“Đúng vậy,” nam phát thanh viên lên tiếng. “Và bên trên cái chết bị bủa vây bởi những mưu đồ của Kirsch, còn bùng nổ những suy đoán về bản chất phát hiện của ông ấy.” Ông nhìn thẳng vào máy quay. “Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta đang đi về đâu? Hai câu hỏi đầy lôi cuốn.”
“Và để trả lời cho những câu hỏi này,” nữ phát thanh viên nói thêm đầy hào hứng, “chúng tôi có hai người phụ nữ tài năng – một giáo sĩ Anh giáo từ Vermont và một nhà sinh vật tiến hóa từ UCLA*. Chúng tôi sẽ trở lại sau giờ giải lao cùng với những suy nghĩ của họ.” (UCLA là Đại học California, Los Angeles.)
Martín đã biết những suy nghĩ của họ – các cực đối lập, nếu không họ đã không lên chương trình của các vị. Hẳn nhiên vị mục sư sẽ nói gì đó đại loại: “Chúng ta từ Chúa mà ra và chúng ta sẽ về với Chúa,” còn nhà sinh vật sẽ trả lời, “Chúng ta tiến hóa từ vượn và chúng ta sẽ tuyệt chủng.”
Họ sẽ chẳng chứng minh được gì ngoại trừ việc chúng ta sẽ xem bất kỳ điều gì nếu thổi phồng đủ mức độ.
“Mónica!” Suresh hét gọi ở gần đó.
Martín quay lại thấy anh chàng giám đốc an ninh điện tử bước vòng qua góc nhà, rõ ràng đang chạy lại.
“Chuyện gì thế?” cô hỏi.
“Giám mục Valdespino vừa gọi cho tôi,” anh nói không ra hơi.
Cô tắt tiếng TV. “Giám mục gọi cho… anh? Ông ấy có nói với anh ông ấy đang làm cái quái gì không?!”
Suresh lắc đầu. “Tôi không hỏi, và ông ấy không nói. Ông ấy gọi để biết xem liệu tôi có thể kiểm tra gì đó trên các máy chủ điện thoại của chúng ta không.”
“Tôi không hiểu.”
“Cô biết là giờ ConspiracyNet đang đưa tin nói rằng có người trong cung điện này gọi một cuộc điện thoại tới Guggenheim ngay trước sự kiện tối nay – một đề nghị để Ambra Vidal thêm tên Ávila vào danh sách khách mời như thế nào chứ?”
“Biết. Và tôi đã đề nghị anh nghiên cứu kỹ việc đó.”
“Chà, Valdespino ủng hộ đề nghị của cô. Ông ấy gọi để nhờ tôi truy cập vào tổng đài của cung điện và tìm lại nhật ký cuộc gọi đó để xem liệu tôi có thể lần ra nó xuất phát từ chỗ nào trong hoàng cung không, với hy vọng nắm rõ được ai ở đây có thể thực hiện cuộc gọi đó.”
Martín cảm thấy bối rối, cứ ngỡ rằng chính Valdespino mới là đối tượng tình nghi chắc chắn nhất.
“Theo Guggenheim,” Suresh nói tiếp, “quầy lễ tân của họ nhận được cuộc gọi từ số chính của Hoàng cung Madrid vào tối nay, ngay trước sự kiện. Cuộc gọi đó có trong nhật ký điện thoại của họ. Nhưng đây mới là vấn đề. Tôi đã tìm hiểu nhật ký tổng đài của chúng ta để kiểm tra các cuộc gọi đi vào cùng thời điểm đó.” Anh lắc đầu. “Không thấy gì. Không hề có cuộc gọi nào. Ai đó đã xóa nhật ký cuộc gọi từ hoàng cung tới Guggenheim.”
Martín chăm chú nhìn đồng nghiệp của mình một lúc lâu. “Ai có quyền truy cập để làm việc đó?”
“Chính xác thì đó cũng là những gì Valdespino hỏi tôi. Và vì thế tôi nói với ông ấy sự thật. Tôi bảo ông ấy rằng tôi, với tư cách trưởng nhóm an ninh điện tử, có thể xóa hồ sơ, nhưng tôi không hề làm việc đó. Và rằng người duy nhất khác có thẩm quyền và truy cập được vào những hồ sơ đó là Tư lệnh Garza.”
Martín trân trối nhìn. “Anh nghĩ Garza can thiệp vào nhật ký điện thoại của chúng ta à?”
“Hoàn toàn có lý mà,” Suresh nói. “Công việc của Garza, nói cho cùng, là bảo vệ hoàng cung và giờ đây, nếu có bất kỳ cuộc điều tra nào và chừng nào hoàng cung có liên can, thì đã không hề có cuộc gọi nào cả. Về mặt kỹ thuật, chúng ta có khả năng phủ nhận một cách hợp lý. Xóa nhật ký để giúp hoàng cung thoát hiểm.”
“Thoát hiểm ư?” Martín hỏi lại. “Rõ ràng cuộc gọi đó đã được thực hiện! Ambra đưa Ávila vào danh sách khách mời! Và bộ phận lễ tân của Guggenheim sẽ xác thực…”
“Đúng, nhưng giờ đó chỉ là lời của một nhân viên lễ tân trẻ tuổi ở một bảo tàng đối lập với cả Hoàng cung. Theo nhật ký của chúng ta, đơn giản là cuộc gọi đó không hề xảy ra.”
Đánh giá không lấy gì làm mới mẻ của Suresh có vẻ lạc quan thái quá với Martín. “Và anh nói với Valdespino toàn bộ điều này?”
“Đó là sự thật mà. Tôi bảo với ông ấy rằng dù thực tế Garza có thực hiện cuộc gọi hay không thì có vẻ như Garza đã xóa nó đi nhằm bảo vệ hoàng cung.” Suresh ngừng lại. “Nhưng sau khi tôi kết thúc cuộc gọi với Giám mục, tôi mới nhận ra chuyện khác.”
“Là gì?”
“Về mặt kỹ thuật, còn một người thứ ba có quyền truy cập vào máy chủ.” Suresh lo lắng liếc quanh phòng và nhích lại gần hơn. “Mã đăng nhập của Hoàng tử Julián cho ngài ấy quyền truy cập vào toàn bộ các hệ thống.”
Martín trân trối nhìn. “Thật vớ vẩn.”
“Tôi biết việc đó nghe điên khùng,” anh nói, “nhưng Hoàng tử cũng ở trong cung, một mình trong căn hộ của ngài ấy, vào thời điểm cuộc gọi được thực hiện. Ngài ấy có thể dễ dàng thực hiện nó và sau đó đăng nhập vào máy chủ và xóa đi. Phần mềm rất dễ sử dụng và Hoàng tử là một người sành sỏi công nghệ hơn mọi người nghĩ nhiều.”
“Suresh,” Martín gắt, “anh thật sự nghĩ Hoàng tử Julián – Đức vua tương lai của Tây Ban Nha – lại đích thân phái một sát thủ vào Bảo tàng Guggenheim để giết Edmond Kirsch sao?”
“Tôi không biết,” anh nói. “tất cả những gì tôi nói là điều đó có thể.”
“Tại sao Hoàng tử Julián cần làm một việc như thế?!”
“Cô và tất cả mọi người không nên hỏi thế. Còn nhớ toàn bộ cái tin tức tệ hại mà cô phải xử lý nói về Ambra và Edmond Kirsch dành thời gian cùng nhau chứ? Cái vụ anh ta bay cùng cô ấy tới căn hộ của anh ta ở Barcelona ấy?”
“Họ cùng làm việc! Đó là công việc!”
“Chính trị là tất cả mọi phương diện,” Suresh nói. “Cô dạy tôi như vậy. Và cô cùng tôi đều biết lời cầu hôn của Hoàng tử đã không diễn ra công khai theo cách ngài ấy hình dung.”
Điện thoại Suresh có tín hiệu và anh đọc tin nhắn gửi đến, gương mặt anh hiện rõ vẻ không tin nổi.
“Chuyện gì vậy?” Martín gặng hỏi.
Không nói một lời, Suresh quay người và chạy về phía trung tâm an ninh.
“Suresh!” Martín giụi tắt điếu thuốc của mình và chạy theo anh ta, gặp anh ta tại một trong mấy khu vực làm việc của nhóm kỹ thuật viên, nơi anh ta và họ đang cho chạy một đoạn băng giám sát khá nhiễu.
“Chúng ta đang xem chỗ nào vậy?” Martín gặng hỏi.
“Lối thoát sau nhà thờ lớn,” kỹ thuật viên nói. “Năm phút trước.”
Martín và Suresh cùng cúi xem đoạn video cho thấy một thầy tu trẻ ra khỏi phía sau nhà thờ lớn, vội vã men theo Phố Calle tương đối yên tĩnh, mở khóa một chiếc xe mui kín hiệu Opel đã cũ và leo lên.
Tốt lắm, Martín nghĩ, anh ta về nhà sau lễ mi-xa. Vậy thì sao nhỉ?
Trên màn hình, chiếc Opel vọt ra, chạy một quãng ngắn, sau đó chạy gần một cách bất thường tới cổng sau của nhà thờ lớn – cũng chính là cánh cổng mà thầy tu vừa thoát ra. Gần như ngay lập tức, hai bóng đen lách qua cổng ra ngoài, cúi thật thấp và leo lên ghế sau chiếc xe của thầy tu trẻ. Hai hành khách – không phải nghi ngờ gì nữa – chính là Giám mục Valdespino và Hoàng tử Julián.
Một lúc sau, chiếc Opel phóng vút đi, biến mất ở góc đường và ra khỏi khung hình.
CHƯƠNG 51
Tọa lạc như một ngọn núi được đẽo gọt nham nhở ở góc Phố Provença và Đại lộ Gràcia, kiệt tác năm 1906 của Gaudí mang tên Casa Milà là một công trình nửa căn hộ – một tác phẩm nghệ thuật phi thời gian.
Được Gaudí sáng tạo như một đường cong liên tục, có thể ngay lập tức nhận ra kết cấu chín tầng này nhờ phần mặt tiền bằng đá vôi phồng lên của nó. Các ban công lệch cùng đặc điểm hình học không đều của tòa nhà khiến cho nó mang khí vị của một sinh thể, như thể cả thiên niên kỷ gió dập mưa vùi đã đẽo gọt lên các khoảng trống và những đường cong giống như trong một hẻm núi ở hoang mạc.
Mặc dù công trình thiết kế hiện đại chủ nghĩa gây sốc của Gaudí mới đầu bị khu vực này xa lánh nhưng Casa Milà được giới phê bình nghệ thuật khắp thế giới ca ngợi và nhanh chóng trở thành một trong những món đồ trang sức kiến trúc sáng giá nhất của Barcelona. Trong ba thập kỷ, Pere Milà, doanh nhân đặt làm tòa nhà, đã sống cùng vợ trong căn hộ chính rộng rãi và cho thuê hai mươi căn hộ còn lại của tòa nhà. Cho đến giờ, Casa Milà – tại địa chỉ số 92 Đại lộ Gràcia – được coi là một trong những địa chỉ được thèm muốn và riêng biệt nhất trên toàn bộ đất nước Tây Ban Nha.
Khi Robert Langdon cho chiếc Tesla của Kirsch chạy dọc đại lộ trồng cây rất đẹp với mật độ giao thông thưa thớt, ông cảm thấy họ sắp đến nơi. Đại lộ Gràcia là một phiên bản Champs-Élysées của Paris ở Barcelona – đại lộ rộng rãi và đẹp nhất, có cảnh trí miễn chê và hai bên toàn những gian hàng của các nhà thiết kế.
Chanel… Gucci… Cartier… Longchamp…
Cuối cùng, Langdon cũng nhìn thấy nó, cách đó hai trăm mét.
Được chiếu sáng dìu dịu từ bên dưới, chất đá vôi lỗ chỗ nhờn nhợt cùng những ban công thuôn thuôn của Casa Milà khiến nó khác hẳn với những công trình vuông thành sắc cạnh kề bên – cứ như thể một mảng san hô đại dương đẹp mắt vừa dạt vào bờ biển và nằm yên trên bãi biển toàn những gạch xỉ vậy.
“Tôi sợ thứ này,” Ambra nói, vội vã chỉ tay xuôi theo hướng đại lộ đẹp mắt. “Nhìn xem.”
Langdon đưa mắt về phía vỉa hè rộng rãi ngay trước Casa Milà. Xem ra có tới nửa tá xe truyền thông đỗ phía trước và cả đám nhà báo đang đưa tin cập nhật trực tiếp, lấy nơi ở của Kirsch làm phông nền. Vài nhân viên an ninh được bố trí để cách ly đám đông khỏi lối vào. Cái chết của Edmond có vẻ như đã biến những gì liên quan đến anh thành một bản tin thời sự.
Langdon nhìn một lượt Đại lộ Gràcia tìm một chỗ đỗ xe, nhưng ông chẳng thấy và lượng xe qua lại di chuyển liên tục.
“Cúi xuống,” ông giục Ambra, nhận ra mình chẳng còn lựa chọn nào ngoài việc lái thẳng qua góc phố nơi tất cả báo chí tập hợp.