công nghệ đều được phát trực tuyến. Tôi yêu cầu máy tính đặc biệt chú ý đến những nhân tố ảnh hưởng nhiều nhất đến sự phát triển tương lai của bộ não con người – các loại thuốc hưng thần, các công nghệ mới về sức khỏe, ô nhiễm, các nhân tố văn hóa, và vân vân.” Edmond ngừng lại. “Và sau đó,” anh tuyên bố, “tôi chạy chương trình.”
Cả gương mặt nhà vị lai chủ nghĩa lúc này đầy kín màn hình. Anh chăm chú nhìn thẳng vào máy quay. “Khi tôi cho mô hình vận hành… đã xảy ra điều vô cùng bất ngờ.” Anh đưa mắt nhìn đi chỗ khác, gần như có thể quan sát thấy và sau đó quay lại máy quay. “Một điều vô cùng đáng ngại.”
Langdon nghe thấy Ambra buông một tiếng thở thảng thốt.
“Vì thế tôi cho chạy lại,” Edmond cau mày nói. “Rất tiếc, vẫn xảy ra kết quả cũ.”
Langdon cảm thấy sự sợ hãi thật sự trong mắt Edmond.
“Vì vậy tôi nghiên cứu lại các tham số,” anh nói. “Tôi trang bị lại các công cụ cho chương trình, thay đổi mọi biến số, và tôi cho chạy đi chạy lại. Nhưng tôi vẫn cứ nhận được cùng một kết quả.”
Langdon tự hỏi liệu có phải Edmond đã phát hiện ra rằng trí tuệ của con người, sau nhiều niên kỷ phát triển, giờ đang sa sút. Chắc chắn có những chỉ số đáng ngại cho thấy có thể điều này là đúng.
“Tôi rất lo lắng với dữ liệu này,” Edmond nói, “và không thể tiếp nhận nó. Vì thế tôi yêu cầu máy tính làm một phân tích. E-Wave diễn tả đánh giá của nó theo cách rõ ràng nhất mà nó biết. Nó vẽ cho tôi một bức tranh.”
Màn hình thay đổi cho thấy một biểu đồ dòng thời gian quá trình tiến hóa động vật bắt đầu khoảng một trăm triệu năm trước. Đó là một tấm thảm phức tạp và nhiều màu sắc gồm những bong bóng nằm ngang nở ra co lại theo thời gian, mô tả cách các giống loài xuất hiện và biến mất. Mé bên trái của biểu đồ bị khủng long thống trị – đã ở đỉnh cao phát triển của chúng vào thời điểm đó trong lịch sử – giống loài được đại diện bằng mật độ bong bóng dày đặc nhất, càng lúc càng thêm dày đặc theo thời gian cho tới khi đột ngột vỡ tan khoảng sáu mươi lăm triệu năm trước với hiện tượng tuyệt chủng hàng loạt.
“Đây là dòng thời gian của các dạng sống nổi bật trên Trái Đất,” Edmond nói, “thể hiện về số lượng giống loài, vị trí chuỗi thức ăn, uy thế giữa các loài và ảnh hưởng tổng thể đối với hành tinh, về cơ bản, đó chính là một đại diện hình ảnh của đối tượng thống trị Trái Đất vào bất kỳ thời điểm xác định nào.”
Mắt Langdon lần theo biểu đồ khi những bong bóng khác nở ra và co lại, thể hiện số lượng lớn các giống loài khác nhau đã xuất hiện, sinh sôi và biến mất như thế nào.
“Buổi bình minh của Người tinh khôn,” Edmond nói, “xảy ra vào hai trăm nghìn năm trước Công nguyên, nhưng chúng ta không có đủ tầm ảnh hưởng để xuất hiện trong biểu đồ này cho tới tận khoảng sáu mươi lăm nghìn năm trước, khi chúng ta sáng chế ra cung tên và trở thành loài săn mồi hiệu quả hơn.”