Nguồn cội – Dan Brown

Edmond lại búng ngón tay và xuất hiện trở lại trong một gian bếp rất lịch sự. “Khi quý vị đun nóng cà phê,” anh nói, nhấc một cái cốc bốc hơi ra khỏi lò vi sóng, “quý vị tập trung nhiệt năng vào một cái cốc. Nếu quý vị để cái cốc đó trên bàn quầy một tiếng, hơi nóng tan vào phòng và tự tỏa đều ra, như các hạt cát trên bãi biển. Lại là entropy. Và quá trình này không thể đảo ngược. Cho dù quý vị có đợi bao lâu thì vũ trụ cũng sẽ không bao giờ làm nóng lại chỗ cà phê của quý vị cả.” Edmond mỉm cười. “Nó cũng sẽ không phục hồi một quả trứng đã vỡ hay xây lại một lâu đài cát đã bị bào mòn.”

Ambra nhớ đã có lần thấy một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt có tên Entropy – một dãy các khối xi măng cũ, cứ khối sau lại vỡ nhiều hơn khối trước, dần dần phân rã thành một đống hạt.

Tiến sĩ Gerhard, nhà khoa học đeo kính, xuất hiện trở lại. “Chúng ta sống trong một vũ trụ entropy,” bà nói, “một thế giới với những quy luật vật lý sắp xếp ngẫu nhiên, chứ không phải có tổ chức. Cho nên câu hỏi là thế này: Làm cách nào các hóa chất không có sự sống lại tự tổ chức thành các dạng sống phức tạp một cách kỳ diệu? Tôi chưa bao giờ là một người theo tôn giáo cả, nhưng tôi phải thừa nhận, sự tồn tại của sự sống là bí ẩn khoa học duy nhất từng thuyết phục tôi cân nhắc ý tưởng về một Đấng Sáng tạo.”

Edmond xuất hiện, lắc đầu. “Tôi thấy nản khi những con người thông minh sử dụng từ ‘Đấng Sáng tạo’…” Anh nhún vai rất hiền lành. “Họ làm vậy, tôi biết, vì khoa học đơn giản là không có lời giải thích hiệu quả về mở đầu của sự sống. Nhưng tin tôi đi, nếu quý vị tìm kiếm một dạng sức mạnh vô hình nào đó tạo ra trật tự trong một vũ trụ hỗn mang thì còn có những câu trả lời đơn giản hơn cả Chúa trời nhiều.”

Edmond chìa ra một mảnh giấy trên có rắc mạt sắt. Sau đó, anh đưa ra một thanh nam châm lớn và giữ nó bên dưới mảnh giấy. Ngay lập tức, các mạt sắt nhảy thành một vòng cung có tổ chức, sắp xếp hoàn hảo với nhau. “Một lực vô hình tổ chức được những mạt sắt này. Có phải đó là Chúa trời? Không… đó là điện từ.”

Giờ Edmond xuất hiện bên cạnh một tấm bạt lò xo lớn. Trên bề mặt rất căng của tấm bạt có đặt rải rác hàng trăm viên cẩm thạch. “Một mớ cẩm thạch ngẫu nhiên,” anh nói, “nhưng nếu tôi làm việc này…” Anh nhấc một quả bóng bowling lên mép tấm bạt lò xo và cho nó lăn lên lớp vải co dãn. Sức nặng của bóng tạo ra một vệt lõm sâu, và lập tức những viên cẩm thạch nằm rải rác dồn vào chỗ lõm, hình thành một vòng tròn xung quanh quả bóng bowling. “Bàn tay tổ chức của Chúa trời ư?” Edmond ngừng lại. “Không, lại một lần nữa… đó chỉ là trọng lực mà thôi.”

Giờ anh xuất hiện cận cảnh. “Hóa ra sự sống không phải là ví dụ duy nhất của trật tự tạo ra vũ trụ. Các phân tử không có sự sống luôn tự tổ chức thành các cấu trúc phức tạp.”

Một đoạn phim gồm nhiều hình ảnh xuất hiện – một cơn lốc xoáy, một bông tuyết, một lòng sông gợn sóng, một tinh thể thạch anh và những vòng tròn của sao Thổ.

“Như quý vị có thể thấy, nhiều khi vũ trụ thật sự cấu tạo nên vật chất – điều dường như đối lập hẳn với entropy.” Edmond thở dài. “Vậy là cái nào? Liệu có phải vũ trụ thích trật tự? Hay hỗn mang?”

