Nguồn cội – Dan Brown

“Tôi e rằng không có cách nào làm được vậy,” Valdespino nói. “Nếu chúng ta có ý định công bố cái tin của Kirsch thì cách khả dĩ duy nhất là tạo ra nghi ngờ đối với phát hiện của anh ta – khiến anh ta mất uy tín trước khi anh ta có thể tiết lộ thông điệp của mình.”

“Edmond Kirsch ư?” al-Fadl băn khoăn. “Một nhà khoa học xuất chúng chưa bao giờ sai lầm về bất kỳ chuyện gì ư? Tất cả chúng ta đều có mặt trong cuộc gặp với Kirsch phải không? Phần thuyết trình của anh ta rất thuyết phục.”

Valdespino làu bàu. “Cũng chẳng thuyết phục hơn những thuyết trình của Galileo, Bruno hay Copernicus lúc sinh thời đâu. Các tôn giáo trước đây đều từng gặp khó khăn rồi. Lần này chỉ là khoa học đập cửa chúng ta một lần nữa thôi mà.”

“Nhưng lại ở một mức độ sâu hơn rất nhiều so với những phát hiện về vật lý và thiên văn!” al-Fadl kêu lên. “Kirsch đang thách thức điều cốt lõi – cái gốc rễ căn bản của mọi thứ chúng ta tin tưởng! Ngài có thể dẫn lại lịch sử tùy ý ngài, nhưng xin chớ quên, bất chấp những nỗ lực rất lớn của Vatican của ngài nhằm bắt những người như Galileo im lặng, rốt cuộc khoa học của ông ấy vẫn thắng thế. Và rồi Kirsch cũng sẽ vậy. Chẳng có cách nào ngăn được chuyện này xảy ra đâu.”

Một sự im lặng hoàn toàn.

“Quan điểm của tôi về chuyện này rất đơn giản,” Valdespino nói. “Tôi ước gì Edmond Kirsch không có phát hiện này. Tôi sợ rằng chúng ta chưa sẵn sàng xử lý những phát hiện của anh ta. Và ưu tiên mạnh mẽ của tôi là thông tin này không bao giờ được nhìn thấy ánh sáng ban ngày.” Ông ngừng lại. “Đồng thời, tôi tin rằng những sự kiện trên thế giới của chúng ta đều diễn ra theo ý Chúa. Có lẽ bằng cách cầu nguyện, Chúa sẽ nói chuyện với Kirsch và thuyết phục anh ta cân nhắc lại chuyện công bố phát hiện của mình.”

Al-Fadl giễu cợt thấy rõ. “Tôi không nghĩ Kirsch là hạng người có khả năng nghe được tiếng nói của Chúa đâu.”

“Có lẽ là không,” Valdespino nói. “Nhưng phép mầu vẫn xảy ra hằng ngày mà.”

Al-Fadl nôn nóng vặn lại. “Bằng tất cả sự kính trọng, trừ phi ngài cầu nguyện rằng Chúa đánh chết Kirsch trước khi anh ta có thể công bố…”

“Thưa các ngài!” Köves xen vào, cố gắng làm giảm sự căng thẳng đang tăng lên. “Quyết định của chúng ta không cần vội vàng. Chúng ta không cần phải đạt được đồng thuận trong tối nay. Kirsch nói còn một tháng nữa mới công bố mà. Tôi xin gợi ý rằng chúng ta hãy tự suy ngẫm kỹ chuyện này và bàn bạc lại sau vài ngày nữa được không? Có lẽ phương pháp phù hợp sẽ tự hé lộ trong khi nghiền ngẫm.

“Ý kiến rất sáng suốt,” Valdespino đáp lời.

“Chúng ta không nên chờ đợi quá lâu,” al-Fadl cảnh báo.

“Chúng ta sẽ bàn bạc lại qua điện thoại sau hai ngày nữa nhé.”

“Đồng ý,” Valdespino nói. “Khi đó chúng ta có thể đưa ra quyết định cuối cùng của mình.”

Đó là hai ngày trước, và lúc này, buổi tối cho cuộc trò chuyện tiếp theo của họ đã đến.

Một mình trong phòng làm việc của mình, Giáo trưởng Köves càng thêm bồn chồn. Cuộc gọi theo hẹn vào tối nay lúc này chỉ còn ngót mươi phút nữa là đến.

Cuối cùng, điện thoại đổ chuông và Köves vồ lấy nó.

“Chào ngài, Giáo trưởng,” Giám mục Valdespino nói, nghe đầy lo lắng. “Tôi xin lỗi vì trễ hẹn.” Ông ngừng lại. “Tôi e rằng ngài Allamah al-Fadl sẽ không tham gia cuộc gọi này với chúng ta.”

