CHƯƠNG 52
Casa Milà được xây dựng theo hình dáng của một ước hiệu vô cực – một đường quanh co vô tận vòng ngược trở lại và hình thành hai hố lượn sóng xuyên qua tòa nhà. Mỗi giếng trời lấy ánh sáng này sâu hơn ba mươi mét, có nhiều nếp giống như một đường ống bị sập một phần, và nhìn từ trên không, chúng giống như hai hố sụt khổng lồ trên nóc tòa nhà.
Từ chỗ Langdon đứng ở phần chân của giếng trời hẹp hơn, hiệu ứng nhìn ngược lên bầu trời đáng ngại thấy rõ – hệt như bị mắc trong cổ họng một con thú khổng lồ.
Dưới chân Langdon, nền đá dốc và không bằng phẳng. Một cầu thang xoắn ốc chạy ngược lên trong lòng đường ống, lan can của nó bằng lưới sắt mô phỏng các hốc không đều nhau của một đám bọt biển. Một khoảng nho nhỏ um tùm những cây leo xoắn xuýt và những cây cọ mọc tràn ra khỏi các lan can như thể sắp phủ kín toàn bộ không gian.
Kiến trúc sống, Langdon trầm ngâm, rất kinh ngạc trước khả năng của Gaudí khi để cho công trình của mình thấm đẫm đặc tính gần như sinh học.
Ánh mắt Langdon lại leo lên cao hơn, ngược lên hai bên ‘hẻm núi’, leo lên những bức tường cong queo, nơi một mảng ngói nâu và xanh lục hòa lẫn với những bức bích họa mô tả cây cối và hoa lá dường như đang mọc lên hướng về phía mảng trời đêm hình chữ nhật trên đỉnh cái đường ống toang hoác này.
“Thang máy lối này,” Ambra thì thào, dẫn ông men theo khoảnh sân. “Căn hộ của Edmond đi hết lên trên cùng.”
Khi họ vào trong buồng thang máy chật chội một cách khó chịu, Langdon nghĩ đến phần xép trên tầng thượng của tòa nhà, nơi ông từng ghé thăm một lần để xem phần triển lãm nho nhỏ về Gaudí tại đó. Theo ông còn nhớ, tầng áp mái Casa Milà là một loạt các phòng tối tăm, quanh co với rất ít cửa sổ.
“Edmond có thể sống ở bất kỳ đâu,” Langdon nói khi thang máy bắt đầu chạy lên. “Tôi vẫn không tin được cậu ấy lại thuê phần xép.”
“Đó là một căn hộ kỳ lạ,” Ambra tán thành. “Nhưng anh biết đấy, Edmond là một người lập dị mà.”
Khi thang máy lên đến tầng thượng, họ thoát ra một hành lang rất trang nhã và leo lên một đợt cầu thang uốn lượn nữa để tới một khoảng chiếu nghỉ riêng ở trên đỉnh tòa nhà.
“Đây rồi,” Ambra nói, ra hiệu về phía một cánh cửa kim loại sáng bóng chẳng hề có tay vặn hay lỗ khóa. Cánh cổng đầy chất vị lai chủ nghĩa này trông hoàn toàn lạc lõng trong tòa nhà và rõ ràng do Edmond thêm vào.
“Cô nói cô biết cậu ấy giấu chìa khóa ở đâu thì phải?” Langdon hỏi.
Ambra giơ điện thoại của Edmond lên. “Cũng chính là nơi dường như anh ấy cất giấu mọi thứ.”
Nàng áp chiếc điện thoại vào cánh cửa kim loại, khiến nó kêu bíp bíp ba lần và Langdon nghe thấy tiếng một loạt chốt cửa trượt mở. Ambra cất chiếc điện thoại vào túi và đẩy cửa mở ra.
“Mời anh,” nàng nói kèm một cái vung tay.
Langdon bước qua ngưỡng cửa vào một phòng nghỉ sáng lờ mờ có tường và trần bằng gạch màu nhờ nhờ. Sàn nhà bằng đá, và không khí thấy khá loãng.
Khi di chuyển qua lối vào để tới không gian mở tiếp theo, ông thấy mình đối diện với một bức vẽ rất lớn, treo ở bức tường hậu được chiếu sáng rất khéo bằng loại đèn rọi chuyên dùng cho bảo tàng.
Khi Langdon nhìn thấy tác phẩm, ông dừng sững lại. “Chúa ơi đó là… bản gốc à?”
Ambra mỉm cười. “Vâng, tôi định nói đến nó lúc trên máy bay nhưng tôi nghĩ mình sẽ gây ngạc nhiên cho anh.”
Không nói lên lời, Langdon tiến về phía kiệt tác. Nó dài gần bốn mét và cao gần mét rưỡi – lớn hơn rất nhiều so với ông còn nhớ khi ngắm nó lần trước tại Bảo tàng Mỹ thuật Boston. Mình nghe nói bức này được bán cho một nhà sưu tập vô danh, nhưng mình không hề biết đó lại là Edmond!
“Lần đầu khi tôi nhìn thấy nó trong căn hộ này,” Ambra nói, “tôi không thể tin Edmond lại có gu với phong cách nghệ thuật này. Nhưng giờ khi tôi biết những gì anh ấy đã trăn trở suốt năm nay thì bức vẽ này dường như vô cùng thích hợp.”
Langdon gật đầu, đầy hoài nghi.
Kiệt tác trứ danh này là một trong những tác phẩm đặc trưng của nghệ sĩ theo trường phái Hậu ấn tượng người Pháp Paul Gauguin – một họa sĩ mang tính đột phá, là hình mẫu của trào lưu Tượng trưng cuối những năm 1800 và giúp mở đường cho nghệ thuật hiện đại.
Khi Langdon tiến về phía bức vẽ, ông lập tức có ấn tượng rằng bảng màu của Gauguin tương tự như ở lối vào Casa Milà – một hỗn hợp màu xanh lục, màu nâu và màu xanh lam hữu cơ – cũng mô tả một khung cảnh rất vạn vật học.
Bất chấp cả đám người và động vật rất gây tò mò xuất hiện trong bức vẽ của Gauguin, ánh mắt Langdon lập tức di chuyển tới góc trên bên trái – tới một mảng vàng tươi, trên đó có ghi tên của tác phẩm này.
Langdon sửng sốt đọc dòng chữ: D’où Venons Nous / Que Sommes Nous / Où Allons Nous.
Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta là gì? Chúng ta đang đi về đâu?
Langdon tự hỏi phải chăng việc đối diện với những câu hỏi này hằng ngày khi trở về nhà mình đã truyền cảm hứng cho Edmond bằng cách nào đó.
Ambra cùng đứng trước bức vẽ với Langdon. “Edmond nói anh ấy muốn được những câu hỏi này khích lệ bất cứ khi nào anh ấy vào nhà.”
Khó mà quên được, Langdon nghĩ.
Nhìn cách Edmond trưng bày kiệt tác này một cách nổi bật như vậy, Langdon tự hỏi phải chăng chính bức vẽ này có thể cũng nắm giữ manh mối gì đó liên quan tới những gì Edmond đã phát hiện ra. Mới nhìn qua, chủ đề của bức vẽ dường như quá nguyên thủy để gợi ra được một phát hiện khoa học tiên tiến. Những nét vẽ không đồng đều mạnh mẽ mô tả một cánh rừng Tahiti nơi có những con vật và người Tahiti bản xứ cư trú.
Langdon biết rất rõ bức vẽ và theo ông nhớ, Gauguin dự kiến tác phẩm này được “đọc” từ phải sang trái – theo hướng ngược với cách đọc văn bản chuẩn mực tiếng Pháp. Và vì thế mắt Langdon nhanh chóng lần ra những nhân vật quen thuộc theo hướng ngược lại.
Ở góc xa bên phải, một đứa trẻ mới sinh ngủ trên một tảng đá, thể hiện cho khởi đầu của sự sống. Chúng ta từ đâu đến?
Ở giữa, một đám người đủ các lứa tuổi khác nhau thực hiện những hoạt động sống hằng ngày. Chúng ta là gì?
Và bên trái, một bà già hom hem ngồi một mình, trầm tư mặc tưởng, dường như đang trăn trở về cái chết của chính mình. Chúng ta đang đi về đâu?
Langdon ngạc nhiên là ông không hề nghĩ ngay đến bức vẽ này khi lần đầu tiên Edmond mô tả trọng tâm phát hiện của mình. Nguồn cội của chúng ta là gì? Số phận của chúng ta là gì?
Langdon nhìn những thành tố khác của bức vẽ – những con chó, mèo và chim, dường như chẳng làm gì cụ thể cả; một bức tượng nữ thần rất thô sơ ở hậu cảnh; một ngọn núi, mấy rễ cây xoắn xuýt và cây cối. Và, dĩ nhiên, “con chim trắng kỳ lạ” nổi tiếng của Gauguin, đậu bên cạnh bà già và, theo lời họa sĩ, biểu trưng cho “sự phù phiếm của ngôn từ”.
Phù phiếm hay không, Langdon nghĩ, thì ngôn từ vẫn là những gì chúng tôi đến đây tìm kiếm. Đáng giá đến bốn mươi bảy mẫu tự.
Nhất thời, ông tự hỏi liệu cái tiêu đề khác thường của bức vẽ có liên quan trực tiếp đến mật khẩu bốn mươi bảy mẫu tự mà họ đang tìm kiếm hay không, nhưng đếm nhanh bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh đều không khớp.
“Được rồi, chúng ta sẽ tìm kiếm một dòng thơ,” Langdon nói đầy hy vọng.
“Thư viện của Edmond ở lối này,” Ambra bảo ông. Nàng chỉ về bên trái, xuôi theo một hành lang rộng rãi mà Langdon có thể thấy được bố trí những đồ đạc rất lịch sự nằm rải rác cùng đủ loại tác phẩm và hiện vật trưng bày của Gaudí.
Edmond sống trong một bảo tàng ư? Langdon vẫn không tài nào tập trung được suy nghĩ quanh vấn đề này. Phần gác xép của Casa Milà không hẳn là nơi quen thuộc nhất ông từng thấy. Được xây dựng hoàn toàn bằng đá và gạch, về cơ bản nó là một đường hầm có khung sườn liên tục – một cái vòng tròn gồm hai trăm bảy mươi khung parabol có độ cao khác nhau, mỗi cái cách nhau một thước. Có rất ít cửa sổ, không khí rất khô và vô trùng, được xử lý rất kỹ càng để bảo vệ các tác phẩm của Gaudí.
“Tôi sẽ gặp cô sau một lát nữa,” Langdon nói. “Trước tiên, tôi phải tìm buồng vệ sinh của Edmond.”
Ambra bối rối liếc lại phía lối vào. “Edmond luôn dặn tôi sử dụng sảnh dưới nhà… anh ấy có vẻ bảo vệ phòng tắm riêng của căn hộ này một cách rất bí ẩn.”
“Hang ổ của một gã độc thân mà – phòng tắm của cậu ấy có thể rất bừa bãi và cậu ấy thấy ngại.”
Ambra mỉm cười. “Chà, tôi nghĩ nó ở lối kia.” Nàng chỉ về hướng ngược với thư viện, xuôi theo một đường hầm tối om.
“Cảm ơn. Tôi sẽ trở lại ngay.”
Ambra rời về phía văn phòng của Edmond, còn Langdon đi theo hướng ngược lại, lần theo hành lang hẹp – một đường hầm mái tò vò bằng gạch khiến ông nhớ tới một cái hang ngầm dưới đất hay một hầm mộ thời trung cổ. Kỳ lạ thay, khi ông di chuyển dọc theo đường hầm đá, hai dãy đèn cảm ứng chuyển động sáng lên dưới chân mỗi vòm parabol, chiếu sáng lối đi cho ông.
Langdon đi qua khu vực đọc sách rất trang nhã, một không gian tập thể dục nhỏ và thậm chí một phòng để thức ăn, tất cả đều bố trí rải rác nhiều bàn trưng bày các bức vẽ, phác thảo kiến trúc và mô hình 3-D các dự án của Gaudí.
Tuy nhiên, khi đi qua một chiếc bàn trưng bày có đèn sáng với những tác phẩm sinh học, Langdon dừng sững lại, ngạc nhiên trước phần mẫu vật – một hóa thạch cá thời tiền sử, một cái vỏ ốc anh vũ rất đẹp và một bộ xương rắn uốn khúc. Mất một lúc, Langdon mường tượng Edmond hẳn đích thân bày biện phần trưng bày khoa học này – có lẽ liên quan đến những nghiên cứu của anh về cội nguồn của sự sống. Sau đó, Langdon nhìn thấy lời chú thích đặt trên hộp và nhận ra rằng những mẫu vật này thuộc về Gaudí và phản ánh nhiều đặc điểm kiến trúc của căn nhà này: những vảy cá là các mẫu hoa văn gạch ốp trên tường, ốc anh vũ là đường dốc uốn khúc vào ga ra, và bộ xương rắn với hàng trăm đốt xương sườn sít nhau chính là hành lang này.