Edmond lại xuất hiện, lúc này bước trên một lối đi về phía mái vòm trứ danh của Học viện Công nghệ Massachusetts. “Theo hầu hết các nhà vật lý, câu trả lời là hỗn mang. Entropy thực tế là vua và vũ trụ liên tục phân rã theo hướng hỗn loạn. Một dạng thông điệp đáng buồn.” Edmond ngừng lại và cười toe toét. “Nhưng hôm nay tôi tới gặp nhà vật lý trẻ tuổi thông minh, người tin rằng có một đặc tính… một đặc tính có thể nắm giữ chìa khóa về việc sự sống bắt đầu như thế nào.”

Jeremy England?

Langdon giật mình khi nhận ra cái tên của nhà vật lý Edmond đang mô tả lúc này. Vị giáo sư ngoài ba mươi của Học viện Công nghệ Massachusetts hiện là người được toàn bộ giới học thuật Boston tôn xưng, vì đã tạo ra một sự khuấy động toàn cầu trong một lĩnh vực mới gọi là sinh học lượng tử.

Thật trùng hợp, Jeremy England và Robert Langdon lại cùng học một trường trung học – Học viện Phillips Exeter – và lần đầu tiên Langdon biết đến nhà vật lý trẻ tuổi là trên tờ tạp chí cựu học sinh của trường, trong một bài viết nhan đề “Tổ chức thích ứng do sự phân tán năng lượng điều khiển”. Mặc dù Langdon chỉ đọc lướt bài báo và không hiểu mấy nhưng ông nhớ đã rất tò mò khi biết rằng người bạn đồng môn “Exie” của mình vừa là một nhà vật lý xuất sắc và cũng là một người rất sùng đạo – một tín đồ Do Thái Chính thống giáo.

Langdon bắt đầu hiểu tại sao Edmond lại quan tâm đến công việc của England như vậy.

Trên màn hình, một người đàn ông khác xuất hiện, chính là nhà vật lý của Đại học New York Alexander Grosberg. “Hy vọng lớn lao của chúng ta,” Grosberg nói, “là Jeremy England nhận biết được nguyên tắc vật lý ngầm điều khiển nguồn gốc và sự tiến hóa của sự sống.”

Langdon ngồi thẳng lên một chút khi nghe thấy câu đó, Ambra cũng vậy.

Một gương mặt khác xuất hiện. “Nếu England có thể chứng minh giả thuyết của ông ấy là đúng,” nhà sử học đoạt Giải Pulitzer Edward J. Larson nói, “thì tên tuổi ông ấy sẽ được ghi nhớ mãi mãi. Ông ấy có thể là Darwin tiếp theo.”

Chúa ơi. Langdon biết Jeremy England vẫn tạo ra những đợt sóng, nhưng điều này nghe giống như những trận sóng thần.

Carl Franck, một nhà vật lý từ Cornell, nói thêm, “Cứ ba mươi năm hoặc tương đương, chúng ta lại trải qua những bước nhảy vĩ đại… và đây có thể là như vậy.”

Một loạt tiêu đề vụt hiện ra trên màn hình thành một chuỗi rất nhanh:

“GẶP GỠ NHÀ KHOA HỌC CÓ THỂ BÁC BỎ CHÚA”

“ĐẬP TAN SÁNG TẠO LUẬN”

“XIN CẢM ƠN CHÚA – NHƯNG CHÚNG TÔI KHÔNG CẦN SỰ GIÚP ĐỠ CỦA NGÀI NỮA”

Danh sách các tiêu đề cứ tiếp tục, giờ còn có thêm những mẩu tin từ các tạp chí khoa học lớn, tất cả dường như đều nói lên một thông điệp giống nhau: nếu Jeremy England có thể chứng minh được giả thuyết mới của mình, thì những hàm ẩn sẽ gây chấn động – không chỉ cho khoa học mà còn cho cả tôn giáo.

Langdon nhìn tiêu đề cuối cùng trên bức tường – từ tạp chí điện tử Salon, ngày 3 tháng 1 năm 2015.

“CHÚA TRÊN SỢI DÂY: KHOA HỌC MỚI XUẤT CHÚNG KHIẾN PHE SÁNG TẠO LUẬN VÀ THIÊN CHÚA GIÁO SỢ HÃI.”

Một giáo sư Học viện Công nghệ Massachusetts trẻ tuổi đang kết thúc nhiệm vụ của Darwin – và đe dọa phá bỏ mọi thứ những kẻ lập dị quan tâm.

Màn hình chuyển, và Edmond xuất hiện trở lại, đang sải bước đầy chủ đích dọc theo hành lang một khoa của ngành khoa học ở trường đại học. “Vậy bước tiến vĩ đại này là gì mà những người theo thuyết Sáng tạo luận sợ đến vậy?”

Edmond tươi cười khi dừng lại bên ngoài một cánh cửa ghi: PHÒNG THÍ NGHIỆM ENGLAND @ VẬT LÝ MIT.

“Chúng ta hãy vào trong – và hỏi đích danh người ấy.”

CHƯƠNG 93

Người đàn ông trẻ tuổi lúc này xuất hiện trên bức tường màn hình của Edmond chính là nhà vật lý Jeremy England. Anh ta cao và gầy gò với hàm râu rối bù và một nụ cười ngơ ngác kín đáo. Anh ta đứng trước một tấm bảng đen đầy các phương trình toán học.

“Trước tiên,” England nói, giọng thân thiện và khiêm nhường, “cho phép tôi nói rằng giả thuyết này chưa được minh chứng, nó chỉ là một ý tưởng thôi.” Anh ta nhún vai rất nhũn nhặn. “Mặc dù tôi thừa nhận nếu chúng ta có thể chứng minh rằng nó đúng, thì những hàm ẩn sẽ có ảnh hưởng sâu rộng.”

Trong ba phút tiếp theo, nhà vật lý phác họa ý tưởng mới của mình, mà – như hầu hết những khái niệm làm thay đổi khuôn mẫu – đơn giản đến bất ngờ.

Giả thuyết của Jeremy England, nếu Langdon hiểu đúng, là vũ trụ có vai trò như một chỉ thị đặc biệt. Một mục đích.

Phân tán năng lượng.

Theo ngôn ngữ đơn giản nhất, khi vũ trụ tìm được các vùng năng lượng tập trung, nó phân tán năng lượng đó ra. Ví dụ kinh điển, như Kirsch đã đề cập, là cốc cà phê nóng trên bàn, nó luôn nguội đi, tản nhiệt lượng của nó sang các phân tử khác trong phòng theo đúng Quy luật Nhiệt động học thứ hai.

Langdon đột nhiên hiểu tại sao Edmond lại hỏi ông về các truyền thuyết Sáng tạo của thế giới – tất cả đều có chứa hình ảnh năng lượng và ánh sáng phát tán rất nhiều và soi sáng bóng tối.

Tuy nhiên, England tin rằng có một đặc tính liên quan đến cách vũ trụ phân tán năng lượng.

“Chúng ta biết vũ trụ thúc đẩy entropy và hỗn loạn,” England nói, “cho nên chúng ta có thể ngạc nhiên khi thấy rất nhiều ví dụ về việc các phân tử tự tổ chức.”

Trên màn hình, một vài hình ảnh xuất hiện trước đó giờ trở lại – một trận lốc xoáy, một lòng sông gợn sóng, một bông tuyết.

“Tất cả những thứ này,” England nói, “là những ví dụ về ‘các cấu trúc tiêu tan’ – những tập hợp các phân tử tự sắp xếp thành những cấu trúc giúp một hệ thống tản năng lượng của nó một cách hiệu quả hơn.”

England nhanh chóng minh họa việc những cơn lốc xoáy là cách thức tự nhiên để xua tan một vùng áp cao tập trung bằng việc chuyển hóa nó thành một lực xoay tròn tất yếu sẽ tự triệt tiêu. Điều tương tự cũng đúng với các lòng sông gợn sóng, có khả năng chặn năng lượng của các dòng nước di chuyển nhanh và làm nó tiêu tan. Các bông tuyết giúp tản bớt năng lượng mặt trời bằng cách hình thành những cấu trúc đa diện phản chiếu ánh sáng một cách hỗn loạn ra mọi hướng.

“Nói đơn giản,” England tiếp tục, “vật chất tự tổ chức trong một nỗ lực nhằm phân tán năng lượng tốt hơn.” Anh ta mỉm cười. “Tự nhiên – trong nỗ lực nhằm thúc đẩy hỗn loạn tạo ra những hốc trật tự nhỏ. Những hốc này là các cấu trúc làm tăng tình trạng hỗn mang của một hệ thống và do đó chúng làm tăng entropy.”

Tác giả: