Ambra trượt xuống ghế, thu mình trên sàn xe, hoàn toàn khuất khỏi tầm nhìn. Langdon quay đầu đi khi họ cho xe chạy qua góc phố đông đúc.
“Xem ra họ đang vây lối vào chính,” ông nói. “Chúng ta sẽ không vào được.”
“Rẽ phải đi,” Winston xen vào với giọng tự tin vui vẻ. “Tôi đã lường việc này có thể xảy ra rồi.”
Blogger Héctor Marcano rầu rĩ ngước nhìn lên tầng nóc Casa Milà, vẫn đang cố gắng để chấp nhận rằng Edmond Kirsch đã thực sự ra đi.
Suốt ba năm, Héctor chuyên đưa tin về công nghệ cho Barcinno – một diễn đàn cộng tác khá quen thuộc cho các doanh nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp tiên phong của Barcelona. Có được Edmond Kirsch vĩ đại sống ngay tại Barcelona này gần như chẳng khác gì làm việc dưới chân thần Zeus.
Lần đầu Héctor gặp Kirsch là hơn một năm trước, khi nhà vị lai chủ nghĩa huyền thoại ân cần nhận lời nói chuyện tại một sự kiện hằng tháng quan trọng của Barcinno – FuckUp Night – một hội thảo trong đó một doanh nhân thành đạt công khai nói về những thất bại lớn nhất của mình. Kirsch đã bẽn lẽn thừa nhận với đám đông rằng anh đã tiêu hơn bốn trăm triệu đô la trong vòng sáu tháng để theo đuổi giấc mơ xây dựng cái anh gọi là E-Wave – một máy tính lượng tử có tốc độ xử lý cực nhanh, tạo thuận lợi cho những tiến bộ chưa từng có trong mọi ngành khoa học, đặc biệt trong việc xây dựng các hệ thống phức tạp.
“Tôi lo ngại,” Edmond thừa nhận, “cho đến giờ, sự đột phá của tôi trong lĩnh vực máy tính lượng tử là một thứ vô dụng lượng tử.”
Tối nay, khi Héctor nghe tin Kirsch có kế hoạch công bố một phát hiện chấn động, anh đã rất mừng và nghĩ rằng có thể phát hiện đó liên quan tới E-Wave. Phải chăng anh ấy đã phát hiện ra chìa khóa để làm cho nó hoạt động? Nhưng sau phần dẫn nhập đầy chất triết lý của Kirsch, Héctor nhận ra phát hiện của anh ấy là gì đó hoàn toàn khác.
Mình băn khoăn liệu chúng ta có bao giờ biết được những gì anh ấy đã tìm thấy không, Héctor ngẫm nghĩ, tim anh trĩu nặng đến mức anh phải tìm đến nhà Kirsch không phải để đăng blog, mà để tỏ lòng kính ngưỡng.
“E-Wave!” Ai đó gần đó la lên. “E-Wave!”
Xung quanh Héctor, đám đông tụ tập bắt đầu chỉ chỏ và chĩa máy quay của họ vào một chiếc Tesla đen bóng lúc này đang giảm tốc độ chầm chậm trên quảng trường và nhích dần về phía đám đông với những ngọn đèn pha halogen sáng quắc.
Héctor trân trân nhìn chiếc xe quen thuộc đầy kinh ngạc.
Chiếc Tesla Model X với biển đăng ký E-Wave của Kirsch nổi tiếng ở Barcelona chẳng kém gì chiếc xe của giáo hoàng ở Rome. Kirsch thường thể hiện màn đỗ xe song song* trên Đại lộ Provença bên ngoài cửa hàng trang sức DANIEL VIOR, nhảy ra ngoài ký lưu niệm và sau đó khiến cả đám đông thót tim bằng việc cho chế độ tự đỗ của xe điều khiển không người chạy theo một lộ trình đã lập trình trước chạy hết phố và vượt qua cả phần vỉa hè rộng rãi – các cảm biến của xe phát hiện được bất kỳ người đi bộ hay chướng ngại vật nào – cho tới khi nó tới cổng ga ra, khi đó mới mở ra, rồi chầm chậm chạy theo đường dốc xoắn ốc vào ga ra riêng bên dưới Casa Milà. (đỗ xe song song, double parking, là hành động đỗ xe song song với xe khác đã đỗ sát vỉa hè.)
Mặc dù khả năng tự đỗ là một tính năng chuẩn trên tất cả các xe Tesla – dễ dàng mở cửa ga ra, chạy thẳng vào bên trong và tự tắt máy – nhưng Edmond rất hãnh diện bẻ khóa được hệ thống chiếc Tesla của mình để tạo lộ trình phức tạp hơn.
Màn trình diễn luôn vậy.
Tối nay cảnh tượng lạ lùng hơn nhiều. Kirsch đã chết, nhưng chiếc xe của anh lại vừa xuất hiện, chạy chầm chậm tới Phố Provença, tiếp tục vượt qua vỉa hè, căn thẳng với cửa ga ra và nhích dần về phía trước khi mọi người tránh đường.
Các phóng viên và quay phim đổ xô tới cỗ xe, nheo mắt nhìn qua các ô cửa phủ màu và la lên đầy ngạc nhiên.
“Trống không! Không có ai lái xe! Nó từ đâu về nhỉ?!”
Nhân viên an ninh của Casa Milà rõ ràng đã chứng kiến trò diễn này trước đó, và họ ngăn mọi người đứng xa chiếc Tesla và cửa ga ra khi cửa mở ra.
Với Héctor, cảnh tượng chiếc xe không người của Edmond bò vào ga ra gợi lên những hình ảnh một chú chó bị bắt mất tìm trở về nhà sau khi mất chủ.
Như một bóng ma, chiếc Tesla lặng lẽ chạy qua cửa ga ra, và đám đông vỡ òa trong tiếng hò reo đầy cảm xúc khi nhìn thấy chiếc xe thân yêu của Edmond, như vẫn vậy rất nhiều lần trước đó, bắt đầu bò xuống đường dốc xoắn ốc để chui vào khu vực đỗ xe ngầm đầu tiên của Barcelona.
“Tôi không biết anh lại mắc chứng sợ không gian kín,” Ambra thì thào, nằm ngay bên cạnh Langdon trên sàn chiếc Tesla. Họ bị nhồi nhét trong một diện tích chật chội giữa hàng ghế thứ hai và thứ ba, nấp bên dưới một tấm phủ xe hơi bằng vinyl màu đen mà Ambra lấy từ khu vực để hàng hóa, rất khó nhìn thấy qua những ô cửa sổ màu.
“Tôi sẽ sống sót thôi mà,” Langdon run run gắng gượng, cảm thấy lo lắng về chiếc xe tự lái hơn là nỗi ám ảnh của mình. Ông cảm nhận được chiếc xe đang đi xuống theo một đường xoắn ốc rất dốc và sợ nó sẽ đâm va bất kỳ lúc nào.
Hai phút trước, khi họ còn đỗ song song trên Phố Provença, bên ngoài cửa hàng trang sức DANIEL VIOR, Winston đã nói với họ những chỉ dẫn rõ như pha lê.
Ambra và Langdon, không hề rời khỏi xe, leo ra phía sau chỗ hàng ghế thứ ba của chiếc Model X, sau đó chỉ với động tác bấm một nút duy nhất trên chiếc điện thoại, Ambra đã kích hoạt chế độ tự đỗ thiết kế riêng của chiếc xe.
Trong bóng tối, Langdon cảm nhận được chiếc xe tự lái chầm chậm dọc phố. Và với cơ thể của Ambra áp sát vào người ông trong không gian chật hẹp, ông không thể không nhớ lại trải nghiệm thời niên thiếu đầu tiên của mình ở ghế sau một chiếc xe hơi cùng một cô gái xinh xắn. Khi đó mình còn lo lắng hơn ấy chứ, ông nghĩ thầm, điều có vẻ khá mỉa mai nếu xét đến việc lúc này ông đang nằm tráo đầu đuôi cùng hoàng hậu tương lai của Tây Ban Nha trong một chiếc xe không người lái.
Langdon cảm thấy chiếc xe trườn thẳng tới khi chạm đáy đường dốc, thực hiện vài lần rẽ từ từ, sau đó dừng hẳn lại.
“Các vị đến nơi rồi,” Winston nói.
Ngay lập tức Ambra kéo tấm vải nhựa ra và thận trọng ngồi dậy, ghé mắt nhìn ra ngoài cửa sổ.
“Không có ai,” nàng nói, lồm cồm bò dậy.
Langdon chui ra sau nàng, cảm thấy nhẹ nhõm khi đứng trong không gian mở của ga ra.
“Cầu thang máy trong sảnh chính,” Ambra nói, ra hiệu về phía đường dốc uốn lượn cho xe chạy.
Tuy nhiên, ánh mắt Langdon đột nhiên sững lại bởi một cảnh tượng hoàn toàn bất ngờ. Tại đây, trong cái ga ra đỗ xe ngầm này, trên bức tường xi măng ngay trước mặt khu vực đỗ xe của Edmond có treo một bức tranh lồng khung rất lịch sự mô tả cảnh biển.
“Ambra?” Langdon nói. “Edmond trang trí chỗ đỗ xe của mình bằng một bức tranh à?”
Nàng gật đầu. “Tôi cũng đã hỏi anh ấy chính câu hỏi này. Anh ấy bảo đó là cách mỗi tối khi về nhà, anh ấy lại được một người đẹp rạng rỡ chào đón.”
Langdon cười. Đúng là đám độc thân.
“Họa sĩ là một người Edmond rất kính trọng,” Winston nói, giọng anh ta giờ tự động chuyển sang chiếc điện thoại di động của Kirsch ở trong tay Ambra. “Ngài có nhận ra vị ấy không?”
Langdon không biết. Bức vẽ dường như không có gì hơn là một cảnh biển bằng màu nước hoàn chỉnh – chẳng giống gì với cái gu trường phái tiên phong thường thấy của Edmond.
“Là Churchill,” Ambra nói. “Edmond trích lời ông ấy suốt.”
Churchill. Langdon cần một lúc mới nhận ra nàng đang nói đến không ai khác hơn là Winston Churchill, chính trị gia nổi tiếng của Anh, người mà, ngoài việc là một anh hùng quân sự, sử gia, nhà hùng biện và tác giả đoạt giải Nobel, còn là một họa sĩ tài năng xuất chúng. Giờ Langdon nhớ Edmond từng trích lời ngài thủ tướng Anh để đáp lại bình luận của ai đó đưa ra về những tín đồ tôn giáo ghét anh: Quý vị có kẻ thù ư? Tốt. Như thế có nghĩa quý vị đã đứng lên vì một điều gì đó!
“Chính sự đa tài của Churchill gây ấn tượng với Edmond nhất,” Winston nói. “Con người hiếm khi thể hiện sự tài giỏi trong nhiều lĩnh vực hoạt động như vậy.”
“Và đó là lý do tại sao Edmond đặt tên cho anh là ‘Winston’ phải không?”
“Đúng vậy”, máy tính trả lời. “Sự tán dương quá cao từ Edmond.”
Mừng là mình đã hỏi, Langdon nghĩ thầm, cứ đinh ninh rằng cái tên của Winston là ám chỉ đến Watson – chiếc máy tính IBM từng thống trị chương trình trò chơi truyền hình Jeopardy! mười năm trước. Hẳn nhiên, có thể lúc này Watson bị xem là một con vi khuẩn đơn bào, cổ xưa trên bậc thang tiến hóa của trí thông minh nhân tạo.
“Được rồi,” Langdon nói, di chuyển về phía thang máy. “Chúng ta hãy lên gác và thử tìm những gì chúng ta đến đây để kiếm nào.”
Cũng chính vào thời điểm ấy, bên trong Nhà thờ lớn Almudena của Madrid, Tư lệnh Diego Garza đang nắm chặt điện thoại của mình và sững sờ nghe trong khi điều phối viên quan hệ công chúng của cung điện Mónica Martín cập nhật tình hình cho ông.
Valdespino và Hoàng tử Julián ra khỏi phạm vi an toàn của cung điện ư?
Garza không thể hình dung nổi những gì họ đang nghĩ.
Họ lái xe qua Madrid trong một chiếc xe thầy tu ư? Quả là điên rồ!
“Chúng tôi có thể liên lạc với các cơ quan chức năng ngành giao thông,” Martín nói. “Suresh tin họ có thể dùng các máy quay giao thông để giúp lần theo…”
“Không!” Garza tuyên bố. “Báo cho bất kỳ ai biết sự thật rằng Hoàng tử ra khỏi cung điện mà không có an ninh là quá nguy hiểm! Sự an toàn của ông ấy là mối quan tâm cơ bản của chúng ta.”
“Rõ, thưa sếp,” Martín nói, đột nhiên cảm thấy bồn chồn. “Còn chuyện nữa ngài nên biết. Đó là về nhật ký một cuộc gọi bị xóa mất.”
“Khoan đã,” Garza nói, bị phân tâm bởi sự xuất hiện của bốn đặc vụ Cận vệ, những người mà, trước sự hoang mang của ông, đang sải bước tới và vây quanh ông. Garza chưa kịp phản ứng thì các đặc vụ đã thành thục tước vũ khí cùng điện thoại của ông.
“Tư lệnh Garza,” đặc vụ đứng đầu nói, gương mặt lạnh băng. “Tôi có lệnh trực tiếp bắt giữ ngài.”