“Ồ?” Köves ngạc nhiên nói. “Mọi chuyện vẫn ổn chứ?”

“Tôi không rõ. Tôi đã cố gắng liên lạc với ông ấy cả ngày rồi, nhưng có vẻ như ngài allamah đã… biến mất. Không một đồng đạo nào của ông ấy biết ông ấy ở đâu.”

Köves cảm thấy lạnh toát. “Việc đó đáng lo đấy.”

“Tôi cũng cho là thế. Tôi hy vọng ông ấy không sao. Rất tiếc là tôi có thêm tin tức.” Vị giám mục ngừng lại, giọng ông càng u ám hơn. “Tôi vừa được biết rằng Edmond Kirsch sắp tổ chức một sự kiện để chia sẻ phát hiện của mình với thế giới… vào tối nay.”

“Tối nay sao?!” Köves hỏi lại. “Anh ta nói sẽ là một tháng nữa cơ mà!”

“Phải” Valdespino nói. “Anh ta đã nói dối.”

CHƯƠNG 6

Giọng nói thân thiện của Winston lại vang lên trong chiếc tai nghe của Langdon. “Thẳng trước mặt ngài, thưa Giáo sư, ngài sẽ thấy bức tranh lớn nhất trong bộ sưu tập của chúng tôi, mặc dù hầu hết quan khách không nhận ra nó.”

Langdon phóng mắt nhìn qua tiền sảnh bảo tàng nhưng chẳng thấy gì ngoài một vách kính nhìn thẳng xuống đầm nước. “Tôi rất tiếc, tôi nghĩ mình có thể cũng nằm trong nhóm đa số ở đây. Tôi chẳng hề thấy bức tranh đâu cả.”

“Chà, nó được trưng bày rất khác thông lệ,” Winston bật cười nói. “Bức vẽ không được treo trên tường, mà ngay trên sàn nhà.”

Đáng lẽ mình phải đoán ra chứ, Langdon nghĩ, hạ ánh mắt và di chuyển về phía trước cho tới khi anh nhìn thấy bức vẽ hình chữ nhật trải dài trên nền đá dưới chân mình.

Bức tranh khổng lồ chỉ gồm một màu duy nhất, cả một trường đơn sắc màu xanh nước biển thẫm – và người xem đứng quanh rìa của nó, đăm đăm nhìn xuống như thể đang nhìn xoáy xuống một cái ao nhỏ.

“Bức tranh này cỡ năm trăm năm mươi bảy mét vuông,” – Winston cung cấp.

Langdon nhận ra nó rộng gấp mười lần kích thước căn hộ đầu tiên của mình ở Cambridge.

“Nó là tác phẩm của Yves Klein và được trìu mến biết đến với tên gọi Bể bơi.”

Langdon phải thừa nhận rằng cái sắc màu xanh dương lôi cuốn này tạo cho ông cảm giác ông có thể lao mình thẳng xuống bức tranh.

“Klein sáng chế ra màu này,” Winston nói tiếp. “Nó được gọi là màu Xanh dương Klein Quốc tế và ông ấy tuyên bố rằng chiều sâu của bức vẽ gợi lên tính vô hình và vô tận trong hình ảnh không tưởng của ông ấy về thế giới.”

Langdon cảm thấy lúc này Winston đang đọc kịch bản.

“Klein nổi tiếng nhất với những bức vẽ màu xanh dương, nhưng ông ấy cũng nổi tiếng với một bức ảnh dựng trông rất đáng sợ gọi là Nhảy vào khoảng trống, từng gây hoảng loạn khi được hé lộ năm 1960.”

Langdon từng xem bức Nhảy vào khoảng trống tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York. Bức ảnh hơi gây hoang mang khi mô tả một người đàn ông ăn mặc rất bảnh bao đang lao mình khỏi một tòa nhà cao tầng và sắp rơi xuống vỉa hè. Thực tế, đó là hình ảnh dựng – được sáng tác rất xuất sắc và chỉnh sửa cực khéo bằng một lưỡi dao cạo, rất lâu trước khi ra đời phần mềm Photoshop.

“Thêm nữa,” Winston nói. “Klein cũng sáng tác tác phẩm âm nhạc Monotone-Silence (Sự im lặng đều đều), trong đó một dàn nhạc giao hưởng từng biểu diễn chỉ với một hợp âm Rê trưởng duy nhất trong trọn vẹn hai mươi phút.”

“Và mọi người vẫn nghe à?”

“Cả nghìn người nghe. Mà một hợp âm chỉ là màn đầu. Trong màn thứ hai, dàn nhạc ngồi bất động và trình diễn ‘sự im lặng thuần túy’ suốt hai mươi phút.”

“Anh đang đùa phải không?”

“Không, tôi hết sức nghiêm túc. Nếu nói bênh vực thì màn trình diễn có lẽ không buồn chán như nghe qua vậy đâu; sân khấu còn có ba người phụ nữ khỏa thân, người thấm đẫm sơn màu lam, lăn lộn trên những tấm toan khổng lồ.”

Mặc dù Langdon dành phần lớn sự nghiệp của mình nghiên cứu về nghệ thuật, nhưng ông vẫn thấy băn khoăn chuyện mình chưa bao giờ biết rõ cách thưởng thức những đề xướng mang tính tiên phong của thế giới nghệ thuật. Sức hấp dẫn của nghệ thuật hiện đại vẫn là một bí ẩn với ông.

“Tôi không có ý xem thường, anh Winston, nhưng tôi phải nói với anh rằng tôi thường thấy khó nhận biết được khi nào thì một thứ là ‘nghệ thuật hiện đại’ và khi nào thì một thứ lại hoàn toàn là dị hợm.”

Câu trả lời của Winston nghe thật vô cảm. “Ôi dào, thường đó là một câu hỏi, phải không ạ? Trong thế giới nghệ thuật cổ điển của ngài các tác phẩm được tôn sùng nhờ kỹ năng thực hiện của nghệ sĩ – tức là, người đó đặt cây bút lên toan hay chiếc đục lên đá khéo léo đến mức nào. Thế nhưng, trong nghệ thuật hiện đại, các kiệt tác thường thiên về ý tưởng hơn là thực hiện. Chẳng hạn, bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng soạn được một bản giao hưởng dài bốn mươi phút chẳng có gì ngoài một hợp âm và sự im lặng, nhưng chỉ có Yves Klein mới là người có ý tưởng.”

“Cũng đúng.”

“Dĩ nhiên rồi, Điêu khắc Sương mù ngoài kia là một ví dụ hoàn hảo về nghệ thuật khái niệm. Nghệ sĩ có một ý tưởng – cho những đường ống đục lỗ chạy bên dưới cầu và thổi sương mù trên mặt đầm – nhưng quá trình sáng tạo tác phẩm lại được thực hiện bởi những người thợ ống nước địa phương.” Winston ngừng lại. “Mặc dù tôi dành cho nghệ sĩ điểm số rất cao vì đã sử dụng phương tiện của bà ấy như một mật mã.”

“Sương mù là một mật mã sao?”

“Đúng thế. Một tặng vật bí ẩn gửi tới kiến trúc sư của bảo tàng.”

“Frank Gehry à?”

“Frank O. Gehry,” Winston đính chính.

“Phải.”

Lúc Langdon di chuyển về phía cửa sổ, Winston nói, “Từ chỗ này ngài có góc nhìn con nhện rất đẹp. Ngài đã thấy Maman trên đường đi vào rồi chứ?”

Langdon phóng ánh mắt ra ngoài cửa sổ, qua đầm nước, về phía bức tượng con nhện đen to tướng trên quảng trường. “Vâng. Khó mà không nhìn thấy nó được.”

“Qua giọng điệu của ngài tôi cảm thấy ngài không phải là thích nó nhỉ?”

“Tôi đang cố gắng đây.” Langdon ngừng lại. “Là một người ủng hộ nghệ thuật kinh điển, ở đây tôi có phần lơ ngơ như cá rời nước vậy.”

“Hay lắm,” Winston nói. “Tôi cứ hình dung rằng ngài cũng như tất cả mọi người sẽ đánh giá cao Maman. Nó là một ví dụ hoàn hảo cho quan niệm cổ điển về đối lập tương cận*. Thực tế, có thể ngài muốn sử dụng nó trong lớp học khi ngài dạy về khái niệm này lần tới.” (đối lập tương cận, juxtaposition, là thủ pháp nghệ thuật bố trí những yếu tố đối lập nhau cạnh nhau để tăng hiệu ứng đối xứng.)

Langdon nhìn con nhện, chẳng thấy gì như vậy cả. Khi đến lúc phải dạy về nghệ thuật đối lập tương cận, Langdon thích thứ gì đó truyền thống hơn một chút. “Tôi nghĩ tôi sẽ trung thành với tác phẩm David.”

“Vâng, Michelangelo là chuẩn mực vàng rồi,” Winston bật cười nói, “quá xuất sắc khi tạo dáng cho David ở một tư thế bất đối xứng rất nữ tính, tay ngẫu nhiên cầm một chiếc ná cao su mềm oặt, càng thể hiện khả năng dễ bị tổn thương của phái nữ. Và đôi mắt David toát ra vẻ cương quyết có khả năng giết người, những sợi gân và mạch máu của anh ta phình lên trong trạng thái đề phòng gã Goliath sát nhân. Tác phẩm thanh nhã mà vẫn rất chết chóc.”

Tác giả: